Rủi ro tâm lý-xã hội và stress nghề nghiệp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:33(GMT +7)

Rủi ro tâm lý-xã hội và stress nghề nghiệp là những vấn đề thách thức nhất trong công tác an toàn-sức khoẻ nghề nghiệp (ATSKNN). Chúng tác động rất lớn tới sức khoẻ của người lao động (NLĐ), doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia.

Khoảng một nửa NLĐ châu Âu coi stress nghề nghiệp là vấn đề phổ biến tại chỗ làm việc của họ và là nguyên nhân chiếm ½ số các ngày nghỉ việc. Tương tự như các vấn đề sức khoẻ tâm thần khác, stress thường bị hiểu lầm hoặc bêu xấu. Tuy vậy, khi xem xét rủi ro tâm lý xã hội và stress ở góc độ một doanh nghiệp chứ không phải riêng rẽ từng cá thể, chúng hoàn toàn có thể quản lý được như các vấn đề an toàn và sức khoẻ khác tại chỗ làm việc.

Vậy rủi ro tâm lý xã hội và stress nghề nghiệp là gì?

Stress nghề nghiệp không phải lỗi của cá thể mà là vấn đề của doanh nghiệp. Nó là một trong số các hệ quả của môi trường tâm lý-xã hội làm việc kém.

Rủi ro tâm lý xã hội và stress nghề nghiệp xuất phát từ việc tổ chức lao động và quản lý yếu kém cũng như quan hệ xã hội tại chỗ làm việc không tốt. Nó sẽ dẫn đến các hậu quả về tâm sinh lý, thể chất và xã hội tồi tệ.

Các điều kiện lao động dưới đây có thể dẫn đến các hậu quả về tác động tâm lý xã hội:

– Làm việc quá tải hoặc căng thẳng về thời gian;

– Các yêu cầu bị xung đột;

– Vai trò của NLĐ không được thông suốt;

– Không hiệu quả trong giao tiếp;

– Khi thay đổi tổ chức, sự quản lý không được tốt;

Môi trường xã hội không lành mạnh được đặc trưng bởi các yếu tố sau:

– Không có sự ủng hộ của lãnh đạo hoặc đồng nghiệp;

– Quan hệ giữa các cá nhân kém;

– Quấy rối, chèn ép hoặc dùng bạo lực với nhau;

– Khó khăn trong việc hài hoà công việc gia đình và việc chung.

Rủi ro tâm lý xã hội không nên nhầm lẫn với môi trường làm việc lành mạnh vì trong môi truờng làm việc tốt NLĐ được khuyến khích làm việc để đạt hiệu suất tốt nhất.

Tại sao stress nghề nghiệp và rủi ro tâm lý xã hội lại là vấn đề quan trọng?

Môi trường tâm lý xã hội tại chỗ làm việc có tác động to lớn đến sức khoẻ NLĐ.  Một khi NLĐ bị tác động của stress nghề nghiệp, tinh thần và thể chất của họ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng rất lớn. Hậu quả là, những tác động đó sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp và xã hội.

Đối với cá nhân NLĐ, các ảnh hưởng xấu là:

– Kiệt sức và trầm cảm;

– Khó tập trung;

– Gặp vấn đề khi về nhà;

– Nghiện ngập rượu, ma tuý;

– Sức khoẻ thể lực kém, đặc biệt mắc bệnh tim mạch và cơ-xương-khớp;

Ở tầm doanh nghiệp, các ảnh hưởng xấu là:

– Hiệu quả kinh doanh kém;

– Tỷ lệ vắng mặt tăng;

– Tỷ lệ trở lại làm việc sau thời gian ốm hoặc làm việc thiếu hiệu quả tăng;

– Tỷ lệ TNLĐ và chấn thương tăng.

Khi môi trường tâm sinh lý lao động tốt, bạn có thể thấy ngay là NLĐ vui vẻ làm việc và làm việc có năng suất; tỷ lệ vắng mặt giảm thậm chí không có; chi phí của doanh nghiệp do mất năng suất lao động vì thế cũng giảm.

Việc quản lý stress và rủi ro tâm lý-xã hội tốt sẽ góp phần duy trì lực lượng lao động khoẻ mạnh, không khí làm việc vui tươi; NLĐ sẽ tích cực tham gia vào mọi công việc; sáng kiến cải tiến cũng tăng.

