Chấm dứt toàn bộ việc sử dụng Amiang: Quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:41(GMT +7)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các tổ chức quốc tế, phi chính phủ khác luôn cộng tác chặt chẽ với các quốc gia trong công tác loại trừ các bệnh liên quan đến amiang và khuyến cáo chấm dứt sử dụng tất cả các loại Amiang.

Amiang là gì?

Amiang dùng để chỉ một nhóm các khoáng chất dạng sợi có trong tự nhiên có giá trị thương mại trong hiện tại trước đây do có lợi thế chịu bền đặc biệt, dẫn nhiệt kém và độ kháng tương đối với tác động hóa chất. Vì những lý do này, Amiang được dùng để cách nhiệt cho các tòa nhà, làm nguyên liệu cho nhiều sản phẩm khác như tấm lợp Amiang xi măng, ống dẫn nước, tấm chắn lửa, côn, má phanh, miếng đệm cho ô tô. Các dạng chất khác nhau chủ yếu của amiang là chrysotile – “amiang trắng”, và crocidolite – “amiang xanh”, amosite – “amiang nâu”, anthophyllite, tremolite và actinolite.

Tại sao Amiang là vấn đề cần quan tâm?

Tất cả các loại Amiang đều là chất gây ung thư ở người. Kết quả nghiên cứu trong một thời gian dài nêu trong Chuyên khảo Tập 100C của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiang bao gồm cả amiang trắng (amiang xanh, amiang nâu, tremolite, actinolite và anthophylite)1 vào nhóm 1, nhóm các chất gây ung thư ở người. Phơi nhiễm với Amiang gây ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng và ung thư trung biểu mô (một loại ung thư màng bụng và màng phổi).

Phơi nhiễm với Amiang còn gây các bệnh khác như bệnh bụi phổi amiang (xơ hóa phổi), dầy màng phổi, mảng màng phổi và tràn dịch.

Bằng chứng khoa học cũng cho thấy, những người hút thuốc kết hợp cùng phơi nhiễm với amiang làm tăng nguy cơ ung thư phổi – càng hút nhiều thuốc lá thì nguy cơ càng cao2.

Gánh nặng bệnh tật do các bệnh liên quan đến amiang gây ra

Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2016 cho thấy khoảng 225.000 tử vong do các bệnh liên quan đến amiang3. Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính khoảng 2.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến amiang. Hầu hết các ca tử vong là do phơi nhiễm nghề nghiệp. Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định amiang là yếu tố quan trọng duy nhất gây ung thư chiếm khoảng một nửa tổng số ca tử vong ung thư nghề nghiệp4. Hiện khoảng 125 triệu người trên toàn thế giới bị phơi nhiễm với amiang tại nơi làm việc.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính chi phí trực tiếp để điều trị ung thư trung biểu mô tại 15 quốc gia thuộc Liên Minh Châu Âu năm 2012 là trên 100 triệu Euro5. Ngoài chi phí về y tế cho điều trị các bệnh liên quan đến amiang, những tác động về xã hội liên quan tới việc sử dụng amiang cũng đang trải rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia thu nhập cao đã phải đối mặt với những bất ổn xã hội và kiện tụng chống lại chính phủ do các chính phủ chưa thực hiện nghĩa vụ đầu đủ trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân vì cho phép sử dụng amiang.

Hành động của WHO

Nghị quyết của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) số 58.22 năm 2005 về phòng chống ung thư đã hối thúc các Quốc gia Thành viên chú trọng đặc biệt tới các căn bệnh ung thư trong đó có yếu tố phòng tránh phơi nhiễm, đặc biệt là phơi nhiễm với các hóa chất tại nơi làm việc và trong môi trường7.

Nghị quyết số 60.26 đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới có những chiến dịch toàn cầu để loại bỏ các bệnh liên quan đến amiang, qua đó nêu cụ thể “…cần có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong việc kiểm soát các loại amiang – phù hợp với các quy định quốc tế và các bằng chứng mới nhất nhằm thực hiện các can thiệp hiệu quả…”8. Nghị quyết số WHA66.10 năm 2013 kêu gọi thực hiện các can thiệp có hiệu quả về chi phí nhằm ngăn ngừa bệnh phổi nghề nghiệp do phơi nhiễm với amiang là một trong những khuyến cáo nhằm thực thi “Kế hoạch toàn cầu về phòng chống các bệnh mạn tính” (2013-2020)9.

