Xây dựng văn hóa an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tại Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:16(GMT +7)

Dự án An toàn và Sức khỏe cho Lao động trẻ (AT và SK cho LĐ trẻ) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có mục tiêu cải thiện điều kiện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho lao động trẻ. Dự án đã thực hiện một nghiên cứu, sử dụng phương pháp kết hợp nhằm tìm hiểu Kiến thức, Thái độ và Hành vi hiện nay về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của lao động trẻ tại các tỉnh: Phú Thọ, Hưng Yên và Đà Nẵng ở Việt Nam. Mục tiêu của khảo sát là để thiết lập cơ sở về Nhận thức, Kiến thức, Thái độ và Hành vi liên quan đến ATVSLĐ và xác định ưu tiên áp dụng cho các hoạt động can thiệp của dự án. Khảo sát cũng thực hiện các cuộc phỏng vấn định tính với người cung cấp thông tin chính là đối tác ba bên, đại diện cho chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động để bổ sung cho khảo sát định lượng. Đây là một phần trong nghiên cứu tại ba nước, bao gồm Việt Nam, My-an-ma và Phi-lip-pin. Dự án AT và SK cho LĐ trẻ thực hiện nghiên cứu về Kiến thức, Thái độ, Hành vi (KAB) nhằm đảm bảo rằng các chiến dịch nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cho lao động trẻ sẽ khắc phục được những khoảng trống về kiến thức và nhận thức của lao động trẻ về ATVSLĐ. Cách tiếp cận này giúp lựa chọn được những vấn đề ATVSLĐ cần quan tâm, và phân bổ nguồn lực vốn đã hạn chế để đạt được hiệu quả tối đa. Dưới đây là phần tóm tắt những phát hiện chính liên quan đến người lao động, người sử dụng lao động, và các cơ quan quản lý nhà nước, những rào cản và đưa ra định hướng để xây dựng chiến dịch truyền thông thay đổi nhận thức và xã hội một cách toàn diện hướng tới cải thiện Kiến thức, Thái độ, Hành vi liên quan đến ATVSLĐ tại Việt Nam.

Các chiến dịch truyền thông cần khắc phục sự trùng lắp trong tác động thay đổi hành vi, như mô tả trong Mô hình Sinh thái Xã hội dưới đây. Mặc dù người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ là những đối tượng tiếp nhận khác nhau, nhưng họ cũng ảnh hưởng lẫn nhau, theo các mạng lưới xã hội và mạng lưới ở cấp cộng đồng. Sáng kiến thay đổi hành vi và xã hội, về mặt bản chất, không phải là các đường thẳng; hành vi của con người thường phức tạp, và các nỗ lực trong chiến dịch về ATVSLĐ phải dựa trên nguyên tắc khoa học về hành vi để tăng cường văn hóa phòng ngừa ATVSLĐ.

McLeroy KR, Bibeau D, Steckler A, Glanz K. “Khía cạnh sinh thái đối với các chương trình tăng cường sức khỏe”. Ấn bản Giáo dục Y tế theo Quý. Mùa Đông năm 1988; 15(4):351-77.

I. LAO ĐỘNG TRẺ

* Phát hiện chính

• Phần lớn lao động trẻ (LĐT) được khảo sát trong khu vực nông nghiệp là lao động gia đình và không có hợp đồng lao động chính thức. Hơn một nửa LĐT tại các làng nghề là lao động trong gia đình, hầu hết không có hợp đồng lao động chính thức, trừ tại các làng nghề có nhiều doanh nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu.

• LĐT tại doanh nghiệp lớn của các làng nghề thường làm việc trên 40 giờ một tuần, do đó, họ có thể có nguy cơ cao hơn về tai nạn và thương tích tại nơi làm việc.

• Tỷ lệ nam và nữ LĐT trong khu vực nông nghiệp khá cân bằng. LĐT trong khu vực này đa số có trình độ trung học cơ sở. • Nhìn chung, các kết quả nghiên cứu cho thấy có rất ít sự khác biệt về giới.

• LĐT làm việc trong khu vực phi chính thức rất ít được huấn luyện về ATVSLĐ. • Động lực lớn nhất để LĐT làm việc là kiếm tiền hỗ trợ cho gia đình.

• Đảm bảo sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc không phải là ưu tiên hàng đầu của LĐT.

• Nhìn chung, LĐT tin rằng họ và người sử dụng lao động đều quan tâm đến ATVSLĐ, nhưng bản thân họ quan tâm nhiều hơn.

• Vẫn còn khoảng trống rất lớn để cải thiện điều kiện ATVSLĐ cho LĐT. Việc LĐT e ngại báo cáo về sự cố ATVSLĐ với người sử dụng lao động cho thấy họ còn thiếu sự cởi mở khi nói về vấn đề này.

