Phương pháp ma trận nguy cơ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:13(GMT +7)

Ma trận nguy cơ là một bảng có nhiều chiều cho phép kết hợp bất cứ loại nghiêm trọng nào của tồn hại với bất cứ loại khả năng xảy ra nào của tổn hại này. Các ma trận phổ biến thường có hai chiều, cũng có loại có bốn chiều.

Việc sử dụng ma trận nguy cơ là khá đơn giản. Đối với mỗi tình trạng nguy hiểm đã được nhận dạng, cần chọn một loại ma trận cho mỗi thông số dựa trên các định nghĩa đã cho. Nội dung của ô, nơi giao nhau của cột và hàng của mỗi loại ma trận sẽ cho mức nguy cơ được dự đoán đối với tình trạng nguy hiểm đã được nhận biết. Nội dung này có thể được biểu thị như một chỉ số (ví dụ: từ 1 đến 6 hoặc A đến D) hoặc một từ định tính như: “thấp”, “trung bình”, “cao” hoặc từ tương tự khác.

Số lượng các ô trong ma trận có thể thay đổi trong phạm vi rất rộng, từ rất nhỏ (ví dụ, 4 ô) đến rất lớn (ví dụ, 36 ô). Các ô có thể được lập thành nhóm để giảm số lượng các hệ thống phân loại nguy cơ. Hệ thống phân loại A khi sử dụng số ô quá ít sẽ không có ích khi quyết định các biện pháp bảo vệ bảo đảm cho giảm nguy cơ tới mức thích hợp. Số lượng ô quá nhiều có thể dẫn đến sự phức tạp trong sử dụng ma trận.

Hai ví dụ được giới thiệu trong bảng – Ma trận dự đoán nguy cơ theo ANSI B11 TR3:2000 và bảng – Ma trận nguy cơ theo IEC 61508, trong đó có ma trận nguy cơ khác nhau, sử dụng các mức khác nhau đối với mỗi yếu tố nguy cơ – ví dụ, ma trận dự đoán nguy cơ theo ANSI B11 TR3:2000 có bốn mức khả năng, còn IEC 61508 có sáu mức. Các mức thường xếp loại từ ba đến mười, trong đó bốn hoặc năm là loại thông dụng nhất.

Bảng: Ma trận dự đoán nguy cơ theo ANSI B11 TR3:2000

Khả năng
xảy ra tổn hại

Sự nghiêm trọng của tổn hại

Rất trầm trọng

Trầm trọng

Trung bình

Nhỏ

Rất có thể

Cao

Cao

Cao

Trung bình

Có thể

Cao

Cao

Trung bình

Thấp

Không chắc

Trung bình

Trung bình

Thấp

Không đáng kể

Nhỏ

Thấp

Thấp

Không đáng kể

Không đáng kể

Bảng: Ma trận nguy cơ theo IEC 61508

Tần suất

Các hậu quả

Rất trầm trọng

Nguy kịch

Không lớn

Không đáng kể

Thường xuyên

I

I

I

II

Có khả năng xảy ra

I

I

II

III

Thỉnh thoảng

I

II

III

III

Ít khi xảy ra

II

III

III

IV

Không chắc sẽ xảy ra

III

III

IV

IV

Không thể xảy ra

IV

IV

IV

IV

Đánh giá tính nghiêm trọng của tổn hại

Đối với mỗi mối nguy hiểm hoặc tình trạng nguy hiểm của công việc, cần phải đánh giá được tính nghiêm trọng của tổn hại hoặc các hậu quả của nó. Các dữ liệu lịch sử có giá trị lớn được xem như đường chuẩn mực. Tính nghiêm trọng thường được đánh giá là các tổn hại thể chất (tổn thương/thương tích) hoặc tổn hại về sức khoẻ, bệnh tật của con người, mặc dù vậy nó có thể bao gồm các yếu tố khác như: số trường hợp tử vong, thương tích, bệnh tật; giá trị vật chất hoặc thiết bị hư hại, tổn hao; thời gian và việc sản xuất bị ngưng trệ hoặc mất năng suất; quy mô thiệt hại về môi trường; các yếu tố khác.

