Phương pháp dự đoán nguy cơ theo định lượng

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:13(GMT +7)

Tất cả ba phương pháp Phương pháp ma trận nguy cơ; Phương pháp sơ đồ nguy cơ; Phương pháp cho điểm nguy cơ; về bản chất là phương pháp định tính.

Mặc dù các trị số được sử dụng với một số công cụ đã biểu thị bằng số các mức nguy cơ, nhưng bản chất của chúng chủ yếu vẫn là định tính. Không có các dữ liệu chuẩn chung và một mức nguy cơ được dự đoán bằng số khi sử dụng một công cụ không thể so sánh trực tiếp với một mức nguy cơ được dự đoán khi sử dụng một công cụ khác.

Dự đoán nguy cơ theo định lượng bao gồm sự tính toán theo các dữ liệu sẵn có với độ chính xác thích hợp, khả năng của một hậu quả riêng xảy ra trong một khoảng thời gian riêng. Nguy cơ thường được biểu thị bằng tần số người chết hàng năm. Dự đoán nguy cơ theo định lượng cho phép so sánh nguy cơ tính toán với các chuẩn cứ có liên quan đến số người chết hàng năm hoặc số liệu thống kê về tai nạn. Nó cho phép đánh giá các biện pháp giảm nguy cơ, dưới dạng các biện pháp này sẽ giảm được nguy cơ tới mức nào để có thể lựa chọn được
giải pháp có hiệu quả nhất.

Khác với các phương pháp định tính để dự đoán nguy cơ từ mỗi tình trạng nguy hiểm tách biệt, dự đoán nguy cơ theo định lượng thường được sử dụng để dự đoán toàn bộ nguy cơ từ tất cả các nguồn đến một cá nhân.

Dự đoán nguy cơ theo định lượng cần có sự tập trung rất lớn về nguồn lực và kỹ năng thành thạo để thực hiện thành công. Phương pháp này cần đến mô hình chi tiết và toàn diện của chuỗi các sự kiện dẫn đến hậu quả xác định và phụ thuộc vào chất lượng của dữ liệu đối với các sự kiện cơ bản như hư hỏng một chi tiết của thiết bị hoặc khả năng sai sót của con người. Dự đoán nguy cơ theo định lượng có thể là chủ quan và dễ dẫn đến sai sót.

Việc sử dụng các số nhỏ để biểu thị nguy cơ như 1,54 x 10-4 có thể cho ấn tượng về độ chính xác cao, trong khi thực tế thì có thể có độ không tin cậy đáng kể đối với các dữ liệu đã được sử dụng để tính toán nguy cơ. Để giảm bớt khó khăn khi bắt đầu dự đoán nguy cơ theo định lượng, cần tăng cường tính nhất quán, loại bỏ bớt tính chủ quan và giảm các sai sót trong mỗi bước tiến hành.

Trước khi sử dụng phương pháp dự đoán nguy cơ theo định lượng, cần phải thực hiện bước nhận dạng mối nguy hiểm kỹ lưỡng, phù hợp với yêu cầu.

Các biểu mẫu được sử dụng dựa trên sai sót cơ bản dạng cây gây ra tai nạn. Các biểu mẫu có thể được sửa đổi hoặc sửa chữa theo các yêu cầu riêng là logic cơ bản được kiểm tra khi sử dụng các cây sai phạm. Nguy cơ được dự đoán khi sử dụng phương pháp này được biểu thị dưới dạng tần suất hàng năm của các mức tổn hại khác nhau, cho phép thực hiện việc so sánh với thống kê về tai nạn trong công nghiệp hoặc các chuẩn cứ nguy cơ bằng số. Các bảng về xác suất đã được hoàn thiện và các hướng dẫn được cung cấp để người sử dụng không phải dự đoán các giá trị này từ các nguyên tắc đầu tiên. Hơn nữa các bảng về xác suất này cũng có thể được sửa đổi hoặc bổ sung thêm theo yêu cầu của người sử dụng hoặc các nguồn dữ liệu.