• Sử dụng vật sắc nhọn, làm việc với động vật, trơn trượt, sẩy chân và ngã là những rủi ro chính tại nơi làm việc được lao động trẻ đề cập. Lao động trẻ trong khu vực nông nghiệp không nhận ra tác hại lâu dài của thuốc trừ sâu.

• Đau khớp và đau lưng là những vấn đề sức khỏe được đề cập nhiều nhất, sau đó là các vấn đề về cơ, ho hoặc các vấn đề về đường thở.

• LĐT trong cả khu vực nông nghiệp và làng nghề đều coi việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) là biện pháp chủ yếu để giảm thiểu rủi ro.

• LĐT nhận thấy nhiều mối nguy khi làm việc tại các làng nghề, phản ánh qua rất nhiều công việc trong khu vực này. Rủi ro chính bao gồm làm việc với máy móc, công cụ và các vật sắc nhọn. Người lao động làm việc với ắc quy thì gặp phải các rủi ro từ axit ắc quy. 

* Khuyến nghị

1. Kiến thức

Khắc phục chênh lệch giữa mức độ kiến thức thực tế và kiến thức mà người lao động nghĩ mình có. Ví dụ, hầu hết LĐT nói ATVSLĐ là phương tiện để ‘phòng ngừa tai nạn’ và ‘sử dụng trang thiết bị an toàn’; họ nghĩ họ có đủ thông tin để làm công việc một cách an toàn và biết cách bảo vệ bản thân.

Các hoạt động nâng cao nhận thức cần tăng cường nhận thức đúng đắn của người lao động về rủi ro, bao gồm cải thiện hiểu biết của họ về mối nguy trước mắt và lâu dài cũng như cách phòng ngừa. Điều này đặc biệt đúng đối với rủi ro liên quan tới thuốc trừ sâu trong nông nghiệp và điều kiện làm việc độc hại trong làng nghề. Nhiều lao động trẻ, đặc biệt lao động trẻ ở các làng nghề cho rằng họ sẽ không gặp phải sự cố trong lao động.

LĐT sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cao hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm về ATVSLĐ.

Thông điệp về ATVSLĐ cần tập trung vào các mục tiêu của LĐT trong tương lai và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn và sức khỏe nhằm đạt được các mục tiêu đó.

LĐT cần được thông tin về lợi ích của các chương trình bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp tự nguyện.

Công tác truyền thông về rủi ro ATVSLĐ cần đưa ra thông điệp cụ thể đối với nhóm lao động nhận lương theo sản phẩm để khuyến khích họ không làm thêm nhiều giờ.

Do lao động ở cả hai khu vực đều tiếp cận thông tin về ATVSLĐ qua các kênh thông tin không chính thức (gia đình, bạn bè, những người lao động khác), nên các kênh thông tin chính thức, thống nhất và uy tín hơn cần được sử dụng để truyền đạt thông tin chính xác. Cần tìm hiểu khả năng sử dụng internet để cải thiện các hình thức chia sẻ kiến thức.

2. Thái độ 

Động lực làm việc chính của LĐT là hỗ trợ gia đình nên việc nhấn mạnh tầm quan trọng của ATVSLĐ nhằm giúp gia đình tránh được khó khăn có thể mang lại hiệu quả.

Phần lớn lao động trong khu vực nông nghiệp tin rằng họ chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của chính mình. Tại các làng nghề, hầu hết LĐT nói người sử dụng lao động cần chịu trách nhiệm về ATVSLĐ, nhưng một số cho rằng đó là lỗi của người lao động do bất cẩn khi làm việc. Cần thay đổi thái độ của người lao động về trách nhiệm liên quan đến ATVSLĐ.

Phần lớn LĐT nghĩ rằng họ và người sử dụng lao động của mình đều coi ATVSLĐ là quan trọng và họ đối thoại cởi mở tại nơi làm việc; tăng cường nhận thức đúng đắn về rủi ro ở nơi làm việc và hiểu ý nghĩa của ‘văn hóa phòng ngừa ATVSLĐ’.

3. Hành vi

Do một số LĐT không báo cáo nguy cơ hoặc tai nạn lao động với người sử dụng lao động, mà thường nói với các lao động khác, bạn bè hoặc gia đình họ, nên các chiến dịch truyền thông nên tập trung thay đổi hành vi này.

Tăng tỷ lệ người lao động sử dụng hóa chất theo hướng dẫn và xin giúp đỡ của người lao động có kinh nghiệm hơn.

Xây dựng ‘người lao động kiểu mẫu’, là người thực hiện các hành vi ATVSLĐ đúng đắn và nhấn mạnh lợi ích của các hành vi đó trong các chiến dịch truyền thông.

