Hơi khói hàn: mối đe dọa không thể bỏ qua

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

Hơi khói hàn đem lại một mối nguy hại nghiêm trọng cho bất kỳ ai hít phải chúng. Vậy làm thế nào để giúp xác định các biện pháp kiểm soát hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro do hơi khói hàn gây ra.

Các loại khói hàn là một hỗn hợp phức tạp bao gồm ô xít kim loại, silic và fluorit. Khói hình thành khi kim loại được đốt cháy trên mức nóng chảy cho phép và hơi kim loại sẽ ngưng tụ thành những phân tử rất mịn (các hạt dạng rắn). Thợ hàn là những người chịu rủi ro cao nhất đối với phơi nhiễm hơi khói hàn, những người làm việc xung quanh thợ hàn cũng hít phải những hơi khí độc này. Dạng phơi nhiễm này đặc biệt có hại đối với môi trường làm việc trong nhà hoặc trong các không gian hạn chế nơi khói không thể tan và các mức nguy hiểm có thể hình thành.

Khói hàn được hình thành từ các thành phần kim loại khác nhau và mỗi loại khói hoàn toàn khác nhau tùy thuộc vào nguyên liệu được dùng để hàn, điện cực được sử dụng và hình thức hàn. Các khí bay lơ lửng và khói được tạo ra hoặc có mặt trong suốt quá trình hàn bao gồm: Nitrous oxide, Carbon dioxide, Carbon monoxide, Argon, Helium, Ozone, Khói kim loại như mangan và chromium

Những ảnh hưởng tới sức khỏe của việc tiếp xúc trong thời gian ngắn với các hơi khói này có thể bao gồm sưng tấy mắt, mũi, họng; choáng váng và buồn nôn. Những ảnh hưởng do tiếp xúc trong thời gian dài có thể bao gồm chứng hen nghề nghiệp, viêm phổi, suy giảm chức năng kéo dài, loét dạ dày, phá hủy thận, phá hủy hệ thần kinh và gây ra các chứng bệnh ung thư như phổi, thanh quản và đường tiết niệu.

Làm thế nào để giảm thiểu các rủi ro

Xóa bỏ nguồn phơi nhiễm là cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm với hơi khói hàn. Nếu không thể làm được điều này, cần áp dụng các biện pháp kiểm soát khác. WorkSafe BC gợi ý các biện pháp kiểm soát sau đây theo thứ tự mức độ hiệu quả:

1. Xóa bỏ và tìm cách thay thế

Xóa bỏ nguy cơ bằng cách thay thế một quy trình hoặc vật liệu an toàn hơn là biện pháp kiểm soát hiệu quả nhất.

– Có thể sử dụng các vật liệu khác, ít nguy hại hơn (như que hàn không có mangan) không?

– Có thể sử dụng quy trình tạo ra ít hơi và khói như kỹ thuật ghép nối nguội không?

– Các thiết kế đã được cải tiến có thể giảm thiểu được lượng công việc liên quan đến hàn không?

2. Kiểm soát kỹ thuật

Thay đổi cơ sở vật chất, thiết bị và các quy trình có thể giảm thiểu được phơi nhiễm.

– Hệ thống thông gió chung có thể được cải thiện không?

– Hệ thống quạt gió có thể được thiết lập để thổi khói từ vị trí người thợ hàn và các công nhân làm việc khác không?

– Hệ thống thông khí thải cục bộ có thể được sử dụng để loại bỏ khí độc không?

– Các giá xoay có thể được sử dụng để thợ hàn có thể ngồi và bố trí nguyên liệu sao cho hơi và khói hàn không tạt vào mặt họ không?

3. Các biện pháp kiểm soát hành chính

Điều chỉnh thông lệ và chính sách làm việc, sử dụng các công cụ cảnh báo và tập huấn có thể hạn chế được rủi ro phơi nhiễm hơi và khói hàn.

– Một kế hoạch đã được phát triển để kiểm soát phơi nhiễm?

– Các biển cảnh báo được đặt ở khu vực làm việc?

– Công nhân có được sắp xếp lịch làm việc tránh xa khỏi các khu vực đang tiến hành một khối lượng lớn công việc liên quan đến hàn?

– Có thể cung cấp các khu vực riêng để làm việc và thay đồ không?

– Có thể triển khai một chương trình nhận thức về vệ sinh không?

4. Phương tiện bảo vệ cá nhân

Đây là biện pháp kiểm soát tối thiểu nhất được lựa chọn và phải được sử dụng cùng với ít nhất một biện pháp kiểm soát khác.

– Công nhân đã có mặt nạ, kính và quần áo bảo hộ phù hợp chưa?

– Công nhân đã được kiểm tra độ vừa vặn để bảo đảm mặt nạ bảo vệ phát huy được hiệu quả?

– Phương tiện bảo vệ cá nhân được kiểm tra để bảo đảm thực hiện đúng chức năng?

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: www.ccohs.ca)