Biến đổi một số chỉ tiêu tâm sinh lý sau ca lao động ở nhân viên y tế chuyên ngành huyết học

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:45(GMT +7)

                                                                          TS. Nguyễn Thu Hà; TS. Nguyễn Đức Sơn

                                                                                                                 Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường

TÓM TẮT

Nghiên cứu được tiến hành tại một bệnh viện chuyên ngành huyết học, trên 122 NVYT với tuổi đời trung bình là 29,6±5,1 và thâm niên nghề 6,0±4,5 năm, nhằm đánh giá giá điều kiện lao động  và sự biến đổi một số chỉ tiêu tâm sinh lý sau ca lao động (tần số nhịp tim, thời gian phản xạ thị vận động đơn giản, tần số nhấp nháy ánh sáng tới hạn (CFF) và test trí nhớ ngắn hạn)

Kết quả nghiên cứu cho thấy: các yếu tố đặc thù nghề nghiệp của NVYT chuyên ngành huyết học: Cường độ làm việc cao; thời gian làm việc kéo dài, không ổn định; phải trực đêm, trách nhiệm công việc lớn; tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của bệnh nhân; tiếp xúc với nhiều loại hóa chất có hại trong quá trình pha chế thuốc, làm xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân; nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu (Viêm gan B, Viêm gan C, HIV…)… Ở NVYT, sau ca lao động có sự mệt mỏi, căng thẳng thần kinh tâm lý ở NVYT có liên quan tới lao động như: sự tăng tần số nhịp tim (83,1±5,4 nhịp/phút so với 77,3±5,2 nhịp/phút) (p<0,001); kéo dài thời gian phản xạ thị vận động (292±24ms so với 208±8ms) (p<0,001); giảm tần số nhấp nháy ánh sáng tới hạn (35,0±1,9Hz so với 35,2±1,9Hz) (p<0,001). Không thấy sự thay đổi trí nhớ ngắn hạn ở NVYT.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Nhân viên y tế (NVYT) là một dạng lao động đặc biệt, mỗi chuyên ngành có một đặc điểm với những đặc điểm điều kiện lao động đặc thù khác nhau. Các NVYT phải tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động như: hóa chất, phóng xạ, máu, bệnh phẩm… nguy cơ lây nhiễm cao và gặp các vấn đề về sức khỏe liên quan đến công việc. Tỷ lệ nhân viên điều dưỡng bị stress nghề nghiệp tại bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ và bệnh viện đa khoa Châu Thành – Hậu Giang: 45,2% bị stress ở mức cao, 42,8% ở mức trung bình [3]. Nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra ca kíp làm ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển rối loạn hệ tim mạch, hệ thần kinh và bệnh dạ dầy tá tràng [7].

II. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Đánh giá sự biến đổi một số chỉ tiêu tâm sinh lý sau ca lao động ở nhân viên y tế tại một bệnh viện chuyên ngành huyết học.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

122 nhân viên y tế tại một bệnh viện chuyên ngành huyết học.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Thiết kế nghiên cứu: theo phương pháp mô tả cắt ngang

2.2. Phương pháp nghiên cứu

– Đánh giá điều kiện lao động của nhân viên y tế: Sử dụng phương pháp quan sát, bấm thời gian lao động, điều tra, phân tích các đặc điểm điều kiện lao động đặc thù.

– Đo một số chỉ tiêu tâm sinh lý ở nhân viên y tế trước và sau ca lao động

+ Tần số nhịp tim

+ Thời gian phản xạ thị vận động đơn giản

+ Tần số nhấp nháy ánh sáng tới hạn (CFF).

+ Test trí nhớ ngắn hạn: sử dụng bảng trí nhớ hình 

Các chỉ tiêu tâm sinh lý được so sánh ở thời điểm sau ca lao động so với trước ca lao động và phân loại theo mức điểm của Hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động – Ban hành kèm theo Công văn số 2753/LĐTBXH – BHLĐ ngày 01/8/1995 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Các số liệu nghiên cứu được xử lý theo phương pháp thống kê y học và bằng chương trình phần mềm SPSS 16.0

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Đặc điểm điều kiện lao động của nhân viên y tế

Điều kiện lao động của các NVYT chuyên ngành huyết học khá đặc thù và có nhiều yếu tố công việc gây căng thẳng thần kinh tâm lý :

– Chế độ làm việc tại hầu hết các khoa phòng theo giờ hành chính. Tuy vậy, để đáp ứng được yêu cầu công việc đặc thù, thời gian làm việc của nhân viên y tế tại một số khoa phòng không ổn định do không chủ động được khối lượng mẫu (như khoa Xét nghiệm sàng lọc máu, khoa Điều chế các chế phẩm máu…) hoặc phải đi sớm, về muộn khi làm việc tại cộng đồng (Khoa hiến máu; vận động và tổ chức hiến máu…).

