Làm thế nào để phòng ngừa phơi nhiễm chì tại nơi làm việc – Phần 1

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:15(GMT +7)

Đây là câu hỏi quan trọng nhất vì các vấn đề sức khỏe do tiếp xúc với chì có thể phòng ngừa được. Giải pháp là giảm thiểu lượng chì được hấp thụ vào cơ thể. Để kiểm soát việc phơi nhiễm chì, bạn phải nhận biết được các quy trình làm việc gây ra rủi ro, và áp dụng các biện pháp kiểm soát để giảm thiểu việc tiếp xúc. Tóm lại, bạn cần một kế hoạch kiểm soát sự phơi nhiễm.

THAY THẾ

Cách hiệu quả nhất để loại bỏ các mối nguy hiểm về chì là thay thế các vật liệu chứa chì bằng các các vật liệu thay thế an toàn chứa ít chì hơn hoặc không chứa chì. Bởi vì chì được xem như là một chất có thể gây ung thư ở người và là độc chất ảnh hưởng đến các cơ quan sinh sản, người sử dụng lao động phải thay thế các vật liệu chứa chì bất cứ khi nào có thể. Ví dụ:

– Thay thế sơn chứa chì bằng sơn không chì.

– Tháy thế kim loại Babit nền chì bằng kim loại Babit không chì (ví dụ, kim loại kim loại Babit nền thiếc).

Trước khi thay thế vật liệu, phải đảm bảo rằng các vật liệu mới không chứa các chất nguy hại khác hoặc nguy hại hơn chì. Hãy kiểm tra bảng dữ liệu an toàn (SDS) để nhận biết các thành phần có thể gây nguy hại.

BIỆN PHÁP KỸ THUẬT

Kiểm soát kỹ thuật là những thay đổi vật lý đối với cách thực hiện các công việc cụ thể tại nơi làm việc (ví dụ, sửa đổi thiết bị hoặc máy móc) để loại bỏ hoặc giảm thiểu ô nhiễm chì phát tán vào trong không khí. Các biện pháp kiểm soát kỹ thuật phổ biến bao gồm:

– Che chắn các công việc hoặc quy trình làm việc cụ thể gây ô nhiễm chì (ví dụ, dựng rào chắn xung quanh một dự án phá dỡ phát sinh bụi chì).

– Lắp đặt hệ thống thông gió cục bộ (ví dụ, ở các vị trí hàn, nung hoặc cắt).

– Lắp đặt thiết bị, hệ thống hút bụi với bộ lọc HEPA trên máy móc hoặc thiết bị.

– Sửa đổi quy trình để giảm khói chì hoặc bụi chì được tạo ra.

Che chắn (rào chắn hoặc bao che)

Rào chắn

Rào chắn hoặc vỏ bao che có thể được sử dụng để ngăn cách khu vực làm việc với các khu vực lân cận. Một rào chắn có thể đơn giản chỉ là một sợi dây hoặc vách ngăn để hạn chế sự ra vào khu vực làm việc. Tuy nhiên, các rào chắn không ngăn chặn được bụi chì hoặc các chất gây ô nhiễm khác ra khỏi khu vực làm việc. Vỏ bao che phù hợp hơn rào chắn bởi vì chúng ngăn chặn bụi chì trong khu vực làm việc. Phương pháp cách ly được sử dụng sẽ phụ thuộc vào mức rủi ro phơi nhiễm, cũng như phạm vi và tính chất của công việc.

Nếu không thể sử dụng vỏ bao che từng phần hoặc toàn bộ, hãy lắp đặt một rào chắn đủ rộng cho bụi chì lắng xuống trước khi nó bay ra các khu vực làm việc lân cận. Người lao động đi vào khu vực cách ly phải đeo thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp thích hợp hoặc các thiết bị bảo vệ khác theo yêu cầu.

