Phương pháp nhận dạng mối nguy

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:13(GMT +7)

Có nhiều phương pháp nhận dạng mối nguy, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Khi lựa chọn phương pháp nhận dạng mối nguy và đánh giá nguy cơ, cần xem xét đến: các yêu cầu về nguồn lực, trình độ và thời gian (phương pháp càng đơn giản thì các yêu cầu này càng ít); yêu cầu về mức độ chính xác của đánh giá nguy cơ, phụ thuộc vào năng lực của nhóm đánh giá và vào độ tin cậy của thông tin/dữ liệu (đánh giá lượng hoá nguy cơ sẽ không hiệu quả nếu độ tin cậy của dữ liệu và đầy đủ của thông tin không bảo đảm).

Có hai phương pháp được sử dụng có hiệu quả trong nhận dạng các mối nguy trong quá trình vận hành là phương pháp phân tích an toàn công việc và phương pháp dùng bảng kiểm. Trên hình dưới đây biểu diễn quá trình nhận dạng mối nguy.


Quá trình nhận dạng mối nguy

1. Nhận dạng các mối nguy bằng phương pháp phân tích an toàn công việc

– Bước một: Xác định toàn bộ quá trình hay hoạt động trong phạm vi đánh giá

Nếu coi công ty nhà máy là đối tượng, phạm vi đánh giá thì trong đó bao gồm các quá trình cưa, dây chuyền sản xuất sản phẩm; còn đối với phòng ban thì gồm các quá trình thực thi nhiệm vụ của phòng ban.

– Bước hai: Chia các hoạt động ra từng bước công việc.

Việc này nhằm mục đích dễ dàng quan sát mối nguy và bảo đảm không bị sót mối nguy trong quá trình nhận dạng.

– Bước ba:  Xem xét các hoạt động được làm thường xuyên hay không.

Hoạt động không thường xuyên là những hoạt động vệ sinh thiết bị, nhà xưởng; khách thăm quan; sửa chữa, nâng cấp; mất nước, mất điện; các tình huống khẩn cấp…

– Bước bốn: Quan sát bước công việc, thu thập thông tin để xác định mối nguy liên quan đến bước công việc đó.

Việc quan sát và thu thập thông tin có thể được thực hiện bằng: quan sát và chụp ảnh hiện trường; phỏng vấn NLĐ, người giám sát, người quản lý; thông tin từ phiếu AT dữ liệu, phiếu “stop”, số liệu thống kê sự cố, tai nạn; các biên bản điều tra TNLĐ; số liệu thống kê kết quả khám bệnh, danh sách khám, phát hiện BNN; danh sách cấp phát thuốc, nghỉ ốm; các biên bản thanh kiểm tra ATVSLĐ; cũng như quan sát trực tiếp các yếu tố con người, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu, hoá chất, môi trường…

– Bước năm: Xác định mối nguy có liên quan đến bước công việc, bao gồm các mối nguy: vật lý, hoá học, sinh học, thể chất và tâm thần. Việc xem xét và xác định các mối nguy có thể từ: con người (công nhân trực tiếp, thầu phụ, khách thăm quan) kể cả thái độ, trình độ, sức khoẻ của họ; vật tư, thiết bị, môi trường; các mối nguy từ bên ngoài gây ra; các mối nguy từ sự thay đổi; từ các yêu cầu pháp luật…

2. Nhận dạng các mối nguy bằng phương pháp dùng bảng kiểm

Mục tiêu của nhận dạng các mối nguy bằng phương pháp dùng bảng kiểm và lập ra danh sách các mối nguy, các tình trạng nguy hiểm/nguy hại và sự kiện nguy hiểm/nguy hại, cho phép mô tả viễn cảnh tai nạn hay phơi nhiễm có thể dẫn đến thương tích hoặc tổn hại tích luỹ (về sức khoẻ) khi nào và như thế nào (tham khảo thêm bài viết: 8 mối nguy hiểm chính có thể xảy ra trong quá trình sử dụng máy;  Tình trạng nguy hiểm trong khi sử dụng máy;  Sự kiện nguy hiểm trong khi sử dụng máy;và Các mối nguy hại và tác hại đến sức khoẻ  để xây dựng bảng kiểm về các mối nguy).

