Nhận dạng và kiểm soát an toàn sản xuất – nhóm có các yếu tố nguy hiểm hóa chất

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

Nơi có yếu tố nguy hiểm hoá chất
– Trong ngành công nghiệp điều chế sản xuất hoá chất.
– Trong ngành sản xuất giấy, dệt may, da giày, thuốc tẩy rửa, thuốc khử trùng, thuốc diệt côn trùng v.v…
– Ở các nhà máy nhiệt điện, các phân xưởng nhiệt luyện có các lò đốt than, lò khí hoá than.
– Công nghiệp sản xuất và tinh chế dầu mỏ v.v…

Nguy cơ nguy hiểm

– Nhiễm độc cấp tính: Xảy ra sau lần tiếp xúc ngắn, đơn lẻ (thường không lâu hơn 1 ca làm việc) với số lượng lớn hoặc nồng độ cao của một chất.

– Nhiễm độc mãn tính: Ảnh hưởng đến sức khoẻ gây ra do tiếp xúc nhiều lần lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Nhiễm độc mãn tinh chỉ có thể nhận biết được sau nhiều năm tiếp xúc.

Chú ý: Nhiễm độc cấp tính và mãn tính đều có thể gây tử vong hoặc gây hậu quả lâu dài ảnh hưởng tới sức khỏe NLĐ.

Các biện pháp phòng ngừa

Để hạn chế nguy cơ nhiễm độc, cần có những biện pháp để loại trừ hoặc làm giảm độc tính của hoá chất cũng như giảm mức tiếp xúc với hoá chất đó. Đối với từng công việc cụ thể, có thể áp dụng những biện pháp sau:

– Biện pháp kỹ thuật:

+ Loại bỏ hoá chất độc hại đang sử dụng bằng cách thay đổi công nghệ hoặc thay thế hoá chất ít độc hơn, hoặc hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp, sự dây dính hoá chất độc lên người lao động.

+ Cách ly và che chắn nhằm hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp, hạn chế sự dây dính hoá chất độc lên người lao động.

+ Lắp đặt các thiết bị thông gió, tăng mức độ trao đổi khí trong khu vực làm việc có nguy cơ rò rỉ hoá chất, giảm nồng độ của hoá chất.

+ Sử dụng đúng chủng loại PTBVCN như: phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp, găng tay, bao tay, kính, mũ, quần áo, giầy, ủng v.v…

– Biện pháp quản lý:

+ Kiểm tra thường xuyên môi trường lao động và áp dụng hợp lý các biện pháp kỹ thuật. Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân, đặc biệt công nhân có tiếp xúc thường xuyên với hoá chất.

+ Nâng cao nhận thức về sử dụng an toàn hoá chất cho người lao động.

+ Dự phòng các biện pháp cấp cứu cần thiết khi xảy ra trường hợp bị nhiễm độc hoá chất.

TS. Triệu Quốc Lộc


(Nguồn tin: Trích dẫn cuốn Bảo hộ lao động, chủ biên PGS.TS Nguyễn An Lương, NXB Lao động, 2012)