Nhận diện và kiểm soát các yếu tố nguy hại phổ biến trong khai thác dầu khí

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

Có rất nhiều yếu tố nguy hại phát sinh trong quá trình khai thác dầu khí. Có thể kể ra một số các yếu tố nguy hại phổ biến mà Cục an toàn lao động Mỹ liệt kê như sau:

(i) va chạm giữa các phương tiện di chuyển: người lao động (NLĐ) và thiết bị thường xuyên di chuyển vào và ra từ các giàn khoan. Các giàn khoan thường nằm ở những nơi xa nên quãng đường mà người và phương tiện phải di chuyển khá dài mới tới được nơi khai thác. Các phương tiện cao tốc khi va chạm nhau thường dẫn đến tai nạn hoặc tử vong cho công nhân khai thác. Theo thống kê về tai nạn nghề nghiệp chết người thì cứ 10 người chết trong ngành khai thác dầu khí thì có tới 4 người chết vì tai nạn do va chạm giữa các phương tiện giao thông.

(ii) bị va đập, bị kẹt, bị kẹp: cứ 5 người tử vong tại nơi khai thác dầu khí thì có tới 3 người bị chết do bị va đập, bị kẹt hoặc bị kẹp bởi thiết bị. NLĐ có thể tiếp xúc với các mối nguy hại trên từ rất nhiều nguồn khác nhau như thiết bị di chuyển, thiết bị rơi, đổ hoặc thiết bị cao áp.

(iii) cháy nổ: NLĐ trong ngành khai thác dầu khí phải đương đầu với nguy cơ cháy nổ do cháy các hơi khí dễ bốc cháy. Các loại hơi khí dễ cháy là khí từ giếng khoan, hơi và khí H2S từ giếng khoan, từ xe tải, các thiết bị sản xuất, các thiết bị trên mặt đất như bồn chứa, máy sàng đá phiến dầu. Các nguồn phát lửa như: tĩnh điện, các tia lửa điện, ngọn lửa, thuốc lá, cắt, hàn, các bề mặt nóng và nhiệt do ma sát.

(iv) Rơi: NLĐ có thể phải làm việc trên cao trên giếng khoan. Cục ATLĐ yêu cầu phải trang bị cho NLĐ các phương tiện chống ngã cao từ cột tháp, tháp khoan hoặc các các thiết bị ở trên cao.

(v) Không gian kín: NLĐ thường phải làm việc trong không gian kín như: các bồn chứa dầu, hầm bùn, hầm dự trữ và các khu vực đào tạo hầm, con-ten-nơ chứa cát và các không gian kín khác xung quanh miệng giếng. Các yếu tố nguy hại gây mất an toàn gắn với không gian kín như: hơi và khí dễ cháy. Các yếu tố nguy hại tới sức khỏe như các chất khí gây ngạt và hóa chất độc. Các không gian kín chứa hoặc có nguy cơ chứa các yếu tố nguy hại cần phải làm rõ như: đã có giấy phép vào làm việc chưa? đã kiểm tra trước khi cho NLĐ vào làm việc chưa? và phải giám sát suốt quá trình làm việc.

(vi) Điện và các nguồn có năng lượng: NLĐ có thể tiếp xúc với các nguồn điện không được kiểm soát, các thiết bị cơ khí, thủy lực và các nguồn nguy hại khác mà không được thiết kế, lắp đặt và bảo dưỡng đúng cách. Các biện pháp kiểm soát hành chính khác cũng cần phải xây dựng và thực hiện để đảm bảo an toàn; ví dụ quy trình vận hành thiết bị.

Cục ATLĐ Mỹ đưa ra một số lời khuyên để lập kế hoạch và phòng ngừa

* Phải biết được các yếu tố nguy cơ. Đánh giá nguy cơ tại chỗ làm việc. Một số công ty khai thác dầu khí sử dụng phương pháp đánh giá Phân tích quy trình an toàn công việc (gọi tắt tiếng Anh là JSA – Job Safety Analysis) để nhận diện các yếu tố nguy hại và tìm giải pháp;

* Xây dựng biện pháp bảo vệ NLĐ bao gồm xây dựng và thực hiện các biện pháp thực hành an toàn cho:

– Không gian kín; công việc đào đất;

– Xử lý và tiếp xúc hóa chất;

– Lưu giữ hóa chất;

– Làm điện;

– Cấp cứu;

– Yếu tố nguy hại do máy móc, thiết bị;

– Chống ngã cao;

– Chống cháy;

– Công việc có nhiệt độ cao, hàn, cắt bằng ngọn lửa;

– Làm việc nơi nóng bức, ca kíp nhiều giờ;

* Cung cấp phương tiện BVCN. Khi các giải pháp kỹ thuật thuần túy không thể bảo vệ được NLĐ trong tiếp xúc quá mức với hóa chất, tiếng ồn hoặc các yếu tố nguy hại khác thì NSDLĐ phải cung cấp PTBVCN cho NLĐ.

* Phổ biến các thông tin về các yếu tố nguy hại và phải tập huấn cho NLĐ;

* Phải có kế hoạch an toàn cho nhà thầu và tổ chức tập huấn cho họ.

Biên dịch: Phạm Hải


(Nguồn tin: ishn.com)