Nhận dạng và kiểm soát an toàn sản xuất – nhóm có các yếu tố nguy hiểm cơ học
lao động gây chấn thương hoặc tai nạn lao động.
Nơi có yếu tố nguy hiểm cơ học:
– Các bộ phận, cơ cấu truyền động (đai truyền, bánh răng, trục khuỷu…).
– Các bộ phận chuyển động quay với vận tốc lớn (đá mài, cưa đĩa, bánh đà, máy li tâm, trục máy tiện, máy khoan, trục cán ép…).
– Các bộ phận chuyển động tịnh tiến (búa máy, máy đột dập, đầu máy bào, máy xọc, máy phay…).
– Các mảnh dụng cụ, vật liệu gia công văng bắn (phoi, bụi vật liệu gia công hoặc các mảnh dụng cụ gẫy vỡ như: đá mài, dao cắt gọt, lưỡi cưa v.v…).
– Vật rơi từ trên cao, gãy sập đổ các kết cấu công trình.
– Trơn, trượt, ngã v.v…
Nguy cơ nguy hiểm
– Gây chấn thương do cắt, cuốn kẹp, va đập ở các cơ cấu truyền động;
– Gây chấn thương do văng bắn các mảnh dụng cụ hoặc vật liệu gia công.
– Gây chấn thương do trơn trượt ngã, hoặc do sập đổ kết cấu.
Các biện pháp phòng ngừa
– Thiết bị che chắn an toàn: Có nhiều kiểu loại thiết bị che chắn an toàn khác nhau tuỳ theo: Vật liệu chế tạo (gỗ, kim loại, chất dẻo tổng hợp, kính); theo cấu tạo và hình dạng (khung kín, khung lưới…); theo cách lắp đặt (cố định hay tháo lắp); theo công dụng bảo vệ (tránh va đập, cán kẹp, văng bắn…). Tuy nhiên tất cả các loại thiết bị che chắn đều phải thoả mãn các yêu cầu và quy định của tiêu chuẩn TCVN 4717-89: Thiết bị sản xuất – che chắn an toàn và cụ thể như sau:
+ Phải ngăn ngừa được tác động của các yếu tố nguy hiểm.
+ Phải bền chắc dưới tác động của các yếu tố cơ, nhiệt, hoá và không gây biến dạng hình học, nóng chảy hoặc ăn mòn.
+ Không làm hạn chế khả năng công nghệ cũng như quan sát, bảo dưỡng và vệ sinh công nghiệp.
Thiết bị che chắn an toàn thường được dùng trong các trường hợp sau:
+ Che chắn các bộ phận, cơ cấu truyền động, dẫn động.
+ Che chắn vùng văng bắn các mảnh dụng cụ, vật liệu gia công.
+ Che chắn các bộ phận dẫn điện, các nguồn bức xạ có hại v.v.
+ Rào chắn vùng làm việc trên cao, các khu vực hào, hố sâu v.v.
– Thiết bị, cơ cấu phòng ngừa: Là các phương tiện KTAT tự động ngắt chuyển động, hoạt động của máy và thiết bị sản xuất khi một thông số kỹ thuật nào đó vượt quá giới hạn quy định cho phép.Thiết bị và cơ cấu phòng ngừa cũng rất đa dạng về kết cấu và công dụng. Nhìn chung nguyên tắc làm việc đều dựa trên những nguyên lý cơ bản sau: cơ học, quang học, nhiệt, từ và điện.
Một số thiết bị và cơ cấu phòng ngừa dùng phổ biến trong sản xuất:
+ Thiết bị và cơ cấu phòng ngừa quá tải máy động lực (rơ le tự ngắt, cơ cấu khống chế mô men tải.
+ Thiết bị và cơ cấu phòng ngừa quá tải thiết bị áp lực (van, áp kế, ống thuỷ…).
+ Cơ cấu phòng ngừa, khống chế hành trình, tốc độc của các bộ phận thực hiện các chuyển động tịnh tiến hoặc quay tròn (phanh, khoá liên động, rơ le tự ngắt…).
– Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định: Mũ chống va đập, dây an toàn phòng chống ngã cao, giày ủng, găng tay bạt v.v…
– Tổ chức bố trí nơi làm việc hợp lý, đảm bảo an toàn đối với nhà xưởng, đối với thiết bị máy móc:
+ Nền sàn nhà xưởng phải bằng phẳng, cao ráo, không trơn trượt, dễ cọ rửa. Trong môi trường có chất xâm thực và độc hại (axit, kiềm…) nền phải được làm bằng vật liệu chịu hoá chất, không hấp phụ các chất xâm thực.
+ Mặt bằng phải gọn gàng, ngăn nắp: máy móc, thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu, thành phẩm, phế rác thải phải để đúng nơi quy định; không gây cản trở cho người đi lại thao tác và các phương tiện vận chuyển.
+ Những khu vực nguy hiểm trong xưởng phải được ngăn cách bảo vệ xung quanh.
+ Phải bảo đảm ánh sáng theo đúng tiêu chuẩn hiện hành tại các vị trí làm việc, trên đường đi lại, cầu thang…
+ Trong xưởng cũng như tại từng vị trí làm việc của công nhân phải bảo đảm thông gió tự nhiên hoặc thông gió nhân tạo theo đúng tiêu chuẩn. Ở những khu vực làm việc có phát sinh bụi, tiếng ồn và rung động lớn nhất thiết phải có biện pháp xử lý để không gây ảnh hưởng tới các khu vực sản xuất xung quanh.
