Phản ứng khẩn cấp là vấn đề thời gian
Trong trường hợp khẩn cấp, phản ứng càng nhanh thì kết quả càng tốt.
Một bản kế hoạch an toàn khẩn cấp cần phải dự kiến được mọi tình huống khẩn cấp tại nơi làm việc và cải thiện tốc độ phản ứng khẩn cấp là cách bảo vệ tốt nhất cho cả những người quản lý cơ sở và những người sử dụng lao động. Rất khó để có thể suy nghĩ rõ ràng và hợp lý trong tình huống khẩn cấp, vì vậy có được một chiến lược được sắp xếp bài bản tại nơi làm việc mà những người lao động có thể thực hiện thuần thục và nhanh chóng sẽ tạo ra sự khác biệt.
Khi người lao động bị phơi nhiễm với các hóa chất nguy hại tại nơi làm việc, việc thực hiện các hành động phòng ngừa sau đây sẽ đảm bảo các kết quả tích cực nhất:
1) Cung cấp một nơi làm việc được tổ chức tốt, trang bị các bồn rửa mắt và vòi tắm khẩn cấp toàn thân tại những nơi dễ tiếp cận.
2) Giảm thiểu khoảng thời gian ứng phó đối với việc tiếp cận thiết bị khẩn cấp và rửa sạch các khu vực trên cơ thể người lao động bị ảnh hưởng
3) Sử dụng các hệ thống báo hiệu khẩn cấp để đảm bảo có được sự trợ giúp khẩn cấp, bao gồm cả chăm sóc y tế khẩn cấp.
Thời gian rõ ràng là bản chất của việc ngăn chặn sự phơi nhiễm, giảm bớt sự khó chịu và đau đớn, ngăn ngừa tổn thương lâu dài và vĩnh viễn với mặt và cơ thể. Ví dụ, vòi rửa mắt hay vòi tắm khẩn cấp toàn thân phải nằm trong phạm vi có thể tiếp cận được trong vòng 10 giây khi sự cố xảy ra, để người bị thương có thể nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận thiết bị bơm để ngay lập tức rửa khu vực bị tác động. Thời gian cũng là yếu tố trong khoảng thời gian mà người bị thương tiếp tục xả rửa chất độc hại, thông thường là đầy đủ 15 phút theo yêu cầu của tiêu chuẩn ANSI/ISEA Z358.1. Thời gian phản ứng để nhân viên ứng phó khẩn cấp nhanh chóng tiếp cận nhóm bị thương cũng rất quan trọng trong việc ngăn chặn thương tích nặng hơn và đưa ra những cảnh báo y tế phù hợp cho người bị phơi nhiễm.
Để một bản kế hoạch an toàn hợp lý và có thể dễ dàng triển khai, điều quan trọng là phải rà soát kỹ càng người lao động những thông tin cơ bản về vị trí và cách sử dụng các thiết bị an toàn khẩn cấp và những việc cần làm khi đồng nghiệp bị tai nạn. Xem xét những yếu tố này của một bản kế hoạch khẩn cấp và mức độ sẵn sảng ứng phó:
Tại sao phải sử dụng các thiết bị khẩn cấp?
Bồn rửa mắt và vòi tắm khẩn cấp toàn thân ngăn ngừa mắt và da bị tổn thương vĩnh viễn do bỏng hóa chất hoặc các hợp chất lạ phát sinh trong các công đoạn mài, nghiền búa, chẻ, thử nghiệm, đổ, bảo quản, vận chuyển và xử lý. Lựa chọn loại thiết bị phù hợp, vị trí đặt và duy trì bảo dưỡng thiết bị sẽ giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm cũng như giảm bớt khả năng gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khoẻ người lao động, quá trình sản xuất, hoặc thậm chí là các chi phí pháp lý đối với cơ sở sản xuất.
Bồn rửa mặt và vòi tắm khẩn cấp toàn thân cần được đặt trong môi trường nguy hại, tức là bất cứ khu vực nào có rủi ro phơi nhiễm hoá chất với mắt và cơ thể. Môi trường nguy hại cũng có thể bao gồm các điều kiện khắc nghiệt như môi trường nóng, lạnh và các hóa chất trong không khí. Các thiết bị bơm cố định, di động, bể chứa độc lập/di động nên được sắp xếp phù hợp với các nhu cầu tại nơi làm việc.
Đâu là vị trí lắp đặt phù hợp?
Mỗi thiết bị cần phải đặt gần với một mối nguy hại, dễ dàng nhìn thấy, và có thể hoạt động ổn định ngay lập tức khi có sự cố. Việc tiến hành khảo sát cơ sở cùng với một chuyên gia về an toàn và sức khỏe để có thể xác định vị trí đặt và chủng loại thiết bị thích hợp cho từng khu vực là cực kỳ cần thiết.
