Vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam (Phần II)

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:16(GMT +7)

Vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam (Phần I)

Vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam (Phần III)

III. Những vấn đề về lý luận và thực tiễn của văn hóa an toàn trong sản xuất.

1. Sự ra đời và phát triển của khái niệm văn hóa an toàn.

Thuật ngữ “Văn hóa an toàn” đã được thế giới nhắc đến hơn 30 năm trước đây, khi các chuyên gia ATVSLĐ khẳng định yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đảm bảo ATVSLĐ và cho rằng cùng với các yếu tố pháp lý và kỹ thuật, cần phải huy động sự tham gia rộng rãi của con người vào công tác ATVSLĐ. Đó chính là nhân tố quan trọng để có văn hóa an toàn.

Tuy nhiên vấn đề tầm quan trong của con người trong hệ thống quản lý ATVSLĐ phải trải qua một quá trình mới được đặt đúng vị trí của nó. Khi vụ tai nạn nguyên tử ở Three Mile Island (Pennsylvania – Mỹ) xảy ra vào tháng 3/1979, người ta vẫn chỉ chú ý đến vấn đề kỹ thuật mà thôi. Mãi đến năm 1986 khi sự cố thảm khốc tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Liên Xô cũ) xảy ra, yếu tố con người mới được thực sự nhắc tới. Trong báo cáo về thảm họa Chernobyl của Tập đoàn tư vấn an toàn hạt nhân (INSAG) thuộc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã cho rằng nguyên nhân của thảm họa là do VHAT kém. Từ đó trở đi, vấn đề VHAT được nhắc đến ngày càng nhiều, được triển khai sang hàng loạt ngành công nghiệp khác.

Như vậy là từ sau khi IAEA công bố báo cáo phân tích đầy đủ về vụ Chernobyl vào năm 1991, khái niệm VHAT ngày càng được nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh, được nhiều tác giả, nhiều quốc gia quan tâm và đưa ra nhiều định nghĩa.

Trong mấy chục năm qua, nhiều tác giả và tổ chức đã công bố những quan điểm, ý kiến phân tích và định nghĩa về VHAT. Chúng có nhiều điểm tương đồng và cũng có nhiều điểm khác nhau. Đã có hàng chục định nghĩa về VHAT được nêu lên, trong đó phải kể đến những định nghĩa sau:

Ủy ban tư vấn an toàn và lắp đặt hạt nhân (ASCNI, 1993): “VHAT  của một tổ chức là một sản phẩm của các giá trị tập thể và cá nhân, thái độ, năng lực và hành vi được xác định bằng sự cam kết cũng như phương thức và sự thực hiện có kết quả tốt chương trình về an toàn và sức khỏe của tổ chức đó”

Ủy ban an toàn và Sức khỏe của Anh (HSC, 1993): “VHAT  của một tổ chức là một sản phẩm của các giá trị riêng rẽ hoặc nhóm các giá trị quan điểm, nhận thức, trình độ kiểu mẫu về hành vi thể hiện sự cam kết, hiệu quả công tác quản lý an toàn và sức khỏe của tổ chức đó”

Tổ chức dịch vụ không lưu quốc tế (CANSO): “ VHAT là giá trị bền vững, sự ưu tiên và cam kết của mỗi cá nhân, tập thể và mọi cấp của tổ chức đối với việc đảm bảo ATVSLĐ. VHAT phản ánh quan niệm, thái độ các quy tắc và hành vi của các cá nhân, tập thể và tổ chức đối với việc đảm bảo ATVSLĐ trong hoạt động hàng ngày của mình.

Năm 2002, Wiegnann và cộng sự đã đưa ra 13 định nghĩa khác nhau về VHAT trong một tài liệu nghiên cứu của mình, mà mỗi định nghĩa đều có những sự thay đổi khác nhau [10].

