Phòng ngừa, chuẩn bị và đối phó với các trường hợp khẩn cấp xảy ra tại nơi làm việc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

Trường hợp khẩn cấp xảy ra tại nơi làm việc là tình trạng bất khả kháng, gây nguy cơ đe dọa đến NLĐ, khách hàng hoặc cộng đồng; làm ngưng trệ hoặc ngừng lại các hoạt động của doanh nghiệp; hoặc gây thiệt hại vật chất, đến môi trường.

Trường hợp khẩn cấp có thể là do tự nhiên hoặc do con người tạo ra, có thể là: Hoả hoạn; Thoát khí ga độc hại; Tràn các chất hóa học; Các tai nạn phóng xạ; Cháy nổ; Gây rối loạn khu dân cư; Bạo lực nơi làm việc dẫn đến thương tích, chấn thương; Lũ lụt; Bão gió; Động đất; Lốc xoáy.

Để kiểm soát được các trường hợp khẩn cấp cần một hệ thống mang tính toàn diện, được xây dựng nhằm kiểm soát, can thiệp vào các trường hợp khẩn cấp. Hệ thống ứng cứu khẩn cấp là một phần trong Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, nó thể hiện cam kết của công ty bảo đảm duy trì một trạng thái sẵn sàng để ứng cứu với các tình huống khẩn cấp có thể xảy đến trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Hệ thống này bao gồm 4 giai đoạn sau: Giảm thiểu; Chuẩn bị; Ứng phó; Phục hồi.

Giai đoạn giảm thiểu khác biệt so với các giai đoạn khác vì nó tập trung vào các biện pháp dài hạn để giảm thiểu hoặc loại trừ nguy cơ. Các biện pháp giảm thiểu có thể là việc sử dụng những giải pháp công nghệ, hay đưa các quy định pháp luật.

Giai đoạn chuẩn bị bao gồm bước lập kế hoạch chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp. Việc lập kế hoạch và chuẩn bị ứng phó cho trường hợp khẩn cấp là một hình thức phòng ngừa hiệu quả. Một kế hoạch hành động khẩn cấp bao gồm việc thiết lập các bước hành động, yêu cầu các NSDLĐ và NLĐ phải thực hiện để đảm bảo an toàn. Khi xây dựng một kế hoạch hành động khẩn cấp, nên xem xét một loạt các trường hợp khẩn cấp tiềm tàng có thể xảy ra ở nơi làm việc.

Giai đoạn ứng phó bao gồm việc huy động các dịch vụ khẩn cấp cần thiết và đội ngũ nhân lực ứng phó trong khu vực xảy ra thảm họa. Đội ngũ ứng phó này là lực lượng cốt lõi tiên phong trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như nhân viên cứu hỏa, cảnh sát và đội xe cứu thương.

Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn phục hồi. Mục đích của giai đoạn này là để khôi phục khu vực bị ảnh hưởng trở lại trạng thái trước đó. Giai đoạn này khác với giai đoạn ứng phó ở những vấn đề cần chú trọng, các hoạt động trong giai đoạn phục hồi liên quan đến các vấn đề và các quyết định được đưa ra sau khi thực hiện các hành động ở giai đoạn kiểm soát khẩn cấp.

Những nỗ lực phục hồi chủ yếu liên quan đến các hành động như việc tái thiết các tài sản, máy móc bị phá hủy, khôi phục công việc và sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu khác.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ việc xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp cần lưu ý các nội dung sau:

1. Yêu cầu kế hoạch ứng cứu khẩn cấp:

– Phòng ngừa: Phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng như sạt lở đất đá thì báo ngay để ngăn chặn.

– Ứng phó khẩn cấp, phục hồi sớm: khi trường hợp khẩn cấp đã xảy ra thì tiến hành các bước theo một trình tự nhất định từ tìm kiếm cứu nạn (người trước, máy sau…), đánh giá thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh; hỗ trợ cứu trợ; sửa chữa nhà tạm, phục hồi hệ thống hạ tầng….

– Phục hồi, tái thiết nhanh nhất: phục hồi quy trình sản xuất, nhà xưởng, hệ thống hạ tầng cơ sở….

