Cơ sở đề xuất xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh nhiễm độc styren nghề nghiệp ở Việt Nam.

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:41(GMT +7)

Bài viết trình bầy tổng quan một số công trình nghiên cứu khoa học về nhiễm độc styren nghề nghiệp và một số hướng dẫn khám, chẩn đoán bệnh nhiễm độc styren nghề nghiệp trên thế giới và Việt Nam. Các thông tin tổng quan chính, kết hợp 1 kết quả nghiên cứu sơ bộ từ thực tế do đề tài thực hiện trình bầy trong bài báo được đề tài sử dụng làm cơ sở khoa học để tiến hành nghiên cứu mở rộng nhiễm độc styren nghề nghiệp và cũng là cơ sở khoa học nhằm đề xuất bổ sung bệnh nhiễm độc styren nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam. Trên thế giới, bệnh nhiễm độc styren nghề nghiệp đã được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và cũng đã được một số nước công nhận. Nhóm tác giả hy vọng trên cơ sở các nghiên cứu đi trước và với kết quả nghiên cứu mở rộng tiếp theo, bệnh nhiễm độc styren nghề nghiệp sẽ sớm được công nhận là bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Styren là chất được dùng để sản xuất polystyren và nhiều polyme khác. Ngoài ra, styren còn được sử dụng làm dung môi hữu cơ trong nhiều ngành công nghiệp khác. Trên thế giới và Việt Nam, người lao động có tiếp xúc nghề nghiệp với styren rất phổ biến bởi những sản phẩm của những ngành công nghiệp có sử dụng hóa chất này ngày càng được ưa chuộng như tổng hợp polyme, ngành nhựa,  tổng hợp cao su styrene butadien (SBR-Styrene Butadiene Rubber), nhựa composite, dung môi hữu cơ trong công nghiệp sơn, keo dán….Styren là một trong những yếu tố gây bệnh nghề nghiệp (BNN) được bảo hiểm trên thế giới (theo danh mục BNN được bảo hiểm ILO – 2022) [1] và cũng đã có những thông tin về hướng dẫn khám và chẩn đoán bệnh nhiễm độc styren nghề nghiệp. Tuy nhiên bệnh nhiễm độc styren nghề nghiệp tại Việt Nam lại chưa được công nhận và do vậy, cũng chưa ban hành tài liệu chuyên ngành về hướng dẫn khám, chẩn đoán về nhiễm độc styren. Tại Việt Nam đã có một vài công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của styren đến sức khỏe cũng như thực trạng tiếp xúc với styren của người lao động nhưng còn mang tính chất nhỏ, lẻ. Bên cạnh đó, Việt Nam đã công nhận bệnh nhiễm độc benzen và các đồng đẳng của benzen (toluen, xylen), nhưng styren lại chưa được công nhận là yếu tố gây BNN được bảo hiểm.

            Vì những lý do phân tích nêu trên, trên cơ sở tiếp cận theo hướng thừa kế, Y-sinh học và từ khảo sát sơ bộ thực tế ban đầu, Trung tâm sức khoẻ nghề nghiệp chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu hiện trạng bệnh nhiễm độc Styren và đề xuất bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam” nhằm mục tiêu xác định hiện trạng bệnh nhiễm độc styren ở người lao động có tiếp xúc trong một số ngành nghề có sử dụng styren; xây dựng được tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh nhiễm độc styren và kiến nghị đưa bệnh nhiễm độc styren vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam. Trong phạm vi bài báo này nhóm tác giả chỉ đề cập đến nội dung “Cơ sở khoa học và sự cần thiết phải nghiên cứu đề xuất bổ sung bệnh nhiễm độc styren nghề nghiệp ở Việt Nam” với mục tiêu tổng hợp các nghiên cứu và hướng dẫn khám, chẩn đoán bệnh nhiễm độc styren nghề nghiệp liên quan làm cơ sở khoa học để bước đầu hướng đến xây dựng đề xuất nêu trên trong điều kiện Việt Nam.

2. NỘI DUNG TỔNG QUAN

2.1. Styren và ứng dụng của styren trong các ngành công nghiệp

2.1.1. Sơ lược về styren

Tính chất vật lý, hóa học

Styren-C8H8 (còn gọi là Vinylbenzene, Phenylethylene, Ethenylbenzene, Ethylbenzol) là dung môi hữu cơ, chất lỏng không mầu đến vàng nhạt và dễ bay hơi. Styren ở dạng nguyên chất có vị ngọt. Ngưỡng mùi từ 0,04 – 0,32ppm. Styren hòa tan kém trong nước (300 mg/L tại 20°C), hòa tan dễ trong rượu, ether, acetone và carbon disulfide…  

Con đường tiếp xúc và xâm nhập

Con người tiếp xúc với styren thông qua 3 con đường chính: qua đường tiêu hóa, qua hít thở không khí và qua da.

– Qua đường hô hấp: Khi hít thở không khí chứa styren, một phần lớn styren sẽ vào cơ thể qua phổi (60-70%).

– Qua đường tiêu hóa: Styren trong thực phẩm và nước uống có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa.

– Tiếp xúc qua da: Một số lượng rất nhỏ Styren có thể vào cơ thể qua da khi con người tiếp xúc với dung dịch chứa styren.