Đặc biệt quan tâm tới việc loại trừ các bệnh liên quan đến amiang tại các quốc gia hiện vẫn đang sử dụng amiang trắng, đồng thời hỗ trợ các quốc gia đã từng bị phơi nhiễm với nhiều loại amiang khác trước đây.

WHO cùng với Tổ chức Lao động quốc tế và các tổ chức quốc tế, phi chính phủ khác luôn cộng tác chặt chẽ với các quốc gia trong công tác loại trừ các bệnh liên quan đến amiang thông qua các hành động sau:

• Nhận thức rằng cách thức hiệu quả nhất để loại trừ các bệnh liên quan đến amiang là ngừng sử dụng tất cả các loại amiang;

• Cung cấp thông tin về những giải pháp thay thế amiang với những chất thay thế và phát triển các cơ chế kte công nghệ để thúc đẩy việc thay thế;

• Thực hiện các biện pháp phòng ngừa phơi nhiễm với amiang đã có và trong khi loại bỏ amiang (giảm thiểu tác hại);

• Tăng cường các dịch vụ chẩn đoán sớm, điều trị và phục hồi chức năng đối với các bệnh liên quan đến amiang;

• Thiết lập hệ thống theo dõi cho những người đã và/hoặc đang có phơi nhiễm với amiang; và

• Cung cấp thông tin về tác hại liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm có chứa amiang, đồng thời nâng cao nhận thức về việc coi rác thải chứa amiang là loại chất thải độc hại.

Cấm toàn bộ việc sử dụng amiang

Những sản phẩm an toàn hơn đã được phát triển nhằm thay thế cho hầu hết công năng sử dụng của amiang trắng10. Nhiều loại sợi thay thế cho amiang trắng được WHO đánh giá chỉ có nguy cơ thấp đối với sức khỏe con người, tuy vậy, còn có một số loại sợi thay thế được xác định cũng có nguy cơ gây ung thư cao. Tuy nhiên, có nhiều loại vật liệu thay thế không dùng cốt sợi và có nguy cơ thấp có thể thay thế amiang trắng ví dụ vật liệu xây dựng thông thường.

Do có khả năng gây những tác hại ghê gớm lên sức khỏe con người va sự sẵn có của nhiều loại vật liệu thay thế với giá cả phải chăng, hiện nay, 63 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm hoàn toàn amiang – tăng 14% so với năm 201411. Bảng dưới đây nêu cụ thể các quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm hoàn toàn amiang.

Các quốc gia tiếp tục sử dụng amiang hoặc là các nước đang sản xuất hoặc các nước có thu nhập thấp và trung bình đang bị chi phối bởi các chiến dịch tuyên truyền của ngành công nghiệp amiang.

Hình 1. Tiêu thụ và các quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm hoàn toàn amiang – 2015

Hướng tới chấm dứt hoàn toàn sử dụng amiang tại Việt Nam

Việt Nam hiện vẫn là một trong số ít các nước sử dụng trên 50.000 tấn amiang một năm, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Uzbekistan, Nga và Brazil12. Từ các bằng chứng, có thể suy luận rằng, nếu không loại trừ hoàn toàn việc sử dụng amiang tại Việt Nam, sẽ có nhiều người mắc các bệnh liên quan đến amiang như đã từng xảy ra tại các nước khác.

Việt Nam cần tham gia và loại trừ hoàn toàn việc sử dụng amiang cùng với 63 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa ra quyết định này nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, có tiếng nói khách quan và không bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch tuyên truyền của ngành công nghiệp cũng như các nước xuất khẩu amiang.

Bằng chứng khoa học đã đầy đủ và mạnh để Việt Nam đưa ra quyết định sáng suốt nhằm cứu sống nhiều người trong những thập kỷ sắp tới. Hiện Việt Nam đã tự sản xuất được vật liệu thay thế amiang trên quy mô công nghiệp, tuy nhiên hầu hết là để xuất khẩu. giá thành của tấm lợp không có amiang với chất lượng tương đương chỉ cao hơn giá của tấm lợp amiang là 13%14. Mức chênh lệch giá này sẽ giảm đáng kể nếu được sản xuất trên quy mô lớn hơn.

