Nguyên tắc và công việc chuẩn bị đánh giá nguy cơ an toàn của máy
Đánh giá nguy cơ bao gồm các nội dung:
(a) Phân tích nguy cơ
– Xác định các giới hạn của máy;
– Nhận dạng mối nguy;
– Dự đoán nguy cơ;
(b) Đánh giá mức nguy cơ. Phân tích nguy cơ cung cấp thông tin yêu cầu cho đánh giá mức nguy cơ và đánh giá mức nguy cơ cho phép xét đoán về việc cần phải giảm nguy cơ hay không. Các xét đoán này phải được trợ giúp bởi dự đoán nguy cơ về mặt định tính hoặc định lượng thích hợp, gắn liền với các mối nguy hiểm hiện diện trên máy.
Việc đánh giá nguy cơ phải được tiến hành sao cho có thể lập được tài liệu về quy trình phải tuân theo và các kết quả đạt được.
Đánh giá nguy cơ thường được tiến hành kỹ lưỡng và có hiệu quả hơn khi thực hiện theo nhóm đánh giá. Số lượng người của một nhóm thay đổi theo:
– Phương pháp đánh giá nguy cơ được lựa chọn;
– Độ phức tạp của máy;
– Quá trình trong đó máy được sử dụng.
Nhóm đánh giá cần có sự hiểu biết về các ngành khoa học khác nhau và sự đa dạng về kinh nghiệm và chuyên môn của các thành viên. Tuy nhiên một nhóm quá đông người có thể dẫn đến khó khăn trong việc duy trì sự tập trung hoặc đạt tới sự nhất trí. Cấu trúc của nhóm có thể thay đổi trong quy trình đánh giá nguy cơ phù hợp chuyên môn được yêu cầu đối với một vấn đề riêng. Trong thực tế có thể thành lập nhóm hai người để đánh giá nguy cơ đối với máy, công việc, hoạt động không phức tạp, có các mối nguy đã được hiểu rõ và nguy cơ không cao.
Cấu trúc và vai trò của các thành viên của nhóm đánh giá
Nhóm đánh giá nguy cơ cần có một người lãnh đạo. Người lãnh đạo nhóm chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc bảo đảm cho mọi công việc liên quan đến lập kế hoạch, thực hiện và lập tài liệu đánh giá nguy cơ và các kết quả/kiến nghị được báo cáo cho người thích hợp.
Các thành viên trong nhóm cần được lựa chọn phù hợp với kỹ năng và chuyên môn được yêu cầu cho việc đánh giá nguy cơ.
Nhóm đánh giá cần bao gồm những người:
– Có thể trả lời các câu hỏi thuộc lĩnh vực kỹ thuật về thiết kế và các chức năng của máy;
– Có kinh nghiệm thực tế về vận hành máy, lắp ráp, bảo dưỡng, phục vụ máy…
– Có hiểu biết về lịch sử tai nạn của kiểu máy cần xem xét;
– Có hiểu biết tốt về các quy định, tiêu chuẩn có liên quan đến nguyên lý thiết kế máy và bất cứ vấn đề an toàn riêng gắn liền với máy;
– Các hiểu biết về yếu tố con người, về ecgônômi.
Lựa chọn phương pháp, công cụ và tập hợp thông tin cho đánh giá nguy cơ
Để đánh giá nguy cơ dưới dạng các tổn hại phức tạp và tiềm tàng của các nhóm máy khác nhau cần phải có nhiều phương pháp và công cụ khác nhau.
Khi lựa chọn một phương pháp và công cụ để thực hiện việc đánh giá, trước hết cần quan tâm đến máy, tính chất có thể có của các mối nguy hiểm/nguy hại và mục đích của đánh giá nguy cơ. Cũng cần quan tâm đến kỹ năng, kinh nghiệm và sở trường của nhóm đối với phương pháp cụ thể.