Người lao động tiếp xúc với styren phổ biến nhất là qua đường hô hấp. Thấm nhiễm với styren qua da và mắt ít phổ biến hơn, đặc biệt qua đường tiêu hóa thì hiếm gặp. Hầu hết thông tin về ảnh hưởng của styren là do việc tiếp xúc qua đường hô hấp. Từ các nghiên cứu về công nhân có tiếp xúc với hơi styren trong sản xuất nhựa, đặc biệt là nhựa polyester có sử dụng dung môi hòa tan là styren, khi đó styren phát tán vào môi trường làm việc và người lao động hít phải trong quá trình làm việc.

– Chuyển hóa và đào thải

Khi xâm nhập vào cơ thể người, styren được phân phối nhanh chóng. Styren đi đến các mô cơ quan của cơ thể và nó được chuyển hóa chủ yếu trong gan, styren được chuyển hóa chủ yếu thành axit mandelic (khoảng 85%) và axit phenylglyoxylic (khoảng 10%); các chất chuyển hóa này được bài tiết qua nước tiểu. Axit Hippuric cũng được hình thành nhưng với số lượng nhỏ (khoảng 5%), phần còn lại được chuyển hóa thành một số chất khác.

Hiện nay do tổng nồng độ axit mandelic và axit phenylglyoxylic trong nước tiểu của người lao động có tương quan tốt với nồng độsttrong môi trường của người lao động tiếp xúc trung bình 8 giờ làm việc nên tổồng độ axit mandelic (MA) và axit phenylglyoxylic (PGA) được sử dụng làm chỉ số giám sát sinh học cho người lao động có tiếp xúc với  styren [3].

Tác hại của styren

Cũng như các chất ngoại lai khác, khả năng gây độc của styren cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như liều lượng, thời gian, đường vào, đặc điểm cá nhân và sự hiện diện của các hóa chất khác. Trong nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng như nghiên cứu quan sát cho thấy ở nồng độ nhất định, tiếp xúc với styren có thể gây hại cho sức khỏe của con người.

– Ảnh hưởng cấp tính:

Khi tiếp xúc với styren sẽ gây kích thích niêm mạc mắt, mũi, họng và đường hô hấp. Ảnh hưởng của styren đến các chức năng của hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp và bài tiết … cũng được nhiều tác giả nghiên cứu và tổng kết.

Diễn biến thay đổi theo nồng độ styren trong môi trường làm việc và thời gian tiếp xúc: Bảng 1

     Bảng 1. Giá trị ngưỡng ảnh hưởng của Styren trong môi trường

Nồng độ (ppm)

Nồng độ (g/m3)

Thời gian tiếp xúc

Triệu chứng

100-300

0.43-1.3

8

Kích ứng mắt, mũi, đường hô hấp trên

600

2.6

5

Kích thích mạnh

800

3.4

1

Triệu chứng cấp tính xuất hiện ngay khi tiếp xúc

> 5000

Nguy hiểm đến tính mạng

– Ảnh hưởng mạn tính:

Khi tiếp xúc styren lâu ngày sẽ xuất hiện các bệnh lý thần kinh ngoại vi: viêm đa dây thần kinh, rối loạn cảm giác…, ngoài ra styren còn gây chóng mặt, nhức đầu, dễ bị kích thích, chuột rút, cảm giác kiến bò, tê cóng chân tay. Tiếp xúc với số lượng lớn hơn có thể dẫn đến sự khởi đầu của bệnh -“Styrene sickness” – với các dấu hiệu như nhức đầu, buồn nôn, nôn  ói, yếu cơ, mệt mỏi, chóng mặt, lú lẫn, vụng về, rối loạn ận động… Một vài trường hợp tiếp xúc vớistyren gây rối loạn nhịp tim và hôn mê.  Nếu được hấp thụ qua da, hay đường tiêu hóa, styren cũng có thể dẫn đến ảnh hưởng hệ thống thần kinh trung ương tương tự như khi hít thở. Bên cạnh đó nhiều nghiên cứu còn cho thấy NLĐ tiếp xúc với styren lâu ngày giảm khả năng phân biệt màu sắc, tăng thời gian phản xạ thị vận động….  

Phơi nhiễm mãn tính với styren trong một thời gian dài có thể gây giảm thính lực, rối loạn thị giác, suy giảm trí nhớ, loạn nhịp tim, suy chức năng của gan. Một vài báo cáo cho rằng styren có thể gây ra hen suyễn [4].

Theo hồ sơ nghiên cứu về styren [4], ảnh hưởng của styren chia thành 3 giai đoạn tiếp xúc:

+ Cấp tính (14 ngày trở xuống): Nhức đầu, sự mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ, yếu, dáng đi không ổn định, nhầm lẫn, mất ý thức và có thể hôn mê, gây kích ứng cho da.

+ Trung gian (15-364 ngày): Ảnh hưởng đến hệ thần kinh với các biểu hiện như thay đổi thị lực nhìn màu, mệt mỏi, cảm thấy như say rượu, phản xạ chậm, giảm khả năng tập trung và một số vấn đề sức khỏe khác, viêm da tiếp xúc kích ứng

+ Mãn tính (365 ngày trở lên). Ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (CNS), bệnh lý não mạn tính, giảm thị lực nhìn màu, mệt mỏi, cảm thấy như say rượu, phản xạ chậm chạp, giảm khả năng tập trung và một số vấn đề sức khỏe khác.