– Công việc có nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu (Viêm gan B, Viêm gan C, HIV…) do hầu hết các nhân viên chuyên ngành huyết học của các khoa phòng phải tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của bệnh nhân (nhất là khi chưa có kết quả xét nghiệm) như Khoa hiến máu, Khoa Xét nghiệm sàng lọc máu; Khoa Khám bệnh và điều trị ngoại trú và cấp cứu…; tiếp xúc với các Virus lây bệnh tối nguy hiểm (Virus HBV, HCV, CMV, EBV) (Khoa di truyền và sinh học phân tử).

– Ngoài ra, cán bộ nhân viên chuyên ngành huyết học còn phải tiếp xúc với nhiều hóa chất (Bleomycin, Cisplastin, Cisplastin, Cyclophosphamid, ArsenicTroxid, Cytarabin, Daunorubicin, Etoposide, L-Asparaginase erwinase, Fludarabin, Ifosfamid, L-Asparaginase, Melphalan, Busulfan, Methotrexate, Rituximab, Mitoxantrone,Vinblastin…) trong quá trình pha chế thuốc (Khoa Dược); trong quá trình điều trị cho bệnh nhân (các khoa Khối lâm sàng); tiếp xúc xylen, Toluen, cồn etylic, formaldehyt, benzene… trong quá trình sinh thiết tủy xương, cắt nhuộm (Khoa Tế bào tổ chức học); tiếp xúc với javen, các chất tẩy (Khoa chống nhiễm khuẩn).

– Cũng như các NVYT chuyên ngành khác, nhân viên y tế chuyên ngành huyết học còn phải trực đêm, trung bình 1-2 buổi/tuần.

– Yêu cầu mức độ trách nhiệm rất cao của NVYT trong công việc; đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối, không cho phép sai sót (do gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng con người) cũng là một trong những đặc điểm lao động đặc thù trong ngành y.

2. Biến đổi một số chỉ tiêu tâm sinh lý ở nhân viên y tế sau ca lao động

Tổng số 122 NVYT với tuổi đời trung bình là 29,6±5,1 (22-53 tuổi) và thâm niên nghề 6,0±4,5 (1-25) năm đã tham gia nghiên cứu. 67,2% trong số NVYT là nữ và số NVYT nam là 32,8% (Bảng 1).

Tần số nhịp tim trung bình đầu ca lao động là 77,3±5,2 nhịp/phút; cuối ca lao động là 83,1±5,4 nhịp/phút. Như vậy có sự tăng tần số nhịp tim sau ca lao động so với trước ca lao động ở NVYT (p<0,001). Tần số nhịp tim trong ca lao động ở NVYT là 86,8±10,2 nhịp/phút. Đánh giá mức điểm biến đổi tim mạch khi làm việc: mức 4/6

Có sự kéo dài thời gian phản xạ của NVYT sau ca lao động so với trước ca lao động (thời gian phản xạ thị vận động trung bình đầu ca lao động của các nhân viên  là 208±8ms; thời gian phản xạ thị vận động trung bình cuối ca lao động là 292±24ms (p<0,001)). Đánh giá mức điểm biến đổi thời gian phản xạ thị vận động: mức 3/6.

Có sự giảm chỉ số tần số nhấp nháy ánh sáng tới hạn của NVYT sau ca lao động so với trước ca lao động (35,0±1,9Hz so với 35,2±1,9Hz) (p<0,001), chứng tỏ sự mệt mỏi, căng thẳng thần kinh tâm lý ở NVYT sau một ca lao động.

Dung lượng nhớ trung bình đầu ca lao động là 3,1±1,0 điểm; dung lượng nhớ trung bình cuối ca lao động là 3,1±1,1 điểm (p>0,05). Như vậy không thấy sự giảm dung lượng nhớ sau ca lao động ở NVYT – Mức xếp điểm là mức 1/6

Không thấy có sự khác biệt về biến đổi các chỉ tiêu tâm sinh lý sau ca lao động giữa nam và nữ.

