Nhận dạng và kiểm soát an toàn sản xuất – nhóm có các yếu tố nguy hiểm điện

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

Nơi có yếu tố nguy hiểm điện
– Tiếp xúc với các bộ phận kim loại của máy móc, thiết bị đã bị rò điện chạm vỏ.
– Tiếp xúc va chạm vào các vật mang điện như: dây trần, mối nối dây điện, cầu dao, cầu chì, các bộ phận dẫn điện của thiết bị để hở v.v…
– Do điện áp bước, người đi vào vùng có dòng điện loang tản trong đất như khi dây điện đứt một đầu rơi chạm đất, dây cáp điện ngầm bị hở v.v…
– Do phóng điện hồ quang khi người và dụng cụ máy móc làm việc ở gần nguồn cao áp.

 Nguy cơ nguy hiểm

– Điện giật gây tổn thương cơ thể, thậm chí chết người.

– Chập điện gây cháy nổ tổn thất lớn về người và tài sản.

– Bỏng do phóng điện hồ quang.

– Sét đánh trục tiếp, sét đánh lan truyền gây tổn thất cho công trình và thiết bị.

Các biện pháp phòng ngừa

– Nối đất, “nối không” thiết bị.

+ Nối đất bảo vệ là dùng dây dẫn điện nối vỏ kim loại của thiết bị (bình thường không có điện) với vật nối đất bằng sắt thép chôn dưới đất. Nối đất bảo vệ được áp dụng trong mạng điện ba pha có trung tính cách ly, có tác dụng làm cho dòng điện khi chạm vỏ, do lớp cách điện bị hỏng (chập mạch một pha), sẽ truyền xuống đất nhờ dây dẫn nối liền vỏ thiết bị với vật nối đất. Khi chạm vào vỏ thiết bị đã bị chạm mát, thân người khi đó được coi như mắc song song với vật nối đất có điện trở rất nhỏ do đó sẽ làm giảm trị số dòng điện đi qua người nên không gây nguy hiểm.

+ “Nối không” bảo vệ là dùng dây dẫn điện nối vỏ kim loại của thiết bị (bình thường không có điện) với dây trung tính nối đất của lưới điện. “Nối không” bảo vệ áp dụng trong mạng ba pha bốn dây và có tác dụng khi có dòng điện chạm vỏ thiết bị sẽ tạo ra dòng điện ngắn mạch một pha làm đứt cầu chì hay công tắc tự ngắt (áptomát) với thời gian ngắn mạch nhỏ nhất.

Lưu ý: Trong hệ thống mạng có dây trung tính nối đất, không được phép áp dụng hình thức nối đất bảo vệ nào khác.

+ Các đối tượng thiết bị cần nối đất, “nối không” gồm: Các thiết bị điện một chiều với điện áp 500V trở lên cũng như các thiết bị điện xoay chiều điện áp 36V trở lên làm việc ở những nơi có mức độ nguy hiểm và rất nguy hiểm về điện; vỏ máy điện và dụng cụ chạy điện; máy biến áp, thiết bị chiếu sáng và các thiết bị điện khác; hộp kim loại của cầu dao và ổ cắm; khung kim loại của bảng phân phối và bảng điều khiển; vỏ và khung kim loại của các máy di động có dây dẫn điện; vỏ bọc kim loại của cáp điện; đường ray của cần trục và palăng điện; dàn giáo bằng kim loại, các kết cấu kim loại của nhà cửa, công trình, cũng như các bộ phận khác bằng kim loại có thể bất ngờ có điện.

– Bao che, rào ngăn và biển báo

+ Các bộ phận mang điện như cầu dao phải đặt trong hộp kín, cầu chì, ổ cắm điện phải có nắp đậy, các đầu dây nối phải bọc kín bằng vật liệu cách điện…

+ Các thiết bị điện như trạm biến áp, trạm đóng cắt, trạm phân phối điện v.v… phải được rào ngăn cẩn thận chắc chắn và phải có biển báo, biển cấm.

+ Không được để dây điện, dây cáp điện trên mặt đất, sàn nhà mà phải treo cao, đặt trên các giá cọc để tránh cho người và phương tiện xe, máy qua lại giẫm đè lên gây tai nạn. Kiểm tra cách điện cho các thiết bị ít nhất mỗi năm một lần trong điều kiện bình thường và 2 lần/năm ở những nơi ẩm ướt có hơi khí xâm thực.

+ Ở những nơi nguy hiểm cao về điện, phải sử dụng điện áp an toàn theo đúng quy định: nơi nguy hiểm điện áp sử dụng không quá 45V; nơi rất nguy hiểm không quá 12V.

+ Phải có biển báo, biểm cấm tại các nguồn cấp điện như: Cầu dao, trạm đóng cắt, công tắc, ổ cắm để đề phòng trường hợp đóng cắt điện bất ngờ. Các loại biển báo, biển cấm được làm bằng vật liệu phi kim loại và có dây treo móc chắc chắn.

+ Trường hợp xuất hiện điện áp bước (do có dây điện đứt, một đầu chạm đất hoặc do thực hiện nối đất cho thiết bị điện có điện áp trên 1000V) nhất thiết phải rào chắn xung quanh khu vực này và treo biển báo: “Nguy hiểm có điện”.