– Trong dịch sinh học:

Theo tiêu chuẩn của ACGIH, 2018 [3]: tổng MA và PGA niệu cho phép là ≤ 400mg/g creatinine. Styren máu: 0,2mg/L. Hiện Việt Nam, chưa có các tiêu chuẩn này.

2.1.2. Ứng dụng của styren trong cacsn ngành công nghiệp

Styren được sử dụng rất phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ứng dụng quan trọng nhất của styren là để sản xuất polime được sử dụng làm nguyên liệu trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt trong ngành công nghiệp nhựa và cao su tổng hợp như: nhựa Polystyrene (PS), nhựa Acrylonitrin butadien styren (ABS), lớp phủ bảo vệ, polyesters styrenated, nhựa copolyme với acrylonitril và butadien, nhựa composite, tổng hợp cao su styren butadien (SBR), styren-ethylen-butadien-styren (SEBS) sử dụng tạo thiết bị phụ trợ dệt may, bột màu chất kết dính nhựa polyeste, chất thơm và các ngành công nghiệp trung gian…..

Với nhựa Polyster không no (unsaturated polyester) gọi tắt là UPE, trong những nguyên liệu để sản xuất UPE thì styren chiếm đến 40%. UPE là loại nhựa dẻo có nhiều công dụng nên được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất vật liệu cách điện, cách nhiệt, xây dựng, hàng tiêu dùng.

Vật liệu composite là loại nhựa đặc biệt có sử dung styren là thành phần nguyên liệu chính. Chất dẻo chủ yếu sử dụng nhiều nhất trong ngành nhựa composite là polyester, tiếp đến là vinylester, cả hai đều được pha loãng trong styren, lượng styren chiếm 30 – 60% [4]. Vật liệu composite được áp dụng hầu hết ở các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, trong công nghiệp quốc phòng

 Với vật liệu cao su tổng hợp cao su styren-butađien (SBR) là loại cao su tổng hợp đầu tiên có khả năng sử dụng ở quy mô kinh tế-thương mại. Ngày nay, SBR là loại cao su tổng hợp thông dụng và được dùng trong sản xuất săm, lốp và các đồ dùng bằng cao su khác. SBR thông thường chứa 23,5% styren và 76,5% butađien.

Bên cạnh đó,  styren cũng có thể có mặt trong thực phẩm đóng gói bằng hộp đựng thực phẩm polystyren và vật liệu đóng gói. Styren là sản phẩm đốt cháy của khói thuốc lá và khí thải ô tô, hoạt động của máy photo…

Như vậy trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng styren được sử dụng rất phổ biến, với lượng tương đối nhiều và số lượng người lao động tiếp xúc tương đối rộng trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy bảo vệ người lao động có tiếp xúc với styren phòng tránh bệnh nghề nghiệp là rất cần thiết.

2.2. Ảnh hưởng của styren đến sức khỏe người lao động

Tổng quan một số công trình nghiên cứu  chính từ sau năm 2000 được trích dẫn và được chia theo các nhóm ảnh hưởng như sau:

2.2.1. Nghiên cứu trên thế giới

2.2.1.1. Ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương

Những dữ liệu trong hồ sơ của styren đã chỉ ra cả ba giai đoạn tiếp xúc: cấp tính, trung gian và mãn đều cho thấy hệ thống thần kinh là mục tiêu nhạy cảm nhất sau quá trình tiếp xúc với styren qua đường hô hấp. Mức độ nhiễm độc xảy ra ngay cả ở nồng độ thấp. Một loạt các ảnh hưởng thần kinh đã được báo cáo ở những công nhân thường xuyên tiếp xúc với styren bao gồm: rối loạn tiền đình, khiếm thính, giảm phân biệt màu sắc, thay đổi hiệu suất trên xét nghiệm hành vi thần kinh và tăng các triệu chứng lâm sàng. Trong hầu hết các trường hợp, mức độ tiếp xúc phản ánh các điều kiện phơi nhiễm hiện tại và không xem xét tiếp xúc trong quá khứ với mức độ styren cao hơn có thể dẫn đến ảnh hưởng không thể phục hồi [2].

Những người tiếp xúc với mức độ thấp tyren trong không khí trong một khoảng thời gian ngắn đã có biểu hiện về kích ứng niêm mạc mắt và cổ họng. Những người tiếp xúc ở mức độ cao hơn có thể xuất hiện những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như giảm vận động và chóng mặt. [4]

2.2.1.2. Ảnh hưởng đến Thị giác-phân biệt mầu sắc

Các báo cáo nghiên cứu về tầm nhìn màu sắc (thường là dạng mù mầu lam – ảnh hưởng phân biệt màu xanh-vàng) hoặc độ nhạy tương phản (CS-contrast sensitivity) ở công nhân tiếp xúc với nồng độ styren cao đã được xem xét lại trong 20 năm qua (Sheedy 1997; Gobba và Cavalleri 2000; Kishi, Tozaki và Gong, 2000; Gobba 2003; Lomax, Ridgway và Meldrum 2004; Paramei, Meyer-Baron và Seeber, 2004; Benignus et al. 2005; Good và Nichols 2006; Betancur-Sánchez, Vásquez-Trespalacios và Sardi-Correa 2017; Choi và cộng sự  2017;). 

