Khái niệm cơ bản về xã hội hóa an toàn vệ sinh lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:16(GMT +7)

Trong những năm qua, chủ trương xã hội hoá (XHH), được khởi xướng từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo và thúc đẩy.

Nhận thức về XHH là một quá trình tư duy chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình đổi mới. Quan niệm ban đầu về XHH xuất hiện trong Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (Khoá VII) với tư tưởng: “Đa dạng hoá các hình thức chăm sóc sức khoẻ (Nhà nước, tập thể, nhân dân), trong đó Nhà nước là chủ đạo”(1). Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, thuật ngữ “Xã hội hoá” đã được sử dụng lần đầu tiên với nội dung khái quát và xác định hơn.


Trong quá trình thực hiện chủ trương về XHH của Đảng và Nhà nước, khái niệm xã hội hoá ngày càng được các nhà nghiên cứu nhận thức và định nghĩa một cách hoàn chỉnh dần. Tuy vẫn còn có những ý kiến khác nhau cần tiếp tục trao đổi, nhưng tựu trung lại đều có những quan điểm chung thống nhất, đó là:
– XHH là một quá trình mở rộng sự tham gia và huy động các tầng lớp nhân dân, toàn xã hội để chia sẻ trách nhiệm cùng với Nhà nước trong việc thúc đẩy sự phát triển của một lĩnh vực xã hội nào đó.
– Trong quá trình XHH, càng cần phải nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Nhà nước.
– Cần mở rộng các cơ hội cho các tầng lớp nhân dân, cho toàn xã hội tham gia rộng rãi, chủ động và bình đẳng vào các hoạt động xã hội.
– Cần đa dạng hoá các phương thức, mô hình thực hiện các hoạt động trong quá trình XHH các lĩnh vực đó.

Từ cách phân tích tổng quát trên, chúng ta có thể đi đến định nghĩa xã hội hoá như sau: “Xã hội hoá là quá trình huy động có hiệu quả và mở rộng sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội, với nhiều phương thức và mô hình hoạt động phong phú, linh hoạt để cùng với Nhà nước thúc đẩy sự phát triển của một lĩnh vực nào đó nhằm mục tiêu vì con người và phát triển bền vững đất nước”.

Là một chính sách kinh tế – xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, vấn đề xã hội hoá ATVSLĐ cũng như các lĩnh vực xã hội khác (Y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao…) có những tương đồng rất lớn về yêu cầu, nội dung với vấn đề XHH nói chung. Vì vậy có thể cụ thể hoá và vận dụng khái niệm XHH nói chung cho XHH ATVSLĐ. Đó là: “Xã hội hoá ATVSLĐ là quá trình nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, các cấp chính quyền, của NSDLĐ và NLĐ, đồng thời mở rộng sự tham gia chủ động và bình đẳng của các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội, với nhiều phương thức và mô hình hoạt động phong phú, linh hoạt để chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc thúc đẩy các hoạt động bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện ĐKLV, ngăn ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khoẻ cho NLĐ”.

PGS.TS. Nguyễn An Lương

Chủ tịch Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam




(1) Nghị quyết Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 4 (Khoá VII)


(Nguồn tin: )