2. Các mục tiêu của kế họach ứng cứu khẩn cấp:

 – Hướng dẫn các cấp quản lý tham gia quá trình ứng cứu sự cố xảy ra tại các cơ sở của doanh nghiệp;

 – Bảo đảm an toàn của con người được đặt lên hàng đầu trong mọi hoạt động ứng cứu;

 – Giảm tối thiểu tác động của hoạt động ứng cứu, mà có thể gây thương vong cho con người, hư hại tài sản, môi trường hoặc uy tín doanh nghiệp hay gián đoạn hoạt động SXKD;

 – Đề ra các quy trình ứng với tiêu chuẩn để ứng cứu hiệu quả đối với các sự cố tiêu biểu, đã được xác định trước có thể xảy ra trong quá trình SXKD của doanh nghiệp;

 – Bảo đảm quá trình thông tin liên lạc và báo cáo với các cơ quan liên quan được rõ ràng và thấu suốt cho các bên;

 – Bảo đảm nhanh chóng phục hồi SXKD sau khi có sự cố.

3. Các bước xây dựng kế hoạch

 a. Xác định tình huống/trường hợp khẩn cấp: Trên cơ sở đánh giá rủi ro, phân tích nguy cơ và các trường hợp tai nạn tương tự trong lĩnh vực, xác định các tình huống khẩn cấp.

 b. Lập kế hoạch ứng cứu khẩn cấp: Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp là một hệ thống hoàn chỉnh các công vệc cần thiết phải thực hiện, trách nhiệm được giao và con người có liên quan, việc bảo quản và sử dụng các máy móc thiết bị ứng cứu nhằm tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống khẩn cấp xảy ra.

Nội dung cơ bản của một bản kế hoạch ứng cứu sự cố có thể gồm:

– Giới thiệu:

+ Các khái niệm;       

+ Mục tiêu;

+ Phạm vi;

+ Cấu trúc của tài liệu

– Mô tả hoạt động doanh nghiệp và đánh giá nguy hiểm, rủi ro

+ Mô tả hoạt động doanh nghiệp;

+ Xác định các nguy hiểm;

+ Đánh giá rủi ro;

+ Danh mục các tình huống khẩn cấp

– Nguyên tắc ưu tiên trong ứng cứu – Tổ chức ứng cứu:

+ Các cấp ứng cứu;

+ Vai trò và trách nhiệm;

+ Huy động ứng cứu;

+ Tổ chức trung tâm ứng cứu của doanh nghịêp;

+ Danh sách thành viên trực ứng cứu.

– Quy trình liên lạc trong tình huống sự cố:

+ Liên lạc nội bộ;

+ Liên lạc với bên ngoài;

+ Yêu cầu về báo cáo sự cố;

– Hướng dẫn đối phó:

+ Làm việc với gia đình người bị nạn;

+ Làm việc với báo chí.

– Quy trình ứng cứu các sự cố điển hình.

– Danh sách số điện thọai/địa chỉ liên lạc khẩn cấp.

– Các biểu mẫu báo cáo và thông tin.

*Quy trình ứng cứu:

Quy trình ứng cứu là trình tự các công việc phải làm khi tình huống khẩn cấp xảy ra. Quy trình này được xây dựng dựa trên nguyên tắc cứu hộ cho con người rồi mới đến môi trường và tài sản: cứu hộ ở các vị trí sản xuất chính trước khu vực sản xuất phụ trợ, cứu hộ hồ sơ sổ sách trước nhà xưởng,…

* Huấn luyện và đào tạo:

Cần phải tổ chức các lớp tập huấn thường xuyên cho NLĐ trong đội ứng cứu – thoát hiểm. Bên cạnh đó cũng cần hướng dẫn các nghiệp vụ sơ cứu, cấp cứu nạn nhân.

Người làm việc trên mỏ đá lộ thiên cần được cung cấp các thông tin và huấn luyện về các hành động cứu chữa khi sự cố xảy ra gồm các nội dung sau:

– Thông thuộc các quy trình làm việc an toàn đặc biệt các công việc có nguy cơ cao; yêu cầu nghiêm ngặt ATLĐ; đặc biệt là hành động cần thực hiện ngay khi xảy ra tình huống khẩn cấp: như ngưng máy khẩn cấp khi phát hiện nguy cơ; sơ tán ngay khi phát hiện nguy cơ sạt lở…

– Thực hành sơ cứu, cấp cứu y tế.

– Tập thành thạo cách sử dụng các phương tiện thông tin: chuông báo động, còi, điện thoại…

-Biết các địa chỉ liên lạc đến người có khả năng giải quyết sự cố và cơ quan chức năng.

– Sử dụng dụng cụ phòng hộ cá nhân, thiết bị cứu hộ.

——————


(Nguồn tin: Trích dẫn tài liệu: Hướng dẫn xây dựng Hệ thống quản lý ATVSLĐ trong các DNVVN, Cục An toàn lao động, Bộ LĐ – TB&XH, 2012.)