Quản lý và đánh giá rủi ro
Các khải niệm về nguy cơ và rủi ro, mối quan hệ của chúng rất dễ gây nhầm lẫn. Nguy cơ là một đặc điểm nội tại hoặc tiềm ẩn của một sản phẩm, quá trình hoặc tình huống gây hại, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của một người nào đó hay cho cái gì đó. Nguy cơ có thể xuất phát từ một loại hóa chất (đặc điểm nội tại), làm việc trên thang (tình huống), điện, xy lanh khí nén (năng lượng tiềm ẩn), nguồn gây cháy hoặc đơn giản là do sàn nhà trơn. Mối quan hệ giữa nguy cơ và rủi ro chính là sự phơi nhiễm, dù nó là tức thời hay lâu dài, được biểu diễn qua phép tính đơn giản sau:
Nguy cơ x Phơi nhiễm = Rủi ro
Mục đích cốt lõi của công tác ATVSLĐ là quản lý được các rủi ro nghề nghiệp. Để làm được điều này, việc đánh giá nguy cơ và rủi ro phải được tiến hành nhằm phân biệt được nguyên nhân gây hại cho NLĐ cũng như cơ sở vật chất, để từ đó có biện pháp phòng ngừa và bảo vệ phù hợp. Phương pháp đánh giá rủi ro 5 bước dưới đây đã được Ban An toàn và Sức khỏe tại Anh quốc triển khai như một hướng tiếp cận đơn giản nhằm quản lý rủi ro, đặc biệt là ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ và đã được quốc tế xác nhận tính hiệu quả.
Bước 1: Xác định nguy cơ;
Bước 2: Quyết định xem ai có thể chịu ảnh hưởng và ảnh hưởng như thế nào;
Bước 3: Đánh giá rủi ro và lựa chọn biện pháp phòng ngừa;
Bước 4: Ghi chép và triển khai kết quả;
Bước 5: Xem xét lại biện pháp đánh giá và cập nhật nó nếu thấy cần.
Quy trình đánh giá rủi ro có thể được thiết kế riêng căn cứ vào quy mô, hoạt động của từng doanh nghiệp, cũng như các nguồn lực và kỹ năng sẵn có. Một nhà máy với nguy cơ lớn ví dụ như nhà máy hóa dầu sẽ đòi hỏi sự đánh giá rủi ro với độ phức tạp cao và cần đến nguồn lực cũng như kỹ năng ở cấp độ cao. Nhiều quốc gia mở rộng các hướng dẫn đánh giá rủi ro riêng và những hướng dẫn này thường được dùng nhằm mục đích điều chỉnh hoặc phổ biến các tiêu chuẩn đã được quốc tế công nhận.
Hai quy trình đánh giá rủi ro thiết yếu đối với công tác quản lý rủi ro nghề nghiệp là xác định các giới hạn phơi nhiễm nghề nghiệp (Occupational exposure limits – OEL) và lập danh sách các bệnh nghề nghiệp. Phần lớn các quốc gia công nghiệp đều thiết lập và duy trì danh sách giới hạn phơi nhiễm nghề nghiệp. Các giới hạn này bao gồm các nguy cơ về hóa chất, vật lý (sức nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa và bức xạ không in hóa, lạnh) và nguy cơ về sinh học. Danh sách Các giá trị giới hạn ngưỡng (List of Threshold Limit Values) của Hội nghị Vệ sinh viên Công nghiệp Chính phủ Hoa kỳ (ACGIH) là danh sách mang tính tổng quát cao, giữ vai trò như một quy trình xem xét đánh giá mang tính khoa học, danh sách này được nhiều nước sử dụng làm tài liệu tham khảo.
Việc kết hợp các bệnh nghề nghiệp trong danh sách bệnh nghề nghiệp quốc gia cũng dựa trên các quy trình đánh giá nguy cơ và rủi ro để xác định và nhận biết các bệnh nghề nghiệp, phục vụ công tác bồi thường. Danh sách bao gồm nhiều loại bệnh, từ bệnh về đường hô hấp, bệnh về da, rối loạn cơ xương khớp, ung thư nghề nghiệp… cho tới rối loạn tâm thần và hành vi. Danh sách bệnh nghề nghiệp của ILO (hiệu chỉnh và bổ sung năm 2010) đã hỗ trợ nhiều quốc gia trong việc thiết kế riêngcho mình danh sách các bệnh nghề nghiệp, cũng như hỗ trợ việc phòng ngừa, ghi chép, khai báo và, nếu có thể, bồi thường cho các bệnh do phơi nhiễm tại nơi làm việc gây ra.
————
(Nguồn tin: NILP)