Dưới đây là một số hướng dẫn sắp xếp cơ bản:
• Các thiết bị vòi tắm khẩn cấp toàn thân phải nằm trong phạm vi 55 feet (khoảng 16,764 m) từ vị trí có nguy cơ tiềm ẩn và có thể tiếp cận được trong vòng 10 giây. Ngoài ra, đường đi đến các thiết bị này phải không bị cản trở bởi các mảnh vụn hoặc các mối nguy hại khác mà có thể gây trở ngại trong quá trình sử dụng thiết bị.
• Khu vực xung quanh thiết bị cần được chiếu sáng tốt để dễ dàng nhìn thấy, và mỗi thiết bị nên được nhận biết bằng bảng hiệu rõ ràng.
• Nếu có nguy cơ xảy ra sự cố tràn hóa chất trong một khu vực và có thể ảnh hưởng đến nhiều người lao động, thì cần có đủ số lượng thiết bị cho tất cả người lao động.
• Nếu khả năng đi lại hoặc di chuyển của người lao động bị ảnh hưởng do phơi nhiễm hóa chất, các thiết bị nên được đặt gần người lao động hơn
• Thiết bị phải được đặt ngang tầm với khu vực người lao động đang làm việc.
Khi nào cần dùng thiết bị rửa mặt và vòi tắm khẩn cấp toàn thân?
Sau khi các mối nguy hại tiềm ẩn trong toàn bộ khu vực làm việc được xác định, cần cân nhắc xem mỗi loại thiết bị khác nhau có thể giải quyết tốt nhất rủi ro theo những hướng nào:
• Trạm rửa mắt khẩn cấp
– Hiệu quả đối với các sự cố tràn, đổ hóa chất, bụi, hoặc mảnh vỡ vụn thường chỉ ảnh hưởng đến mắt.
– Cung cấp hệ thống vòi nước có thể điều chỉnh lưu lượng và dùng cho cả 2 mắt cùng một lúc
– Cung cấp nước ấm liên tục trong 15 phút; các thiết bị bơm cấp nước có thể đáp ứng lưu lượng nước lớn cho người sử dụng – khoảng từ 7,5 đến 19,0 lít/phút (tương ứng 2,0 đến 5,0 galông/phút)
• Trạm rửa mắt/mặt khẩn cấp
– Sử dụng khi toàn bộ mặt có rủi ro bị đổ, tràn hoá chất, bụi và mảnh vụn.
– Rửa đồng thời cả mắt và mặt.
– Cung cấp một lưu lượng nước đủ mạnh (tối thiểu 11,4 lit/phút hay 3,0 galông/phút) để rửa sạch kỹ càng toàn bộ khuôn mặt.
• Vòi tắm khẩn cấp toàn thân
– Sử dụng khi phần lớn các khu vực trên cơ thể gặp rủi ro
– Rửa sạch phần lớn các khu vực trên cơ thể nhưng không phù hợp cho mắt (có thể sử dụng kết hợp trạm rửa mắt khẩn cấp và vòi tắm khẩn cấp toàn thân để rửa mắt và dội lên toàn bộ cơ thể)
Các thiết bị khẩn cấp làm việc như thế nào?
Vòi tắm khẩn cấp toàn thân hoạt động được thao tác bằng cách đơn giản là kéo tay cầm vòi sen xuống trong khi người lao động đứng ở bên dưới vòi sen. Công nghệ mới sẽ rửa sạch toàn bộ cơ thể kỹ càng mà không cần phải di chuyển xung quanh vòi phun. Bồn rửa mắt và mắt/mặt hoạt động bằng cách đẩy cần gạt lên hoặc nâng chậu rửa lên. Sau đó đưa mặt vào vị trí nước xả trực tiếp, đồng thời người sử dụng dùng ngón tay giữ cho mí mắt mở trong quá trình rửa. Người sử dụng nên đảo đều mắt để toàn bộ mắt đều được tiếp xúc trực tiếp với dòng nước và đảm bảo toàn bộ mắt được rửa kỹ càng. Đảm bảo rằng người lao động được đào tạo về thao tác sử dụng đúng cách và nhanh chóng các thiết bị là rất cần thiết đối với sự an toàn của họ.
Đối với cả thiết bị rửa mắt và vòi tắm khẩn cấp toàn thân, điều quan trọng là có thể sử dụng trực tiếp và có nước ấm – theo yêu cầu của ANSI – để khuyến khích rửa kỹ càng và hiệu quả các khu vực bị ảnh hưởng. Tiêu chuẩn ANSI Z358.1-2014 quy định rằng những người lao động bị thương vẫn phải đứng ở dưới vòi tắm khẩn cấp toàn thân và rửa mắt/cơ thể tối thiểu 15 phút để có thể tăng khả năng chữa trị hoàn toàn và thành công cũng như giảm thiểu khả năng vô tình lây lan chất độc sang các khu vực khác của cơ thể.
Biên bản ứng phó sau khi một ai đó sử dụng thiết bị khẩn cấp là gì?