Kishi và cộng sự  (2001): Nhóm tác giả đã kiểm tra sự phân biệt màu sắc ở 105 công nhân nam tiếp xúc với styren (tuổi trung bình 37,7 năm); thời gian phơi nhiễm trung bình 6,2 năm; nồng độ axit mandelic trong nước tiểu là 0,21 g/L) và ở 117 người không tiếp xúc (tuổi trung bình 37,7 tuổi). Tầm nhìn màu được đánh giá bằng phương pháp Lanthony D -15. Kết quả cho thấy mối quan hệ phụ thuộc giữa nồng độ axit mandelic trong nước tiểu và mất thị lực màu. Mức nồng độ thấp của styren thấm nhiễm vào cơ thể tương ứng với với nồng độ axit mandelic khoảng 0,1-0,2 g/L, cũng có sự khác biệt đáng kể về sự nhầm lẫn mẫu sắc giữa nhóm tiếp xúc và nhóm không tiếp xúc[5].

Gong và cộng sự (2002): Nghiên cứu mối liên quan giữa mất thị lực màu và mức độ phơi nhiễm của styren. Thị lực nhìn màu được kiểm tra bằng thử nghiệm D-15 Lanthony D-15 cho 76 đối tượng tiếp xúc với styren trong một nhà máy thuyền nhựa gia cố bằng sợi thủy tinh (nhóm tiếp xúc) và 102 đối tượng không tiếp xúc (tương ứng về tuổi, văn hóa). Nhóm tác giả kết luận rằng phơi nhiễm với styren sẽ làm giảm thị lực nhìn màu ngay cả khi nồng độ phơi nhiễm thấp hơn 10 ppm [6].

Iregren và cộng sự (2005): Nghiên cứu phơi nhiễm Styren và tầm nhìn màu cho 108 công nhân (21 – 65 tuổi) đã được nghiên cứu tại các nhà máy nhựa gia cố của Thụy Điển. Phơi nhiễm hiện tại dao động trong khoảng 0,3 đến 96 mg/m3. Tầm nhìn màu đã được kiểm tra bằng cách sử dụng thử nghiệm Lanthony D – 15. Kết quả cho thấy phơi nhiễm styren ngay cả ở mức dưới giới hạn tiếp xúc nghề nghiệp hiện tại của Thụy Điển là 20 mg/m3 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị lực màu [7].

2.2.1.3. Ảnh hưởng của styren đến thính lực

Styren và các hóa chất thơm đơn giản khác chẳng hạn như toluen, ethylbenzen và xylen có liên quan đến mất thính lực tại nơi làm việc, đặc biệt là kết hợp với tiếp xúc với tiếng ồn (Fechter 1999; Hormozi et al. 2017; Johnson 2007; Johnson và cộng sự. 2006; Lawton, Hoffmann, và Triebig 2006; Metwally et al. 2012; Morata et al. 2011; Sisto et al. 2016, 2013; ŚliwińskaKowalska et al. 2005; Tognola et al. 2015; Triebig, Bruckner và Seeber 2009; Triebig et al. 2001) [8]. 

Triebig và cộng sự (2009) Nghiên cứu trên công nhân ở nhà máy đóng thuyền có sử dụng nhựa polyester cho thấy sức nghe của đối tượng nghiên cứu được cải thiện đáng kể sau thời gian ngừng tiếp xúc với styren [9].

Ngoài ra, Pleban, Oketope, và Shrestha (2017) xem xét lại một cách có hệ thống ảnh hưởng của styren đến thính lực và đề nghị rằng công nhân tiếp xúc với styren mãn tính nên được đánh giá thường xuyên với dụng cụ kiểm tra thính lực toàn diện để xác định các dấu hiệu sớm của khiếm thính.

Một số nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra kết quả tương tự trong hồ sơ nghiên cứu về styren [4].

2.2.1.4. Ảnh hưởng đến huyết học

Checkoway và cộng sự (1982) nghiên cứu một nhóm 93 công nhân tham gia sản xuất polyme styren và tiếp xúc với nồng độ styren < 1 ppm trong 1 – 38 năm. Kết quả cho thấy có tỷ lệ mắc số lượng hồng cầu thấp bất thường (trong nhóm tiếp xúc với styren) đã được tìm thấy là có ý nghĩa thống kê đáng kể (p <0,05). Số lượng hồng cầu giảm, huyết sắc tố, tiểu cầu, bạch cầu trung tính và trung bình cao hơn một chút đã được quan sát thấy ở công nhân trong nhà máy sản xuất cao su styrene-butadien [10].

Ngoài ra nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra ảnh hưởng của styren đến: chức năng thận; hệ hô hấp (kích thích màng nhầy, kích thích đường hô hấp trên); hệ tiêu hoá (kích ứng đường tiêu hóa, hiện tượng buồn nôn…); hệ nội tiết (tăng đáng kể nồng độ prolactin huyết thanh); hệ thống miễn dịch và lympho…

2.2.2. Nghiên cứu tại Việt Nam

Ở nước ta, tuy chưa nhiều nhưng cũng đã có một vài nghiên cứu về ảnh hưởng của styren cũng như thực trạng tiếp xúc với styren đến sức khỏe của người lao động.

