Vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam (Phần I)

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:16(GMT +7)

Vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam (Phần II)

Vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam (Phần III)

PHẦN I

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VĂN HÓA AN TOÀN TRONG SẢN XUẤT

I. Đặt vấn đề.

Vấn đề xây dựng và phát triển VHAT trong sản xuất đang là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của các quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta và đã trở thành một nội dung quan trọng để phát triển công tác ATVSLĐ trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Để xây dựng và phát triển VHAT trong sản xuất ở nước ta, trước hết cần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như xác định rõ khái niệm về VHAT trong sản xuất. Muốn vậy, chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích các quan điểm ý kiến khác nhau của nhiều tác giả của nhiều nước trên thế giới cũng như của nước ta về vấn đề VHAT, cần tìm hiểu, nghiên cứu các quan điểm tư tưởng, các chính sách của Đảng, Bác Hồ và Nhà nước về ATVSLĐ, trong đó có những quan điểm liên quan đến VHAT trong sản xuất để làm cơ sở tư tưởng cho việc nghiên cứu về VHAT. Đồng thời cần đánh giá đúng thực trạng về nhận thức, sự hiểu biết và những kết quả đã có liênquan đến VHAT ở nước ta. Từ đó chúng ta có thể tổng hợp, phân tích và rút ra các kết luận về các vấn đề liên quan đến VHAT, bao gồm cả khái niệm, định nghĩa, nội dung VHAT trong sản xuất phù hợp với thực tế Việt Nam.

Trong bài viết này chúng tôi sẽ trình bày một cách có hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn, các khái niệm, định nghĩa và nội dung của VHAT trong sản xuất ở Việt Nam, làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng và phát triển VHAT trong sản xuất ở nước ta trong thời gian tới.

II. Vấn đề văn hóa nói chung và văn hóa an toàn nói riên trong quá trình phát triển của xã hội loài người.

1. Khái niệm chung về văn hóa.

Văn hóa mang nội hàm rất sâu rộng nên có nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Cách đây hơn 60 năm, hai nhà nhân loại học Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluekhohn đã khảo sát nhiều cuốn sách nổi tiếng trên thế giới thuộc chuyên ngành của mình, rút ra trong đó có tới 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa. Trải qua thời gian cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tri thức và tư tưởng của nhân loại, cách hiểu về văn hóa càng sâu sắc hơn và định nghĩa về văn hóa cũng không ngừng được hoàn thiện, song vẫn rất khó có thể đạt tới một định nghĩa duy nhất có tính phổ quát.

Văn hóa gắn liền với sự tiến hóa của xã hội loài người. Trong quá trình phát triển, con người tự loại bỏ dần bản năng để đạt dần tới trí thông minh, có khả năng định dạng hòa nhập và cải biến môi trường tự nhiên xung quanh để phục vụ cho mình. Đó là khởi thủy của văn hóa. Với tư cách là một thành viên trong xã hội, con người tiếp thu văn hóa, bảo tồn và phát triển nó, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Văn hóa Việt Nam nằm trong dòng chảy của văn hóa, văn minh nhân loại, có nhiều tương đồng, song cũng có những khác biệt. Trong “Đề cương văn hóa Việt Nam” ra đời năm 1943 Đảng ta đã đòi hỏi nền văn hóa (lúc đó chủ yếu nhằm vào văn học nghệ thuật) phải có 3 yêu cầu: Dân tộc, Đại chúng và Khoa học. Bác Hồ đã nói “Văn hóa phải gắn liền với lao động sản xuất. Văn hóa xa đời sống, xa lao động, là văn hóa suông”(1). Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của BCH Trung ương Đảng khóa VIII đã chỉ rõ “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình”.

