Vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong sản xuất Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:16(GMT +7)

Xây dựng và phát triển văn hóa an toàn (VHAT) trong sản xuất là một xu hướng tất yếu, cấp thiết của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công tác An toàn và Vệ sinh lao động (ATVSLĐ) phù hợp với giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hiện nay.

Để có thể xây dựng và phát triển VHAT trong sản xuất ở Việt Nam đạt kết quả tốt, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của VHAT, phân tích tình hình phát triển VHAT hiện nay trên thế giới, kết hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam để đưa ra đầy đủ khái niệm về VHAT trong sản xuất phù hợp với điều kiện Việt Nam. Từ đó cần nghiên cứu xây dựng mô hình của một cơ sở VHAT trong sản xuất và tiến hành áp dụng thử mô hình đó vào thực tế và rút ra những kết luận cần thiết để hoàn chỉnh mô hình, mở ra khả năng áp dụng rộng rãi VHAT trong sản xuất ở Việt Nam.

Viện Bảo hộ Lao động quốc gia (NILP) phối hợp với Hội ATVSLĐ Việt Nam (VOSHA) đã tiến hành một đề tài khoa học: “Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và xây dựng mô hình cơ sở VHAT trong sản xuất ở Việt Nam” trong giai đoạn 2013 – 2015 nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra nên trên.

1. NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

Tập thể các nhà khoa học của đề tài đã tiến hành nhiều nội dung nghiên cứu, tập trung chủ yếu vào các điểm sau:

1.1. Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề VHAT trong sản xuất

– Để thực hiện nội dung này, các nhà khoa học Việt Nam đã thu thập các tài liệu thông tin về vấn đề VHAT của nhiều tác giả trên thế giới, đi sâu, phân tích, tổng hợp để tìm ra những điểm cơ bản, tương đồng và hợp lý nhất về các kết quả nghiên cứu lý luận và áp dụng thực tiễn VHAT trong sản xuất của thế giới. Đồng thời đã tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng nhận thức và kết quả áp dụng VHAT trong sản xuất của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Kết hợp cả 2 mặt đó, đã tổng hợp lại để có những kết luận về quan điểm, yêu cầu và nội dung của VHAT trong sản xuất, làm cơ sở cho việc nghiên cứu đưa ra định nghĩa đầy đủ về văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam.

– Để đưa ra một định nghĩa đầy đủ về VHAT trong sản xuất vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam, vừa phù hợp với các khái niệm, định nghĩa chung của thế giới, các nhà khoa học đã đề cập đến các vấn đề liên quan đến quan điểm và yêu cầu cơ bản, cơ sở để xây dựng và triển khai VHAT trong sản xuất ở Việt Nam. Đó là:

+ Xây dựng và phát triển VHAT trong sản xuất ở Việt Nam là một xu thế tất yếu khi Việt Nam đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp, tăng cường hội nhập quốc tế.

+ Nhà nước Việt Nam đã có những quan điểm và chính sách phù hợp cho việc xây dựng và phát triển VHAT trong sản xuất.

+ Cần bám sát điều kiện thiên nhiên, đặc điểm con người, trình độ phát triển kinh tế – xã hội và truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam để xây dựng VHAT phù hợp với Việt Nam.

+ Cần coi VHAT là giá trị cốt lõi, là nội dung cơ bản của ATVSLĐ trong giai đoạn mới, có văn hóa và tính nhân văn cao, là một nội dung quan trọng của văn hóa sản xuất của doanh nghiệp.

1.2. Khái niệm, định nghĩa về văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam

Cho đến trước khi thực hiện đề tài này, ở Việt Nam chưa có một định nghĩa đầy đủ về VHAT trong sản xuất. Khi nói về VHAT, người ta thường sử dụng những kết luận của Hội nghị Lao động quốc tế tháng 6/2003 đã nêu về VHAT để giải thích vấn đề ở Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam vẫn mong muốn cụ thể hóa hơn nữa khái niệm VHAT để vận dụng phù hợp với thực tế Việt Nam.

Để đạt được điều đó, trước khi đưa ra định nghĩa cụ thể, các nhà khoa học Việt Nam đã thống nhất một số điểm cơ bản sau đây:

– Xét từ khía cạnh ý nghĩa chính trị – kinh tế – xã hội, để làm tốt VHAT trong sản xuất, mọi cấp chính quyền, moi cơ quan quản lý, NSDLĐ và NLĐ phải có nhận thức đúng đắn, coi trọng quyền của con người được bảo đảm ATVSLĐ là quyền cơ bản, quan trọng.

– Xét từ khía cạnh giá trị tinh thần, đạo đức xã hội, truyền thống dân tộc, cần phải có thái độ ứng xử nhân văn, có trách nhiệm, tự giác, với tình yêu thương, chia sẻ, hợp tác trong ATVSLĐ.