Thaden và Gibbon (2008) cũng đã đưa ra một định nghĩa khá cô đọng “VHAT được xác định như là một giá trị bền vững và ưu tiên của NLĐ và an toàn xã hội, được xây dựng bởi mỗi thành viên của từng nhóm người, trong mọi cấp của tổ chức đó” [15].

Trong khi trao đổi về khái niệm, định nghĩa VHAT, các nhà nghiên cứu lại bổ sung thêm nhiều ý mới. Có người thì  nhấn mạnh thêm khía cạnh về nhận thức do đó ra đời cụm thuật ngữ “nhận thức về an toàn được chia sẻ” của Glendon [14]; có người khác lại nhấn mạnh đến tính thực tế, cụ thể của VHAT nên mới đưa ra khái niệm đơn giản nhưng rất ý nghĩa, đó là: “VHAT  là các chúng ta thường làm hàng ngày” để đề cập từ việc đơn giản là có đeo khẩu trang trong khi làm việc hay không, cho đến sự nghiêm túc hay không của lãnh đạo khi nói đến VHAT của tác giả Cullen; thậm chí Reason (1998) lại nhấn mạnh rằng “VHAT là một khái niệm của một thời đại đã đến” để nói đến thách thức và cơ hội cho việc xây dựng cơ sở lý luận nguyên lý cơ bản cho VHAT trong một giai đoạn mới.

Qua một số định nghĩa nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng, cho đến nay, vấn đề VHAT trên thế giới vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, khá trìu tượng và các nghiên cứu vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất khi đưa ra các định nghĩa về VHAT.

Có lẽ vì thế mà Tổ chức Lao động quốc tế ILO và năm 2003 đã chủ động đặt vấn đề VHAT một cách có hệ thống và kêu gọi các quốc gia hưởng ứng chiến lược toàn cầu về ATVSLĐ của ILO được hoạch định trên 2 cơ sở là nâng cao VHAT và thực hiện hệ thống quản lý ATVSLĐ. Trong đó, vấn đề nâng cao VHAT được đặc biệt nhấn mạnh và được ILO đưa thành chủ đề chính của ngày thế giới về ATVSLĐ tại nơi làm việc hằng năm (28/04).

ILO cũng đã đưa ra định nghĩa về VHAT như sau: “VHAT tại nơi làm việc là văn hóa mà trong đó quyền có một môi trường làm việc an toàn và vệ sinh của NLĐ được tất cả các cấp tôn trọng. Chính phủ, NSDLĐ, NLĐ đều tham gia tích cực vào việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn và vệ sinh thông qua hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác định. Trong đó nguyên tắc phòng ngừa được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu” [12].

Hưởng ứng cách đặt vấn đề của ILO về VHAT và tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ATVSLĐ trong giai đoạn mới, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nhiều hoạt động trên phạm vi quốc tế và trong từng quốc gia về ATVSLĐ, nhất là về nâng cao VHAT đã và đang diễn ra trong những năm vừa qua:

– Các Đại hội thế giới về An toàn và Sức khỏe trong lao động diễn ra 3 năm một lần, bắt đầu từ Đại hội lần thừ 17 ở Orlando, Florida – Mỹ (18-22/09/2005) đã đưa ra chủ đề “Phòng ngừa trong một thế giới toàn câu – thành quả xuyên suốt của sự hợp tác về ATVSLĐ”. Đại hội lần thứ 18 diễn ra ở Seoul, Hàn Quốc (tháng 6/2008) đã đặt vấn đề phòng ngừa TNLĐ và BNN – một nội dung được coi là ưu tiên trong VHAT, trở thành một chủ đề quan trọng nhất. Tại Đại hội 18 đã có bản Tuyên bố Seoul về an toàn và sức khỏe trong lao động và sau đó đã ra đời khái niệm “văn hóa phòng ngừa” trong ATVSLĐ (tích hợp giữa khái niệm VHAT với nguyên tắc lấy phòng ngừa là biện pháp ưu tiên hàng đầu). Cũng từ đó, một “Tiểu ban về văn hóa phòng ngừa” (Section for a Culture of Prevention) đã được thành lập tháng 6/2011 theo sáng kiến Tổ chức An sinh xã hội quốc tê (ISSA), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Cơ quan ATVSLĐ của Hàn Quốc (KOKHA).