Việt Nam hiện đã là một quốc gia thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng nhanh hoàn toàn có thể cung cấp tấm lợp không có amiang cho người dân của mình, đặc biệt là những vùng khó khăn. Công nghệ sản xuất tấm lợp không có amiang do Việt Nam phát triển sẽ mang lại việc làm cho người dân, đồng thời góp phần tạo một chỗ đứng trong ngành công nghiệp xanh trong khu vực. Quy mô sản xuất tăng sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm không có amiang cho người nghèo.

Trong bức thư chung giữa WHO và ILO gửi tới Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ngày 5 tháng 8 năm 2014, Tiến sỹ Shin Young-Soo – Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đã nêu: “Sức khỏe là tài sản quan trọng nhất của con người, và một dân tộc khỏe mạnh là cơ sở cho sự phát triển bền vững. Nhận thức rõ điều đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực huy động các nguồn lực để bảo vệ sức khỏe của người dân. Một quyết định cấm sử dụng mọi loại amiang sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho toàn bộ người dân Việt Nam.”15

Một bước tiến quan trọng gần đây nhằm tăng cường sức khỏe cho người dân, trong đó có người lao động, đã được thể hiện qua việc thông qua Nghị quyết số 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới tại Hội nghị lần thứ sau, Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XII. Ngoài các chiến lược quan trọng khác nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, Nghị quyết 20 đã kêu gọi “Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thảm họa, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an toàn lao động; phòng, chống tai nạn, thương tích, cháy, nổ, bệnh nghề nghiệp“.

Với sứ mệnh nhằm giúp người dân đạt được sức khỏe tốt nhất có thể, WHO cùng với các đối tác khác sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia nhằm loại trừ các bệnh liên quan đến amiang.

Tài liệu tham khảo

1. IARC Monographs on the Evaluation of Carcinogenic Risks to Humans, Internationl Agency for Research on Cancer, 10 May 2018 http://monographs.iarc.fr/ENG/Classification/latest_classif.php, accessed on 10 May 2018

2. The Lancet Oncology, Volume 10, Issue 5, Pages 453 – 454, May 2009.

3. GBD Study 2016, Institute for Health Metrics and Evaluation, University of Washington, http://ghdx.healthdata.org/gbd-results-tollo, accessed 9 May 2018

4. Concha-Barrientos M et al. Selected occupational risk factors. In: Ezzati M et al., eds. Comparative quantification of health risks: global and regional burden of diseases attributable to selected major risk factors. Geneva, World Health Organization; 2004:1651-1801.

5. Driscoll T et al. The global burden of diseases due to occupational carcinogens. American Journal of Industrial Medicine, 2005, 48(6):419-431.

6. Andrew Watterson, Frank George, Rokho Kim (WHO-Europe Project). Economic costs of asbestos-related diseases in Europe – fist steps. 5th Asian Asbestos Initiatives International Seminar, Busan, Republic of Korea, 2012

7. GBD Stydy 2016, Institute for Health Metrics and Evaluation, University of Washington, http://ghdx.healthdata.org/gbd-results-tool, accessed 9 May 2018.

8. Resolution WHA 58.22, Cancer prevention and control. In: Fifty-eighth World Health Assembly, Geneva, 16-25 May 2005

9. Resolution WHA60.26 Workers’ health: global plan of action. In: Sixtieth World Health Assembly. Geneva, 14-23 May 2007.

10. Resolution WHA66.10 Follow-up to the Political Declaration of the High-level Meeting of the General Assem bly on the Prevention and Control of Non-communicable Diseases, In: Sixty-sixth World Health Assembly, Geneva, 20-27 May 2013.

11. WHO Workshop on Mechanisms of Fibre Carcinogenesis and Assessment of Chrysotile Asbestos Substitutes, 8-12 November 2005, Lyon

12. IBAS, http://ibasecretariat.org/alpha_ban_list.php#5, accessed May 2018

13. USGS – Estimates Of Global Asebestos Production, Trade, & Consumption In 2015

14. U.S. Geological Survey, Mineral Commodity Summaries, 2015

15. Do Quoc Quang et al., Paper presented at Asian asbestos ban network meeting, Hanoi 2015.

16. Joint letter from WHO and ILO to the Prime Minister of Viet Nam on 5th August 2014

17. Resolution No. 20 – on Protection, care and improvement of people’s health in the new situation, The sixth plenary session of the 12th Party Central Committee (PCC)

TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)