Tô Vân Anh (1998): Nghiên cứu thực hiện trên đối tượng công nhân chế tạo vật liệu composit. Kết quả chỉ ra một số cảm giác bất thường chiếm tỷ lệ cao trong quá trình lao động: Kích thích mũi, chảy nước mắt, buồn ngủ hay đau đầu, ăn kém ngon miệng, chóng mặt, hoa mắt choáng váng và mệt mỏi khó tập trung có sự khác biệt so với nhóm đối chứng. Cuối ngày lao động, số công nhân có cảm giác mệt và rất mệt tăng từ 28,89% và 8,89% lên 40,00% và 17,77% (nhóm chứng là 22,22% và 6,67%). Một số chỉ số sức khoẻ và thử các test về khả năng chú ý, trí nhớ ngắn hạn ở nhóm công nhân trực tiếp tiếp xúc có giảm [11].

Lê Đức Anh, Lê Quang Công và cộng sự (2019): Nghiên cứu đã chỉ ra mức độ phơi nhiễm styren ở người lao động tại 3 cơ sở sản xuất nhựa composite khu vực miền Trung. Kết quả nghiên cứu cho thấy nồng độ mẫu cá nhân vượt ngưỡng cho phép từ 1,03 -1,67 lần. Kết quả phân tích tổng nồng độ a xít mandelic (MA) và phenylglyoxylic (PGA) niệu cho thấy có 7% số mẫu vượt nồng độ cho phép, trong đó có trường hợp tổng nồng độ MA + PGA cao gấp 2,5 lần giá trị cho phép. Mức phơi nhiễm styren trong các mẫu cá nhân thu được và tổng MA + PGA trên hàm lượng creatinine trong nước tiểu có mối quan hệ tỷ lệ thuận với nhau [12].

Bên cạnh đó, theo khảo sát ban đầu của chúng tôi (2021) trên 32 công nhân tại 1 cơ sở sản xuất đá thạch anh nhân tạo cho thấy, nồng độ styren trong môi trường khu vực sản xuất không cao (từ 0,23-1,33 mg/m3  tuỳ vị trí và thấp hơn TCCP theo QĐ 3733/2002/BYT: 420mg/m3) nhưng kết quả xét nghiệm chỉ số giám sát sinh học tổng nồng độ MA và PGA có tới 31/32 người (chiếm 96,87%) người lao động có nồng độ MA+ PGA  trong nước tiểu, trong đó có 9/32 người (chiếm 28,13%) người lao động có tổng nồng độ MA và PGA cao hơn tiêu chuẩn cho phép theo ACGIH (tiêu chuẩn 400 mg/g creatinine). Thêm vào đó có 1/32 người có biểu hiện rối loạn sắc giác (chiếm tỷ lệ 3,13% và không có tiền sử mắc bệnh). Điều này cho thấy, người lao động hiện có tiếp xúc và thấm nhiễm với styren ngay cả ở nồng độ thấp.

Tổng hợp một số các công trình nghiên cứu nêu trên cho thấy, các tác giả nghiên cứu ảnh hưởng độc tính của styren qua thực trạng tiếp xúc nghề nghiệp, trong đó có các nghiên cứu lâm sàng, có các nghiên cứu cận lâm sàng (giám sát chỉ số sinh học), có nghiên cứu kết hợp cả 2. Các nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng công nhân có tiếp xúc styren và kết quả cho ra các các triệu chứng nhiễm độc khác nhau ở mức cơ quan hay hệ thống, ngay cả ở liều tiếp xúc thấp. Đây là cơ sở khoa học để đề tài xem xét xây dựng bộ công cụ khám lâm sàng và cận lâm sàng trong nghiên cứu mở rộng tiếp theo.

2.3. Sự cần thiết phải bổ sung bệnh nhiễm độc styren nghề nghiệp

Mối quan hệ hiệu ứng phơi nhiễm (mối quan hệ giữa mức độ phơi nhiễm và mức độ nghiêm trọng của người lao động) và mối quan hệ phản ứng phơi nhiễm (mối liên hệ giữa phơi nhiễm và số lượng công nhân bị ảnh hưởng) là những yếu tố quan trọng trong việc xác định mối quan hệ nhân – quả. Nghiên cứu và nghiên cứu dịch tễ học thường được sử dụng để xác định tác nhân gây bệnh mới của bệnh nghề nghiệp. Quyết định xác định một bệnh cụ thể là do nghề nghiệp, căn bản cần phải tính đến các tiêu chí chung sau đây [Nguồn: National System for Recording and Notification of Occupational Diseases – Practical guide. First published 2013]

– Có mối quan hệ nhân quả với việc tiếp xúc với một tác nhân hoặc quy trình làm việc cụ thể.

Bệnh xảy ra liên quan đến một môi trường làm việc cụ thể, hoặc trong các ngành nghề cụ thể.

Nó xảy ra trong nhóm những người bị phơi nhiễm với tần suất vượt quá đáng kể tỷ lệ mắc trung bình trong dân số không phơi nhiễm.

Có bằng chứng khoa học về một mô hình bệnh được xác định rõ ràng sau khi phơi nhiễm, về tính hợp lý của nguyên nhân nghề nghiệp và loại trừ đặc biệt hơn các nguyên nhân bệnh không phải do nghề nghiệp.

