Nguyên lý về gánh nặng tâm thần

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:33(GMT +7)

Mọi hoạt động – ngay cả hoạt động chủ yếu là thể lực – cũng gây nên stress tâm thần “stress tâm thần” trong trường hợp này là thuật ngữ dùng để chỉ một tác động bất kỳ từ bên ngoài ảnh hưởng đến con người về mặt tâm thần. Stress tâm thần gây nên quá trình tăng hoặc giảm căng thẳng tâm thần ở con người. Hậu quả trực tiếp của căng thẳng tâm thần một mặt là tác động tích cực, mặt khác gây mệt mỏi tâm thần và/hoặc trạng thái giống mệt mỏi. Hậu quả gián tiếp của căng thẳng tâm thần có thể là tác dụng rèn luyện. Những hậu quả của căng thẳng tâm thần được đề cập tới ở đây có thể khác nhau về hình thức và mức độ tuỳ thuộc mỗi cá nhân và điều kiện tình huống tiên quyết.

Ở đây, thuật ngữ “tâm thần” được sử dụng khi mà quá trình hoạt động và hành vi của con người có liên quan đến trạng thái này. “Tâm thần” có nghĩa liên quan tới quá trình nhận biết, thông tin và cảm xúc trong con người. Thuật ngữ tâm thần được sử dụng bởi lẽ các lĩnh vực này có quan hệ chặt chẽ với nhau và trong thực tế không nên xem xét một cách riêng rẽ.

Stress tâm thần là toàn bộ những ảnh hưởng có thể đánh giá được từ bên ngoài tác động đến con người về mặt tâm thần.

Căng thẳng tâm thần là tác động trực tiếp của stress tâm thần trong một cá nhân (không phải tác động lâu dài) tuỳ thuộc thói quen và tiên đề thực tế của mỗi người, bao gồm cả cách đối phó riêng biệt.

Hậu quả của căng thẳng tâm thần

Hậu quả của căng thẳng tâm thần bao gồm, các tác động tích cực, các tác hại và tác động khác.

– Tác động tích cực của căng thẳng tâm thần gồm “tác động khởi động” và “sự kích hoạt”.

Tác động khởi động là hiệu quả thường xuyên của căng thẳng tâm thần ngay sau khi bắt đầu một hoạt động làm giảm yêu cầu cố gắng để hoàn thành hoạt động đó so với cố gắng đòi hỏi ban đầu.

Sự kích hoạt là trạng thái nội tại với những mức độ hiệu quả hoạt động tâm thần và thể chất khác nhau.

Sự căng thẳng tâm thần có thể dẫn đến những mức độ kích hoạt khác nhau tuỳ thuộc thời gian và mức độ căng thẳng. Có một giới hạn kích hoạt tối ưu, nghĩa là không quá thấp mà cũng không quá cao bảo đảm cho hoạt động chức năng đạt hiệu quả nhất. Cần nhớ rằng sự căng thẳng tăng quá đột ngột có thể dẫn đến sự kích hoạt quá mức là điều không mong muốn.

– Tác hại của căng thẳng tâm thần gồm, “mệt mỏi tâm thần” và “trạng thái giống như mệt mỏi”. Cần phân biệt các tác hại theo thời gian bình phục và phương pháp phục hồi. Chúng còn khác nhau theo triệu chứng. Những tác hại có thể ảnh hưởng về tổng thể hoặc mang nhiều tính đặc thù, cần thời gian để hồi phục hoặc thay đổi các hoạt động để phục hồi.

Mệt mỏi tâm thần: Sự tổn hại tạm thời về hiệu quả chức năng tâm thần và thể chất, tuỳ thuộc cường độ, độ dài và thời gian căng thẳng tâm thần trước đó. Sự bình phục sau mệt mỏi tâm thần thường do hồi phục hơn là thay đổi hoạt động. Sự suy giảm hiệu quả chức năng này biểu hiện rõ rệt, ví dụ cảm giác mệt mỏi, tương quan bất lợi giữa hiệu suất công việc và nỗ lực bỏ ra, dạng và tần suất sai sót v.v.. Mức độ tác hại còn quyết định bởi những điều kiện cá nhân trước đó.

Trạng thái giống như mệt mỏi: Trạng thái ở mỗi cá nhân do tác động của sự căng thẳng tâm thần bởi các tình huống đưa ra ít thay đổi. Trạng thái này biến mất nhanh chóng ngay sau khi có sự thay đổi công việc và/hoặc thay đổi môi trường/tình huống. Các trạng thái này bao gồm sự đơn điệu, giảm chú ý, và chán nản. Thông thường trạng thái giống như mệt mỏi có điểm chung với mệt mỏi tâm thần là cũng biểu hiện cảm giác mệt mỏi. Tuy nhiên chúng khác với mệt mỏi tâm thần ở tính tạm thời. Có thể phát hiện sự khác biệt rõ rệt giữa các cá nhân qua trạng thái giống như mệt mỏi này.

Trạng thái giống như mệt mỏi biểu hiện cụ thể bằng: “sự đơn điệu”, “sự giảm tỉnh táo” và “sự chán nản tâm thần”.

Sự đơn điệu là trạng thái suy giảm sự kích hoạt tiến triển chậm có thể diễn ra trong khi thực hiện các công việc hoặc hoạt động giống nhau và lặp lại trong thời gian dài. Trạng thái này thường kết hợp với buồn ngủ, mệt mỏi, hiệu suất suy giảm và thất thường, giảm khả năng thích nghi và phản ứng, cũng như tăng sự không ổn định nhịp tim.

Sự giảm tỉnh táo là trạng thái tiến triển chậm với việc giảm khả năng phát hiện (thí dụ khi theo dõi màn hình rađa hoặc bảng thiết bị điều khiển) trong những công việc giám sát ít thay đổi. Có thể phân biện sự đơn điệu và sự giảm chú ý liên quan đến nguyên nhân chứ không phải tác động của chúng.

Sự chán nản tâm thần là trạng thái thần kinh không ổn định, cự tuyệt xúc cảm do những công việc lặp đi lặp lại hoặc tình trạng hoạt động “dậm chân tại chỗ” hoặc “chẳng kết quả gì”. Triệu chứng phụ của sự chán nản tâm thần là giận dữ, hiệu suất làm việc giảm, và/hoặc cảm giác mệt mỏi, và có xu hướng thối lui. Trái với sự đơn điệu và giảm tỉnh táo chán nản tâm thần có đặc trưng là mức độ kích hoạt không đổi hoặc thậm chí còn tăng lên, cùng với tình cảm tiêu cực.

– Tác động khác của căng thẳng tâm thần được thể hiện qua “tác dụng rèn luyện”

Tác dụng rèn luyện là sự thay đổi lâu dài về hoạt động của cá nhân liên quan đến quá trình học hỏi sau nhiều lần đối phó với sự căng thẳng tâm thần. 

TS. Nguyễn Thế Công – Hội KHKT ATVSLĐ


(Nguồn tin: Nilp.vn)