Các yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý lao động của nhân viên phòng thí nghiệm và giải pháp hạn chế

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:48(GMT +7)

Tóm tắt:

Phòng thí nghiệm là một bộ phận không thể thiếu của khoa học, công nghệ và có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.Tuy nhiên, phòng thí nghiệm luôn tiềm ẩn các yếu tố nguy hiểm và yếu tố có hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Đặc biệt, đáng chú ý là các yếu tố tâm sinh lý lao động, có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tinh thần và thể chất của những người làm việc tại phòng thí nghiệm. Nghiên cứu xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý lao động của những người làm việc tại phòng thí nghiệm như: thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, phân công lao động, tư thế làm việc, tổ chức nơi làm việc, môi trường lao động và áp lực công việc thông qua việc thống kê và phân tích kết quả từ phiếu khảo sát của các nhân viên làm việc ở phòng thí nghiệm. Từ kết quả đó, nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố đó đến tâm sinh lý, góp phần cải thiện điều kiện lao động và sức khỏe của những người làm việc ở các phòng thí nghiệm.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ 

            Hiện nay, hệ thống các phòng thí nghiệm của nước ta đã phát triển vượt bậc và ngày càng có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bên cạnh những lợi ích mà phòng thí nghiệm đem lại thì phòng thí nghiệm cũng là nơi nguy hiểm nếu không tuân thủ các quy tắc an toàn. Do đó, vấn đề an toàn vệ sinh lao động tại các phòng thí nghiệm này cũng trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Hiện nay, những người làm việc tại phòng thí nghiệm vẫn có thể dễ dàng tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy hiểm và yếu tố có hại.

            Ngoài các yếu tố nguy hiểm có thể tác động lên người lao động gây chấn thương hoặc tai nạn lao động, thì phòng thí nghiệm vẫn còn tồn tại các yếu tố có hại về vật lý (vi khí hậu, ồn, rung, ánh sáng…), hóa học (bụi, hơi khí độc…), sinh học (vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng…) và đặc biệt là các yếu tố tâm sinh lý lao động có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tinh thần và thể chất của những người làm việc tại phòng thí nghiệm. Hàng ngày khi làm việc người lao động phải tiếp xúc với nhiều yếu tố có hại như: các hóa chất độc hại, chịu áp lực cao vì số mẫu phân tích nhiều và cần sự chuẩn xác của kết quả, tiếng ồn phát sinh từ các máy móc thiết bị đặt trong phòng thí nghiệm…dẫn đến tâm sinh lý bị ảnh hưởng. Nếu không có các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, nhân viên làm việc ở các phòng thí nghiệm có thể bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tinh thần và thể chất.

            Bài viết xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý lao động của những người làm việc tại phòng thí nghiệm. Từ đó, có thể đề xuất các giải pháp phù hợp để hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố đó đến tâm sinh lý, góp phần cải thiện điều kiện lao động và sức khỏe người lao động được tốt hơn.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

​2.1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu: Nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm và tâm sinh lý lao động của nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm.

Phạm vi nghiên cứu: các yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý lao động củanhân viên làm việcở 3 phòng thí nghiệm:Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Viện nhiệt đới môi trường, Công ty TNHH một thành viên Tài nguyên và Môi trường miền Nam.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

Thiết kế nghiên cứu theo phương pháp mô tả cắt ngang;

Kỹ thuật sử dụng trong nghiên cứu:

+ Khảo sát, phỏng vấn người lao động thông qua phiếu khảo sát để tìm hiểu về điều kiện làm việc và các yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý của nhân viên tại phòng thí nghiệm.

+Thống kê và phân tích kết quả khảo sát bằng phần mềm SPSS để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý lao động của nhân viên phòng thí nghiệm.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

​​3.1. Đặc điểm mẫu khảo sát

Nghiên cứu được tiến hành trên 32 nhân viên làm việc tại 3 phòng thí nghiệm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát như sau:

– Các nhân viên được khảo sát đang công tác ở vị trí nhân viên đi lấy mẫu hiện trường (7 nhân viên, chiếm 21,9%); nhân viên phân tích (10 nhân viên, chiếm 31,2%); nhân viên phụ trách sắp xếp quản lý PTN (15 nhân viên, chiếm 46,9%).

– Đa số nhân viên làm việc tại các phòng thí nghiệm có chuyên môn là hóa (17 nhân viên, chiếm 53,1%) và môi trường (6 nhân viên, 18,8%).

– Có 21 nhân viên (chiếm 65,5%) làm việc tại phòng thí nghiệm trên 5 năm.

– Đa số các nhân viên làm việc ở phòng thí nghiệm có quy mô vừa (23 nhân viên, chiếm 71,9%).

– Trong số 32 nhân viên được khảo sát thì có 17 nhân viên nữ (chiếm 53,1%) và 15 nhân viên nam (chiếm 46,9%).

