Những yếu tố cơ bản của công tác bảo vệ người lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

Người lao động càng biết nhiều thông tin về tổ chức nơi mình đang làm việc và số lượng người lao động, thì họ càng nắm rõ hơn cách thức giảm thiểu nguy cơ tới mức có thể chấp nhận được.

Ngày ngày, hàng triệu người làm việc trong môi trường chứa các nguy cơ có khả năng gây bệnh hoặc thậm chí tử vong. Nhiều trong số các nguy cơ đó – có thể bao gồm một loạt các vấn đề như hơi khí kim loại, nhiệt độ cực trị và thiết kế ecgonomi không phù hợp –ngay lập tức có thể không gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, nhưng theo thời gian sẽ gây ra những vấn đề làm thay đổi cả cuộc đời. Ngoài ra, nhiều người lao động không hiểu rõ được tầm quan trọng của những vấn đề xảy ra xung quanh họ. Phơi nhiễm đơn giản lặp lại đối với một nguy cơ có thể dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm như bụi phổi silic hoặc tổn thương thính giác vĩnh viễn. Vì vậy, việc hiểu rõ được hóa chất nào, yếu tố gây stress nào và các điều kiện có hại gì đang tồn tại ở nơi làm việc và làm thế nào để giảm bớt các nguy cơ đó sẽ đem lại những công cụ quan trọng trong việc giảm thiểu nhiều ca chấn thương và bệnh tật tại nơi làm việc.

Vệ sinh công nghiệp cần được tiến hành tại nơi làm việc. Định nghĩa vệ sinh công nghiệp tự nó đã cho thấy tầm quan trọng của công tác này. Theo Hiệp hội Vệ Sinh Công nghiệp Hoa Kỳ (AIHA) vệ sinh công nghiệp là “khoa học và kỹ thuật dành cho việc dự đoán, nhận biết, đánh giá, phòng ngừa và kiểm soát những yếu tố môi trường hoặc stress nảy sinh từ nơi làm việc có thể gây ra tình trạng ốm đau, suy giảm sức khỏe và tinh thần hoặc tình trạng lo âu đáng kể ở công nhân lao động và dân cư trong cộng đồng.”

Nhằm dự đoán, nhận biết, đánh giá, phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố và stress môi trường tại nơi làm việc, cần thiết lập một phương pháp phân tích mặt bằng công việc. Bước đi ban đầu này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định việc làm hay trạm công tác nào là nguồn tiềm ẩn phát sinh các vấn đề ảnh hưởng đến người lao động và môi trường. Trong quá trình phân tích, vệ sinh viên công nghiệp sẽ tiến hành đo và xác định các loại phơi nhiễm, những khu vực/nhiệm vụ gặp vấn đề và các rủi ro gắn liền với chúng.

Tại cơ sở làm việc, cần xem xét tầm quan trọng của việc tìm hiểu tất cả các khía cạnh của nơi làm việc bao gồm ai làm việc ở đâu và trong thời gian bao lâu. Có nhiệm vụ công việc đặc thù nào tại nơi làm việc yêu cầu người lao động dành một khoảng thời gian liên tục tiếp xúc với bụi, hóa chất hoặc thậm chí là tiếng ồn ở tần xuất cao không? Có những công nhân nào phải thực hiện các nhiệm vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn những công nhân khác không? Người lao động càng biết nhiều thông tin về tổ chức nơi mình đang làm việc và lực lượng lao động, thì họ càng nắm rõ hơn cách thức giảm thiểu nguy cơ tới mức có thể chấp nhận được.

Nơi làm việc là nơi tất cả các hoạt động về sức khỏe và văn hóa an toàn đóng vai trò nòng cốt đối với một tổ chức/doanh nghiệp. Thường thì các tổ chức/ doanh nghiệp chỉ muốn duy trì “sự tuân thủ”. Họ không coi trọng việc tiến hành các bước cần thiết khác để tạo ra giá trị đối với sức khỏe và an toàn. Cuối cùng, chỉ tập trung vào việc tuân thủ sẽ không thúc đẩy được người lao động cũng như toàn bộ tổ chức/doanh nghiệp có những đánh giá đúng đắn về sức khỏe và an toàn. Ví dụ, tại sao chúng tôi muốn công nhân đeo dụng cụ bảo vệ tai? Bởi vì tai họ bị lạnh hay bởi họ bắt buộc phải làm vậy? Hay bởi vì chúng tôi mong người lao động được khỏe mạnh và an toàn khi trở về nhà? Khi chúng ta chuyển “sự tuân thủ” trong quá khứ trở thành hoạt động “quản lý rủi ro” và thậm chí trở thành  việc “học tập không ngừng”, thì chúng ta sẽ tạo ra tiến bộ cần thiết trong việc giữ gìn sức khỏe và sự an toàn cho người lao động ở cả trong công việc lẫn ngoài công việc.