Các đại hội thế giới tiếp theo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (lần thứ 19, từ 11 đến 14/08/2011), ở Frankfurt, CHLB Đức (lần thứ 20, từ ngày 24 đến 27/08/2014) cũng đề đã đưa ra các chủ đề liên quan đến văn hóa phòng ngừa trong ATVSLĐ.

– Các hội nghị thường niên của Tổ chức An toàn và vệ sinh lao động Châu Á – Thái Bình Dương (APOSHO) cũng đều nhấn mạnh đến chủ đề xây dựng VHAT. Có nhiều  báo cáo về vấn đề VHAT của nhiều quốc gia, trong đó phải kể đến vai trò tích cực và những đóng góp cho VHAT của KOSHA (Hàn Quốc).

– Nhiều tổ chức Liên quốc gia hoặc quốc gia như Cơ quan An toàn và Sức khỏe Châu Âu (EUOSHA), Cơ quan An toàn và Sức khỏe của Anh (HSE), của New Zealand, Cơ quan ATVSLĐ của Hàn Quốc (KOSHA), Hội đồng An toàn Singapore (NSCS), Hiệp hội An toàn và vệ sinh công nghiệp Nhật Bản (JISHA)… cũng đã coi trọng phát triển VHAT, có nhiều công trình nghiên cứu về VHAT được công bố.

– Nhiều hội thảo về VHAT được diễn ra trên thế giới và ở nhiều quốc gia, trong đó có nhiều hội thảo do Tiểu ban Văn hóa phòng ngừa đứng ra tổ chức. Một số thư tin tức liên quan đến VHAT được phát hành trên thế giới.

Qua những điều đã trình bày về sự ra đời, quá trình phát triển của VHAT và qua phân tích các định nghĩa khác nhau về VHAT, chúng ta thấy rằng VHAT là một xu hướng phát triển tất yếu mà ATVSLĐ phải hướng đến ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù khái niệm VHAT hiện nay còn có những ý kiến khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn có những điểm thống nhất đó là VHAT thể hiện quan điểm, nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử đúng đắn của tổ chức và cá nhân người lãnh đạo cũng như mọi người trong tổ chức đó đối với việc đảm bảo an toàn và sức khỏe cho con người trong lao động. VHAT phải coi trọng, lấy biện pháp phòng ngừa làm ưu tiên hàng đầu.VHAT của một tổ chức cần được thể hiện bởi trạng thái bên ngoài, đó là một bầu không khí an toàn và vừa thể hiện bới giá trị, niềm tin sâu xa bên trong, nói lên bản chất, truyền thốngtốt đẹp của tổ chức đó đối với sự nghiệp bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe NLĐ.

2. Những vấn đề cơ bản trong nội dung của VHAT.

VHAT có nội dung rất phong phú, liên quan đến nhiều mặt, từ các vấn đề về luật phát, chính sách, tổ chức quản lý, các vấn đề về tâm lý xã hội, hành vi ứng xử cho đến các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ sản xuất, máy móc thiết bị.

Vì vậy nhiều tác giả trên thế giới khi nghiên cứu về VHAT đã đưa ra nhiều câu hỏi cần giải đáp như: Các thành tố cấu thành VHAT là gì, nội dung và cách phân loại chúng ra sao? Cần phải đánh giá mức độ đạt được của VHAT như thế nào? Những tiêu chí nào cần phải được nêu lên để xác định, phân loại và đánh giá một tổ chức, một cơ sở có VHAT?

Nhiều công trình  nghiên cứu đã đi sâu phân tích, trả lời các câu hỏi trên. Sau đây chúng ta hãy xem xét, đề cập đến một vài quan điểm trong số đó để hiểu rõ hơn bản chất của VHAT.