+ Để đề phòng bị phóng điện hồ quang, khi người hoặc máy móc làm việc ở gần hay đi lại phía dưới đường dây tải điện cao áp phải tuân theo khoảng cách an toàn tối thiểu theo phương ngang và phương đứng đến dây gần nhất như sau:

Điện áp [KV]

(1÷20)

(35÷110)

(150÷200)

đến 300

đến 500

Khoảng cách [m]

2

4

5

6

9

– Sử dụng đầy đủ và đúng chủng loại PTBVCN.

+ Ủng và giày cách điện: Được làm bằng loại cao su đặc biệt, có khả năng cách điện tốt (ở điện áp dưới 1000V). Ủng và giày cách điện phải được bảo quản trong buồng khô ráo, đặt trong tủ kín, cách xa các nguồn nhiệt (lò hoặc ống sưởi) tối thiểu là 1m và phải được thử nghiệm hàng năm đối với giày và 3 năm đối với ủng.

+ Găng cách điện: Có hai loại găng tay cách điện, loại dưới 1000V và loại trên 1000V. Khi mua và sử dụng cần xác định theo nhãn hiệu xem có phù hợp với điện áp của thiết bị không và xoắn từng chiếc từ cổ găng đến các ngón xem có nứt, rạn hoặc thủng hay không.

+ Thảm và chiếu cao su cách điện: Có hai loại làm từ cao su cách điện dày từ 3 đến 5 mm (đối với điện áp dưới 1000V) và từ 7 đến 8 mm (đối với điện áp trên 1000V). Mặt trên của thảm và chiếu cách điện có gân để khỏi trơn trượt. Kích thước tối thiểu của thảm cao su là 500 x 500 mm; còn của chiếu cao su chiều rộng tối thiểu là 500mm.

+ Sào cách điện: Sào cách điện dùng để đóng và ngắt sự cách ly một cực, để bắt dây nối đất di động, làm ngắn mạch các thanh dẫn v.v… Sào được chế tạo bằng vật liệu cách điện có độ bền điện cao (bakêlit, êbônit v.v…) hoặc bằng gỗ (gỗ dẻ, sồi v.v…) tẩm trong dầu gai. Sào cách điện gồm có loại để thao tác và loại dùng để đo. Chú ý khi dùng sao cách điện nên đeo găng cách điện. Đối với loại sào đo cần phải tiến hành thử nghiệm theo mùa, đo 3 tháng một lần và ít ra mỗi năm một lần, còn sào thao tác là 2 năm một lần. Ngoài thử nghiệm điện, loại sào này còn cần được kiểm tra bên ngoài cẩn thận, không được dùng sào bị nứt, gãy hoặc có hư hỏng khác.

Bảo vệ chống sét

Hệ thống chống sét gồm 3 phần chính:

+ Phần thu sét: Có thể dạng thanh, dây hoặc lưới thép. Thu sét dạng thanh (kim thu sét) F15mm; L = 150mm mạ kẽm hoặc nhôm đặt lên cột thu lôi, đứng độc lập cao hơn công trình được bảo vệ hoặc đặt ngay trên công trình được bảo vệ. Nếu một cột thu lôi không đảm bảo an toàn cho toàn bộ công trình thì đặt vài cột. Mỗi kim thu sét phải có dây dẫn riêng với vật nối đất hoặc nối với nhau bằng một dây dẫn chung nối với vật nối đất. Phần thu sét dạng dây: Chủ yếu dùng để bảo vệ cho những công trình chạy dài như đường dây điện, đường ống… Dây thu sét cũng phải được nối đất tốt. Phần thu sét dạng lưới: Đặt hoặc treo phía trên công trình cần bảo vệ và phải nối với vật nối đất qua dây dẫn ít nhất ở 2 điểm. Lưới làm từ dây thép đường kính 6÷10 mm với ô lưới 5 x 5 m.

+ Dây dẫn điện: Được làm từ thanh hoặc dây kim loại, tiết diện không nhỏ hơn 50 mm2 và phải được nối chắc chắn với phần thu sét và vật nối đất bằng cách hàn.

+ Vật nối đất: Có thể là cọc thép tròn, thép ống, thép góc đóng ngập sâu xuống đất hoặc các thanh thép dài chôn trong đất cách mặt đất từ 0,5÷ 0,8m. Cũng có thể sử dụng đường ống cấp thoát nước bằng kim loại ngầm dưới đất làm vật nối đất tự nhiên.

Hệ thống chống sét cần phải được kiểm tra định kỳ. Kiểm tra cách điện cho các thiết bí ít nhất mỗi năm một lần trong điều kiện bình thường và 2 lần/năm ở những nơi ẩm ướt có hơi khí xâm thực. Định kỳ tiến hành đo đạc kiểm tra chất lượng hệ thống nối đất chống sét theo đúng quy định, đặc biệt trước mùa mưa bão.

TS. Triệu Quốc Lộc


(Nguồn tin: Trích dẫn cuốn Bảo hộ lao động, chủ biên PGS.TS Nguyễn An Lương, NXB Lao động, 2012)