Stress nghề nghiệp cũng làm tăng tỷ lệ NLĐ về hưu sớm. Môi trường lao động (MTLĐ) vui vẻ sẽ làm giảm tỷ lệ này.

Ai là người có thể tham gia công tác quản lý stress và rủi ro tâm lý-xã hội nghề nghiệp?

Điểm mấu chốt là phải lôi cuốn mọi người cùng tham gia, đó là: Người quản lý, Người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ – tất cả phải cùng nhau tạo dựng môi trường tâm lý-xã hội làm việc thật tốt.

Người quản lý phải cho phép NLĐ nêu ý kiến và khuyến khích họ đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu các rủi ro tâm lý xã hội tại chỗ làm việc. Người quản lý giỏi là người biết động viên, truyền cảm hứng và thúc đẩy NLĐ, hiểu những điểm mạnh, điểm yếu của họ, khuyến khích họ làm việc để đạt mục tiêu và luôn nuôi dưỡng tinh thần cho họ. Am hiểu tâm tư, nguyện vọng của NLĐ ngoài giờ làm việc cũng giúp cho việc tạo lập môi trường làm việc tốt.

Về phía NLĐ, bằng việc chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức thực tế của họ với NSDLĐ sẽ giúp cho NSDLĐ phát hiện các vấn đề yếu kém và tìm giải pháp khắc phục. Lôi cuốn NLĐ là mấu chốt của việc quản lý thành công các vấn đề về tâm lý-xã hội nghề nghiệp. Tư vấn NLĐ sẽ giúp người quản lý tạo dựng được môi trường làm việc tin cậy, trong đó NLĐ sẽ quan tâm hơn tới doanh nghiệp. Lôi cuốn NLĐ vào việc xây dựng các giải pháp phòng ngừa để họ làm chủ được các giải pháp đó và làm cho nó có hiệu quả hơn.

Làm việc cùng nhau đòi hỏi có sự đối thoại 2 chiều liên tục, cả NLĐ và người quản lý. Có nghĩa là, họ phải bàn bạc với nhau, lắng nghe nhau, quan tâm tới nhau và chia sẻ quan điểm cùng nhau.

Làm thế nào để quản lý được stress và rủi ro tâm lý-xã hội nghề nghiệp?

Vấn đề rủi ro tâm lý xã hội và stress nghề nghiệp có thể đánh giá và quản lý một cách hệ thống như những vấn đề an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp khác.

Mô hình tiêu chuẩn đánh giá rủi ro và cách tiếp cận có sự tham gia của NLĐ là cách lý tưởng nhất để nhận diện rủi ro và xử lý vấn đề:

  • Thứ nhất, nhận diện nguy cơ và những người lao động có tiềm năng bị rủi ro;

Người quản lý và NLĐ cần nhận thức được các rủi ro tâm lý xã hội và các dấu hiệu của stress nghề nghiệp;

  • Thứ hai, đánh giá và sắp xếp thứ tự ưu tiên để xử lý

Xem xét xem nguy cơ nào là cao nhất; cần tập trung để xử lý trước.

  • Thứ ba, xây dựng kế hoạch phòng ngừa

Kế hoạch cần đưa vào thực hiện để phòng ngừa rủi ro tâm lý xã hội, không để chúng xảy ra. Nếu rủi ro là bất khả thi thì phải tính sao để giảm thiểu rủi ro của rủi ro.

  • Thứ tư,  triển khai kế hoạch

Cần đưa ra các biện pháp để triển khai, yêu cầu về nguồn lực, nhân sự và thời gian.

  • Cuối cùng, giám sát và tổng kết công việc.

Cần hiệu chỉnh kế hoạch, khắc phục những yếu kém được phát hiện ra trong quá trình giám sát.

Nên nhớ rằng mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau đối với cùng một hiện tượng. Viện đánh giá rủi ro đối với rủi ro tâm lý-xã hội nghề nghiệp cần phải tính đến đặc điểm, năng lực và nhu cầu của NLĐ ( ví dụ: giới tính, tuổi hoặc kinh nghiệm của NLĐ).