2.1. Các thành tố của VHAT.

Nói đến các thành tố của VHAT là nói đến việc những vấn đề gì, hoạt động nào cần phải tiến hành để xây dựng một cơ quan, tổ chức có VHAT. Hay nói cụ thể hơn là những điểm nào cấu tạo nên VHAT.

Có nhiều tác giả nêu các ý kiến khác nhau về các lĩnh vực mà VHAT phải quan tâm, coi đó là những thành tố cơ bản cấu tạo nên VHAT. Cũng có tác giả phân VHAT ra nhiều thành phần rồi mô tả, giải thích các thành phần đó để có thể thấy rõ bản chất của VHAT. Có thể nêu ra một vài trường hợp:

– Theo James Reason (1997) thì VHAT bao gồm chủ yếu các vấn đề về văn hóa tuân thủ pháp luật, văn hóa báo cáo, văn hóa học tập, văn hóa thông tin, văn hóa trong ứng xử…

– Theo Ron Westrum (1999) thì VHAT phải trả lời được các vấn đề đặt ra, cũng là những thành tố chủ yếu của VHAT, đó là: Tổ chức, cơ quan đã đặt tầm quan trọng của ATVSLĐ như thế nào? Chính sách của tổ chức trong việc tuân thủ pháp luật, đề cao trách nhiệm ra sao? Vấn đề thông tin, huấn luyện cho mọi người về ATVSLĐ thế nào? Nguồn lực đã dành cho ATVSLĐ thế nào? Tình hình thực tế tại các chỗ làm việc ra sao? Hiệu quả của công tác ATVSLĐ thế nào?

– Theo Mark Flemming (2000) thì nhiều vấn đề cụ thể phải đề ra và trả lời được các vấn đề đó, tức là đã làm tốt VHAT. Đó là: sự cam kết của lãnh đạo đơn vị về ATVSLĐ; Việc tổ chức thông tin một các thông suốt, công khai trong đơn vị về những vấn đề liên quan đến ATVSLĐ; Nguồn lực dành cho ATVSLĐ; Sự tham gia của mọi người trong đơn vị vào công tác ATVSLĐ; Công tác huấn luyện về ATVSLĐ; Đánh giá về nhận thức của mọi cấp, mọi người về ATVSLĐ, về mối quan hệ và sự tin cậy lẫn nhau, về mức độ hài lòng của họ đối với công tác ATVSLĐ. Vấn đề rút kinh nghiệm và hoàn thiện công tác quản lý ATVSLĐ của đơn vị… Công trình nghiên cứu trên đây của Mark Flemming [11] đã được nhiều nước chú ý và áp dụng, trong đó có cả một số doanh nghiệp của nước ngoài đầu tư ở Việt Nam cũng áp dụng.

Từ đó, để làm rõ hơn nội dung của VHAT, sau khi tổng hợp, phân tích hệ thống hóa lại, chúng ta có thể nêu lên những điểm chính sau:

– Điểm quan trọng đầu tiên là vấn đề ATVSLĐ phải được đưa thành những quy định trong các văn bản pháp luật, thể hiện quan điểm nhân văn, coi việc đảm quyền được làm việc trong điều kiện an toàn và tiện nghi của NLĐ là quyền cơ bản của con người.

– VHAT phải được thể hiện đầy đủ, đúng mức trong nhận thức của mọi cấp quản lý, mọi người trong cộng đồng. Mọi người phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong ATVSLĐ và phải cam kết thực hiện tốt ATVSLĐ cho cộng đồng, đơn vị.

– Từ cơ sở pháp lý, từ nhận thức đúng đắn, cần đề ra những chính sách, nguyên tắc ứng xử trong việc thực hiện ATVSLĐ ở từng đơn vị.

– Cần phải xây dựng một hệ thống quản lý ATVSLĐ ở từng quốc gia, từng ngành và từng cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức và cách ứng xử, bản sắc và truyền thống của quốc gia, ngành, đơn vị đó.