– Có 19 nhân viên (chiếm 59,4%) có độ tuổi chủ yếu là từ 25 – 35 tuổi.

                   Bảng 1: Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

3.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý lao động

Có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý lao động, tuy nhiên khi thực hiện khảo sát cho nhân viên phòng thí nghiệm bài viết này chỉ tập trung vào 6 nhóm yếu tố chủ yếu là: thời gian làm việc, nghỉ ngơi; phân công lao động; tư thế làm việc; tổ chức nơi làm việc; môi trường lao động; áp lực công việc. đã thực hiện (sử dụng thang đo likert 5 cấp độ), kết quả cụ thể như sau:

– Thời gian làm việc, nghỉ ngơi:Khi thực hiện khảo sát 32 nhân viên thì có 19 nhân viên (chiếm 59,3%) đồng ý và hoàn toàn đồng ý rằng làm việc liên tục không nghỉ ngơi có ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý. Hiện nay, tại các phòng thí nghiệm vẫn còn nhiều trường hợp nhân viên phải làm việc liên tục hơn 8 tiếng/ngày không nghỉ hoặc nghỉ ngơi không hợp lý. Trường hợp này thường xảy ra liên tục nhiều giờ, dẫn đến sự căng thẳng về thần kinh, thể chất,doăng lượng bị cạn dần gây đau mỏi cơ, thậm chí co cứng cơ và mất khả năng hoạt độngThời gian nghỉ ngơi không hợp lý tác động đến quá trình gây mệt mỏi cơ thể, tinh thần không được minh mẫn ảnh hưởng đến hiệu quả công việc

               Bảng 2: Kết quả khảo sát của nhân viên về nhóm yếu tố thời gian làm việc, nghỉ ngơi

Phân công lao động: Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết nhân viên đồng ý rằng phân công lao động có ảnh hưởng đến tâm sinh lý. Trong đó có 19 nhân viên (chiếm 59,3%) lựa chọn từ mức đồng ý trở lên cho rằng công việc ở phòng thí nghiệm lặp đi lặp lại hàng ngày là ảnh hưởng nhiều nhất đến tâm sinh lý người lao động. Quá trình làm việc của nhân viên phân tích tại phòng thí nghiệm bắt đầu từ nhận mẫu, phân tích tại phòng thí nghiệm và kết thúc bằng việc xử lý số liệu; còn các nhân viên lấy mẫu, quan trắc hiện trường thì tiến hành quan trắc, lấy mẫu và đo đạc hiện trường và giao nộp mẫu, kết quả quan trắc hiện trường về cho phòng nhận mẫu/văn phòng. Công việc của họ cứ thế lặp đi lặp lại hàng ngày, dễ xuất hiện sự nhàm chán, đơn điệu trong công việc. Ngoài ra, ở nhóm yếu tố này khi được khảo sát có 18 nhân viên (chiếm 56,3%) cho rằng việc phân công lao động không phù hợp với kiến thức và kỹ năng của nhân viên cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ. Do đó, nhân viên dễ rơi vào trạng thái chán nản, không có hứng thú làm việc, hay cảm thấy thời gian dài và mong muốn kết thúc nhanh thời gian làm việc.

               Bảng 3: Kết quả khảo sát của nhân viên về nhóm yếu tố phân công lao động

– Tư thế làm việc: Nhân viên tại các phòng thí nghiệm thường làm việc ở các tư thế không được thoải mái như: ghế ngồi không có tựa lưng, không có chỗ để chân, chiều cao của ghế và bàn làm thí nghiệm không tương xứng…hoặc thường ngồi/đứng làm việc lâu và phải khuân vác các vật nặng. Khi làm việc đứng lâu quá sẽ gây mỏi lưng, bệnh xương khớp, giãn tĩnh mạch, đau nhức; ngồi lâu quá sẽ hay gặp hiện tượng đau mỏi cổ, vai, lưng và gây cảm trở đến sự lưu thông huyết, làm ảnh hưởng đến sự co bóp của dạ dày, ruột và gây táo bón, đau bụng, tiêu hoá kém; khuân vác nặng gây biến dạng khớp xương đầu gối, và gây đau cột sống, đau thắt lưng, tức ngực. Tư thế làm việc bất tiện, không phù hợp người lao động sẽ gia tăng nguy cơ chấn thương và các rối loạn bệnh lý; hoặc tốn thời gian để hoàn thành công việc dẫn đến mệt mỏi thần kinh và thể chất. Khi được khảo sát hầu hết nhân viên đều cho rằng tư thế làm việc không thoải mái, ngồi/đứng làm việc lâu và khuân vác các vật nặng là những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý lao động. Trong đó, yếu tố tư thế làm việc không thoải mái là yếu tố được nhân viên lựa chọn ảnh hưởng nhiều nhất trong các yếu tố và có đến 23 nhân viên (chiếm 71,9%) lựa chọn đồng ý và hoàn toàn đồng ý.      

