NLĐ tiếp xúc dung môi hữu cơ: Quan tâm dự phòng bệnh giảm nghe nghề nghiệp
Kiểm tra sức nghe cho công nhân Nhà máy Sơn Hải Phòng. Ảnh: L. P.
Ảnh hưởng do tiếp xúc với DMHC
DMHC được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề, nhiều quy trình sản xuất sơn, giày, đồ gỗ, thuốc nhuộm, vật liệu kết dính, nhựa, cao su, điện tử, in,…Trong đó công nghiệp sơn và giày là một trong những ngành sử dụng nhiều DMHC cả về số lượng, chủng loại cũng như số lượng công nhân tiếp xúc.
Nghiên cứu về ảnh hưởng của DMHC lên sức nghe mới được nghiên cứu gần đây. Trước những năm 80 của thế kỷ XX, chỉ có một vài nghiên cứu lẻ tẻ đề cập đến ảnh hưởng của DMHC lên thính lực. Từ sau những năm 80, vấn đề này được chú ý nghiên cứu nhiều hơn trên cả động vật thí nghiệm cũng như trên NLĐ tiếp xúc trực tiếp. Tổn thương thính giác do DMHC là khác với tiếng ồn. Trong khi tiếng ồn chỉ gây tổn thương tại ốc tai thuộc phần ngoại vi của hệ thống thính giác, thì DMHC có xu hướng ảnh hưởng cả ốc tai và hệ thống thính giác trung ương, do độc tính của nó tác động lên tai và thần kinh.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra có tác động hiệp đồng tiềm tàng của tiếp xúc phối hợp giữa DMHC (toluen, styren, ethyl benzene…) với các yếu tố nguy cơ giảm nghe khác tiếng ồn, kim loại,…Hậu quả này cho thấy tiếp xúc phối hợp có nguy cơ giảm nghe cao hơn tiếp xúc riêng lẻ từng yếu tố (DMHC hoặc tiếng ồn).
Hình mô tả vị trí gây tổn thương cơ quan thính giác của một số hóa chất, dung môi hữu cơ.
Hội nghị các nhà vệ sinh công nghiệp quốc gia Mỹ từ năm 2006 đã khuyến cáo cần phải đo kiểm tra sức nghe định kỳ đối với những công nhân tiếp xúc với tiếng ồn, DMHC (styren, toluen, xylen), CO, chì, mangan. Viện An toàn sức khỏe nghề nghiệp Hoa Kỳ (NIOSH) cũng cho rằng cần phải thiết lập giới hạn tiếp xúc cho phép với hỗn hợp hóa chất gây độc cho tai và tiếng ồn như là một vấn đề cấp bách. Trong quy định của các nước châu Âu năm 2003 về mức tiếp xúc nghề nghiệp tối thiểu với tiếng ồn cũng đề cập rằng, khi đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến sức nghe phải lưu ý đến ảnh hưởng phối hợp của tiếng ồn với hóa chất, tiếng ồn với rung chuyển. Bệnh gây ra do tiếp xúc nghề nghiệp với DMHC cũng là bệnh thuộc nhóm 1.1.38 trong Danh mục các bệnh nghề nghiệp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Các yếu tố có nguy cơ cao giảm sức nghe do tiếp xúc với DMHC
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) năm 2014 – 2019 đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá thực trạng giảm nghe ở công nhân tiếp xúc với DMHC, cũng như mối liên quan với các yếu tố nguy cơ ra sao để trên cơ sở đó đề xuất bổ sung bệnh giảm nghe do DMHC vào danh mục bệnh nghề nghiệp, ban hành các quy định về chương trình giám sát MTLĐ, giám sát sức nghe cho công nhân tiếp xúc DMHC nói riêng và tiếp xúc hóa chất gây độc cho tai nói chung. Nghiên cứu được tiến hành tại một số nhà máy sản xuất sơn, giày ở Hà Nội, Hải Phòng với trên 400 công nhân tiếp xúc với DMHC trong MTLĐ. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ giảm sức nghe (GSN) tiếp nhận đối xứng hai tai, xu hướng giảm nhiều ở các dải tần số cao do ảnh của DMHC là 29,5%.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ GSN của nhóm nghiên cứu tăng lên rõ rệt theo tuổi đời, tuổi nghề. Nguy cơ GSN tăng theo tuổi đời từ 2,31 đến 38,6 lần; theo tuổi nghề nguy cơ GSN tăng từ 1,49 – 6,06 lần (Bảng 1).