– Cần huy động mọi nguồn lực một cách hợp cho hoạt động ATVSLĐ; áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ và lấy biện pháp phòng ngừa làm ưu tiên hàng đầu trong ATVSLĐ.

– Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ. Động viên tính tự giác tham gia vào công tác ATVSLĐ của mọi người trong đơn vị.

– Thực hiện tốt chế độ kiểm tra ATVSLĐ một cách thường xuyên. Từ đó rút kinh nghiệm để cải tiến quản lý ATVSLĐ.

– Thực hiện tốt chế độ báo cáo TNLĐ, BNN, báo cáo công tác ATVSLĐ một cách kịp thời đầy đủ.

– Thực hiện tốt việc đánh giá kết quả, khen thưởng, tôn vinh người làm tốt ATVSLĐ, xử lý kịp thời những vi phạm.

– Xây dựng truyền thống, gìn giữ bản sắc và uy tín, thương hiệu của đơn vị nói chung và trong ATVSLĐ nói riêng.

Những điểm được nêu trên là nội dung chủ yếu của ATVSLĐ mà một tổ chức (cơ quan, đơn vị) cần thực hiện để có thể trở thành một tổ chức có ATVSLĐ.

2.2. Phân loại mức VHAT của một tổ chức

Để đánh giá mức VHAT của một tổ chức, trước hết cần đưa ra các tiêu chí của mức VHAT. Nhiều tác giả đã nghiên cứu và đưa ra cách xếp mức VHAT.

– Theo Chương trình “Trái tim và khối óc” [13], VHAT có thể chia làm 5 mức từ thấp đến cao như sau:

+ Mức 1 – “Bắt buộc”: Tổ chức đó không tự giác quan tâm đến ATVSLĐ, chỉ thực hiện một cách bắt buộc theo các quy định để khỏi bị vi phạm.

+ Mức 2 – “Thụ động” Phải thực hiện ATVSLĐ vì đã bị mắc lỗi, phải sửa chữa thụ động mà thôi.

+ Mức 3 -“Có tính toán”: Lãnh đạo của tổ chức biết thu thập, phân tích các số liệu, tình hình thực tế để đề ra các biện pháp ATVSLĐ – Có kiểm tra đánh giá công tác này.

+ Mức 4 – “Tiên tiến”: Công tác quản lý ATVSLĐ được lãnh đạo xây dựng trên cơ sở rút kinh nghiệm để phòng ngừa các nguy cơ. NLĐ tham gia làm tốt công tác ATVSLĐ ở đơn vị.

+ Mức 5 – “Tự giác”: Tổ chức đã biết áp dụng tốt các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ. Công tác quản lý ATVSLĐ được thực hiện tốt, không ngừng rút kinh nghiệm và cải tiến. Mọi người trong tổ chức luôn học hỏi, được cung cấp đầy đủ thông tin và tự giác làm tốt công tác ATVSLĐ.

– Ủy ban Kinh tế Cộng đồng châu Âu (EEC) cũng đưa ra 5 mức phát triển VHAT:

+ Mức 1 – “Báo động”: Quan niệm của tổ chức cho rằng TNLĐ không thể tránh được, do đó chấp nhận để nó xảy ra thụ động, không có biện pháp chủ động ngăn ngừa. Nhận thức về ATVSLĐ không đầy đủ.

+ Mức 2 – “Có quản lý”: Biết coi TNLĐ, BNN là một nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức. Do đó đã biết xây dựng kế hoạch về ATVSLĐ gắn liền với sản xuất, kinh doanh – Cho rằng TNLĐ là có thể ngăn ngừa được, cần có biện pháp phòng chống.

+ Mức 3 – “Tham gia”: Coi trọng việc cải thiện điều kiện làm việc. Có kế hoạch để thực hiện và điều tra giám sát công tác ATVSLĐ. Tỷ lệ TNLĐ giảm – NLĐ tham gia làm tốt ATVSLĐ.