Các phương pháp và công cụ có hiệu quả nhất có cấu trúc để bảo đảm tất cả các giai đoạn trong chu kỳ tuổi thọ của máy, tất cả các chế độ vận hành, tất cả các chức năng và tất cả các công việc gắn liền với máy được kiểm tra xem xét kỹ lưỡng.

Hai phương pháp nhận dạng mối nguy từ trên xuống và từ dưới lên được mô tả trong hình dưới đây:

Các phương pháp nhận dạng mối nguy từ trên xuống và từ dưới lên

Phương pháp nhận dạng mối nguy từ trên xuống bắt đầu bằng một danh mục kiểm tra các hậu quả tiềm tàng (ví dụ, cắt, nghiền, kẹp, mất khả năng nghe, …) và xác lập xem các tổn hại có thể được gây ra như thế nào. Mỗi khoản mục trong danh mục kiểm tra được áp dụng cho mỗi giai đoạn sử dụng máy và mỗi bộ phận/chức năng và/hoặc công việc. Điều bất lợi của phương pháp này là mức độ tin cậy của nhóm đánh giá đối với danh mục kiểm tra và tính đầy đủ của danh mục. Một nhóm đánh giá thiếu kinh nghiệm sẽ khó bảo đảm việc đánh giá vấn đề một cách thích hợp. Do đó, cũng không nên cho rằng, danh mục kiểm tra được nhóm đánh giá đưa ra đã là một danh mục toàn diện, mà nên khuyến khích sự suy nghĩ sáng tạo vượt ra ngoài khuôn khổ danh mục.

Phương pháp nhận dạng mối nguy từ dưới lên bắt đầu bằng việc xem xét tất cả các mối nguy hiểm và mối nguy hại, đồng thời quan tâm đến tất cả các cách thức có thể xảy ra sự hư hỏng, chệch hướng trong một tình trạng nguy hiểm hoặc sự phơi nhiễm nguy hại xác định nào đó.Phương pháp này có tính toàn diện và tỉ mỉ hơn phương pháp từ trên xuống, nhưng cũng có thể mất nhiều thời gian hơn.

3. Ghi chép và mô tả thông tin về nhận dạng mối nguy

Để nhận dạng được mối nguy, điều quan trọng là phải ghi chép và mô tả được các thông tin về mối nguy khi nó đang tiến triển. Các nội dung thông tin cần được ghi chép, mô tả rõ ràng trong bất kỳ hệ thống nào bao gồm:

– Tên mối nguy hiểm và vị trí của nó (vùng nguy hiểm, vị trí bị phơi nhiễm nguy hại).

– Tình trạng nguy hiểm, sự hiện diện của các nhóm người khác nhau và các công việc hoặc hoạt động mà họ phải thực hiện khi bị phơi nhiễm với mối nguy hại.

– Tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tổn hại do kết quả của một sự kiện nguy hiểm hoặc sự phơi nhiễm với mối nguy hại trong thời gian dài như thế nào.

– Tính chất và sự nghiêm trọng của tổn hại trong máy – tổn hại riêng (ví dụ, các ngón tay bị đè nát do hành trình đi xuống của máy ép) nhiều hơn là các tổn hại chung.

– Các biện pháp bảo vệ đang được áp dụng và hiệu quả của chúng.

————————–

Bài viết có liên quan:

– Dự đoán nguy cơ của mối nguy

– Đánh giá mức nguy cơ và các phương pháp dự đoán nguy cơ

TS. Nguyễn Thế Công


(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động – 2012)