Bảng 1: Mối liên quan giữa tuổi đời, tuổi nghề với giảm sức nghe
Ngoài ra còn có nguy cơ GSN của công nhân liên quan đến kiến thức về an toàn sử dụng hóa chất và thực hiện ATVSLĐ cá nhân, kết quả (Bảng 2) cho thấy công nhân được học về an toàn sử dụng hóa chất, biết hóa chất mình sử dụng trong làm việc, biết khả năng gây bệnh nghề nghiệp của hóa chất mình sử dụng trong khi làm việc, tỷ lệ giảm nghe lần lượt là 28%; 28,5% và 25,9%, thấp hơn so với nhóm không biết có tỷ lệ tương ứng là 41,9%; 42,9% và 42,9%. Như vậy, việc không có kiến thức hiểu biết về hóa chất mình tiếp xúc trong MTLĐ có nguy cơ giảm nghe tăng lên 1,85 – 2,14 lần.
Bảng 2: Mối liên quan giữa kiến thức, thực hiện ATVSLĐ với giảm sức nghe
Nguy cơ giảm nghe cũng có thể tăng cao khi việc thực hiện các biện pháp ATVSLĐ cá nhân không tốt. Việc hút thuốc khi làm việc, ăn uống tại nơi làm việc và không rửa tay chân trước ăn tăng nguy cơ giảm nghe lên 1,48; 1,08 và 1,21 lần.
Việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân như quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang, mặt nạ phòng độc, găng tay, giày ủng cao su chống hóa chất, nút tai. Kết quả (Bảng 3) cho thấy tỷ lệ giảm nghe của nhóm không sử dụng đều cao hơn nhóm sử dụng, tăng nguy cơ giảm nghe từ 1,04 đến 1,48 lần.
Bảng 3: Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và mối liên quan đến giảm sức nghe
Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân là biện pháp dự phòng khá hiệu quả làm giảm nguy cơ tiếp xúc với hóa chất độc hại. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của phương tiện bảo vệ cá nhân không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào việc có hay không có sử dụng mà còn phụ thuộc vào việc cung cấp phương tiện bảo vệ có đảm bảo về chất lượng, có đúng chủng loại, có phù hợp về kích cỡ hay không cũng như việc sử dụng có đúng cách, có đầy đủ liên tục trong quá trình làm việc tiếp xúc với hóa chất hay không. Qua khảo sát các cơ sở cho thấy, hầu hết phương tiện bảo vệ nhân chưa đảm bảo về chất lượng, chủng loại. Khi tiếp xúc hóa chất đa số sử dụng khẩu trang vải hoặc khẩu trang than hoạt tính thông thường.
Việc tiếp xúc với DMHC trong MTLĐ là khá phổ biến gặp ở nhiều ngành, nghề, tuy nhiên vấn đề giám sát các yếu tố nguy cơ gây giảm nghe cho NLĐ hầu như chưa được đặt ra và thực hành trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe NLĐ. Do vậy cần phải ban hành các quy định về việc giám sát giảm thiểu yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức nghe của NLĐ tiếp xúc với DMHC một cách chặt chẽ và nâng cao công tác dự phòng bệnh giảm nghe nghề nghiệp do DMHC.
Công nhân sử dụng dung môi hữu cơ (xylen) vệ sinh thùng chứa sơn tại Hà Nội. Ảnh: L. Phương.
Tài liệu tham khảo
1. Johnson A. C, Morata TC, (2010), Occupational exposure to chemicals and hearing impairment, The Nordic Expert Group for Criteria Documentation of Health Risks from Chemicals (NEG), NR 2010;44(4).
2. CDC -NIOSH topic: Occupational hearing loss (OHL) surveillance, [Online] Available at: http://www.cdc.gov/niosh/topic/ohl/#.
3. European Union, (2003), Directive 2003/10/EC of the European Parliament and of the Council of 6 February 2003 on the minimum health and safety requirements regarding the exposure of workers to the risks arising from physical agents (noise), Official Journal of the European Union.
4. ILO (2010), List of occupational diseases (revised 2010). Identification and recognition of occupational diseases: Criteria for incorporating diseases in the ILO list of occupational diseases, Occupational Safety and Health Series, No. 74, Geneva, International Labour Office.
5. Hà Lan Phương (2019), Nghiên cứu ảnh hưởng của một số DMHC đến sức nghe của công nhân sản xuất sơn và giày, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành SKNN, Viện SKNN và môi trường, 2019.
TS. HÀ LAN PHƯƠNG – ThS. NGUYỄN THỊ HOÀI
(Nguồn tin: Tạp chí điện tử Laodongcongdoan.vn)