Kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm chì

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:15(GMT +7)

Người sử dụng lao động được yêu cầu xây dựng và thực hiện một kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm để giảm thiểu người lao động tiếp xúc với chì nếu:

– Người lao động đang hoặc có thể tiếp xúc hạt có chứa chì trong không khí.

– Người lao động tiếp xúc qua bất kỳ con đường xâm nhập nào có thể làm tăng nồng độ trong máu.

Chì là một chất ALARA (as low as reasonable achievable), có nghĩa là mức độ phơi nhiễm của người lao động phải được giữ ở mức thấp nhất có thể thực hiện được một cách hợp lý.

Các kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm giải thích các quy trình làm việc và các biện pháp kiểm soát khác sẽ được sử dụng để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm chì của người lao động. Các kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm phải bao gồm các bước chi tiết để loại bỏ rủi ro, hoặc để kiểm soát và giảm thiểu rủi ro, bằng cách:

– Thay thế bằng các vật liệu an toàn hơn nếu có thể, hoặc:

– Sử dụng các biện pháp kiểm soát kỹ thuật, biện pháp kiểm soát hành chính, và phương tiện bảo vệ cá nhân.

Tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc ALARA cũng như giới hạn tiếp xúc, và bảo vệ da và cơ quan hô hấp thích hợp là những yếu tố cần thiết của các kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm. Người sử dụng lao động phải đảm bảo rằng một người có chuyên môn thực hiện đánh giá rủi ro chính thức để xác định người lao động nào có thể tiếp xúc với các chất ô nhiễm chì và mức độ phơi nhiễm. Đánh giá rủi ro không chỉ áp dụng để đánh giá đối với chì mà còn áp dụng để đánh giá các phương pháp đã được sử dụng để di dời hoặc xử lý chì.

Ai cần kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm chì?

Người sử dụng lao động có thể yêu cầu các kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm chì, gồm:

– Nhà máy tinh chế và luyện chì.

– Cửa hàng sửa chữa bộ tản nhiệt.

– Nhà sản xuất các sản phẩm chứa chì (ví dụ, sơn, nhựa và gốm).

– Cơ sở tái chế (pin, gỗ sơn, và kim loại phế liệu).

– Nhà thầu xây dựng và phá dỡ.

– Nhà thầu phá dỡ chì.

– Nhà tư vấn vật liệu nguy hại.

– Cơ sở bảo trì trường học.

– Ban quản lý tòa nhà thương mại.

– Thợ sơn và thợ hàn.

Các yếu tố của một kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm

Mỗi nơi làm việc đều khác nhau, vì vậy người sử dụng lao động cần xây dựng một kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm dành riêng cho nơi làm việc của mình. Các kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm phải được xây dựng bởi người có chuyên môn.

Kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm phải bao gồm:

– Bản tuyên bố về mục đích

– Trách nhiệm của người sử dụng lao động, người giám sát và người lao động.

– Nhận dạng và đánh giá rủi ro.

– Biện pháp kiểm soát rủi ro.

– Quy trình làm việc an toàn bằng văn bản.

– Huấn luyện và đào tạo người lao động.

– Các hồ sơ bằng văn bản.

– Các thiết bị vệ sinh và quy trình khử nhiễm.

– Theo dõi sức khỏe.

Bản tuyên bố về mục đích

Mục tiêu của kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm là để phòng ngừa việc tiếp xúc có hại của người lao động với các hóa chất (bao gồm chì) ở nơi làm việc. Sau đây là ví dụ về một bản tuyên bố về mục tiêu điển hình:

[Tên của người sử dụng lao động] cam kết cung cấp một nơi làm việc an toàn và mạnh khỏe cho tất cả người lao động của chúng tôi. Các biện pháp sẽ được sử dụng để đạt được mục tiêu này, bao gồm các công nghệ kiểm soát hiệu quả nhất hiện có. Các quy trình làm việc của chúng tôi sẽ bảo vệ không chỉ người lao động đang làm việc mà còn còn bảo vệ cả những công nhân khác đi vào nơi làm việc của chúng tôi. Tất cả công nhân phải tuân thủ các quy trình được miêu tả trong bản kế hoạch này để phòng ngừa và giảm thiểu việc tiếp xúc với các vật liệu có chứa chì.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động, người giám sát an toàn và người lao động

Người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau:

– Đảm bảo các nguồn lực (ví dụ, quy trình làm việc an toàn, đào tạo công nhân và PPE) cần thiết để thực hiện và duy trì kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm phải luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào và khi nào được yêu cầu.

– Lựa chọn, thực hiện và chú thích các biện pháp kiểm soát phù hợp tại nơi làm việc cụ thể.

– Đảm bảo rằng người giám sát và người lao động được đào tạo và huấn luyện đến mức năng lực có thể chấp nhận được.

– Đảm bảo người lao động sử dụng PPE phù hợp (ví dụ, bộ áo liền quần dùng một lần, kính bảo vệ mắt và mặt nạ phòng hơi khí độc).