Trong cuộc sống xã hội, nói đến văn hóa, thông thường người ta hay liên hệ đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật như văn xuôi, thơ ca, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật…, đồng thời văn hóa còn được lấy làm thước đo ở những khía cạnh biểu hiệu trong cuộc sống thường nhật của mỗi người hay cả cộng đồng như ẩm thực, trang phục, tín ngưỡng, tri thức, tập tục, lễ hội, lề thói cư xử…  Với mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực hoạt động trong xã hội cũng tìm thấy một điểm tựa văn hóa của mình: Văn hóa giao thông, văn hóa ATVSLĐ…

Như trên đã nói, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa nói chung. Nếu nhìn từ các quan điểm và  góc độ khác nhau về chức năng luận, về tính kế thừa và truyền thống xã hội, về các quan niệm về giá trị, về cách ứng xử, về nguồn gốc hay cấu trúc… chúng ta cũng thấy có nhiều cách định nghĩa về văn hóa đang được nêu lên. Sau đây chúng tôi xin kể một vài trong số các định nghĩa tiêu biểu nhất:

– Tổ chức văn hóa giáo dục Liên hiệp Quốc (UNESCO) năm 1994 đã định nghĩa văn hóa như sau:

Theo nghĩa rộng thì “Văn hóa là một phức hệ tổng hợp các diện mạo đặc trưng về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng, gia đình xóm làng, vùng miền, quốc gia, xã hội… Văn hóa không chỉ bao gồm nghệ thuật, văn chương mà còn cả lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống tín ngưỡng”. Còn theo nghĩa hẹp “Văn hóa là tổng thể những hệ thống biểu trưng (ký hiệu) chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong cộng đồng, khiến cộng đồng đó có đặc thù riêng”.

– Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sáng lập ra nước Việt Nam mới, danh nhân văn hóa thế giới (1890 – 1969) đã viết “ Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặt ăn ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đón là văn hóa”.

– Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà văn hóa lớn của nước ta (1906 – 2000) đã viết: “Nói tới văn hóa là nói tới một lĩnh vực vô cùng  phong phú và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con người trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử, bao gồm cả hệ thống giá trị tư tưởng và tình cảm đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh:.

Qua những phân tích về khái niệm văn hóa như đã nêu và qua tổng hợp, so sánh, hệ thống hóa các định nghĩa về văn hóa của các tổ chức và các tác giả quốc tế và trong nước, chúng ta thấy rằng dù có những sự khác nhau trong cách đặt vấn đề, cách phát biểu về khái niệm văn hóa, nhưng tựu chung lại, đều có những điểm thống nhất cơ bản về phạm trù văn hóa, bao gồm các điểm chính sau đây:

  1. Trước hết văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình phát triển, tiến hóa của lịch sử xã hội loài người.
  2. Tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần đó là rất phong phú, đa dạng, thể hiện qua nhiều lĩnh vực, từ pháp luật, tôn giáo, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật cho đến đạo đức lối sống, phong tục tập quán, cách ứng xử và giao tiếp, hệ thống giá trị, truyền thống, tín ngưỡng…
  3. Văn hóa luôn có tính kế thừa và phát triển, có sự tự thân vận động và tiếp thu cái mới từ bên ngoài.
  4. Văn hóa luôn gắn liền với lao động sản xuất và đời sống của cong người và môi trường xã hội.

Trên đây là những đặc trưng cơ bản mà khi chúng ta đề cập đến phạm trù văn hóa, dù cho đó là trên bình diện một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia hay trên bình diện một vùng, miền, một ngành nghề nào đó, chúng ta đều cần lấy đó làm cơ sở để đưa ra những khái niệm và định nghĩa phù hợp, kể cả đối với văn hóa an toàn và vệ sinh lao động.

2. Văn hóa an toàn trong sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

2.1. Cộng đồng và văn hóa cộng đồng.

Theo từ điển Tiếng Việt do Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ xuất bản năm 1992 thì cộng đồng là “Toàn thể những người sống thành một xã hội, nói chung có những điểm giống nhau, gắn bó thành một khối”. Ở đây, khi xét trên bình diện một quốc gia, cộng đồng có thể bao gồm các dân tộc (đa số và thiểu số) đang sinh sống, làm việc trong lãnh thổ của đất nước mình, còn khi chúng ta xét trong phạm vi hẹp của một địa phương, của một vùng miền, trong một ngành cụ thể, chúng ta lại có những cộng đồng nhỏ hơn, mà ở đó các thành viên trong cộng đồng có sự tương đồng nhiều hơn, cùng trải qua các sự kiện, cùng có những lối sống, lao động, ngành nghề, thói quen ứng xử, có bản sắc và truyền thống riêng.