Nguồn thông tin cho đánh giá nguy cơ có nhiều dạng khác nhau, như: các bản vẽ kỹ thuật, sơ đồ, ảnh, đoạn phim video, thông tin cho sử dụng – quy trình bảo dưỡng và vận hành tiêu chuẩn, có trường hợp có thể tham khảo máy tương tự hoặc một bản thiết kế mẫu…
Để đánh giá nguy cơ cần phải bao gồm các nội dung:
– Thông tin liên quan đến mô tả máy:
+ Yêu cầu kỹ thuật của người sử dụng;
+ Đặc tính kỹ thuật dự tính của máy – mô tả các giai đoạn chu kỳ tuổi thọ của máy, các bản vẽ thiết kế, các nguồn năng lượng được cung cấp;
+ Tài liệu về các thiết kế máy tương tự, phù hợp;
+ Thông tin về sử dụng máy;
– Thông tin liên quan đến các quy định, các tiêu chuẩn, các tài liệu khác:
+ Các quy định áp dụng;
+ Các tiêu chuẩn liên quan;
+ Các tài liệu đặc tính kỹ thuật;
+ Bản dữ liệu an toàn;
– Thông tin liên quan đến kinh nghiệm sử dụng:
+ Lịch sử về bất cứ tai nạn, sự cố hoặc sai hỏng nào của máy trên thực tế, hoặc máy tương tự;
+ Lịch sử về thiệt hại đến sức khoẻ (ví dụ do tiếng ồn, rung động, bụi, khói…, các hoá chất được sử dụng, các vật liệu được gia công…);
– Thông tin liên quan các nguyên tắc ecgônômi trong thiết kế máy:
+ Giảm stress và căng thẳng về tâm thần và thể chất của người vận hành – kích thước cơ thể, lực cơ, tư thế, biên độ cử động, tần số hoạt động có chu kỳ, các thành phần giao diện giữa người vận hành – máy (cơ cấu điều khiển, phương tiện phản ánh thông tin…);
+ Tránh các tư thế và chuyển động căng thẳng trong quá trình sử dụng máy;
+ Thiết kế máy (cầm tay, di động) tính đến sự gắng sức của bộ phận điều khiển khi sử dụng lực cơ;
+ Giảm tới mức phù hợp tác động của tiếng ồn, rung động, stress nhiệt;
+ Tránh liên kết nhịp làm việc của người vận hành với một chuỗi chu kỳ tự động;
+ Thiết kế chiếu sáng chỗ làm việc hợp lý, bảo đảm an toàn và phù hợp yêu cầu sinh lý thị giác;
+ Lựa chọn, bố trí các bộ phận điều khiển bằng tay (cơ cấu dẫn động) bảo đảm các yêu cầu: nhìn thấy, nhận biết rõ ràng; vận hành an toàn, chính xác; vị trí và chuyển động điều khiển của chúng phải phù hợp với tác dụng; không gây ra nguy cơ phụ;
+ Lựa chọn, thiết kế và định vị các phương tiện phản ánh thông tin, dụng cụ đo kiểm có mặt số, màn hình hiển thị, bảo đảm các yêu cầu: phù hợp với các thông số, đặc tính nhận thức của con người; thông tin chỉ báo về các yêu cầu vận hành và sử dụng đúng, nhận biết – giải thích thuận tiện, rõ ràng, dễ hiểu, hiển thị lâu dài; khả năng nhận thấy từ vị trí điều khiển.
Các thông tin cho đánh giá nguy cơ cần phải được cập nhật theo sự phát triển của thiết kế hoặc cải tiến máy khi có yêu cầu. Không nên giả định nguy cơ là thấp khi lịch sử không có tai nạn, hay số lượng tai nạn nhỏ hoặc tính nghiêm trọng của tai nạn thấp.
Để phân tích về mặt định lượng nguy cơ, có thể sử dụng dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu, các sổ tay, các thông số kỹ thuật trong phòng thí nghiệm hoặc của các nhà sản xuất với điều kiện là có đủ độ tin cậy về sự thích hợp của các dữ liệu. Sự không chắc chắn của các dữ liệu này cần phải được chỉ rõ trong tài liệu đánh giá.
TS. Nguyễn Thế Công
(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động – 2012)