Mối quan hệ nhân quả chặt chẽ giữa phơi nhiễm và bệnh tật được chấp nhận ở cấp quốc gia có thể khác nhau giữa các quốc gia. Đó đôi khi cũng là lý do có sự khác nhau về tiêu chuẩn cho phép cũng như tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm độc nghề nghiệp giữa các quốc gia. Khi một mối quan hệ nhân quả đã được xác định giữa phơi nhiễm tại nơi làm việc và một căn bệnh, căn bệnh này được coi là nghề nghiệp. Do đó, tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh nghề nghiệp cần hai yếu tố chính: biểu hiện lâm sàng và tiền sử phơi nhiễm (số lượng × thời gian phơi nhiễm).

Dưới đây là bảng tổng hợp một số hướng dẫn chẩn đoán bệnh nghề nghiệp của một số tổ chức quốc tế và Việt Nam.

     Bảng 2. Tổng hợp hướng dẫn trong chẩn đoán bệnh nghề nghiệp có tiếp xúc với styren của một số tổ chức

Quốc gia

Tóm tắt nội dung khám – xét nghiệm

Hướng dẫn chẩn đoán bệnh nghề nghiệp liên quan đến styren.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ CDC (1978) .

NIOSH, CDC (1978), “Occupational health guideline for Styrene” DHHS (NIOSH) No. 81-123.

– Nguồn tiếp xúc: sản xuất nhựa có chứa styren (PS, ABS, SAN, SBC…), sợi thuỷ tinh, vật liệu gia cố, phun phủ bề mặt thuyền…..

– Giới hạn tiếp xúc: TWA 200 ppm; 600 ppm cho 5 phút tiếp xúc; khuyến cáo áp dụng theo ACGIH: 50 – 100 ppm.

– Đường tiếp xúc: Hô hấp, tiêp hóa, da, niêm mạc (mắt)

– Tiếp xúc nồng độ cao:

   + Thời gian ngắn có thể gây kích ứng mắt, mũi, họng, da niêm mạc. Tiếp xúc nồng độ cao có thể gây buồn ngủ hoặc bất tỉnh.

   + Tiếp xúc kéo dài: Gây kích ứng ban đỏ trên da.

– Nội dung cần khám khi có các biểu hiện nhiễm độc:

   + Khám các biểu hiện tổn thương hệ thần kinh trung ương.

   + Khám phát hiện các bệnh hô hấp mạn tính: giảm chức năng hô hấp.

   + Khám bệnh da: tiếp xúc kéo dài có thể gây viêm da tiếp xúc.

   + Khám tiết niệu: có thể làm giảm chức năng thận.

   + Khám gan: có thể làm giảm chức năng gan.

Hướng dẫn khám chẩn đoán BNN của Cơ quan Bảo hiểm Đức

Priv.-Doz. Dr.Jurgen J.Milde, Ausschuss Arbeitsmedizin (2007), “Guidelines for occupational medical examinations”, DGUV – German Social Accident Insurance (http://dnb.đb.de) ISBN 978-3-87247-691-3.

– Ngành nghề tiếp xúc: Sản xuất các sản phẩm Polyme

– Giới hạn tiếp xúc: biểu hiện các triệu chứng cấp tính ở nồng độ  @ 50 ppm

– Triệu chứng ảnh hưởng chính: nhiễm độc hệ thần kinh trung ương; kích ứng da và niêm mạc (mắt, đường hô hấp)

-Triệu chứng cấp tính: biểu hiện các triệu chứng tiền mê hoặc “Say”  : giảm sự chú ý, giảm trí nhớ (ngắn hạn), mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, cảm giác say, choáng váng, có thể bất tỉnh.

– Ảnh hưởng mạn tính

   + Ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương; Ảnh hưởng thần kinh ngoại biên…

   + Ảnh hưởng thị giác màu (vàng – xanh biển)

– Kiểm tra tác dụng gây độc thần kinh của styren bằng bảng câu hỏi “Q 18”.

– Xét nghiệm: Nồng độ MA và PGA trong nước tiểu (> 600 mg/g creatinine). Lấy mẫu cuối thời điểm tiếp xúc hoặc cuối ca làm việc.

Hướng dẫn chẩn đoán bệnh nghề nghiệp của Ủy ban Châu Âu (2009) (Annex I 126.03)

European Communities “Information Notices on Occupational Diseases: A Guide to Diagnosis,” ed: Office for Official Publications of the European Communities Luxembourg, 2009.

– Nguồn tiếp xúc và sử dụng: sản xuất các polyme, nhựa polyester không no, dung môi và làm phụ gia trong một số ngành công nghiệp khác

– Giới hạn tiếp xúc: 

   + Giá trị hướng dẫn: >100-300ppm  kích ứng mắt, mũi và đường hô hấp trên

   + Giá trị ảnh hưởng : 300- 800 ppm suy nhược hệ thống thần kinh trung ương

– Giám sát sinh học: Styren trong máu; tổng nồng độ MA và PGA trong nước tiểu (> 600 mg/g creatinine).

– Ảnh hưởng cấp tính:

   + Gây kích ứng da và niêm mạc, kích ứng mắt, mũi, hô hấp trên .