Các thang mức nghiêm trọng của tổn hại trong ví dụ ở bảng Ma trận dự đoán nguy cơ theo ANSI B11 TR3:2000 có thể dùng để hoàn thành việc đánh giá theo phương pháp ma trận nguy cơ:

– Rất trầm trọng – tử vong hoặc mang thương tích/bệnh tật vĩnh viễn hay không thể làm việc trở lại được;

– Trầm trọng – thương tích/bệnh tật làm suy yếu nghiêm trọng khả năng lao động hay có thể làm việc trở lại ở một số trường hợp;

– Trung bình – thương tích/bệnh tật đáng kể cần đến sự giúp đỡ nhiều hơn sau lần giúp đỡ đầu tiên hay có thể làm việc trở lại với một số công việc;

– Nhỏ – không bị thương/bị thương nhẹ không cần đến nhiều lần giúp đỡ ngoài lần giúp đỡ đầu tiên hay bị mất một ít hoặc không bị mất thời gian làm việc.

Đánh giá khả năng xảy ra của tổn hại

Đối với mỗi mối nguy hiểm hoặc tình trạng nguy hiểm của công việc, cần phải đánh giá được khả năng xảy ra của tổn hại. Khi thiếu các cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm, thì quá trình lựa chọn khả năng xảy ra một sự cố rất dễ mang tính chủ quan. Vì vậy, sự đóng góp về kỹ thuật của những thành viên có kiến thức và kinh nghiệm sẽ rất có ích. Khi dự đoán xác suất nên lựa chọn mức xác suất cao nhất đáng tin cậy. Việc dự đoán xác suất cần phải bao gồm các nội dung như: tần suất và khoảng thời gian bị phơi nhiễm với mối nguy hại; nhân viên thực hiện các công việc; lịch sử của máy/công việc; môi trường nơi làm việc; các yếu tố con người; độ tin cậy của các chức năng an toàn; khả năng thất bại hoặc né tránh các biện pháp bảo vệ; khả năng duy trì các biện pháp bảo vệ; khả năng tránh tổn hại.

Có nhiều loại thang đo được sử dụng để đánh giá khả năng xảy ra tổn hại, một số phương pháp sử dụng thang đo như thuật ngữ sáu mức được mô tả trong ma trận nguy cơ ở bảng Ma trận nguy cơ theo IEC 61508. Các ma trận khác đưa ra các mô tả như trong bảng Ma trận dự đoán nguy cơ theo ANSI B11 TR3:2000 gồm:

– Rất có thể – gần như chắc chắn xảy ra;

– Có thể – có thể xảy ra;

– Không chắc – không có thể xảy ra;

– Nhỏ – rất không chắc xảy ra và gần như bằng không.

Trong một số phương pháp cần có sự phân biệt giữa xác xuất và sự có khả năng, trong khi xác suất là một trị số giữa 0 và 1, thì sự có khả năng là mô tả định tính của xác suất.

Tuy nhiên nhiều phương pháp không phân biệt giữa xác suất với sự có khả năng và sử dụng hai thuật ngữ đồng nghĩa với nhau. Xác suất có liên quan như là đơn vị của thời gian hoặc sự hoạt động, các sự kiện, thiết bị được sản xuất ra, hoặc chu kỳ tuổi thọ của một phương tiện, thiết bị, quy trình hoặc sản phẩm. Đơn vị của thời gian có thể là tuổi thọ có ích của máy.

Nguồn gốc của mức nguy cơ

Khi đánh giá được tính nghiêm trọng và xác suất thì có thể xác định được mức nguy cơ ban đầu từ ma trận nguy cơ được lựa chọn. Ma trận nguy cơ sắp xếp các yếu tố nguy cơ thành các mức nguy cơ như đã nêu trong bảng Ma trận dự đoán nguy cơ theo ANSI B11 TR3:2000 và Bảng Ma trận nguy cơ theo IEC 61508.

Trong ma trận nguy cơ ở bảng Ma trận dự đoán nguy cơ theo ANSI B11 TR3:2000, với tính nghiêm trọng ở mức “trầm trọng” và xác suất ở mức “có thể” thì tạo ra mức nguy cơ “cao”. Các yếu tố nguy cơ của tính nghiêm trọng và xác suất được kết hợp lại ở các ma trận nguy cơ khác nhau, sẽ tạo ra một dãy các mức nguy cơ từ thấp đến cao một cách điển hình.

Do quy trình đánh giá nguy cơ là chủ quan, nên các mức nguy cơ cũng là chủ quan. Trong nhiều trường hợp người sử dụng sẽ quyết định việc chấp nhận nguy cơ, bởi vì sự quyết định phụ thuộc vào tình trạng nhận thức và/hoặc thời gian.

——————

Tham khảo thêm các phương pháp khác để đánh giá nguy cơ:

– Phương pháp sơ đồ nguy cơ;

– Phương pháp cho điểm nguy cơ;

– Phương pháp dự đoán nguy cơ theo định lượng;

– Phương pháp hỗn hợp.

TS. Nguyễn Thế Công


(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động – 2012)