– Thực hiện việc đánh giá định kỳ về hiệu quả của kế hoạch. Điều này bao gồm việc xem xét các công nghệ kiểm soát hiện có để đảm bảo rằng các công nghệ này được lựa chọn và sử dụng khi thích hợp.

– Lưu trữ hồ sơ huấn luyện và kiểm tra.

– Đảm bảo rằng một bản sao kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm được cung cấp cho người lao động.

Người giám sát an toàn

Người giám sát an toàn có các trách nhiệm sau:

– Đảm bảo người lao động được hướng dẫn đầy đủ các biện pháp kiểm soát tại nơi làm việc.

– Đảm bảo người lao động đang sử dụng PPE phù hợp.

– Nếu người lao động yêu cầu mặt nạ phòng độc, đảm bảo rằng chúng đã được thử nghiệm độ kín khít và kết quả thử nghiệm phải được ghi lại.

– Hướng dẫn thực hiện công việc theo cách loại bỏ hoặc giảm thiểu rủi ro cho người lao động.

Người lao động

Người lao động có các trách nhiệm sau:

– Biết về các mối nguy tại nơi làm việc.

– Tuân thủ quy trình làm việc an toàn đã được thiết lập trực tiếp bởi người sử dụng lao động hoặc người gián sát an toàn.

– Sử dụng bất kỳ PPE bắt buộc nào theo đúng hướng dẫn.

– Báo cáo bất kỳ điều kiện hoặc hành vi không an toàn nào cho người giám sát an toàn.

– Biết cách thức và thời điểm báo cáo các sự cố phơi nhiễm.

Nhận dạng mối nguy và đánh giá rủi ro

Người sử dụng lao động phải đảm bảo rằng các mối nguy tiềm ẩn tại nơi làm việc phải được nhận dạng và những rủi ro liên quan đến các mối nguy này phải được đánh giá. Nếu có vật liệu chứa chì tại nơi làm việc mà gây ảnh hưởng thì người sử dụng lao động phải thực hiện những điều sau trước khi tiến hành công việc:

– Thực hiện một cuộc khảo sát để nhận hiện các mối nguy tiềm ẩn về chì.

– Đánh giá rủi ro liên quan đến các mối nguy này.

– Kiểm soát rủi ro bằng cách loại bỏ hoặc giảm thiểu chúng.

Giới hạn tiếp xúc

Giới hạn tiếp xúc nghề nghiệp trong 8 tiếng đối với chì trong không khí là 0,05mg/m3. Vì chì được nghi là chất gây ung thư ở người, nên nguyên tắc ALARA cũng được áp dụng, và tiếp xúc nghề nghiệp phải được giảm xuống mức thấp nhất có thể đạt được được một cách hợp lý dưới giới hạn tiếp xúc.

Kiểm soát rủi ro

Kiểm soát rủi ro là biện pháp được sử dụng để loại bỏ rủi ro cho người lao động hoặc nếu không thể loại bỏ được thì sẽ giảm thiểu rủi ro.

Hệ thống cấp bậc kiểm soát

Một vài loại biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn các biện pháp khác, nhưng không phải lúc nào cũng khả thi khi sử dụng giải pháp hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, bất cứ khi nào có thể, các biện pháp kiểm soát phải được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:

1. Thay thế quy trình hoặc vật liệu ít nguy hiểm hơn (ví dụ, thay thế sơn chứa chì bằng sơn không chì).

2. Sử dụng các biện pháp kỹ thuật, như hệ thống ngăn chặn (ví dụ, rào chắn hoặc bao che) và hệ thống thông gió khí thải cục bộ.

3. Sử dụng các biện pháp hành chính như lên lịch làm việc (giới hạn thời gian làm việc theo ca đối với những công nhân tiếp xúc với chì), sử dụng hợp lý các thiết bị giặt rửa, và thiết lập một chương trình giám sát máu.

4. Sử dụng PPE. PPE được xem là biện pháp cuối cùng và chỉ nên sử dụng khi các biện pháp khác không khả thi, hoặc sử dụng kèm với các biện pháp khác. Việc sử dụng và thải bỏ PPE đúng cách cũng phải được cân nhắc.

Các biện pháp kiểm soát nơi làm việc phải dựa trên đánh giá rủi ro được thực hiện bởi người có chuyên môn.

Quy trình làm việc an toàn bằng văn bản

Các quy trình làm việc an toàn bằng văn bản miêu tả cách thực hiện các công việc cụ thể một cách an toàn và hiệu quả. Nhìn chung, các quy trình làm việc an toàn được viết cho:

– Các công việc nguy hiểm.

– Các công việc phức tạp, để các bước quan trọng không được bỏ qua.

– Các công việc thực hiện thường xuyên.

– Các công việc ít thường xuyên hơn, để nhắc nhở người lao động về các mối nguy và cách kiểm soát rủi ro.

Các quy trình làm việc an toàn bằng văn bản phải chi tiết về nhiệm vụ và bao gồm bất kỳ PPE bắt buộc nào, khi nào nó được sử dụng, và nó có thể được tìm thấy ở đâu. Treo dán các quy trình ở nơi người lao động dễ dàng nhìn thấy.