   + Hội chứng nhiễm độc cấp tính: Biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ, yếu, nhầm lẫn, mất ý thức và có thể hôn mê…

– Ảnh hưởng mạn tính:

   + Nhiễm độc thần kinh mạn tính; tổn thương thần kinh ngoại biên

   + Giảm khả năng phân biệt mầu sắc

   + Tăng mức độ giảm thính lực do tiếng ồn khi tiếp xúc styren

   + Giảm chức năng gan

Hướng dẫn chẩn đoán bệnh nghề nghiệp nhiễm độc styren của Tổ chức lao động thế giới – ILO (2022).  

International Labour Organization – ILO (2022), ” Diagnostic and exposure criteria for occupational diseases“, Guidance notes for diagnosis and prevention of the diseases in the ILO List of Occupational Diseases (revised 2010) ISBN 978-92-2-035683-8.

– Ngành nghề thường tiếp xúc: Ngành nhựa, sản xuất sợi thủy tinh.

– Giới hạn tiếp xúc: tiếp xúc nguy hiểm (thời gian <15 phút): 600 ppm.

– Ảnh hưởng sức khỏe:

   +Biểu hiện báo trước bằng hội chứng tiền nhiễm độc-tiền mê hoặc “Say”

   + Nhiễm độc thần kinh

   + Giảm thính lực

– Sử dụng các Test hành vi để đánh giá nhiễm độc thần kinh

– Giám sát sinh học:tổng nồng độ MA và PGA trong nước tiểu; Styren máu.

Theo thông tư 15/2016/TT-BYT, ngày 15/5/2016

 (Quy định về bệnh nghề nghiệp đươc bảo hiểm xã hội) Hướng dẫn chẩn đoán bệnh nghề nghiệp) -Việt Nam

Tại khoản 4 điều 4 của thông tư này quy định các tiêu chí để đề xuất các bệnh mới như sau :

– Một số bệnh xảy ra ở người lao động do tiếp xúc với yếu tố có hại trong quá trình lao động nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu mà đã được quốc tế công nhận là bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm

– Xác định được mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với yếu tố có hại trong quá trình lao động với một bệnh cụ thể.

– Bệnh xảy ra trong nhóm người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nhóm người lao động không tiếp xúc.

3. TRIỂN VỌNG NGHIÊN CỨU

Tóm lại, dựa trên đặc tính độc học của styren, các nghiên cứu ảnh hưởng của styren đến sức khoẻ, căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam (vận dụng điểm C khoản 4 điều 4 (thông tư 15/2016/TT-BYT) và một số tiêu chí xác định bệnh nghề nghiệp của ILO cùng các hướng dẫn chẩn đoán bệnh nghề nghiệp của Châu Âu, Đức…để tiến hành nghiên cứu nhiễm độc styren nghề nghiệp trong điều kiện Việt Nam, làm cơ sở khoa học xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán và đề xuất bổ sung bệnh nhiễm độc styren nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam. Đây là bệnh đã được quốc tế công nhận là bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm (nhiễm độc styren thuộc nhóm bệnh gây ra do tiếp xúc với dung môi hữu cơ (Code 1.1.38 trong danh mục BNN của ILO-2010).  

Điểm mạnh của nghiên cứu này là tổng hợp được một số ảnh hưởng của styren đến các cơ quan, hệ thống cơ thể người lao động có tiếp xúc với styren ngay cả ở liều thấp, kết hợp với các hướng dẫn khám và chẩn đoán nhiễm độc styren nghề nghiệp của ILO hay một số nước hiện có, giúp định hướng cho đề tài trong việc thực hiện mục tiêu đặt ra. Thêm vào đó, với năng lực hiện có của Trung tâm Sức khoẻ nghề nghiệp, đặc biệt phòng thí nghiệm hiện có chứng chỉ ISO 15189 với mã VILAS MED 120 và các quy trình xét nghiệm  đạt tiêu chuẩn liên phòng quốc tế G-EQUAS (German External QUality Assessment Scheme – Chương trình đánh giá chất lượng bên ngoài của Đức), việc tiến hành làm các chất giám sát sinh học liên quan là khả thi và đáng tin cậy.   

Điểm yếu duy nhất của việc nghiên cứu này là định hướng ban đầu tập trung vào ngành nhựa nên việc tiếp cận các doanh nghiệp có sử dụng styren làm nguyên liệu đầu vào bị hạn chế. Thêm vào đó, lượng nguyên liệu sử dụng đầu vào của cơ sở không được cung cấp đầy đủ, thiếu thông tin. Tình hình dịch bệnh vừa qua (từ năm 2019 đến nay) việc liên hệ đặt vấn đề với các cơ sở cũng gặp nhiều trở ngại (có những cơ sở trước đó chỉ sử dụng nhựa có thành phần styren, nay chuyển sang sử dụng một số nguyên liệu nhựa khác như PP, PVC, PE…. hoặc sử dụng xen kẽ), Do vậy, đề tài đã chuyển hướng thực hiện nghiên cứu mở rộng ra một số ngành nghề khác có sử dụng styren (VD: ngành sản xuất đá thạch anh nhân tạo-sử dụng polymer có styren; sản xuất lốp cao su bằng cao su tổng hợp-SBR…). Điều này giúp mở hướng tiếp cận được với nhiều cơ sở có sử dụng styren hơn và giúp việc nghiên cứu thuận lợi hơn.