Hàng rào và biển cảnh báo tại một công trường loại bỏ chì

Vỏ bao che

Bao che từng phần là mức che chắn tiếp theo. Chúng cô lập một khu vực nhưng vẫn cho phép một vài khí thải ra bên ngoài vách ngăn. Bao che toàn bộ là phương pháp cách ly an toàn nhất. Bao che toàn bộ là bao che kín mà chỉ cho phép rất ít hoặc không có khí thải phát ra bên ngoài khu vực bị cách ly.

Các hướng dẫn dưới đây cho bao che toàn bộ:

– Sử dụng các vật liệu cản gió không thấm bụi.

– Hỗ trợ vỏ bao che với một cấu trúc an toàn.

– Bịt tất cả các mối nối của vỏ bao che.

– Sử dụng các tấm bạt chồng lên nhau hoặc chốt gió (air-lock) lối vào.

– Sử dụng vách ngăn, tấm đệm phẳng và bộ lọc để giữ bụi trong khu vực bao che.

– Trang bị hệ thống thông hơi với bộ lọc thích hợp.

Lối vào khu vực bao che loại bỏ chì

Thông gió khu vực làm việc

Thông gió cơ học nói chung là cần thiết cho các khu vực làm việc kín. Đảm bảo rằng khí thải đi qua bộ lọc bụi HEPA phù hợp với bui chì cũng như thể tích và vận tốc của không khi di chuyển qua khu vực bao che.

Hệ thống thông gió cục bộ

Hệ thống thông gió cục bộ được sử dụng để loại bỏ bụi chì trong các hoạt động phát sinh bụi. Ví dụ, sử dụng hệ thống thông gió cục bộ:

– Dùng để hàn, nung và cắt ở nhiệt độ cao các bề mặt đã loại bỏ lớp phủ chì (để kiểm soát khói từ chì dư).

– Khi sử dụng chế phẩm dạng bột để loại bỏ các lớp phủ có chứa chì.

– Khi làm việc với các quy trình hoạt động kèm theo chì.

Thực hiện các hướng dẫn sau đây để thông gió cục bộ:

– Đảm bảo rằng vận tốc không khí ở trước quạt thông gió có thể đi qua dòng không khí đối nghịch và thu giữ không khí bị ô nhiễm.

– Đảm bảo rằng vận tốc không khí tại nguồn ít nhất là 0,5m/s hoặc 100ft/phút. Đối với một số hoạt động (ví dụ, hàn hoặc mài), tốc độ bắt ít nhất là 1m/s (200ft/phút).

– Đảm bảo rằng không khí thải ra từ hệ thống đi qua bộ lọc HEPA và được thải ra ngoài để các chất ô nhiễm không thể đi vào trở lại nơi làm việc (ví dụ, qua cửa hút gió gần đó).

– Đặt quạt thông gió ở phía trước mặt người lao động và/hoặc dưới bề mặt làm việc. Điều này sẽ hút không khí xuống và ra khỏi vùng hít thở của người lao động.

Thông gió hút khói chì hoặc bụi ra khỏi nơi làm việc và người lao động

Phương pháp làm ướt

Các phương pháp làm ướt có thể là phương pháp kỹ thuật hiệu quả giúp giảm bụi chì. Việc phát sinh bụi có thể được giảm tối đa bằng cách làm ướt bề mặt. Hệ thống phun nước có thể được tìm thấy trên một số thiết bị và công cụ xây dựng phổ biến, bao gồm hệ thống trộn vữa hoặc mài mòn ướt, hệ thống phun thủy lực và hệ thống phun sương. Các hoạt động vệ sinh và dọn dẹp là rất quan trọng khi sử dụng phương pháp làm ướt và nên được miêu tả một cách rõ ràng trong các quy trình làm việc an toàn.

——————————————–

Tin/bài liên quan:

1. Những ảnh hưởng sức khỏe của việc tiếp xúc với chì là gì?

2. Đánh giá rủi ro liên quan đến chì như thế nào?

3. Làm thế nào để phòng ngừa phơi nhiễm chì tại nơi làm việc – Phần 2


(Nguồn tin: worksafebc.com)