Việc làm xanh tại Quebec: Xác định và đánh giá những rủi ro hoá học và sinh học tiềm ẩn đối với sức khoẻ người lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

Mục tiêu của nghiên cứu là để xác định những việc làm xanh, và để thiết lập một đánh giá rủi ro sơ bộ của các loại hoá chất và tác nhân sinh học đối với người lao động tại Quebec.

Hiện đang có một sự bùng nổ trong công việc được tạo ra bởi việc làm xanh của nền kinh tế. Trong năm 2010, có khoảng 155.000 “việc làm xanh”, một thuật ngữ phổ biến đang được sử dụng, ở Quebec và khoảng 682.000 trên toàn Canađa. Trong khi những số liệu này còn phụ thuộc vào định nghĩa mở rộng của những thuật ngữ “xanh” và “môi trường”, chúng cũng đưa ra một vài ý niệm về mức độ rộng lớn của lĩnh vực đang phát triển này. Với rất nhiều công nghệ mới đã được phát triển, cần có sự đánh giá về những rủi ro tiềm ẩn của chúng đối với sức khoẻ người lao động.

Trong bối cảnh phát triển bền vững, việc làm xanh đang có những bước phát triển nhanh chóng, làm thay đổi môi trường làm việc. Tuy nhiên một việc làm xanh không hẳn là một việc làm an toàn. Mục tiêu của nghiên cứu là để xác định những việc làm xanh, và để thiết lập một đánh giá rủi ro sơ bộ của các loại hoá chất và tác nhân sinh học đối với người lao động tại Quebec. Một định nghĩa chi tiết đã được phát triển, cùng với tiêu chuẩn và các nguyên tắc phát triển bền vững để phân biệt việc làm xanh và việc làm thông thường. Độc tính hoặc các mối nguy tiềm ẩn kết hợp với quá trình phơi nhiễm hoá học và sinh học đã được đánh giá, và quá trình phơi nhiễm của người lao động được đánh giá bằng phương pháp đánh giá chuyên gia. Một phương pháp dải kiểm soát cũng được sử dụng để đánh giá những rủi ro đối với người lao động theo những việc làm xanh được lựa chọn. Một mô hình hai đầu vào cho phép đặt ưu tiên cho rủi ro hoá học hoặc sinh học. Trong số những việc làm xuất hiện rủi ro tiềm ẩn cao nhất, một vài việc làm có liên quan đến quản lý chất thải. Phương pháp đã được phát triển là tương đối linh hoạt và có thể phù hợp để đánh giá hiệu quả hơn những rủi ro mà người lao động phải đối mặt hoặc để đề xuất những biện pháp kiểm soát.

Mục đích của nghiên cứu này là để cung cấp một hồ sơ về việc làm xanh tại Quebec và đánh giá những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khoẻ người lao động được thể hiện dưới dạng kết quả của quá trình phơi nhiễm đối với các tác nhân hoá học và sinh học. Cụ thể hơn, nghiên cứu nhắm đến

 (1) định nghĩa “nền kinh tế xanh” ở Quebec;

 (2) xác định “những việc làm xanh”;

 (3) xác định những tác nhân hoá học và sinh học mà người lao động có thể bị phơi nhiễm; và

 (4) tiến hành một đánh giá định lượng về những rủi ro tiềm ẩn với sức khoẻ người lao động.

Các nhà nghiên cứu phải điều chỉnh hoặc tạo ra một số công cụ để đạt được những mục tiêu này. Những việc làm xanh được xác định chủ yếu dựa trên nền tảng của tiêu chuẩn có trong Luật Phát triển Bền vững của Quebec. Hệ thống Phân loại Công nghiệp Bắc Mỹ (North American Industry Classification System – NAICS) và Phân loại Nghề nghiệp Quốc gia (National Occupational Classification – NOC) đã được sử dụng để xác định danh mục việc làm xanh ở Quebec. Đánh giá rủi ro của người lao động được dựa trên hệ thống dải kiểm soát. Mục tiêu của phương pháp đánh giá rủi ro định lượng này là đảm bảo sự an toàn của người lao động phơi nhiễm với các chất mà hiện có rất ít thông tin. Những chất được phân loại ở mức nguy cơ (độc tính), hoặc được dán nhãn, bằng cách so sánh chúng với những chất tương đồng đã được xác định là có nguy cơ; phơi nhiễm với những chất này tại nơi làm việc cũng đã được đánh giá bán định lượng (nhãn phơi nhiễm). Hầu hết các mô hình sử dụng bốn hoặc năm bảng dán nhãn nguy cơ và một số lượng nhóm phơi nhiễm tương đương, mà khi kết hợp sẽ tạo ra khoảng 16 đến 25 tình huống giả định có thể xảy ra.

Toàn bộ quá trình giúp chúng ta có thể nhận dạng khoảng 400 chức danh công việc có thể xem xét là việc làm xanh dựa trên định nghĩa đã được đề xuất và các tiêu chuẩn lựa chọn. Những việc làm này được chia thành 63 nhóm nghề nghiệp khác nhau để tiến hành đánh giá những rủi ro hoá học và sinh học tiềm ẩn, và 21 trong số đó được coi là có mức rủi ro cao. Do đó, những nghề nghiệp này nên được đặt ưu tiên lên hàng đầu để nghiên cứu về an toàn và sức khoẻ. Đặc biệt hơn nữa, những phát hiện của nghiên cứu nhấn mạnh những rủi ro có trong quản lý chất thải, một ngành công nghiệp mới phát triển và đang tăng nhanh về số lượng trong các ngành sản xuất khác, bao gồm sản xuất điện, sản xuất nông nghiệp và thu hồi nguyên liệu thô cũng được tính đến. Ngày càng có nhiều hơn các trung tâm phân loại, quá trình xử lý nước thải công nghiệp đang được mở rộng và các chứng nhận khai thác bãi chôn lấp không phải là một vấn đề đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ.

Mặc dù thuật ngữ “việc làm xanh” nghe có vẻ hợp thời và phù hợp với phát triển bền vững, hiện có rất ít thông tin về chủ đề này. Do đây là nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này ở Quebec, nó được kỳ vọng có thể là cơ sở cho việc lựa chọn những hướng nghiên cứu ưu tiên trong tương lai về lĩnh vực này. Hơn nữa, những chuyên gia vệ sinh nghề nghiệp (an toàn vệ sinh viên) cũng có thể sử dụng phương pháp này cho mục tiêu phòng ngừa hoặc bảo vệ và bổ sung thêm những phát hiện của chúng tôi bằng cách đóng góp dữ liệu sơ bộ hoặc định lượng.

Biên dịch: Việt Thắng


(Nguồn tin: irsst.qc.ca)