+ Mức 4 – “Hợp tác”: Lãnh đạo nhận thức rõ trách nhiệm trong ATVSLĐ, biết vận động tổ chức để NLĐ cùng tham gia làm tốt ATVSLĐ. Có kế hoạch thực hiện, kiểm tra giám sátcông tác ATVSLĐ. Đơn vị có bầu không khí an toàn, hợp tác, cùng giữ truyền thống.

+ Mức 5 – “Không ngừng cải thiện”: Tổ chức coi việc cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa TNLĐ, BNN là nhiệm vụ quan trọng, là giá trị cốt lõi của mình. Có kế hoạch, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, thường xuyên kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm. Đầu tư cho ATVSLĐ đầy đủ, đúng mức – Mọi người trong đơn vị luôn có ý chí phấn đấu ngày càng làm tốt hơn nữa ATVSLĐ, không tự thỏa mãn với hiện tại.

Qua trình bày các cách phân loại mức VHAT ở trên cho thấy tên gọi có thể khác nhau nhưng tiêu chí xếp loại mức VHAT về cơ bản không khác nhau là mấy. Ngoài 5 mức thường được nêu như trên, cũng có nơi người ta còn đưa thêm mức 0 để chỉ mức lạc hậu nhất và ở đây cần nêu rõ tên của các đơn vị.

2.3. Đánh giá mức VHAT

Cho đến nay chưa có một tiêu chuẩn thống nhất, một thước đo phù hợp với tất cả các tổ chức và các nước để đánh giá VHAT của các tổ chức (cơ quan, doanh nghiệp). Việc đánh giá VHAT của một tổ chức hiện nay chỉ mới được nghiên cứu bước đầu, chưa có sự thống nhất giữa các quốc gia.

Tuy nhiên khi nói đến việc đánh giá VHAT hay nói cụ thể hơn là đánh giá mức VHAT của một tổ chức, thường các nhà nghiên cứu đề cập đến các vấn đề chính sau đây cần đánh giá:

– Các quy định, quy trình, nội dung về ATVSLĐ.

– Các cam kết của lãnh đạo về ATVSLĐ và việc phân định rõ trách nhiệm các cá nhân trong tổ chức về ATVSLĐ.

– Các kế hoạch, biện pháp đã được thực hiện để bảo đảm ATVSLĐ.

– Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ trong tổ chức.

– Việc thực hiện các quy định, tính kỷ luật trong ATVSLĐ.

– Công tác thống kê, phân tích, báo cáo về TNLĐ, BNN và về công tác ATVSLĐ nói chung.

– Sự tham gia của NLĐ trong công tác ATVSLĐ ở đơn vị.

– Việc thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ; việc khen thưởng và xử phạt trong công tác ATVSLĐ.

– Những thành tích đã đạt được, những bản sắc riêng của tổ chức đã xây dựng và trở thành truyền thống của đơn vị trong ATVSLĐ.

– Bầu không khí chung của đơn vị về ATVSLĐ.

Căn cứ vào những điểm chính nêu trên và dựa theo những tiêu chí của các mức VHAT, người ta áp dụng các phương pháp khác nhau để tiếp cận với đối tượng cần đánh giá như sử dụng các bảng hỏi, phỏng vấn, phát biểu, điều tra xã hội học, đo đạc và khảo sát thực tế, phân tích các báo cáo… để xác định mức độ VHAT mà đối tượng đạt được theo các chỉ tiêu và mức VHAT mà đối tượng đạt được theo các chỉ tiêu và mức VHAT đã nêu, từ đó có sự đánh giá tổng thể về VHAT của tổ chức đó.

(Còn nữa)

PGS.TS Nguyễn An Lương

Chủ tịch hội ATVSLĐ Việt Nam

TS. Đỗ Trần Hải

Viện trưởng Viện NC KHKT Bảo hộ Lao động


(Nguồn tin: Nilp.vn)