Mỗi người lao động cần được tập huấn về những thao tác cần tiền hành để giúp đỡ một hoặc nhiều đồng nghiệp bị ảnh hưởng và cách thức báo cáo những tình huống khẩn cấp với các nhân viên y tế khẩn cấp. Để được hỗ trợ trong quá trình thông báo, việc ngay lập tức gửi một tín hiệu nhận biết rõ ràng về tình huống khẩn cấp để thông báo cho người khác đến giúp đỡ và/hoặc gửi yêu cầu trợ giúp là điều rất quan trọng. Sử dụng kỹ thuật tín hiệu mới song song với từng thiết bị khẩn cấp sẽ giúp nhanh chóng thông báo cho đồng nghiệp tại khu vực làm việc và nhân viên y tế cũng như thúc đẩy quá trình ứng phó khẩn cấp và quá trình phục hồi.
Sử dụng hệ thống báo hiệu cho các thiết bị khẩn cấp là rất quan trọng do những vật cản phổ biến tại nơi làm việc cản trở quá trình cảnh báo cho những người khác. Ví dụ, môi trường làm việc công nghiệp không phải lúc nào cũng cho phép nhiều người cùng làm việc trong một khu vực có tiềm ẩn nguy cơ. Một người có thể làm việc bên ngoài một mình hoặc chỉ một vài người có thể làm việc trong một khu vực rộng lớn hoặc làm trong ca làm việc thứ ba. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận biết của những đồng nghiệp rằng tình huống khẩn cấp thậm chí có thể đang xảy ra và, do đó, cản trở khả năng giúp đỡ những người bị thương trong quá trình tiếp cận với các biện pháp chăm sóc y tế.
Một trở ngại khác trong việc đưa ra biện pháp ứng phó khẩn cấp và điểm chăm sóc y tế là khoảng thời gian cần thiết để những người phản ứng khẩn cấp nhanh chóng tiếp cận vị trí việc làm có sự cố. Theo NEDARC (Trung tâm nguồn phân tích dữ liệu quốc gia về dịch vụ y tế khẩn cấp), thời gian phản ứng khẩn cấp trung bình của các dịch vụ y tế tại Hoa Kỳ là 9,4 phút. Đội dịch vụ y tế khẩn cấp (EMS) càng sớm được báo động, thì họ càng sớm can thiệp vào các tình huống khẩn cấp tại nơi làm việc.
Mặc dù tất cả người lao động phải được tập huấn về những việc cần phải làm khi một đồng nghiệp bị phơi nhiễm với hóa chất độc hại, họ không nên dựa vào đó mà đánh giá thấp tình huống khẩn cấp. Tốt nhất là phải đảm bảo sử dụng biện pháp ứng phó y tế phù hợp trong từng tình huống năng động và khẩn cấp, và một hệ thống báo hiệu khẩn cấp là phương pháp rõ ràng thông báo khi nào và ở đâu cần trợ giúp y tế.
Các hệ thống báo hiệu khẩn cấp hoạt động như thế nào?
Các thiết bị báo hiệu được kết nối với các vòi tắm khẩn cấp và bồn rửa mắt. Khi các thiết bị khẩn cấp hoạt động, các thiết bị báo hiệu được tự động kích hoạt để bật đèn nhấp nháy ở vị trí cao để có thể nhìn thấy được cùng với âm thanh lớn được thiết kế để có thể át được các tiếng ồn xung quanh. Các hệ thống báo hiệu có chức năng kêu gọi người khác đến trợ giúp, thu hút sự chú ý đến vị trí chính xác cần được xử lý, cảnh báo người quản lý để liên lạc với người phản ứng đầu tiên, và điều khiển quá trình giám sát từ xa của các thiết bị an toàn.
Lắp đặt một hệ thống báo hiệu khẩn cấp là một phương pháp nhanh và hiệu quả hơn để cảnh báo những người ở ngay khu vực đó, cũng như các nhà quản lý hoặc nhân viên an toàn ở các địa điểm khác biết rằng có người lao động đang cần được trợ giúp. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng các báo động khác nhau trong cơ sở là rất đặc trưng và tất cả người lao động có thể nhận ra ngay như một tín hiệu cho các hành động ứng phó đã được xác định trong kế hoạch.
Những giây đầu tiên sau khi mắt và da bị phơi nhiễm là hết sức quan trọng để giảm thiểu thương tích cho người lao động, đó luôn là mục tiêu chính của bất kỳ chương trình tập huấn an toàn lao động nào. Thiết lập một kế hoạch an toàn được hoạch định tốt, có trang thiết bị khẩn cấp phù hợp, và cung cấp một hệ thống báo hiệu khẩn cấp đáng tin cậy để có thể ứng phó khẩn cấp và giảm thiểu hậu quả của các tình huống khẩn cấp.
Biên dịch: Việt Thắng
(Nguồn tin: ohsonline.com)