IV. BÀN LUẬN

Trong nghiên cứu của chúng tôi ở các NVYT chuyên ngành huyết học cho thấy: Tần số nhịp tim trung bình đầu ca lao động là 77,3±5,2 nhịp/phút; cuối ca lao động là 83,1±5,4 nhịp/phút. Như vậy có sự tăng tần số nhịp tim sau ca lao động so với trước ca lao động ở NVYT (p<0,001). Tần số nhịp tim trong ca lao động ở NVYT là 86,8±10,2 nhịp/phút. Có sự kéo dài thời gian phản xạ của NVYT sau ca lao động so với trước ca lao động (292±24ms so với 208±8ms (p<0,001)). Có sự giảm chỉ số tần số nhấp nháy ánh sáng tới hạn của NVYT sau ca lao động so với trước ca lao động (35,0±1,9Hz so với 35,2±1,9Hz) (p<0,001), chứng tỏ sự mệt mỏi, căng thẳng thần kinh tâm lý ở NVYT sau một ca lao động.

Nghiên cứu của Martin DM (2015) [4] chỉ ra mệt mỏi ở y tá liên quan rõ rệt tới thời gian làm việc khi thay đổi từ 8h làm việc và 12h làm việc/ca. Stucky ER (2009) [10] nghiên cứu trên các bác sỹ tập sự ở các khoa điều trị nội trú cho thấy: mối liên quan giữa căng thẳng tại nơi làm việc và chất lượng giấc ngủ kém. Sự cần thiết phải có các chính sách bổ sung, quy định và chuẩn bị phù hợp cho các y tá khi thay đổi môi trường lao động, thay đổi công việc như chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV… [9]. Tương tự như nghiên cứu của chúng tôi, nhiều nghiên cứu khác cũng sử dụng sự biến đổi các chỉ số CFF, test trí nhớ ngắn hạn, tần số nhấp nháy tới hạn, điện não đồ… để đánh giá mức độ căng thẳng nghề nghiệp ở các đối tượng khác nhau như ở điều độ viên chỉ huy chạy tàu [1]; nhân viên vận hành hệ thống tự động tại một nhà máy xi măng: Sau ca lao động số tần số nhấp nháy trung bình của các nhân viên là 37,0±2,7Hz, giảm hơn so với trước ca lao động (37,8±1,8Hz) có ý nghĩa thống kê (p<0,05) [2].

Ngoài áp lực căng thẳng thần kinh tâm lý ở NVYT, điều kiện lao động của các NVYT còn có nguy cơ cao nhiễm HBV nghề nghiệp. Một nghiên cứu của Quddus M [6] đánh giá tình trạng tiêm chủng viêm gan B của nhóm có nguy cơ cao và thái độ kiến ​​thức và thực hành về cách ly cơ thể. 400 NVYT gồm 55% nam và 45% nữ, 100 người cho mỗi nhóm bao gồm: bác sĩ, y tá, nhân viên phòng mổ và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm làm việc tại Karachi Pakistan. 28% các bác sĩ, 20% y tá, 64% nhân viên phòng mổ và 68% kỹ thuật viên phòng thí nghiệm được tiêm chủng đầy đủ. Trong số còn lại 31% là không biết về vắc xin, 45% không cho rằng mình trong nhóm nguy cơ cao, 15% thấy có thể tiêm chủng, 9% cho rằng tốn kém. Thực hành an toàn sinh học đã được thực hiện một cách chính xác là 42%. 29% thực hiện tiêm an toàn, 10% đảm bảo quy tắc vô trùng và 19% thiết bị tiệt trùng đúng cách. Khi tràn máu ngay lập tức được làm sạch là 80%, trong số đó 48% được áp dụng chất khử trùng, 40% làm sạch bằng nước và chất tẩy rửa, 12% làm sạch và khử trùng. Các mẫu máu xử lý là 52% trong hộp đựng có sẵn, 17% trong thùng rác và 30% trong các túi nguy cơ sinh học. Trong 62 trường hợp vô tình tiếp xúc với  máu, các biện pháp xử lý bao gồm: 19% sử dụng rượu, 11% rửa bằng nước, 8% chờ đợi sự giúp đỡ y tế.  Shoaei P [8] nghiên cứu tỷ lệ hiện nhiễm của virus viêm gan B và tình trạng kháng thể bề mặt viêm gan B trong NVYT phòng thí nghiệm ở Isfahan, Iran. Nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện trên 203 người thuộc các phòng xét nghiệm được điều tra và xét nghiệm miễn dịch liên kết enzyme (ELISA) về mức độ kháng nguyên và kháng thể. Kết quả cho thấy: tất cả các đối tượng đều âm tính với nhiễm HBV. 47 (23,2%) là không miễn dịch, 126 (62,0%) là tương đối miễn dịch, và 30 (14,8%) là cao miễn dịch. Như vậy, viêm gan B là không thường xuyên trong NVYT phòng thí nghiệm ở Isfahan. Perez-Diaz C [5] phân tích cắt ngang trên NVYT tiếp xúc nghề nghiệp với máu tại cơ quan bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp từ năm 2009 và 2014 tại Colombia và được đánh giá giữa các nhóm theo mức độ phơi nhiễm (nhẹ, trung bình và nặng). Trong số 2403 báo cáo được phân loại: phơi nhiễm là nhẹ 2,7%; trung bình 74,8%; nặng 21,9%.