                Bảng 4: Kết quả khảo sát của nhân viên về nhóm yếu tố tư thế làm việc           

   – Tổ chức nơi làm việc: Tổ chức nơi làm việc là một trong những yếu tố giúp cho nhân viên làm việc hiệu quả, đạt năng suất cao. Khi thực hiện khảo sát đa số nhân viên đều cho rằng việc các phòng thí nghiệm không trang bị đầy đủ các loại máy móc, thiết bị để thực hiện công việc; không có phân chia từng khu vực thí nghiệm và máy móc thiết bị không được bố trí sắp xếp khoa học, ngăn nắp có ảnh hưởng đến tâm sinh lý lao động. Trong đó, yếu tố không trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị khi làm việc là yếu tố được các nhân viên lựa chọn ảnh hưởng nhiều nhất trong 3 yếu tố và có đến 22 nhân viên đồng ý (chiếm 68,7%). Thực tế hiện nay, do điều kiện đầu tư, cơ sở vật chất tại một số phòng thí nghiệm không đầy đủ nên phải thuê/mượn trang thiết bị từ phòng thí nghiệm khác mỗi khi cần sử dụng gây tốn nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến năng suất làm việc, dễ xuất hiện tâm lý chán nản, mệt mỏi cho các cán bộ, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm. Hoặc các phòng thí nghiệm không phân chia cụ thể khu vực thí nghiệm (hóa lý, vi sinh,..) dễ dẫn đến nhiễm chéo mẫu, ảnh hưởng đến chất lượng kết quả thí nghiệm. Bên cạnh đó, việc bố trí các máy móc, thiết bị, hóa chất và dụng cụ thí nghiệm không thuận tiện, hợp lý gây tốn nhiều thời gian trong quá trình thực hiện thí nghiệm.

                Bảng 5: Kết quả khảo sát của nhân viên về nhóm yếu tố tổ chức nơi làm việc

Môi trường lao động:Khi thực hiện khảo sát đa số nhân viên đều cho rằng môi trường làm việc tại các phòng thí nghiệm có ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý lao động. Một số vấn đề đáng quan tâm là khu vực làm việc có phát sinh tiếng ồn, môi trường làm việc có bụi, hơi khí độc và các hóa chất độc hại. Trong đó, yếu tố khu vực làm việc phát sinh tiếng ồn là yếu tố được các nhân viên lựa chọn ảnh hưởng nhiều nhất và có đến 24 nhân viên đồng ý (chiếm 75%). Do một số thiết bị đặc thù tại phòng thí nghiệm nên môi trường làm việc thường phát sinh một số tiếng ồn như: tủ hút khí độc, hệ thống thông gió, hệ thống xử lý khí thải, bơm khí nén,…Làm việc trong điều kiện tiếng ồn quá giới hạn cho phép dễ làm giảm khả năng tập trung, người mệt mỏi, cáu gắt,…Tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài dễ gây giảm thính lực, điếc nghề nghiệp. Bên cạnh đó, môi trường làm việc ở phòng thí nghiệm còn có bụi, hơi khí độc và các hóa chất độc hại. Người lao động làm việc trong môi trường có nồng độ bụi, hơi khí độc vượt quá tiêu chuẩn cho phép, dễ gây cảm giác khó chịu và xuất hiện các bệnh về đường hô hấp. Làm việc với hóa chất dù là trực tiếp hay gián tiếp nếu không cẩn thận có thể gây bỏng da, bỏng mắt, nhiễm độc mạn tính dẫn đến suy giảm chức năng hô hấp, chức năng gan, viêm và thoái hóa da, thậm chí có trường hợp gây ung thư. 

               Bảng 6: Kết quả khảo sát của nhân viên về nhóm yếu tố môi trường lao động

Áp lực công việc:Khi thực hiện khảo sát đa số nhân viên đều cho rằng công việc yêu cầu độ chính xác cao là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến tâm sinh lý lao động trong nhiều yếu tố được đưa ra và có 25 nhân viên (chiếm 78,1%) đồng ý. Đối với các kỹ thuật viên, thao tác lấy mẫu và thử nghiệm mẫu luôn đòi hỏi phải chuẩn xác nhằm đảm bảo kết quả thí nghiệm, do đó người lao động dễ bị áp lực (từ bên ngoài hoặc tự bản thân). Đồng thời, có 22 nhân viên (chiếm 68,7%) cho rằng khối lượng công việc thường xuyên quá tải gây ảnh hưởng đến sức khỏe như stress, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, hệ tiêu hóa,…

