Tham gia xây dựng văn hóa phòng ngừa

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:16(GMT +7)

Ngăn chặn các nguy cơ trước khi chúng xảy ra vẫn luôn là một ưu tiên trong chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, vấn đề phòng ngừa rủi ro tại nơi làm việc đã dần không còn được chú trọng như trước.

Trong những năm gần đây, hiểu biết sâu rộng hơn về tầm quan trọng của các yếu tố rủi ro không-thuộc-về-nơi-làm-việc đối với sức khỏe và sự mạnh khỏe, hạnh phúc của người lao động đã dẫn tới thay đổi lớn trong quan điểm của các nhà thực hành an sinh xã hội và những người làm công tác ATVSLĐ. Thay đổi này được phản ánh trong chủ đề mà Tổ chức Lao động Quốc tế lựa chọn cho ngày Thế giới về An toàn vệ sinh lao động năm 2015, đó là văn hóa phòng ngừa.

Tuyên bố Seoul năm 2008 tại Đại hội thế giới lần thứ 18 về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc đã đóng vai trò bước ngoặt quan trọng: nó đánh dấu thời điểm mà những nỗ lực xây dựng văn hóa phòng ngừa thực sự trở thành một chương trình nghị sự quốc tế chính thống. Để chương trình này đạt được sự chú ý hơn nữa trên phạm vi toàn cầu, trọng tâm của Ngày thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc năm 2015 là lời kêu gọi ủng hộ rộng rãi đối với việc xây dựng một nền văn hóa phòng ngừa, ở cả trong và ngoài nơi làm việc.

Ở cấp độ toàn cầu, Hiệp hội An sinh xã hội Quốc tế (International Social Security Association – ISSA), cùng với các cơ quan khác như Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới, và Ủy ban Châu Âu, đã hỗ trợ những nỗ lực này trong nhiều năm. Bên cạnh các mục tiêu khác, Ủy ban đặc biệt của ISSA về phòng ngừa và 13 bộ phận quốc tế về phòng ngừa của ISSA đã thực hiện thúc đẩy văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp thông qua hợp tác, phù hợp với Tuyên bố Seoul về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc, cung cấp nền tảng để nâng cao văn hóa phòng ngừa trên quy mô toàn cầu.

Tuyên bố Seoul về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc1

Được thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2008 bởi đại diện các chính phủ, các công ty đa quốc gia, các tổ chức an sinh xã hội, cơ quan an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động, Tuyên bố đã đưa ra khuôn khổ để xây dựng một nền văn hóa toàn cầu về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Trọng tâm của Tuyên bố Seoul: một môi trường làm việc an toàn và trong lành phải được nhìn nhận như là một quyền cơ bản của con người. Tính ưu việt của Tuyên bố chính là vai trò của các tổ chức an sinh xã hội trong việc thúc đẩy phòng ngừa, và cung cấp các dịch vụ điều trị, hỗ trợ và phục hồi chức năng.

Trong bối cảnh đó, thông điệp của Ngày thế giới năm 2015, cùng với những nỗ lực không ngừng của các tổ chức an sinh xã hội và các cơ quan ATVSLĐ, là rất rõ ràng: chỉ bằng cách thông qua một nền văn hóa phòng ngừa toàn diện thì mới có thể đạt được Tầm nhìn về không (Vision Zero) – tức là xóa sổ hoàn toàn các tổn thương, bệnh tật và tử vong nghề nghiệp.

Thông điệp ẩn sau Tầm nhìn về không2

– Tử vong không được định trước;

– Tai nạn lao động không tự nhiên xảy ra;

– Bệnh nghề nghiệp không ngẫu nhiên mắc phải:

– Chúng đều có nguyên nhân.

Văn hóa phòng ngừa: từ trên xuống và từ dưới lên

Thông thường, việc thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa thường có xu hướng chủ đạo là quá trình từ trên xuống, dẫn đầu bởi các tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động và đại diện lao động, những người bị bắt buộc phải thực hiện. Mặc dù đóng vai trò quan trọng, cách tiếp cận này là không hoàn chỉnh.

Khi Ngày thế giới 2015 hướng sự chú ý tới thì nhu cầu đối với các biện pháp phòng ngừa với hiệu quả đảm bảo hơn là một quá trình toàn diện, bao gồm cả các quá trình từ dưới lên với tầm quan trọng tương đương – tất cả các tác nhân xã hội, đặc biệt là người lao động và từng cá nhân đều có vai trò trong việc xây dựng văn hóa phòng ngừa.

ISSA: Đại sứ quốc tế về phòng ngừa

Trên toàn cầu, ước tính cho thấy hàng năm phát sinh thêm 160 triệu ca bệnh nghề nghiệp và hơn 2,3 triệu người tử vong mỗi năm do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, với chi phí con người không thể tính toán được. Đối với nền kinh tế toàn cầu, người ta ước tính rằng khoảng 4% GDP bị mất đi hàng năm là kết quả của tai nạn lao động. Vấn đề bảo vệ sức khỏe của mọi người lao động, hay chính xác hơn là mỗi con người, do đó, trở thành mục tiêu kinh tế xã hội then chốt của các hoạt động an sinh xã hội.

Về mặt đạo đức, ủng hộ các biện pháp phòng ngừa là không thể phản bác. Về mặt kinh tế, cái được gọi là “lợi nhuận của phòng ngừa” cũng rất chắc chắn. Các nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp đầu tư vào công tác phòng chống tai nạn lao động không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn làm tăng lợi nhuận tài chính tích cực. Ví dụ, tỉ lệ chi phí/lợi ích trung bình của việc đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa được ước tính là rất tốt, ở mức 1:2,2. Thậm chí đáng mừng hơn, đầu tư vào công tác phòng ngừa bằng việc khám sức khỏe và các biện pháp đào tạo còn đem tới tỉ lệ chi phí/lợi ích lần lượt là 1:7,6 và 1:4,4.

