Kiểm soát nguy cơ rủi ro chính: Phần 5 – Các hệ thống an toàn

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:13(GMT +7)

Bất kỳ cơ sở có nguy cơ, rủi ro chính nào đều phải có một số hệ thống an toàn nhất định. Hình thức và thiết kế của hệ thống phụ thuộc vào các loại rủi ro tồn tại trong nhà máy. Dưới đây là một khảo sát về các hệ thống an toàn và giảm thiểu các hậu quả của chúng.

A. Các hệ thống an toàn

1. Các hệ thống ngăn ngừa sai lệch khỏi các điều kiện vận hành cho phép

a. Các hệ thống giảm áp

Đĩa vỡ và van an toàn có thể phát tán vật liệu vào khí quyển. Nếu vật liệu được phát tán tạo thành một hỗn hợp dễ nổ với không khí, phải lưu ý để không cho hỗn hợp tiếp xúc với nguồn gây cháy trước khi tới giới hạn nổ dưới. Nếu nguyên liệu phát tán độc hại, nó sẽ được đưa và hệ thống thứ cấp như là hệ thống thổi khí, tháp lọc hơi khí độc hoặc tháp đốt và không trực tiếp thải vào khí quyển.

b. Các bộ cảm biến nhiệt độ/áp suất/dòng chảy

Các bộ cảm biến nhiệt độ/áp suất/dòng chảy trong quy trình kích hoạt các hoạt động như là làm mát khẩn cấp, ra lệnh cho thiết bị dừng tắt phản ứng hoặc mở cửa nhánh phụ.

c. Các hệ thống ngăn dòng tràn

Các điều khiển mức ngăn cho các bình chứa không bị tràn; chúng ngắt dòng vật liệu hoặc chuyển hướng dòng.

d. Các hệ thống đóng an toàn, các hệ thống đóng khẩn cấp

Đây là những hệ thống dừng hoạt động nhà máy (ví dụ, ngừng bơm và máy nén và đóng hoặc mở các van tác dụng nhanh) để đưa nhà máy trở lại điều kiện an toàn. Có thể kích hoạt những hệ thống này một cách tự động hoặc thủ công.

2. Các hệ thống ngăn ngừa sự cố của các bộ phận liên quan đến an toàn

Các bộ phận an toàn cần phải được trang bị chuyên biệt để đảm bảo độ tin cậy tùy theo tầm quan trọng của hệ thống an toàn. Nhà máy có thể có các hệ thống khác nhau đảm nhận chức năng của những bộ phận này (đa dạng) hoặc có thể trang bị bộ phận thứ hai cho cùng một mục đích, ví dụ, một thiết bị bơm chất làm mát thứ hai (dự phòng).

3. Các tiện ích

Các tiện ích liên quan đến an toàn như là cấp điện cho các hệ thống điều khiển, khí nén cho các dụng cụ đo hoặc cung cấp nito làm khí trơ có thể cần nguồn thứ hai, ví dụ, ắc quy, bình chứa đệm hoặc một bộ bổ sung các xi lanh khí áp trong trường hợp có sự cố ở hệ thống sơ cấp.

4. Các hệ thống báo động

Đây là những hệ thống cho phép người vận hành xác định các nguyên nhân sự cố ngay khi sự cố xảy ra trên cơ sở của các bộ cảm biến. Các hệ thống báo động này sẵn có để:

a. Giám sát các tham số quy trình (nhiệt độ, áp suất, lưu lượng, mức, tỷ lệ trộn, nồng độ O2);

b. Phát hiện các sự cố của các bộ phận liên quan đến an toàn (bơm, máy nén, máy khuấy, máy thổi);

c. Phát hiện rò rỉ (bộ cảm biến khí, máy thử nổ);

d. Phát hiện cháy hoặc khói;

e. Phát hiện sự cố của các thiết bị an toàn (nguyên tắc dòng điện mạch kín).

5. Các biện pháp bảo vệ kỹ thuật

Ngoài các hệ thống an toàn nói trên giúp duy trì nhà máy trong điều kiện an toàn, có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ để giới hạn các hậu quả của một vụ tai nạn. Các biện pháp này là:

a. Bộ phát hiện khí;

b. Hệ thống phun nước (để làm mát các bình chứa hoặc chữa cháy);

c. Máy phun nước;

d. Các hệ thống phun hơi nước;

e. Các bình gom và đê đập.