               Bảng 7: Kết quả khảo sát của nhân viên về nhóm yếu tố áp lực công việc

4. KẾT LUẬN

            Thông qua việc thực hiện khảo sát, tổng hợp dữ liệu và phân tích số liệu đã khảo sátđược của nhân viên làm việc ở các phòng thí nghiệm nghiên cứu đã góp phần xác định các nhóm yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý những người lao động như: thời gian làm việc nghỉ ngơi, phân công lao động, tư thế làm việc, tổ chức nơi làm việc, môi trường lao động và áp lực công việc. Cụ thể, nhân viên cho rằng các yếu tố làm việc liên tục không có thời gian nghỉ ngơi; công việc lặp đi lặp lại hàng ngày;

            Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu đã đề xuất các giải phápbảo vệ sức khỏe cho người lao độngnhằm hạn chế thấp nhất các yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý lao động của nhân viên phòng thí nghiệm,

            Cải thiện tư thế làm việc: thông qua việc trang bị bổ sungxe đẩy để vận chuyển thiết bị, dụng cụ nặng nhằm hạng chế việc gắng sức để khuân vác; khuyến cáo mang vác vật nặng đúng tư thế. Đồng thời, thay thế các ghế cố định, thô sơ hiện sử dụng tại các phòng thí nghiệm bằng các ghế có tựa lưng, có thể điều chỉnh được độ cao kết hợp thời gian nghỉ giữa giờ, tập thể dục giãn cơ đối với các công việc cần đứng hoặc ngồi nhiều hơn 1 giờ.

            – Tổ chức nơi làm việc một cách hợp lý:Phân công công việc phù hợp với kiến thức và kỹ năng của người lao động; bố trí nơi làm việc gọn gàng, thuận tiện, đầy đủ ánh sáng, phân chia từng khu vực thí nghiệm; sắp xếp các loại máy móc, thiết bị một cách hợp lý, khoa học; có danh mục theo dõi hóa chất, máy móc thiết bị trong phòng thí nghiệm; hóa chất phải được bảo quản và dán nhãn theo đúng quy định; nhân viên sau giờ làm phải vệ sinh, sắp xếp gọn gàng các thiết bị, dụng cụ đảm bảo dễ tìm, sử dụng.

            Tăng cường các giải pháp về điều kiện/môi trường lao động: Thực hiện che chắn, bao bọc các máy phát ra tiếng ồn, trang bị bịt tai, nút chống ồn cho nhân viên làm việc trong môi trường ồn.Thường xuyên bảo trì, kiểm tra các máy móc, thiết bị phát ra tiếng ồn; định kỳ bảo dưỡng các thiết bị. Sử dụng khẩu trang, mặt nạ ngăn bụi, mặt nạ phòng độc, lọc bụi, quần áo, mũ, kính…khi làm việc trong môi trường có bụi, hơi khí độc. Tổ chức tập huấn cho nhân viên về tác hại của bụi, hơi khí độc và biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe.

            – Phối hợp chặt chẽ giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức công đoàn để chia sẻ, động viên, hạn chế các áp lực cho người lao động. Đối với lãnh đạo phòng thí nghiệm: nên gặp gỡ nhân viên để trao đổi về những khó khăn trong công việc; tuyên truyền, tập huấn các kiến thức liên quan đến stress trong công việc; khuyến khích nhân viên có chế độ sống lành mạnh; Đối với nhân viên:nên giao tiếp, chia sẻ, sắp xếp lại công việc một cách hợp lý khoa học; Đối với tổ chức công đoàn:cần tổ chức các hoạt động, các buổi gặp gỡ để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức;đóng góp ý kiến về môi trường làm việc, thời gian làm việc, nghỉ ngơi của người lao động; xây dựng chế độ chính sách cho người lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].Đào Thị Oanh (2003), Tâm lý học lao động, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

[2]. Lê Minh Tài, Nguyễn Văn Thuyên, Lê Khắc Đức (2007), “Đánh giá sự biến đổi một số chỉ tiêu tâm sinh lý của bộ đội trong lao động xây dựng đường hầm quân sự”, Tạp chí Bảo hộ lao động, (12), 34-36.

[3]. Lương Văn Úc (2011), Giáo trình Tâm lý học lao động, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

[4]. Nguyễn Văn Quán (2004), Tóm tắt bài giảng Nguyên lý Khoa học Bảo hộ lao động, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh.

[5].Christine AGrant, Louise Margaret Wallac,Peter Spurgeon, (2013), “An exploration of the psychological factors affecting remote e-worker’s job effectiveness, well-being and work-life balance”, Employee Relations, 35 (5), (pp. 527-546).

[6].LundbergUlf(2002). “Psychophysiology of Work: Stress, Gender, Endocrine Response, and Work-Related Upper Extremity Disorders”, American Journal of Industrial Medicine, (41), (pp.383-39).

Nguyễn Thúy Lan Chi, Nguyễn Thị Trúc Thảo

Trường Đại học Tôn Đức Thắng


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)