Sức khỏe của người lao động trong các cơ sở chế biến thủy sản khu vực Miền Trung do phơi nhiễm khí Clo
Tại các công ty chế biến thủy hải sản xuất khẩu, việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu và là điều kiện bắt buộc. Với lợi thế là chất oxy hóa mạnh, có khả năng khử trùng tốt và giá rẻ, chlorine thường được các cơ sở chế biến sử dụng. Các công đoạn thường sử dụng chất khử trùng gồm rửa nguyên liệu, bán thành phẩm, sơ chế, tinh chế, vệ sinh cá nhân, vệ sinh dụng cụ và nhà xưởng sản xuất. Tùy thuộc từng mục đích của công đoạn sản xuất mà nồng độ dung dịch chlorine khử trùng được lựa chọn.
Việc pha chế dung dịch khử trùng này tuy đã được các cơ sở chế biến thủy sản chuẩn hóa thành các quy trình thao tác chuẩn hướng dẫn quy cách pha chế, định lượng cụ thể. Song trong thực tế, tại nhiều cơ sở việc pha chế thường được những người lao động thực hiện ước lượng và thực hiện chưa đúng so với quy định, thường xảy ra nhất ở công đoạn pha chế dung dịch khử trùng vệ sinh cá nhân, dụng cụ và nhà xưởng. Điều này khiến cho lượng khí Clo tự do phát sinh ra môi trường lao động thường không được kiểm soát. Việc kiểm soát nồng độ khí Clo phát sinh trong quá trình sản xuất ở các nhà máy chế biến thủy sản hầu như chưa được quan tâm và thực hiện đúng theo quy định.
Như vậy, người lao động tại các cơ sở chế biến thủy sản ngoài phải đối mặt với áp lực tăng ca liên tục còn phải làm việc trong môi trường chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi do quy trình sản xuất, đặc thù lao động, gánh nặng và căng thẳng lao động. Môi trường lao động ngoài điều kiện vi khí hậu không thuận lợi như độ ẩm lớn, nhiệt độ thấp và kém thông thoáng do tốc độ lưu thông không khí thấp, người lao động còn tiếp xúc với các hóa chất độc hại thoát ra từ dung dịch sát trùng (Chlorine), trong đó nguy cơ phơi nhiễm với khí Clo là rất lớn.
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động cho thấy, tại các cơ sở chế biến thủy sản khu vực miền Trung, người lao động chủ yếu phơi nhiễm với khi Clo qua đường hô hấp (hít thở). Người lao động làm ở bộ phận pha chế có thời gian tiếp xúc với khí Clo lớn nhất, trung bình 800 giây và tần suất tiếp xúc trung bình chỉ 2,3 lần/ca. Tiếp đến là người lao động làm ở bộ phân sơ chế và tinh chế có thời gian tiếp xúc trung bình lần lượt là 312,5 giây và 265 giây với tần xuất tiếp xúc trung bình lần lượt là 31,25 và 26,5 lần/ca. Nồng độ phơi nhiễm trung bình khí Clo ở người lao động tại bộ phận sơ chế là lớn nhất, trung bình là 1,124mg/m3, tiếp đến là bộ phận pha chế (0,734mg/m3) và bộ phận tinh chế (0,481mg/m3).
Theo phân loại độc tính của Clo về các mức tiếp xúc thì công nhân chế biến thủy sản chỉ phơi nhiễm với Clo ở nồng độ thấp và chịu những ảnh hưởng về sức khỏe của tiếp xúc mạn tính. Tuy nhiên, việc tiếp xúc thường xuyên với nồng độ khí Clo ở mức vượt tiêu chuẩn cho phép trong điều kiện các giải pháp cải thiện điều kiện lao động ở các cơ sở chế biến thủy sản vẫn chưa thật sự hiệu quả sẽ gây những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người lao động.
Kết quả khám lâm sàng trên 400 người lao động thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khí Clo trong môi trường lao động tại các cơ sở chế biến thủy sản khu vực miền Trung cho thấy người lao động thường bị rối loạn thông khí hạn chế, rối loạn thông khí tắc nghẽn và mắc các triệu chứng bất thường về hô hấp, bao gồm: khó thở, tức ngực, viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản và ho.
Để bảo vệ sức khỏe của người lao động, các cơ sở chế biến thủy sản cần thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu sự phơi nhiễm với khí Clo ở người lao động như sau:
– Cần xây dựng các quy trình thao tác chuẩn về việc sử dụng và pha chế các dung dịch khử trùng và bắt buộc người lao động phải tuân thủ và thực hiện đúng quy trình.
– Tập huấn cho người lao động, đặc biệt là những người pha chế dung dịch Clo khử trùng tại các cơ sở về các quy trình thao tác chuẩn, về những kiến thức và tác động có hại của khí Clo trong môi trường làm việc đến sức khỏe. Từ đó, giúp người lao động hiểu biết và thực hành đúng trong việc pha chế.
– Cải thiện hệ thống thông gió trong các phân xưởng sản xuất, nhất là ở các bộ phận pha chế, bộ phận vệ sinh ủng, tay trước mỗi phân xưởng và trong các phân xưởng chế biến.
– Sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong khi làm việc để hạn chế sự tiếp xúc với khí Clo như mặt nạ phòng độc, khẩu trang, kính mắt, găng tay…
– Hằng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám sức khỏe nghề nghiệp nhằm phát hiện sớm các biểu hiện và triệu chứng bất thường của các bệnh mãn tính và bệnh nghề nghiệp do phơi nhiễm hơi khí độc gây ra, từ đó giúp theo dõi, điều trị và bố trí công việc hợp lý hơn.
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)