Nhận dạng và kiểm soát an toàn sản xuất – nhóm có các yếu tố nguy hiểm nhiệt
– Làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, hoặc thấp như thi công xây dựng cầu, đường; làm việc trong các buồng kho đông lạnh bảo quản và chế biến thực phẩm.
– Các khu vực sản xuất gia nhiệt ở các lò công nghiệp như lò nung, lò nhiệt luyện, lò nấu kim loại…
– Hệ thống đường ống dẫn hơi khí nóng hoặc lạnh; hoá chất cháy ở điều kiện tự nhiên, các bộ phận sinh hơi và chứa hơi, các buồng đốt (than, dầu, ga…).
– Các công đoạn và nguyên công trong công nghệ hàn điện, hàn hơi, hàn plasma, rèn nóng, đúc kim loại nấu chảy v.v…
Nguy cơ nguy hiểm
– Xì hở, rò rỉ các môi chất truyền thể hơi, khí, lỏng gây bỏng nóng hoặc lạnh đối với cơ thể.
– Văng bắn ngọn lửa, tia lửa vật nung nóng hoặc nấu chảy… gây cháy đối với môi trường xung quanh và gây bỏng cho con người.
– Sốc nhiệt đối với cơ thể gây choáng hoặc ngất.
Các biện pháp phòng ngừa
– Thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng kiểm và khám nghiệm kỹ thuật đối với các thiết bị nồi hơi, hệ thống ống dẫn hơi khí hoá chất… có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.
– Phải trang bị đầy đủ các cơ cấu dụng cụ an toàn như đồng hồ, áp kế, van an toàn, thiết bị điều chỉnh tự động phụ tải nhiệt, cơ cấu dập lửa tạt v.v…
– Định kỳ kiểm tra chất lượng các thiết bị công nghệ, các cơ cấu dụng cụ an toàn. Đặc biệt chú ý tới các mối hàn của thiết bị và hệ thống đường ống dẫn.
– Công nhân vận hành các thiết bị nồi hơi, các lò công nghiệp, hàn điện, hàn hơi, hàn plasma… phải được huấn luyện đầy đủ về kỹ thuật an toàn và có khả năng xử lý các tình huống sự cố xảy ra.
– Trang bị cho người lao động đầy đủ các loại PTBVCN theo đúng các quy định hiện hành.
TS. Triệu Quốc Lộc
(Nguồn tin: Trích dẫn cuốn Bảo hộ lao động, chủ biên PGS.TS Nguyễn An Lương, NXB Lao động, 2012)