Lợi ích của doanh nghiệp trong việc việc quản lý stress và rủi ro tâm lý xã hội nghề nghiệp

Rủi ro tâm lý xã hội và stress nghề nghiệp gây tổn thất lớn về kinh tế cho doanh nghiệp và  nền kinh tế quốc gia.

NLĐ chắc chắn sẽ hay nghỉ việc khi bị stress hay các vấn đề tâm lý xã hội nghề nghiệp. Khi mắc các hội chứng này, NLĐ đến chỗ làm sẽ thực hiện không chuẩn xác những gì họ được giao làm dẫn đến giảm năng suất lao động; từ đó làm giảm lợi tức của doanh nghiệp.

Ở châu Âu, tổng chi phí cho các rối loạn sức khoẻ tâm thần ước tính khoảng 240 tỷ Ơ -rô mỗi năm, khoảng ít hơn một nửa số này chi cho điều trị y tế và khoảng 136 tỷ Ơ –rô là do giảm năng suất lao động, trong đó bao gồm cả việc nghỉ việc do ốm.

Ở tầm quốc gia cũng có những thống kê rất thuyết phục:

– Ở Pháp, chi phí cho stress nghề nghiệp ước tính khoảng 2 đến 3 tỷ Ơ-rô năm 2007;

– Ở Vương quốc Anh, ước tính số ngày nghỉ việc do stress nghề nghiệp trong 2 năm 2009-2010 là 9,8 triệu ngày, tính trung bình mỗi công nhân nghỉ 22,6 ngày/2 năm.

– Ở Áo, rối loạn tâm lý xã hội được cho là nguyên nhân chính làm cho công nhân “cổ cồn trắng” về hưu sớm, chiếm 42% số người về hưu sớm.

Tầm doanh nghiệp, hiệu quả thấy rõ ràng: phòng ngừa và quản lý rủi ro tâm lý xã hội nghề nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng vì nó tạo ra lực lượng lao động mạnh khoẻ và làm việc có năng suất, giảm ngày nghỉ việc, giảm tỷ lệ TNLĐ và về hưu non.

Nếu như bạn vẫn chưa thấy thuyết phục, thì đây, điểm cuối cùng sẽ cho thấy: lợi ích cho doanh nghiệp sẽ nặng cân hơn chi phí để thực hiện các giải pháp quản lý rủi ro.

Các con số về stress và rủi ro tâm lý xã hội nghề nghiệp

Những thống kê cảnh tỉnh:

– Stress nghề nghiệp là vấn đề sức khoẻ nghề nghiệp được báo cáo nhiều thứ 2 ở châu Âu-chỉ đứng sau rối loạn cơ-xương-khớp. Khoảng gần một nửa NLĐ coi vấn đề stress là phổ biến tại nơi làm việc;

– 50-60% tổng số ngày nghỉ việc được cho là do stress nghề nghiệp;

– Trong một điều tra mới nhất của EU-OSHA ( Uỷ ban An toàn và Sức khoẻ châu Âu) các nguyên nhân phổ biến nhất của stress nghề nghiệp là sắp xếp lại việc làm hoặc công việc không đảm bảo (chiếm 72%), làm việc nhiều giờ hoặc quá tải (66%), hăm doạ, ức hiếp hoặc bị lạm dụng tại chỗ làm việc (59%);

– Cũng theo điều tra trên, khoảng 4/10 NLĐ cho rằng stress không được giải quyết tốt tại chỗ làm việc;

– Nghỉ ốm do stress có xu hướng dài ngày hơn so với các triệu chứng bệnh khác.

Cũng theo số liệu thống kê châu Âu (EUROSTA), trong 9 năm, 28% NLĐ châu Âu được cho là bị ảnh hưởng của rủi ro tâm lý xã hội nghề nghiệp, tác động lâu dài tới sức khoẻ tâm thần của họ.

Tin vui là rủi ro tâm lý xã hội nghề nghiệp hoàn toàn có thể phòng ngừa và quản lý được, không phụ thuộc vào quy mô và loại hình doanh nghiệp.

Tổng hợp và biên dịch: Phạm Hải


(Nguồn tin: healthy-workplaces.eu & osha.europa.eu)