TV và internet nên được sử dụng như các kênh truyền thông đại chúng chính, trong khi gia đình, bạn bè và đồng nghiệp là các kênh thông tin bổ sung. Các tổ chức của người lao động đóng vai trò quan trọng trong đối thoại nhằm cải thiện ATVSLĐ cho người lao động. 

II. NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG 

* Phát hiện chính

• Phần lớn Người sử dụng lao động (NSDLĐ) cho rằng họ biết quy định pháp luật về ATVSLĐ. NSDLĐ thường liên hệ ATVSLĐ với phòng ngừa tai nạn và sử dụng các trang thiết bị an toàn và biện pháp vệ sinh. 

• Một số NSDLĐ nói họ chưa bao giờ nghe đến pháp luật về ATVSLĐ, trong khi một số lượng nhỏ khác nói họ biết nhiều về các quy định này. Đối với người lao động, NSDLĐ tại các làng nghề có vẻ thể hiện nhận thức tốt hơn so với khu vực nông nghiệp. 

• Một số ít NSDLĐ trong khu vực nông nghiệp cho hay NLĐ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là ho và các vấn đề về đường thở, đau lưng hoặc xương khớp, và các vấn đề về cơ. 

• NSDLĐ trong khu vực nông nghiệp không nhận ra tác hại lâu dài của thuốc trừ sâu. Trong khi đó, những người được phỏng vấn tại cấp chính sách cho rằng đó là vấn đề nguy hiểm nhất trong khu vực nông nghiệp. 

• NSDLĐ trong nông nghiệp cho hay việc sử dụng vật sắc nhọn là rủi ro thường gặp nhất. Sau đó là máy móc, công cụ , trơn trượt, sẩy chân và ngã. Chưa đến một nửa số NSDLĐ coi thuốc trừ sâu và hóa chất là một rủi ro. 

• Những phát hiện này đối ngược với các kết quả thu được từ việc phỏng vấn các cơ quan ở cấp chính sách. Tại đây, việc sử dụng và xử lý thuốc trừ sâu không đúng cách chính là rủi ro ATVSLĐ lớn nhất trong khu vực nông nghiệp. 

• Hầu hết NSDLĐ tại các làng nghề được phỏng vấn cho rằng NLĐ không gặp phải các vấn đề về sức khỏe do công việc.

* Khuyến nghị

1. Kiến thức 

Khắc phục chênh lệch giữa mức độ kiến thức thực tế và kiến thức mà NSDLĐ nghĩ mình đã có. 

NSDLĐ ở lĩnh vực nông nghiệp và làng nghề đều nói rằng nguồn thông tin ATVSLĐ chính là TV, gia đình và bạn bè. 

Nâng cao nhận thức cho NSDLĐ nên nhấn mạnh vào việc các vật sắc nhọn gây ra nhiều thương tích cho NLĐ. 

Do nhiều lao động còn trẻ, đây là những công việc đầu tiên trong ‘thế giới thực tế’, nên NSDLĐ không thể mặc định rằng các lao động trẻ đã có kỹ năng và kiến thức cần thiết để làm công việc của mình một cách an toàn. 

NSDLĐ cần được tập huấn và cung cấp thông tin về cách báo cáo tai nạn lao động và sự cố về ATVSLĐ. 

Nâng cao nhận thức và kiến thức của NSDLĐ về cơ quan thanh tra lao động, cũng như luật pháp liên quan và trách nhiệm của NSDLĐ theo luật. 

Các hoạt động tuyên truyền và tập huấn cho NSDLĐ cần nêu bật lợi ích đối với doanh nghiệp nếu áp dụng các chính sách, thực hành tốt trong ATSKLĐ và cách trả lương tiêu chuẩn cho người lao động. 

2. Thái độ  

Nâng cao sự ghi nhận của NSDLĐ đối với giá trị của đào tạo ATVSLĐ. 

Nâng cao nhận thức của NSDLĐ về lợi ích của việc đầu tư vào các biện pháp ATVSLĐ. 

Cải thiện nhận thức về rủi ro của người sử dụng lao động liên quan đến mối nguy tại nơi làm việc và hành động có nguy cơ cao của người lao động. 

3. Hành vi

Tất cả NSDLĐ sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học tại nơi làm việc đều nói rằng họ cung cấp thiết bị an toàn cho NLĐ khi sử dụng những hóa chất này. Một số ít NSDLĐ cho biết họ giám sát việc sử dụng phương tiện bảo vệ các nhân (PTBVCN) và chỉ một nửa cung cấp hướng dẫn rõ ràng, đảm bảo dán nhãn và lưu trữ hóa chất đúng cách. NSDLĐ cần giám sát việc sử dụng PTBVCN tại nơi làm việc và tìm cách khiến việc sử dụng các thiết bị này thoải mái hơn. 

