Những biện pháp ngăn chặn nguy cơ bệnh tâm lý xã hội ở một số nước trên thế giới

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

Theo Quỹ Dublin, ở Châu Âu 27% NLĐ bị làm việc trong tình trạng căng thẳng. Căng thẳng trong công việc là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe phổ biến nhất hiện nay. Nó là nguyên nhân dẫn đến từ 50 đến 60% lý do nghỉ việc của NLĐ. Tại Pháp, các cuộc điều tra thường xuyên của các trung tâm nghiên cứu và thống kê về “điều kiện làm việc” đã đưa ra những con số đáng nghi ngại về tình trạng làm việc căng thẳng trong các doanh nghiệp: hơn một nửa số công nhân làm việc trong tình trạng báo động; một phần ba cho rằng họ sống trong tình trạng căng thẳng với đồng nghiệp hoặc cấp trên của mình. Vì vậy, mỗi nước đều có cách tổ chức của riêng mình nhằm nâng cao sức khỏe tinh thần cho NLĐ. Ngoài Liên minh Châu Âu, các nước khác cũng có những biện pháp đẩy mạnh công tác phòng chống những nguy cơ tâm lý xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo chỉ thị 89/391/EC, các nước thành viên của Liên minh Châu Âu đã thiết lập các cơ quan y tế lao động, thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa rủi ro nghề nghiệp. Ở các nước vùng Scandinavia và Bỉ, các cơ quan này là do công ty tư nhân đảm nhiệm, trong khi Tây Ban Nha và Đức đã áp dụng các nguyên tắc sử dụng dịch vụ tư nhân còn Luxembuourg là trường hợp duy nhất duy trì hệ thống kép, một mặt sử dụng dịch vụ bên ngoài, mặt khác, họ cũng sử dụng những người có chuyên môn theo dõi sức khỏe cho NLĐ trong công ty. Còn tại Anh, năm 1992, pháp luật đã ban hành những quy định đối với trách nhiệm của NSDLĐ trong việc đảm bảo an toàn cho NLĐ. Tuy nhiên họ được tự do lựa chọn các phương thức thực hiện. Pháp luật không quy định phải có bác sỹ làm việc trong doanh nghiệp hoặc bắt buộc NLĐ phải đi khám bệnh. NSDLĐ chỉ có nghĩa vụ duy nhất là làm sao đảm bảo điều kiện làm việc, không gây tổn hại sức khỏe cho NLĐ.

Ngược lại, ở Đan Mạch, Thanh tra lao động có quyền quyết định gửi bác sỹ tâm lý đến kiểm tra môi trường của một công ty nếu họ nghi ngờ công ty có vấn đề bất ổn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của NLĐ. Việc kiểm tra mức độ căng thẳng tại nơi làm việc được thanh tra thực hiện bằng cách đưa ra một bảng câu hỏi gọi là “Copenhagen” do Trung tâm nghiên cứu quốc gia về môi trường làm việc cung cấp, cho NLĐ trả lời. Như vậy, Thanh tra lao động có quyền ra lệnh và xếp những công ty theo mức độ về sức khỏe và ATLĐ bằng những ký hiệu tương ứng “biểu tượng mặt cười” xanh, vàng, đỏ. Thanh tra lao động trong các cơ quan chính phủ cũng sử dụng “khí áp kế đo mức độ căng thẳng” như một phương tiện phổ biến để đo lường mức độ căng thẳng của các nhân viên. Ở Đan Mạch, cũng như ở một số nước khác, đặc biệt là Pháp, một số rối loạn tâm thần có thể được công nhận như TNLĐ nếu đó là nguyên nhân thứ phát do trấn thương nghiêm trọng. Đan Mạch là nước duy nhất trong các quốc gia tại Liên minh Châu Âu đã hoàn tất việc sắp xếp và đăng ký tình trạng căng thẳng sau chấn thương trong danh sách những bệnh nghề nghiệp được công nhận và được bồi thường. Nạn nhân bị căng thẳng tại nơi làm việc có thể được bồi thường như một tai nạn nghề nghiệp nếu như hội chứng sau chấn thương có liên quan đến một sự kiện cụ thể nào đó, nhưng nếu trong quá trình làm việc NLĐ bị rơi vào tình trạng căng thẳng dẫn đến stress thì sẽ được bồi thường dưới dạng BNN.

Cũng như vậy, trong các công ty của Thụy Điển, chính sách phòng ngừa luôn được thực hiện. Phương pháp chủ yếu cũng là dựa vào những câu hỏi để đo trạng thái tinh thần và hiệu quả làm việc của nhân viên. Ngoài sự đa dạng trong việc thực hiện của các doanh nghiệp thì một điểm chung cho thấy ở đây là hằng năm các cơ quan quản lý nguồn nhân lực đều thực hiện một công việc quan trọng là gửi và thu thập các câu hỏi và giao cho một công ty độc lập ở bên ngoài phân tích. Tuy nhiên việc đánh giá mức độ ảnh hưởng cao thấp là một phần không thể thiếu trong những câu hỏi đặt ra. Qua phân tích các câu trả lời, người ta có thể xác định được người đó có bị quấy rối hoặc bị bệnh tâm lý xã hội hay không.

Những nhà nghiên cứu của Canada thì cho rằng sức khỏe tại nơi làm việc có liên quan đến các vụ TNLĐ và BNN. Quan điểm này cũng đồng nghĩa với quan điểm làm việc trong môi trường lành mạnh sẽ giảm thiểu TNLĐ và BNN. Theo Jean-Pierre Brun, giáo sư quản lý sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc thì Sức khỏe nghề nghiệp không phải chỉ đơn thuần là không có bệnh tật mà là sự thể hiện việc chăm sóc và tạo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ.

Chính vì tinh thần này mà Quebec đã đặt ra tiêu chuẩn “doanh nghiệp khỏe mạnh”, nhằm xây dựng thói quen lành mạnh và duy trì môi trường làm việc tích cực đối với sức khỏe NLĐ. Bên cạnh đó, năm 2009, Viện Quốc gia Y tế cộng đồng Quebec đã ban hành một loạt những tiêu chuẩn để xác định các rủi ro tâm lý xã hội dành cho cán bộ y tế làm việc trong các doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ngày càng có nhiều ý kiến đề xuất chính sách thúc đẩy chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc đồng thời bổ sung thêm những chính sách liên quan đến việc phòng chống căng thẳng tâm lý nơi làm việc. Điều đó được các công ty thể hiện bằng việc chủ động quan tâm đến nhân viên về phương tiện đi lại, tư vấn sức khỏe, cung cấp cơ sở vật chất nhằm bảo vệ trẻ em, đảm bảo sự phối hợp tốt hơn trong cuộc sống hằng ngày và cuộc sống nghề nghiệp nơi làm việc.


(Nguồn tin: Tạp chí BHLĐ 7/2017)