Ảnh hưởng của tiếp xúc tiếng ồn nghề nghiệp tới sự ù tai và mệt mỏi thính giác do tiếng ồn của nhân viên sản khoa: một nghiên cứu cắt ngang

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:40(GMT +7)

Mục tiêu: Chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của tiếp xúc tiếng ồn nghề nghiệp tại chỗ làm việc mà từ lâu phụ nữ chiếm đa số. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá các rủi ro của các triệu chứng mắc bệnh do tiếng ồn gây ra trong đội ngũ nhân viên sản khoa.

Thiết kế nghiên cứu: Một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện ở một khu sản khoa tại Thụy Điển bằng phiếu điều tra phỏng vấn toàn bộ nhân viên của khoa và đo tiếng ồn trong 61 ca.

Đối tượng tham gia: 115 là NLĐ là phụ nữ trả lời câu hỏi (chiếm 72% trong tổng số 160 người được phỏng vấn).

Các kết quả đầu ra chính: (i) các triệu chứng mắc bệnh liên quan đến sức nghe (do đối tượng tự thông báo) gây nên do liều tiếng ồn tiếp xúc nghề nghiệp tính toán;(ii) mức ồn đo đạc.

Kết quả: Có 46% ca làm việc đo được mức ồn vượt giới hạn cho phép là 80 dB LAeq (80 dB LAeq là mức ồn tiêu chuẩn). 55% số người được hỏi trả lời rằng họ có từ một triệu chứng mắc bệnh trở lên liên quan đến tiếng ồn. Sử dụng mô hình logic hồi quy, kết quả cho thấy có mối quan hệ khá rõ giữa liều tiếp xúc tiếng ồn nghề nghiệp và sự ù tai (OR=1.04, 95% CI 1.00 tới 1.09) và mệt mỏi do tiếng ồn (OR=1.04, 95% CI 1.00 tới 1.07). Gần nửa trong số những người được hỏi nói rằng họ bị stress nghề nghiệp và khó chịu do tiếng ồn. Mệt mỏi thính giác do tiếng ồn  có liên quan đến stress nghề nghiệp và khó chịu do tiếng ồn tại nơi làm việc mặc dù stress trong mô hình đa biến có mối quan hệ thấp.

Kết luận: Kết quả của nghiên cứu mới này cho thấy đội ngũ nhân viên sản khoa có nguy cơ có các triệu chứng mắc bệnh liên quan đến thính giác do tiếng ồn gây ra. Mức tiếng ồn tiếp xúc tại chỗ làm việc là cao và liều tiếp xúc tiếng ồn có ảnh hưởng khá lớn đến sự ù tai và sự mệt mỏi thính giác do tiếng ồn trong đội ngũ nhân viên sản khoa. Kết quả này cũng chỉ ra rằng các biện pháp phòng ngừa liên quan đến tiếp xúc tiếng ồn cần được lưu tâm đối với khoa sản và cần phải có thêm đánh giá rủi ro đối với các nghiên cứu trước đây không đánh giá tiếng ồn cho các ngành nghề tuy không phải công nghiệp nhưng có tiếng ồn trong giao tiếp rất cao.

Điểm mạnh và hạn chế của nghiên cứu này:

Phần lớn các nghiên cứu trước đây về rối loạn thính giác do ồn thực hiện  trong môi trường công nghiệp trong khi đó hầu như không quan tâm đến ảnh hưởng của tiếng ồn đối với các ngành nghề không phải công nghiệp, ở những nơi phụ nữ làm việc chiếm đa số và ở những nơi môi trường giao tiếp nhiều, ví dụ bệnh viện. Do đó, nghiên cứu này đã trình bày một kết quả tuyệt vời về tiếp xúc tiếng ồn nghề nghiệp và ảnh hưởng của nó tới thính giác của đội ngũ nhân viên sản khoa.

Kết quả đo đạc tiếng ồn khách quan và các phân tích số liệu chủ quan cho thấy nguy cơ gia tăng của các triệu chứng mắc bệnh thính giác do tiếng ồn gây ra.

Trong thiết kế nghiên cứu cắt ngang này không nghiên cứu ảnh hưởng độ tuổi của người tham gia.

Do quy mô của mẫu và thiết kế nghiên cứu không có nhóm đối chứng nên nó cũng hạn chế việc tổng quát hóa kết quả nghiên cứu và không cho phép đưa ra được các kết luận về tính nhân quả.

Cần có những nghiên cứu tiếp theo để khẳng định về kết quả nghiên cứu này và đánh giá được quy mô của vấn đề. Tuy vậy, nhóm tác giả cũng kiến nghị các cơ quan dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiện có, ví dụ cung cấp thiết bị bảo vệ tai cho đội ngũ nhân viên y tế.

Xem báo cáo tóm tắt The effect of occupational noise exposure on tinnitus and sound-induced auditory fatigue among obstetrics personnel: a cross-sectional study

Biên dịch: Phạm Hải


(Nguồn tin: BMJ Open)