Các bảng kiểm và tài liệu hướng dẫn đơn giản và cụ thể theo khu vực cần được sử dụng để giúp NSDLĐ xác định rủi ro tại nơi làm việc và có kế hoạch giảm thiểu các rủi ro đó. Ví dụ, họ có thể khuyến khích việc sử dụng PTBVCN phù hợp nếu họ có thông tin về các công việc cụ thể cần đến chúng và đưa ra các tiêu chuẩn cần đạt được. 

Người SDLĐ cần thống kê và báo cáo sự cố ATVSLĐ cho các cơ quan chức năng. Các hoạt động tuyên truyền cần hướng đến cải thiện điều kiện ATVSLĐ cho lao động trẻ ở cả hai lĩnh vực, và nên tập trung vào đối tượng NSDLĐ là cha mẹ và người chăm sóc chứ không chỉ là NSDLĐ. 

III. THANH TRA LAO ĐỘNG

* Phát hiện chính

• Thanh tra lao động (TTLĐ) cho rằng họ có đủ kiến thức để giám sát việc tuân thủ các quy định về an toàn và sức khỏe. Đa số nói rằng họ có thể tiếp cận đầy đủ thông tin, chế tài và cơ chế khuyến khích để thực hiện các cuộc thanh tra có chất lượng cao và khuyến khích NSDLĐ cải thiện điều kiện ATVSLĐ. Tuy nhiên, nhiều thanh tra không quen với các thuật ngữ như mức độ rủi ro và tuân thủ trong khu vực nông nghiệp. 

• Rất ít thanh tra viên cho rằng họ có đủ thời gian, nguồn lực và trang thiết bị phù hợp. Điều này thống nhất với quan điểm do những người cung cấp thông tin chia sẻ, rằng TTLĐ có những hạn chế về năng lực và khó khăn trong thủ tục hành chính. 

• Mặc dù NSDLĐ đánh giá công tác phòng ngừa của họ một cách tích cực, nhưng các TTLĐ và người cung cấp thông tin ở cấp chính sách có quan điểm khác. 

• Mặc dù NSDLĐ cho rằng có sự đối thoại cởi mở về ATVSLĐ tại nơi làm việc, nhưng những người cung cấp thông tin chính và TTLĐ cho rằng NLĐ e ngại chia sẻ những vấn đề về ATVSLĐ, chủ yếu do họ không nhận thức được quyền của mình.

* Khuyến nghị

1. Kiến thức

Cán bộ thanh tra cần được đào tạo về yếu tố rủi ro và quy trình tuân thủ trong lĩnh vực nông nghiệp. 

2. Thái độ 

Còn khoảng trống lớn để cải thiện cả điều kiện vật chất và văn hóa an toàn tại các làng nghề và khu vực nông nghiệp. Cần khuyến khích văn hóa trao đổi cởi mở vì đây là một điều kiện tiên quyết quan trọng nhất đảm bảo an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. 

3. Hành vi

Phân bổ thêm nguồn lực để hỗ trợ TTLĐ tư vấn và thực thi pháp luật về ATVSLĐ hiệu quả. Điều này dẫn tới nhu cầu nâng cao năng lực đáng kể giúp TTLĐ hiểu biết sâu về rủi ro tại các doanh nghiệp nhỏ phi chính thức như các doanh nghiệp ở làng nghề và trong khu vực nông nghiệp. 

Chế tài xử phạt và cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp không tuân thủ cũng cần được rà soát để giảm thiểu rào cản hành chính và nhằm tăng cường quyền thực thi của thanh tra. Việc thu thập và chia sẻ thông tin trong đơn vị thanh tra cũng cần được tăng cường. 

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 

Cần có một chiến dịch thay đổi hành vi và xã hội toàn diện để xây dựng văn hóa phòng ngừa ATVSLĐ trong khu vực nông nghiệp và làng nghề ở Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức của NSDLĐ và NLĐ cần thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức (như ILO) để xây dựng chiến lược chiến dịch và tìm kiếm tài trợ. 

Cần tìm chuyên gia truyền thông trong nước xây dựng một thương hiệu chung cho chiến dịch nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cũng như thiết kế các thông điệp và tài liệu phù hợp, hấp dẫn đối với mỗi nhóm mục tiêu. Tất cả các thông điệp và tài liệu truyền thông cần hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa phòng ngừa. 

Cần xác định chỉ tiêu thống kê của chiến dịch truyền thông để đo lường tác động của chiến dịch đối với các biến số về Kiến thức, Thái độ, Hành vi cũng như tác động tổng thể của chiến dịch. 


(Nguồn tin: ILO)