V. KẾT LUẬN

Các biến đổi chỉ tiêu tâm sinh lý ở NVYT sau ca lao động: tăng tần số nhịp tim (83,1±5,4 nhịp/phút so với 77,3±5,2 nhịp/phút) (p<0,001); kéo dài thời gian phản xạ thị vận động (292±24ms so với 208±8ms) (p<0,001); giảm tần số nhấp nháy ánh sáng tới hạn (35,0±1,9Hz so với 35,2±1,9Hz) (p<0,001), chứng tỏ sự mệt mỏi, căng thẳng thần kinh tâm lý ở NVYT sau một ca lao động. Không thấy sự thay đổi trí nhớ ngắn hạn ở NVYT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Văn Đại (2007), Nghiên cứu biến đổi điện não đồ của điều độ viên chỉ huy chạy tàu trước và sau ca lao động, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học cấp viện, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường.

2. Nguyễn Ngọc Ngà (2005), “Đánh giá căng thẳng của người điều khiển hệ thống tự động tại một công ty xi măng”, Báo cáo khoa học toàn văn hội nghị quốc tế Y học lao động và Vệ sinh môi trường lần thứ nhất, Nhà xuất bản Y học, tháng 11, tr. 254-262.

3. Lê Thành Tài, Trần Ngọc Xuân, Trần Trúc Linh. Tình hình stress nghề nghiệp của nhân viên điều dưỡng. Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 2008; Số 12 (4), 216-220.

4. Martin DM (2015), “Nurse Fatigue and Shift Length: A Pilot Study”, Nurs Econ 2015 Mar-Apr;33(2):81-7.

5. Pérez-Diaz C, Calixto OJ, Faccini-Martinez ÁA et al (2015), “Occupational exposure to blood borne pathogens among healthcare workers: a cross-sectional study of a registry in Colombia”, J Occup Med Toxicol. 2015 Dec 16;10:45.

6. Quddus M, Jehan M, Ali NH (2015), “ hepatitis-B vaccination status and knowledge, attitude and practice of high risk Health Care Worker about body substance isolation”, J Ayub Med Coll Abbottabad 2015 Jul-Sep;27(3):664-8.

7. Salerno Silvana et al (1993), “Application of the method of organizational congruences to assess to work stress among hospital nurss in two different countries”. 24th congress of the international commission on occupational health. Abstracts. Nice, p. 379

8. Shoaei P, Najafi S, Lotfi N et al (2015), “Seroprevalence of hepatitis B virus infection and hepatitis B surface antibody status among laboratory health care workers in Isfahan, Iran”, Asian J Transfus Sci 2015 Jul-Dec;9(2):138-40.

9.Spies LA, Gray J, Opollo J (2015), “HIV and Nurses: A Focus Group on Task Shifting in Uganda”, J Assoc Nurses AIDS Care 2015 Dec 29. pii: S1055-3290(15)00291-5.

10. Stucky ER, Dresselhaus TR, Dollarhide A et al  (2009), “Intern to attending: assessing stress among physicians”, Acad Med 2009 Feb;84(2):251-7.


(Nguồn tin: Nilp.vn)