a. Mô tả viễn cảnh tai nạn

Nên sử dụng một biểu mẫu cho mỗi nhóm của mối nguy hiểm, tình trạng nguy hiểm và sự kiện nguy hiểm. Một số tình trạng nguy hiểm chỉ liên quan đến một số nhóm người, ví dụ kỹ thuật viên bảo dưỡng, các tình trạng nguy hiểm khác sẽ liên quan đến các nhóm người khác nhau (người vận hành, kỹ thuật viên bảo dưỡng hoặc những người đi qua). Mục tiêu của bước này là để mô tả thật rõ ràng, thật sát với thực tế mọi biến cố của chuỗi sự kiện phải diễn ra hoặc tồn tại để xảy ra sự kiện nguy hiểm. Khi thực hiện việc mô tả viễn cảnh tai nạn này cần xem xét đầy đủ các khía cạnh, nội dung được mô tả.

b. Xác suất để tất cả các điều kiện tiên quyết được đáp ứng

Sử dụng một biểu mẫu trong trường hợp nếu có nhiều hơn một điều kiện tiên quyết để ghi lại riêng biệt các xác suất của chúng trước và sau khi xem xét sự thất bại của nguyên nhân chung. Bất cứ điều kiện tiên quyết nào có một nguyên nhân chung với sự kiện ban đầu hoặc một điều kiện tiên quyết sớm hơn nên được gán cho xác suất bằng một. Nếu có sự phụ thuộc nào đó giữa các điều kiện tiên quyết thì phải cố gắng xác định chỉ một điều kiện tiên quyết gắn với thất bại của nguyên nhân chung hoặc hạn chế xác suất của mỗi điều kiện tiên quyết khi thích hợp. Nếu có nghi ngờ thì điều chỉnh xác suất của tất cả các điều kiện tiên quyết, nhưng một trong các điều kiện tiên quyết dễ bị ảnh hưởng của thất bại của nguyên nhân chung, được điều chỉnh xác suất bằng một. Trong ví dụ này không có nguyên nhân chung giữa các điều kiện tiên quyết để giá trị sự thất bại của nguyên nhân chung bằng giá trị ban đầu.

c. Dự đoán xác suất của sự kiện nguy hiểm và của sự phơi ra trước mối nguy hiểm

Sử dụng một biểu mẫu cho các sự kiện nguy hiểm được bắt đầu từ sai sót của con người khi bị phơi ra hay không bị phơi ra trước mối nguy hiểm. Khi sai sót của con người có thể dẫn đến tổn hại cho một người khác thì sự phơi ra của người khác sẽ không phụ thuộc vào việc khi nào có thể có sai sót. Sai sót của con người cũng có thể là một điều kiện tiên quyết hơn là một sự kiện ban đầu.

d. Dự đoán nguy cơ khi tính đến các khả năng để tránh hoặc hạn chế tổn hại.

Sử dụng giá trị tần suất sự kiện để tính đến các khả năng tránh hoặc hạn chế tổn hại và giúp cho việc tránh dự đoán nguy cơ quá mức hoặc dưới mức khi nguy cơ xấu nhất có thể đạt tới là tử vong, nhưng do khả năng hạn chế hoặc tránh tổn hại cho nên các thương tích lớn hoặc nhỏ có thể xảy ra nhiều hơn.

Phương pháp nhóm do một người có kinh nghiệm thực hành dẫn dắt, có khả năng thích hợp trong sử dụng, vừa tạo ra sự thảo luận chi tiết về kỹ thuật vừa đòi hỏi việc thiết kế hiện hành phải nắm được các mối nguy hiểm và các nguy cơ.

——————

Tham khảo thêm các phương pháp khác để đánh giá nguy cơ:

– Phương pháp ma trận nguy cơ;

– Phương pháp sơ đồ nguy cơ;

– Phương pháp cho điểm nguy cơ;

– Phương pháp hỗn hợp;

TS. Nguyễn Thế Công


(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động – 2012)