Xem xét quy định mới của Cơ quản Bảo vệ Sức khỏe và An toàn Lao động Hoa Kỳ (OSHA) về silic dioxit tinh thể hô hấp cho thấy mục tiêu cuối cùng của quy định này là bảo vệ người lao động bằng cách giảm thiểu mức độ nguy hại của silic dioxit (có trong đá, xi măng, cát và nhiều loại vật liệu khác), có thể dẫn đến các bệnh như ung thư, bụi phổi silic, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh về thận. Xấp xỉ 2,3 triệu người lao động phơi nhiễm với hóa chất này hàng năm, vì vậy để bảo đảm sức khỏe, cần có những ưu tiên về vấn đề này tại từng doanh nghiệp. Quy định mới sẽ hỗ trợ trong việc giảm thiểu hiện tượng phơi nhiễm này thông qua một số điều khoản quan trọng sau:

– Giảm giới hạn phơi nhiễm cho phép xuống 50 mi-crô-gram/m3 không khí trong suốt ca làm việc 8 tiếng;

–  Yêu cầu người sử dụng lao động sử dụng các biện pháp kiểm soát kỹ thuật, cung cấp mặt nạ bảo vệ cơ quan hô hấp khi các biện pháp kiểm soát kỹ thuật không giới hạn được phơi nhiễm một cách phù hợp, hạn chế người lao động ra vào những khu vực có nguy cơ phơi nhiễm cao, xây dựng kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm, tổ chức kiểm tra y tế cho những công nhân phơi nhiễm cao và bảo đảm người lao động được tập huấn về silic một cách chính xác;

– Tổ chức hoạt động kiểm tra y tế để theo dõi những công nhân chịu phơi nhiễm cao;

– Tạo ra sự linh hoạt từ đó giúp người sử dụng lao động bảo vệ người lao động khỏi silic.

Mặc dù quy định mới kể trên có thể là một thách thức và thực sự đòi hỏi nguồn kinh phí khi tiến hành triển khai, tuy nhiên cần lưu ý rằng mục tiêu cuối cùng chính là bảo vệ người lao động.

Vai trò chủ đạo của hoạt động lưu trữ báo cáo trong công tác vệ sinh công nghiệp

Duy trì báo cáo cũng được xem là nội dung cơ bản của vệ sinh công nghiệp. Hãy cùng xem xét tình huống sau: “Sau 15 năm làm việc, một người lao động bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh bụi phổi silic. Trong suốt thời gian làm việc, một cá nhân phơi nhiễm với silic bao nhiêu lần? đó là phơi nhiễm thường xuyên hay không liên tục? có biện pháp kiểm soát nào được áp dụng trong suốt khoảng thời gian đó không?”

Những câu hỏi kiểu này có thể được trả lời thông qua một hệ thống lưu trữ báo cáo đơn giản và hiệu quả. Ngoài ra, rất có ích khi có thể hồi cứu lại những đánh giá trước đó đã được tiến hành tại các tổ chức/doanh nghiệp. Khi có thể xem lại những ghi chép tiền sử về việc lấy mẫu vệ sinh công nghiệp của một nhiệm vụ hoặc khu vực vực đặc thù sẽ hỗ trợ tổ chức/doanh nghiệp trong việc:

– Tuân thủ theo các quy định cụ thể tại nơi được yêu cầu;

– Đánh giá xem các nhiệm vụ công việc/khu vực đã được cải thiện hay vẫn hiện diện nhiều nguy cơ;

– Tăng tính hiệu quả của chương trình;

– Giảm bớt những nỗi lo về pháp lý có thể nảy sinh.

Ngoài ra, các hệ thống quản lý vệ sinh công nghiệp có khả năng hỗ trợ tổ chức/doanh nghiệp theo những cách thức sau:

– Đơn giản hóa việc theo dõi và lưu trữ báo cáo;

– Quản lý phơi nhiễm theo định tính và định lượng;

– Quản lý thiết bị vệ sinh công nghiệp bằng dữ liệu hiệu chuẩn;

– Tích hợp các quy trình Môi trường Sức khỏe và An toàn (EHS) với các ban ngành khác.

Nguy cơ hiện diện tại mọi tổ chức/doanh nghiệp, vậy hiểu biết những điển hình tiêu biểu nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ và giảm thiểu chúng tới các mức có thể chấp nhận được là việc làm hết sức cần thiết. Việc sẵn có và sử dụng một hệ thống quản lý vệ sinh công nghiệp phù hợp sẽ giúp tổ chức/doanh nghiệp tránh được các nguy cơ và cho phép duy trì được sự an toàn cho người lao động. Cuối cùng, với tư cách là các nhà chuyên môn về sức khỏe và an toàn, chúng ta cần hướng tới mục tiêu tối quan trọng là giữ gìn sức khỏe và sự an toàn cho người lao động, gia đình của họ và cả cộng đồng.

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: oshonline.com)