Về triển vọng: Kết quả nghiên cứu mở rộng của đề tài và việc xây dựng được tài liệu hướng dẫn khám, chẩn đoán do đề tài đề xuất sẽ là cơ sở giúp cho quá trình khám sàng lọc bệnh nhân tại doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc sử dụng bộ hướng dẫn chẩn đoán, có giám sát sinh học tốt, sẽ kịp thời đưa ra các biện pháp dự phòng để giảm thiểu các trường hợp nhiễm độc, mắc bệnh nghề nghiệp và góp phần hạn chế các chi phí y tế, bảo vệ được nguồn nhân lực về lâu dài cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các kết quả của đề tài đạt được, sẽ đóng góp thêm thông tin, dữ liệu và cơ sở khoa học cho công tác nghiên cứu Y học lao động, Tâm sinh lý lao động và sức khỏe nghề nghiệp. Kết quả đề tài cũng có thể giúp ích cho các cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp có được công cụ để thực hiện các nghiên cứu dịch tễ học liên quan đến tiếp xúc với các chất dung môi hữu cơ nói chung và với chất styren nói riêng.

Nghiên cứu đề xuất nhiễm độ styren nghề nghiệp thành bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam cũng sẽ là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo về các chất dung môi hữu cơ, ví dụ như chất Ethylbenzen, nhóm Ketons…..trong tương lai gần.

4. KẾT LUẬN

Tổng hợp các công trình nghiên cứu trên, trong đó có các nghiên cứu ban đầu ở trong nước đã cho thấy người lao động trong một số ngành công nghiệp có tiếp xúc và thấm nhiễm với styren ngay cả ở nồng độ thấp.

Thông tin tổng quan cũng đã chỉ ra các nội dung nghiên cứu cốt lõi phải được tập trung vào xác định mức độ tiếp xúc, mức độ thấm nhiễm, các triệu chứng nhiễm độc hoặc ảnh hưởng sức khỏe ở cấp các cơ quan, hệ thống cơ thể của người lao động có tiếp xúc với styren trong một số ngành nghề, công việc. 

Với các cơ sở khoa học nêu trên cho thấy, cần thiết phải có nghiên cứu để làm rõ hơn và làm căn cứ khoa học giúp đề xuất và xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán, giám định bệnh nhiễm độc styren nghề nghiệp trong điều kiện Việt Nam, khi mà ILO và nhiều nước trên thế giới đã công nhận.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. International Labour Organization – ILO (2022), ” Diagnostic and exposure criteria for occupational diseases”, Guidance notes for diagnosis and prevention of the diseases in the ILO List of Occupational Diseases (revised 2010) ISBN 978-92-2-035683-8.

[2]. Milde J. J. (2007), “Guidelines for occupational medical examinations”, Gentner Verlag.

[3]. American Conference of Industrial Hygienists (2018), “Threshold Limit Value for Chemical Substances and Physical Agents and Biological Exposure Indices”.

4. Health U. S. D. o. and Human S. (2010), “Toxicological profile for styrene”, Atlanta: Agency for Toxic Substances and Disease Registry, DHHS, pp.1-236.

[5]. Kishi R., Eguchi T., Yuasa J. et al. (2001), “Effects of low-level occupational exposure to styrene on color vision: dose relation with a urinary metabolite”, Environmental research, 85 (1), pp.25-30.

[6]. Gong Y. Y., Kishi R., Katakura Y. et al. (2002), “Relation between colour vision loss and occupational styrene exposure level”, Occupational and environmental medicine, 59 (12), pp.824-829

[7]. Iregren A., Johnson A.-C., and Nylen P. (2005), “Low-level styrene exposure and color vision in Swedish styrene workers”, Environmental toxicology and pharmacology, 19 (3), pp.511-516

[8]. Banton M. I., Bus J. S., Collins J. J. et al. (2019), “Evaluation of potential health effects associated with occupational and environmental exposure to styrene–an update”, Journal of Toxicology and Environmental Health, Part B, 22 (1-4), pp.1-130.

[9].Triebig G., Bruckner T., and Seeber A. (2009), “Occupational styrene exposure and hearing loss: a cohort study with repeated measurements”, International archives of occupational and environmental health, 82 (4), pp.463-480.

[10].Checkoway H. and Williams T.M. (1982), “A hematology survey of workers at a styrene-butadiene synthetic rubber manufacturing plant”, American Industrial Hygiene Association Journal43(3), pp.164-169.

[11].Tô Vân Anh (1998), “Bước đầu đánh giá ảnh hưởng của styren đối với sức khỏe công nhân chế tạo vật liệu Composit”, Viện Y học Lao động và vệ sinh Môi trường.

[12]. Lê Đức Anh, Lê Quang Công,và Trang N.T.T.(2019), “Thực trạng phơi nhiễm Styren của người lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất nhựa Composite”, T/c HĐ KHCN An toàn sức khỏe và môi trường lao động số 1,2&3/2019.  

TS.BS. Vũ Xuân Trung, BS. Long Thuỳ Dương, TS. Nguyễn Thị Hiền, TS. Phạm Thị Bích Ngân

Trung tâm sức khoẻ nghề nghiệp -Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)