Bệnh bụi phổi silic: Bản chất và cách phòng ngừa
Thứ Sáu,
01/12/2023,
03:40(GMT +7)
Bụi phổi silic là một bệnh xơ hóa phổi, có khả năng gây tử vong và không thể chữa khỏi.Theo NIOSH, nguyên nhân gây bệnh thường do hít phải bụi silic dạng tinh thể có trong bêtông, sa thạch, đá, sơn và nhiều loại vật liệu mài khác. Mặc dù bụi tinh thể silic có vẻ vô hại (đôi lúc chúng quá nhỏ mắt thường không thể thấy được), thực tế không phải như vậy.
NIOSH lưu ý các loại công việc mà người lao động có nguy cơ hít phải bụi silic, bao gồm:
- Sử dụng các loại máy công cụ cầm tay để loại bỏ sơn hoặc rỉ sét
- Làm sạch bề mặt bằng phun cát
- Mài loại bỏ vữa trên tường/sàn…
- Nghiền, vậnchuyển, đập và khoan bê tông hoặc đá
- Quét-khô bụi từ xi măng nghiền hoặc đá nghiền
- Hoàn thiện tường/vách thạch cao
- Thực hiện các công việc xây dựng khác nhau, như sửa chữa cầu đường
Bệnh bụi phổi silic tồn tại ở ba dạng:
- Bụi phổi silic mãn tính.Là dạng phổ biến nhất của bệnh, bụi phổi silic mãn tính thường tiến triển sau 10 năm (hoặchơn) phơi nhiễm với silic tinh thế ở nồng độ thấp, theo NIOSH.
- Bụi phổi silic bán cấp tính. Dạng này của bệnh thường biểu hiện sau 5 tới 10 năm phơi nhiễm với silic tinh thể ở nồng độcao.
- Bụi phổi silic cấp tính. Mắc phải sau vài tháng hoặc thậm chí vài tuần phơi nhiễm với nồng độ rất cao của silic tinh thể, bệnh bụi phổi silic cấp tính có thể dẫn tới tử vong chỉ sau vài tháng, theo NIOSH.
Vậy làm thế nào để biết bạn có mắc bụi phổi silic hay không? Điều này rất khó thực hiện – bệnh có thể tiềm ẩn trong cơ thể và không bị phát hiện trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, các triệu chứng thông thường bao gồm ho, cơ thể suy yếu và khó thở.
Bụi phổi silic có thể làm suy giảm khả năng đề kháng của cơ thể, và bởi vậy người bệnh có nguy cơ mắc các loại bệnh phổi khác, như lao phổi, theo nguồn tin từ NIOSH.
Để giúp phòng ngừa bệnh bụi phổi silic, NIOSH đã đưa ra những khuyến cáo sau:
- Cần nhận thức được các mối nguy hiểm khi hít thở không khí có chứa bụi silic tinh thể, và nếu có thể,luôn tránh làm việc tại hoặc gần nơi có bụi.
- Hãy nhớ: Kể cả khi bạn không nhìn thấy bụi, bạn vẫn có thể gặp rủi ro nhiễm bệnh.
- Sử dụng các hệ thống phun nước và thông gió phù hợp khi làm việc trong những không gian hẹp.
- Nếu các hệ thống phun nước và thông gió là không đủ, người sử dụng lao động cần phải cung cấp thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp được thiết kế riêng cho việc phòng tránh silic tinh thể.
- Hãy tận dụng các cơ hội khám sức khỏe và chụp phim phổi do người sử dụng lao động tổ chức.
- Rửa tay cẩn thận trước khi ăn hoặc uống trong các khu vực nhiều bụi.
- Tắm và thay quần áo sạch trước khi rời chỗ làm để tránh đem bụi vào trong xe hoặc về nhà.
Biên dịch: Hoàng Phương
(Nguồn tin: safetyandhealthmagazine.com)