Như vậy khi nói đến văn hóa cộng đồng, chúng ta hiểu đó thực chất là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng đó tạo ra trong quá trình xây dựng và phát triển của mình. Tong các giá trị đó như là pháp luật, đạo đức, khoa học, văn học nghệ thuật, lối sống, cách ứng xử, bản sắc và truyền thống… trên quy mô quốc gia, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến các nguyên tắc giao tiếp, ứng xử, lối sống của cộng đồng trong những môi trường, không gian, thời gian được xác định. Rõ ràng xã hội ngày càng phát triển thì càng có thêm nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới ra đời và theo đó cũng ra đời những văn hóa chuyên ngành, mà theo thời gian, những văn hóa chuyên ngành đó được xã hội quan tâm, thừa nhận và ngày càng phát triển, ví dụ như ta có văn hóa giao thông, văn hóa du lịch, văn hóa sản xuất hay văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quân nhân, văn hóa an toàn và vệ sinh lao động…

2.2.Văn hóa an toàn trong sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

Như trên đã nói, văn hóa an toàn và vệ sinh lao động (gọi tắt là văn hóa an toàn) là một dạng văn hóa chuyên ngành, được phát triển cùng với sự phát triển của cộng đồng và văn hóa cộng đồng.

Từ thủa hồng hoang, khi con người còn sống bầy đàn, thì ý thức giữ gìn tính mạng và sức khỏe cho mình cũng bắt đầu hình thành. Họ biết tụ tập lại sống trong hang, dưới mái lều che bằng lá để tránh mưa, rét hay khi bơi qua sông họ phải dùng cây chuối để làm phao… Tất cả điều đó thể hiện bản năng sinh tồn của con người. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người từ thấp lên cao, khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, văn hóa an toàn cũng phát triển cùng với sự phát triển của văn hóa cộng đồng.

Trong quá trình sống, lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, để nuôi sống bản thân và gia đình, các thành viên trong cộng đồng đã vừa góp phần phát triển văn hóa cộng đồng cũng như các văn hóa chuyên ngành, trong đó có văn hóa an toàn, và họ không cảm thấy có sự ngăn cách nào giữa 2 dạng văn hóa ấy. Ta có thể thấy rõ điều đó khi những NLĐ đến làm việc trong doanh nghiệp họ phải tuân thủ những quy định của pháp luật về ATVSLĐ, phải sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân (mũ, găng tay, quần áo…) thì đó là họ đang thực hiện những yêu cầu của văn hóa an toàn, nhưng khi tan ca, họ về nhà, trút bỏ quần áo BHLĐ, sống cùng người thân, làng xóm thì lúc này họ đang tuân thủ, thực hiện những hoạt động phù hợp với văn hóa cộng đồng. Rõ ràng văn hóa an toàn và văn hóa cộng đồng đang hòa làm một, được thể hiện trong những thành viên cụ thể của cộng đồng tại những không gian và thời gian nhất định.

Có một điểm rất đặc thù đối với văn hóa an toàn là hầu hết các ngành nghề, các địa phương, vùng miền, cơ sở đều phải thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn để đảm bảo cho con người khi sống và làm việc không bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật. Điều đó cho thấy rằng văn hóa an toàn đã trở thành một yêu cầu cần thiết đối với cộng đồng, hay nói cách khác, văn hóa an toàn là bộ phận rất quan trọng, là cốt lõi của văn hóa cộng đồng, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng, cũng như đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

(Còn nữa)

PGS.TS Nguyễn An Lương

Chủ tịch hội ATVSLĐ Việt Nam

TS. Đỗ Trần Hải

Viện trưởng Viện NC KHKT Bảo hộ Lao động


(Nguồn tin: Nilp.vn)