Nghiên cứu đánh giá mật độ phân bố ion trong môi trường không khí ở các cơ sở sản xuất nhựa

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:24(GMT +7)

CN.Võ Thành Nhân

Phân viện Bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường miền Nam

Tóm tắt

Tác động của ion đến sức khỏe người lao động là một vấn đề mới nổi lên cần phải được quan tâm nghiên cứu. Vì lý do đó, trong năm 2013, Viện nghiên cứu KHKT bảo hộ lao động đã giao cho Phân Viện BHLĐ và BVMT miền Nam thực hiện đề tài  215/03/VBH “Nghiên cứu đánh giá mật độ ion trong môi trường không khí ở các cơ sở sản xuất nhựa”. Đề tài nghiên cứu đã thực hiện tổng quan, đánh giá tác động  ion trong không khí môi trường lao động đến sức khỏe người lao động. Đồng thời, đề tài đã tiến hành đo đạc mật độ ion trong không khí tại 12 cơ sở sản xuất ngành nhựa và xác định được phân bố mật độ ion trong không khí môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất ngành nhựa.

1. MỞ ĐẦU

Trong quá trình lao động, người lao động luôn gặp phải nhiều yếu tố nguy hiểm và có hại tác động đến sức khỏe của mình. Một trong số các yếu tố đó chính là tác động của ion, đây là một yếu tố mới chưa được quan tâm nhiều. Hiện nay ở nước ta ngành công nghiệp nhựa đang rất phát triển, đây là môi trường sản xuất có nhiều công đoạn phát sinh ion trong không khí. Chính vì thế mà việc nghiên cứu các vấn đề về ion cũng như sự phân bố của ion trong không khí ở các cơ sở sản xuất nói chung và ở các cơ sở sản xuất ngành nhựa nói riêng là điều cần thiết.

2. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Mục tiêu nghiên cứu:

Xác định được phân bố mật độ ion trong môi trường không khí ở các cơ sở sản xuất nhựa.

2.2. Nội dung nghiên cứu:

– Tổng quan các tác động có lợi và có hại của ion trong môi trường không khí, các khuyến nghị, tiêu chuẩn vệ sinh có liên quan.

– Tổng quan về phương pháp quy trình đo đạc xác định mật độ phân bố ion trong không khí và đề xuất phương pháp, quy trình đo đạc xác định mật độ phân bố ion hợp lý.

– Đo đạc đánh giá mật độ phân bố ion trong không khí vùng làm việc ở các cơ sở sản xuất nhựa

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng các phương pháp  nghiên cứu sau:

– Hồi cứu tài liệu: Được sử dụng để tổng quan các nghiên cứu về ion trong không khí MTLĐ và ảnh hưởng của chúng tới sức khoẻ người lao động…

– Phương pháp chuyên gia: Lấy ý kiến chuyên gia về đo đạc, đánh giá phân bố mật độ ion trong không khí.

– Phương pháp đo đạc thục tế: Việc đo đạc mật độ ion được thực hiện theo phương pháp của LB Nga, sử dụng máy đo nồng độ ion “Air ion counter”. Đánh giá mật độ ion trong không khí MTLĐ dựa trên tiêu chuẩn của LB Nga (Do hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chuẩn).

– Phương pháp thống kê: Số liệu đo đạc được xử lý trên máy vi tính bằng phần mềm Microsoft Office Word, Microsoft Office Excel và SPSS…

3. KẾT QUẢ ĐO ĐẠC MẬT ĐỘ ION TẠI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT

     Đo đạc mật độ ion trong không khí MTLĐ được thực hiện tại 12 cơ sở sản xuất nhựa. Dưới đây là kết quả đo đạc tại 2 cơ sở đại diện.

3.1. Kết quả đo đọc tại Công ty TNHH Bao bì Hoàng Nhật Thịnh


*Nhận xét:

Dựa vào các kết quả đo và biểu đồ ở hình 1 nhận thấy tại 2 vị trí (NT21) và (NT41) tương ứng với 2 dây chuyền in nhãn đều cho kết quả ion dương và âm cao hơn giá trị cho phép 50.000 ion/cm3 khi ở gần các cuộn sản phẩm đầu ra, khi đo ra ngoài 0,5m thì giá trị giảm xuống mức cho phép. Hệ số phân cực U  không nằm trong giới hạn cho phép như tiêu chuẩn đánh giá. Tại đầu vào của chuyền sản xuất thì giá trị cũng cao nhưng không bằng giá trị ở đầu ra của chuyền vì trước khi sản phẩm ra thì qua rất nhiều công đoạn có ma sát, làm nóng và tráng màng nên phát sinh nhiều ion. Bằng chứng là, khi các công nhân thay các cuộn sản phẩm rất thường xuyên bị phóng điện (tĩnh điện) do các ion tích trữ trên bề mặt sản phẩm chưa bị trung hòa hết.