Cách thức xây dựng quy trình làm việc an toàn.

Thực hiện 5 bước sau đây khi xây dựng quy trình làm việc an toàn:

1. Xác định toàn bộ các công việc cần có quy trình làm việc an toàn.

2. Phân tích công việc thành các bước cơ bản.

3. Nhận dạng mối nguy liên quan đến từng bước.

4. Xác định các hành động cần thực hiện để giảm thiểu rủi ro cho người lao động từ các mối nguy đó.

5. Lập 1 danh sách các hành động mà người lao động phải làm khi thực hiện công việc đó.

Các thiết bị vệ sinh và quy trình khử nhiễm

Người sử dụng lao động phải cung cấp quy trình làm việc phù hợp và các phương tiện vệ sinh để giúp kiểm soát phơi nhiễm chì, bao gồm:

– Quy trình vệ sinh sạch sẽ, bao gồm quy trình vệ sinh cuối ngày làm việc.

– Các thiết bị giặt là.

– Thiết bị phòng tắm cần thiết.

– Khu vực thay “đồ sạch” và “đồ bẩn” riêng biệt.

– Thiết bị ăn uống sạch sẽ.

Khuyến nghị thực hành khi làm việc với chì

– Người lao động cần thay quần áo đi đường sang quần áo làm việc (bao gồm giảy) khi bắt đầu ca làm việc.

– Quần áo đi đường phải được cất giữ riêng biệt với quần áo làm việc.

– Nếu có thể, khu vực tắm và giặt nên được bố trí ở giữa khu cất trữ, thay đồ bẩn và khu cất trữ, thay đồ sạch.

– Người lao động nên cởi bỏ quần áo lao động bên ngoài bị nhiễm bẩn và rửa sạch tay, mặt trước khi ăn, uống hoặc hút thuốc.

– Không ăn, uống, hút thuốc, nhai kẹo cao su hoặc cắn móng tay trong khu vực làm việc.

– Ăn trưa và uống café trong khu vực cách biệt với nơi làm việc.

– Người lao động nên cởi bỏ tất cả quần áo và giầy bảo hộ khi kết thúc công việc và để chúng ở nơi làm việc.

– Người lao động nên giặt và tắm trước khi rời khỏi nơi làm việc để đảm bảo rằng các chất ô nhiễm tiềm ẩn (ví dụ, trên tóc của họ) được loại bỏ trước khi họ về nhà.

– Người lao động không nên mang những vật dụng bị nhiễm bẩn về nhà, vì điều này thể thể khiến những thành viên trong gia đình bị phơi nhiễm với chì.

– Người lao động đảm nhiệm việc giặt các quần áo bảo hộ nhiễm chì phải được đào tạo về các ảnh hưởng sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến chì, con đường phơi nhiễm chì và biện pháp kiểm soát để giảm thiểu việc tiếp xúc.

– Khu vực làm việc phải được giữ sạch sẽ và người lao động nên sử dụng các phương pháp làm sạch để giảm thiểu việc phát sinh bụi, như lau ướt, quét ướt hoặc hút bụi bằng máy hút có sử dụng bộ lọc HEPA.

Đào tạo và huấn luyện người lao động

Người sử dụng lao động phải đảm bảo rằng người lao động được thông báo về nội dung của kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm, và họ được đào tạo, huấn luyện để làm việc an toàn, kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm cần mô tả việc huấn luyện và đào tạo cho công nhân, và cách thực hiện chúng. Đào tạo và huấn luyện đặc biệt quan trọng đối với những công nhân mới.

Hồ sơ bằng văn bản

Kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm phải được viết ra, và phải lưu hồ hồ sơ cho từng thành phần của kế hoạch. Ví dụ, tài liệu về các hoạt động đào tạo và huấn luyện – theo dõi những ai đã được huấn luyện, khi nào tiến hành huấn luyện và huấn luyện cái gì. Các tài liệu khác bao gồm như sau:

– Đánh giá rủi ro

– Kết quả quan trắc không khí (phải được giữ ít nhất 10 năm)

– Báo cáo điều tra tai nạn

– Hồ sơ giám sát sức khỏe.

Giám sát sức khỏe

Một kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm chì có thể yêu cầu giám sát y tế (ví dụ, xét nghiệm máu) đối với các công nhân sẽ làm việc cùng hoặc xung quanh các vật liệu chứa chì.

Xem xét lại kế hoạch

Xem xét lại kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm ít nhất 1 lần/năm và cập nhật kế hoạch nếu cần thiết. Trong suốt quá trình này, hãy tham vấn ủy ban an toàn và sức khỏe (hoặc đại diện an toàn và sức khỏe người lao động, nếu có).

————————————–

1. Những ảnh hưởng sức khỏe của việc tiếp xúc với chì là gì?

2. Đánh giá rủi ro liên quan đến chì như thế nào?

3. Làm thế nào để phòng ngừa phơi nhiễm chì tại nơi làm việc – Phần 1

4. Làm thế nào để phòng ngừa phơi nhiễm chì tại nơi làm việc – Phần 2


(Nguồn tin: worksafebc.com)