– Xét từ khía cạnh pháp lý, mọi tổ chức, cá nhân, nhất là NSDLĐ và NLĐ phải có cam kết đầy đủ thực hiện tốt các quy định của pháp luật, các chính sách về ATVSLĐ.

– Xét về các hành vi và biện pháp ứng xử, cần phải có chương trình hành động, các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, lấy phòng ngừa là biện pháp ưu tiên hàng đầu.

Trên cơ sở các quan điểm, yêu cầu cơ bản và các mặt nội dung chủ yếu liên quan đến VHAT phù hợp với thực tế Việt Nam, đề tài đã đưa ra một định nghĩa đầy đủ về VHAT trong sản xuất ở Việt Nam như sau:

Văn hóa an toàn trong sản xuất ở Việt Nam là nội dung cơ bản, giá trị cốt lõi của hoạt động ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, mà ở đó mọi người có nhận thức đúng đắn về ATVSLĐ, coi việc bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh, phòng chống TNLĐ, BNN cho NLĐ là quyền rất cơ bản – nhân quyền cần được tôn trọng. Các quy định của pháp luật, các chính sách về ATVSLĐ cũng như các giá trị của truyền thống dân tộc Việt Nam cần được mọi người nắm vững, có thái độ và hành vi ứng xử đúng, thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, có cam kết rõ ràng, tự giác và hợp tác cùng nhau thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, thực hiện tốt chương trình hành động, lấy biện pháp phòng ngừa làm ưu tiên hàng đầu, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm để làm cho công tác ATVSLĐ ngày càng đạt hiệu quả cao hơn. Hoạt động ATVSLĐ như vậy là một sự nghiệp ATVSLĐ có văn hóa, có tính nhân văn cao, phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước và trở thành một tài sản vô giá, một truyền thống quý báu của doanh nghiệp.

Trên đây là một định nghĩa đầy đủ, toàn diện về VHAT trong sản xuất của Việt Nam. Trong từng trường hợp cụ thể, sau khi đã hiểu thấu đáo toàn bộ vấn đề đã nêu trong định nghĩa toàn diện, có thể rút ngắn, nêu gọn lại các trọng tâm cho dễ nhớ, dễ hiểu.

1.3. Xây dựng mô hình cơ sở VHAT trong sản xuất

– Để xây dựng một mô hình cơ sở VHAT trong sản xuất, các nhà khoa học đã xác định các tiêu chí cơ bản của mô hình đó, làm sao để bảo đảm cho mô hình bao gồm được đầy đủ các giá trị “vô hình” của một doanh nghiệp có VHAT, vừa thể hiện được “bầu không khí an toàn” (tiếng Anh: Safety climate), vừa thể hiện được các hoạt động cốt lõi, nền tảng cơ bản từ nhận thức, niềm tin cho đến các biện pháp, kết quả của hành động về ATVSLĐ của doanh nghiệp.

Theo chúng tôi, các tiêu chí của một mô hình cơ sở VHAT trong sản xuất ở Việt Nam cần gồm có:

1. Chính sách ATVSLĐ của doanh nghiệp, sự cam kết của Lãnh đạo, NSDLĐ về ATVSLĐ.

 2. Sự hiểu biết, thái độ, niềm tin của mọi người trong doanh nghiệp. Phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam trong việc thực hiện ATVSLĐ.

3. Nêu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi người, nhất là NSDLĐ và NLĐ về công tác ATVSLĐ.

4. Có hồ sơ đầy đủ về ATVSLĐ của doanh nghiệp, nhất là làm rõ các yếu tố nguy hiểm và có hại, các nguy cơ biện pháp có trong doanh nghiệp.

5. Xây dựng được hệ thống quản lý ATVSLĐ ở doanh nghiệp.

6. Có chương trình hành động về ATVSLĐ (về luật pháp, chính sách, tổ chức quản lý, biện pháp khoa học. Công nghệ, bố trí kinh phí, nhân lực để thực hiện ATVSLĐ). Chú trọng ưu tiên hàng đầu các biện pháp phòng ngừa.

7. Sự tham gia của NLĐ, của Tổ chức Công đoàn – đại diện NLĐ và công tác ATVSLĐ.

8. Có biện pháp tốt cung cấp, tiếp nhận thông tin về ATVSLĐ đối với mọi người. Làm tốt công tác tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ cho mọi đối tượng.

9. Làm tốt việc kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả công tác ATVSLĐ của cơ sở.

10. Làm tốt việc khai báo, điều tra, báo cáo về TNLĐ, BNN, bảo đảm tính công khai, minh bạch về TNLĐ, BNN và các sự cố liên quan đến ATVSLĐ tại cơ sở.

11. Kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, hoàn thiện hơn nữa công tác ATVSLĐ ở cơ sở.

12. Làm tốt việc tôn vinh, khen thưởng người có thành tích, kịp thời xử lý các vi phạm về ATVSLĐ ở cơ sở.

– Đề tài đã nghiên cứu đưa ra các tiêu chí và phương pháp đánh giá mức VHAT của các cơ sở.

+ Về mức VHAT của cơ sở, sau khi tham khảo các thông tin về mức VHAT của một số tác giả trên thế giới, đề tài đưa ra một cách phân loại các mức VHAT của cơ sở gồm 5 bậc. Với mỗi mức, đề tài nêu rõ các đặc trưng mà cơ sở phải đạt, đi từ mức thấp nhất đến mức 5 là mức cao nhất, đạt đến sự liên tục hoàn chỉnh và không ngừng cải thiện công tác ATVSLĐ ở cơ sở.

+ Đề tài đã nghiên cứu đưa ra một hệ thống các tiêu chí và thang điểm để đánh giá mức VHAT của các cơ sở. Hệ thống đưa ra 4 nhóm tiêu chí, bao gồm 23 tiêu chí cụ thể với cách chấm điểm theo thang điểm 50 (tương đương với 5 mức VHAT của cơ sở.

1.4. Tiến hành áp dụng thử mô hình cơ sở VHAT trong sản xuất đã được thiết kế vào thực tế sản xuất ở Việt Nam.

– Trước hết đề tài đã đưa ra bản hướng dẫn về các công việc cần tiến hành để áp dụng mô hình VHAT trong sản xuất tại các cơ sở. Ở đây đã nêu lên 10 công việc cần tiến hành rất cụ thể, từ việc chuẩn bị kế hoạch, lựa chọn cơ sở thí điểm, lập tổ công tác, nghiên cứu để nắm vững các nội dung, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ theo dõi việc áp dụng, cho đến việc huấn luyện cho NSDLĐ và NLĐ về những nội dung cơ bản của VHAT, tiến hành các hoạt động cụ thể để áp dụng mô hình, theo dõi kiểm tra đánh giá kết quả áp dụng, rút kinh nghiệm để bổ sung ngay trong quá trình áp dụng và cuối cùng là đánh giá mức VHAT sau khi áp dụng và viết báo cáo tổng kết việc áp dụng.

– Đề tài đã chọn 4 cơ sở sản xuất có những đặc điểm khác nhau về ngành nghề, quy mô sản xuất, trình độ khoa học – công nghệ, ở các vùng khác nhau trong nước, làm cơ sở thí điểm áp dụng mô hình.

– Sau gần 18 tháng áp dụng thí điểm mô hình cơ sở VHAT trong sản xuất, đề tài đã tổng kết, rút ra được nhiều kết luận hay để bổ sung, hoàn chỉnh mô hình.

1.5. Những kết luận rút ra sau gần 3 năm thực hiện đề tài:

– Lần đầu tiên ở Việt Nam, vấn đề VHAT đã được nghiên cứu một cách tương đối toàn diện, từ những vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn của VHAT, đưa ra được một định nghĩa đầy đủ, tổng quát về VHAT trong sản xuất, cho đến xây dựng được một mô hình cơ sở VHAT trong sản xuất phù hợp với điều kiện Việt Nam, áp dụng thử và rút ra được nhiều kết luận để hoàn chỉnh mô hình, chuẩn bị cho việc áp dụng VHAT ở Việt Nam rộng rãi hơn.

– Đề tài đã biên soạn được những tài liệu tuyên truyền, giới thiệu về VHAT, biên soạn và xuất bản các đĩa CD về VHAT trong sản xuất ở Việt Nam.

– Đề tài đã xây dựng được một tập kiến nghị gửi lên Nhà nước, các cơ quan hữu quan đề nghị có chủ trương, biện pháp để xây dựng và phát triển VHAT trong sản xuất ở Việt Nam một cách mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong thời gian tới.

– Những kết quả nghiên cứu của đề tài cũng góp một phần làm phong phú thêm những nghiên cứu và áp dụng VHAT trong sản xuất của các quốc gia, đóng góp cho việc phát triển sự nghiệp ATVSLĐ trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

2. KẾT LUẬN

Những thông tin mà chúng tôi trình bày trong bài viết này là kết quả của gần 3 năm nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, với mong muốn làm cho vấn đề VHAT trong sản xuất được quan tâm và ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, vừa thiết thực góp phần cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, vừa góp phần cho sự phát triển công tác ATVSLĐ trong phạm vi toàn cầu, vì đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe NLĐ –  vốn quý nhất của mọi quốc gia trên thế giới.

PGS.TS. NGUYỄN AN LƯƠNG

Chủ tịch danh dự Hội An toàn và Vệ sinh Lao động Việt Nam (VOSHA)


(Nguồn tin: Nilp.vn)