6. Các biện pháp giảm thiểu

Để giảm thiểu hậu quả của một vụ tai nạn, điều quan trọng là phải lên kế hoạch và có các biện pháp tổ chức.

7. Ngăn ngừa các lỗi do con người và tổ chức

Các lỗi do con người có thể là nguồn gốc của các tai nạn nghiêm trọng. Vì lý do này, phòng ngừa sẽ là một trong những biện pháp an toàn chính. Có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây:

a. Sử dụng các kết nối có kích cỡ khác nhau trong các trạm chất hàng đối với các xe xi-téc để ngăn ngừa việc kết hợp các chất phản ứng (ví dụ, axit sunphuric và axit nitric);

b. Ngăn ngừa sự kết hợp của các chất bằng cách dán nhãn thích hợp, đóng gói, nhận kiểm tra và phân tích;

c. Khóa liên động các van an toàn và bộ chuyển mạch không thể vận hành đồng thời

d. Đánh dấu rõ ràng các bộ chuyển mạch, núm và màn hình trên các bảng điều khiển;

e. Thiết bị thông tin thích hợp cho nhân viên vận hành máy;

f. Trông chừng an toàn các hoạt động chuyển mạch sơ xuất;

g. Đào tạo nhân viên.

B. Giảm thiểu các hậu quả

Không có cơ sở có nguy cơ, rủi ro chính nào là tuyệt đối an toàn. Ngay cả khi đã thực hiện đánh giá rủi ro, nếu phát hiện các rủi ro và đã áp dụng các biện pháp thích hợp, khả năng xảy ra tai nạn là không thể loại trừ.

Vì lý do này, một phần trong khái niệm an toàn là phải lên kế hoạch và bố trí các biện pháp có thể giảm thiểu các hậu quả của một vụ tai nạn.

Các biện pháp khác nhằm giảm thiểu các hậu quả của một vụ tai nạn chủ yếu liên quan đến phản ứng đối với việc phát tán chất nguy hại. Để có thể thực hiện các biện pháp ứng phó trong trường hợp xảy ra tai nạn, nhà sản xuất cần:

a. Xây dựng và đào tạo huấn luyện đội chữa cháy, chuyên trách hoặc tình nguyện;

b. Trang bị các hệ thống báo động với đường dây thông tin nối trực tiếp tới đội cứu hỏa hoặc các lực lượng cứu hộ công;

c. Xây dựng kế hoạch ứng phó trong tình trạng khẩn cấp bao gồm:

            – Hệ thống tổ chức được sử dụng để đối phó với tình trạng khẩn cấp;

            – Các chuông báo động và tuyến thông tin;

            – Các hướng dẫn ứng phó với tình trạng khẩn cấp;

            – Thông tin về các chất nguy hại;

            – Các ví dụ về các chuỗi vụ tai nạn

d. Thỏa thuận với các cơ quan có thẩm quyền về bản chất và phạm vi của rủi ro trong trường hợp xảy ra tai nạn;

e. Thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền về bản chất và phạm vi của rủi ro trong trường hợp xảy ra tai nạn;

f. Cung cấp thuốc giải độc trong trường hợp phát tán các chất độc (mặc dù công việc này chắc chắn phải thực hiện nếu các dịch vụ y tế địa phương yêu cầu).

Toàn bộ các biện pháp này phải phù hợp với các rủi ro đã được xác định trong đánh giá. Hơn nữa, phải đào tạo kỹ lưỡng cho nhân viên vận hành nhà máy, các lực lượng ứng phó khẩn cấp và các đại diện có trách nhiệm từ các dịch vụ công cộng. Chỉ có đào tạo và diễn tập ứng phó với các tình huống xảy ra tai nạn mới có được các kế hoạch ứng phó khẩn cấp đủ thực tế để áp dụng trong tình huống khẩn cấp thực tế.


(Nguồn tin: Theo cuốn “Kiểm soát nguy cơ rủi ro chính”)