Liên quan tới việc áp dụng các hoạt động phòng ngừa trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe tại nơi làm việc, có thể giảm được khoảng 25% chi phí do các trường hợp nghỉ bệnh, chi phí lập kế hoạch y tế và bồi thường cho người lao động và chi phí bảo hiểm thương tật. Trong các trường hợp cụ thể, lợi ích thu được từ chương trình trở-lại-làm-việc của Malaysia vượt quá các chi phí ở mức 1,43:1, còn chương trình quản lý thương tật ở Suva – Thụy Sĩ đã giúp giảm số tiền trợ cấp thương tật tới 47%.

Các biện pháp phòng ngừa được các tổ chức bảo hiểm xã hội phổ biến rộng rãi thường đem tới lợi ích lớn.

Do đó, khi xem xét tổng thể, hoạt động phòng ngừa đem lại lợi ích cao nhất. Cũng ủng hộ quan điểm này, ISSA cam kết trở thành đại sứ về hoạt động phòng ngừa. Chiến lược phòng ngừa ba chiều của ISSA bao gồm phòng ngừa các rủi ro nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động trở lại làm việc và nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc.

ISSA không chỉ chủ trương thông điệp phòng ngừa trên phạm vi quốc tế mà còn giúp hướng dẫn các cơ quan bảo hiểm xã hội tại các quốc gia trong những nỗ lực hàng ngày của họ nhằm xây dựng văn hóa phòng ngừa như một phần trong việc chuyển giao các trọng trách đã được ủy quyền cho họ.

Cụ thể, điều này có thể đạt được bằng việc triển khai các hội thảo học thuật do ISSA tổ chức thông qua Trung tâm Ưu tú (Centre for Excellence) của ISSA và tập trung vào những hướng dẫn của ISSA về quản lý an sinh xã hội.

Trong danh mục hướng dẫn mở rộng của ISSA, có 3 hướng dẫn đặc biệt chú trọng tới công tác phòng ngừa:

+ Hướng dẫn về Phòng ngửa rủi ro nghề nghiệp3;

+ Hướng dẫn về Nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc4;

+ Hướng dẫn giúp người lao động trở lại làm việc và tái hòa nhập5.

Những hướng dẫn này của ISSA căn cứ trên hiểu biết chung rằng một văn hóa phòng ngừa thực sự trong thế kỷ 21 phải nhận diện cả các nguy cơ thuộc-về-nơi-làm-việc và không-thuộc-về-nơi-làm-việc, bao gồm cả sự phổ biến ngày càng tăng của các bệnh không truyền nhiễm.

Các hội thảo học thuật của ISSA, bên cạnh những mục tiêu khác, cho phép các cơ quan an sinh xã hội của các quốc gia nhận diện và xác định, trong điều kiện cụ thể của họ, những lĩnh vực hoạt động cần tăng cường vai trò của công tác phòng ngừa. Kết quả tất yếu của hội thảo là một kế hoạch hành động được phát triển nhằm giúp các cơ quan an sinh xã hội tham gia dần thu được những cải thiện dựa trên các hoạt động thực hành tốt đã được quốc tế công nhận.

Đạt được tiến bộ

Việc đạt được tiến bộ về một nền văn hóa phòng ngừa giúp giải quyết không chỉ những thách thức chủ yếu về tai nạn, bệnh tật và tử vong nghề nghiệp trên toàn thế giới mà còn tạo ra mối liên kết toàn diện thiết yếu giữa các rủi ro nghề nghiệp và ngoài-nghề-nghiệp.

Trọng tâm của cuộc tranh luận này là một “tiêu chuẩn mới” trong phòng ngừa: Mỗi cá nhân có quyền được an toàn và khỏe mạnh để có thể đóng góp cho xã hội. Do các rủi ro nghề nghiệp và ngoài-nghề-nghiệp thường được coi là không liên quan tới nhau, khi nguồn gốc rủi ro không thể xác định chủ yếu do nghề nghiệp (ví dụ như bệnh đau lưng hoặc thiếu năng lực tâm lý xã hội), cần có một tầm nhìn mang tính toàn cầu hơn về sức khỏe và khả năng tuyển dụng, liên quan tới tất cả các tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy văn hóa phòng ngừa trên toàn cầu.

Khi trong bối cảnh của Ngày thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc 2015, nơi làm việc thường được ưu triên trở thành tâm điểm để ủng hộ các giá trị của phòng ngừa, việc ISSA dự định phát triển và thúc đẩy các nền tảng nhận thức khẳng định rằng văn hóa phòng ngừa sẽ đem tới sự mạnh khỏe và hạnh phúc cho mọi người lao động.

Nguồn

1. ILO; ISSA; KOSHA. 2008. Seoul Declaration on Safety and Health at Work (XVIII World Congress on Safety and Health at Work: Safety and Health Summit, Seoul, 29 June). Seoul, Korea Occupational Safety and Health Agency; Geneva, International Labour Office, International Social Security Association.

2. ILO. 2003. Safety in numbers: Pointers for global safety culture at work. Geneva, International Labour Office.

3. ISSA. 2013. ISSA Guidelines on Prevention of Occupational Risks. Geneva, International Social Security Association.

4. ISSA. 2013. ISSA Guidelines on Workplace Health Promotion. Geneva, International Social Security Association.

5. ISSA. 2013. ISSA Guidelines on Return to Work and Reintegration. Geneva, International Social Security Association.

Biên dịch: H. Phương


(Nguồn tin: https://www.issa.int/)