+ Khoảng cách giữa các máy móc thiết bị không hẹp hơn 1m. Trường hợp máy hoặc thiết bị có các bộ phận chuyển động (động cơ, máy li tâm, máy nén khí) hoặc thiết bị của các quá trình nhiều nguy hiểm (lò, nồi hơi…) khu vực giữa chúng phải tăng lên tới 2m. Khoảng cách giữa các hàng thiết bị phải để lối qua lại rộng ít nhất 2,5m.
+ Trong gian sản xuất có các máy vận chuyển bên trong thì giữa các bộ phận chuyển động (toa xe, goòng, băng chuyền, xe lăn…) và các phần nhô ra của các kết cấu công trình (tường, cột) cần phải chừa lối qua lại rộng ít nhất 1m.
+ Phía trên các lối qua lại ấn định để cho người đi lại thường xuyên không cho phép vận chuyển hàng bằng cầu trục hay băng chuyền.
+ Các đường ống dẫn nước, hơi, khí, máng thông gió hoặc các thiết bị khác dưới trần nhà xưởng ở các lối qua lại không thấp hơn 2,2m.
+ Các thiết bị làm việc có tiếng ồn lớn (lớn hơn 90 dBA) và rung động mạnh (vận tốc rung động V lớn hơn hoặc bằng 2mm/s) cần bố trí ở khu nhà riêng và phải được xử lý giảm ồn cách rung.
– Có đầy đủ nội quy an toàn vận hành, sử dụng thiết bị và treo dán tranh ảnh, áp phích BHLĐ thích hợp:
+ Tất cả các thiết bị, máy móc đều phải có nội quy an toàn vận hành sử dụng. Các nội quy này cần biên soạn ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, dễ đọc và được treo, gắn cố định ngay tại vị trí làm việc của người lao động.
+ Trong các phân xưởng sản xuất cần treo dán các loại áp phích BHLĐ phù hợp như: áp phích BHLĐ về an toàn cơ khí, an toàn điện, an toàn hoá chất, an toàn cháy nổ v.v…
– Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ khám nghiệm và kiểm định đối với các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động:
Mục đích của khám nghiệm và kiểm định thiết bị, máy móc là đánh giá chất lượng, xác định sự thoả mãn các yêu cầu và thông số về độ bền, độ tin cậy của toàn bộ thiết bị hoặc của chi tiết bộ phận quy định đến an toàn của quá trình vận hành. Từ đó sẽ quyết định việc cấp phép sử dụng hoặc cấp phép gia hạn sử dụng đối với từng loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo đúng các quy định hiện hành. Danh mục các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động bao gồm những loại cơ bản sau:
+ Nồi hơi các loại (bao gồm cả bộ quá nhiệt và bộ hâm nước) có áp suất làm việc định mức của hơi trên 0,7 KG/cm2 (Theo QCVN:01-2008/BLĐTBXH, tại điểm 1.4.17 thì: Đơn vị đo áp suất được qui đổi như sau: 1 KG/cm2 = 0,1 MPa = 0,98 baz = 14,4 PSI).
+ Nồi đun nước nóng có nhiệt độ môi chất lớn hơn 1150C;
+ Các bình chịu áp lực có áp suất làm việc định mức cao hơn 0,7 KG/cm2 (không kể áp suất thuỷ tĩnh), trừ các bình có dung tích nhỏ hơn 25lít nếu tích số giữa dung tích (tính bằng lít) với áp suất (tính bằng KG/cm2) không lớn hơn 200 và các bình không làm bằng kim loại;
+ Bể (Xitéc) và thùng dùng để chứa, chuyên chở khí hoá lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7 KG/cm2 hoặc chất lỏng, chất rắn dạng bột không có áp suất nhưng khi tháo ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7 KG/cm2;
+ Hệ thống lạnh các loại, trừ hệ thống lạnh có môi chất làm việc bằng nước, không khí; hệ thống lạnh có lượng môi chất nạp vào nhỏ hơn 5 kg đối với môi chất làm lạnh thuộc nhóm 1, nhỏ hơn 2,5 kg đối với môi chất làm lạnh thuộc nhóm 2;
+ Đường ống dẫn hơi nước, nước nóng cấp I và cấp II có đường kính ngoài từ 51mm trở lên, các đường ống dẫn cấp III và IV có đường kính ngoài từ 76mm trở lên;
+ Các đường dẫn khí đốt;
+ Cần trục các loại: Cần trục ô tô, cần trục bánh lốp, cần trục bánh xích,cần trục đường sắt, cần trục tháp, cần trục chân đế, cần trục công xôn, cần trục thiếu nhi;
+ Chai dùng để chứa, chuyên chở khí nén, khí hoá lỏng, khí hoà tan có áp suất làm việc cao hơn 0,7 KG/cm2;
+ Hệ thống điều chế, nạp khí, khí hoá lỏng, khí hoà tan;
+ Cầu trục: Cầu trục lăn, cầu trục treo;
+ Cổng trục: Cổng trục, nửa cổng trục;
+ Trục cáp;
+ Palăng điện;
+ Xe tời điện chạy trên ray;
+ Tời điện dùng để nâng tải theo phương thẳng đứng;
+ Tời (thủ công, điện) dùng để nâng người;
+ Máy vận thăng;
+ Thang máy các loại;
+ Thang cuốn;
+ Các loại thuốc nổ;
+ Phương tiện nổ (kíp, dây nổ, dây cháy chậm…);
TS. Triệu Quốc Lộc
(Nguồn tin: Trích dẫn cuốn Bảo hộ lao động, chủ biên PGS.TS Nguyễn An Lương, NXB Lao động, 2012)