3.2. Kết quả đo đạc tại Công ty TNHH Sản xuất nhựa thương mại Cảnh Mỹ

*Nhận xét:

Nhìn chung các chỉ số ion đo được tại công ty đều sấp xỉ bằng giá trị nền của môi trường tại nơi làm việc, điều này cũng phù hợp với hoạt động của công ty vì loại hình sản xuất của công ty là sử dụng nguyên liệu đầu vào là nhựa đưa vào máy ép để ép ra các dạng sản phẩm theo khuôn đã được chế tạo trước đó nên trong quá trình tạo ra sản phẩm không có nhiều các công đoạn sinh ra ion.

Nhận xét chung về kết quả đo đạc mật độ ion tại 12 cơ sở sản xuất:

– Nhóm cơ sở sản xuất mà sản phẩm đầu ra là bọc nhựa, bao bì nhựa, với quy trình sản xuất gồm nhiều công đoạn kéo màng, đan sợi…làm phát sinh ra nhiều ion, gồm các cơ sở: Công ty CP Bao bì Đại Lục, Cơ sở sản xuất nhựa Vĩnh Phát, Cơ sở sản xuất nhựa Anh Thư, Công ty CP Bao bì Vafaco, Công ty TNHH Bao bì Hoàng Nhật Thịnh, Công ty TNHH Kim Đức, Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu bao bì Kim Dung. Kết quả đo đạc tại đầu ra của các cơ sở này đều vượt mức cho phép (theo tiêu chuẩn của LB Nga).

– Nhóm cơ sở sản xuất mà sản phẩm đầu ra được tạo từ khuôn đúc, các hạt nhựa tái chế…ít có khả năng làm phát sinh ion, gồm các cơ sở như Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Kế Thành, Công ty TNHH sản xuất thương mại Cảnh Mỹ, Công ty TNHH nhựa Nam Ký, Công ty TNHH sản xuất thương mại Kim Bao Thành. Kết quả đo đạc cho thấy mật độ ion trong không khí chỉ bằng hoặc lớn hơn một chút so với mật độ ion nền.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Đề tài đã đạt được mục tiêu đề ra là xác định và đánh giá được phân bố mật độ ion tại 12 cơ sở sản xuất ngành nhựa. Đối với các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ kéo màng, đan sợi thì mật độ ion tại đầu ra của sản phẩm cao hơn so với đầu vào nguyên vật liệu và cao hơn so với tiêu chuẩn cho phép của LB Nga. Đối với  các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ đúc thì mật độ ion trong không khí chỉ bằng hoặc cao hơn mật độ ion nền.

Đề tài kiến nghị tiếp tục triển khai các nghiên cứu theo hướng tìm nguyên nhân làm phát sinh ion trong quá trình sản xuất. Đồng thời, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn TCVN quy định về mật độ ion trong không khí môi trường lao động nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc kiểm soát mật độ ion trong không khí môi trường lao động tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] “Nghiên cứu ảnh hưởng của tĩnh điện đến môi trường và con người. Đề xuất các giải pháp giảm thiểu cho một số ngành công nghiệp điển hình ” của TS. Nguyễn Đắc Hiền – Phân viện Bảo Hộ Lao Động và Bảo Vệ Môi Trường Miền Nam.

[2] Quy định của Bác sỹ Trưởng Nhà nước về vệ sinh của Liên bang Nga 22 tháng 4 năm 2003. No 64” về việc “Yêu cầu vệ sinh về thành phần ion không khí đối với khu vực sản xuất và công cộng. SanPin 2.2.4.1294-03

[3] Qui định vệ sinh dịch tể của Nhà nước Liên Bang Nga. Yêu cầu chung về giám sát các thành phần của ion không khí – Hướng dẫn phương pháp: MUK 4.3.1675 – 03

[4] Ion với chức năng sức khỏe con người của diễn đàn nhân điện và tâm linh

[5] The effects of air ions on brain levels of serotonin in mice của Medical Microbiology Unit and The Naval Biological Laboratory, School of Public Health, University of California, 94720, Berkeley, California, USA


(Nguồn tin: Nilp.vn)