Chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu bệnh hô hấp ở người lao động tại mỏ than Phấn Mễ Thái Nguyên

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:46(GMT +7)

Tóm tắt: Nghiên cứu can thiệp chăm sóc sức khỏe được áp dụng tại mỏ than Phấn Mễ Thái Nguyên nhằm giảm thiểu các bệnh đường hô hấp.

Kết quả thu được:

– Các giải pháp can thiệp đã giảm thiểu một số bệnh đường hô hấp, với tỷ lệ khá cao: viêm mũi cấp tính (302,68%); Viêm mũi mạn tính (14,94%); Tỷ lệ xuất hiện đợt cấp (170,3%);

– Khả năng duy trì và nhân rộng mô hình các giải pháp can thiệp được khẳng định.

– Các tác giả cho rằng cần thiết tăng cường công tác truyền thông giáo dục an toàn vệ sinh lao đông, khám phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời các bệnh nghề nghiệp.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Công nghệ khai thác than có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động [4], [7]. Khai thác than ở nước ta tiềm ẩn những điều kiện bất lợi về môi trường như ô nhiễm bụi, hơi khí độc, tiếng ồn, vi khí hậu bất thường, cùng công việc nặng nhọc [3], [5]…

Công nghiệp khai thác than tại Thái Nguyên có đặc thù là tiếp xúc với than mỡ dễ bám dính, khó làm sạch, do vậy nguy cơ ảnh hưởng làm gia tăng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh hô hấp và ngoài da… khá cao. Vì vậy việc quan tâm chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố tác hại nghề nghiệp, dự phòng bệnh tật cho công nhân khai thác than tại Thái Nguyên đã trở thành vấn đề cấp thiết. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài nhằm mục tiêu: Áp dụng và đánh giá kết quả các giải pháp can thiệp giảm thiểu các bệnh hô hấp người lao động trong nghề khai thác than tại Thái Nguyên.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

– Điều kiện lao động của công nhân khai thác than.

– Người lao động làm việc trực tiếp tại mỏ than Phấn Mễ, Thái Nguyên.

Trong nghiên cứu này, các giải pháp được áp dụng và đánh giá trên đối tượng công nhân làm việc ở phân xưởng hầm lò (Đây là khu vực độc hại hơn các khu vực khác trong mỏ).

Nghiên cứu được tiến hành từ năm 2015 đến 2016.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp can thiệp, đánh giá trước sau có đối chứng. Thời gian can thiệp chính thức là 12 tháng với các giải pháp được tiến hành như sau:

2.2.1. Công tác truyền thông

Truyền thông về các tác hại nghề nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và dự phòng bệnh tật cho công nhân. Tổ chức truyền thông nhóm nhỏ, mỗi (Nhóm) lớp có khoảng 50 người. Tổng số lớp được tổ chức là 5 lớp, mỗi lớp 01 ngày.

2.2.2. Hướng dẫn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đạt chuẩn: như lựa chọn khẩu trang, giày, ủng…

2.2.3. Phương pháp vệ sinh cá nhân: rửa mũi kết hợp xúc họng sau ca lao động, bằng vòi nước muối sinh lý, tia nhỏ qua lỗ mũi.

2.2.4.Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho cán bộ y tế

Tập huấn cho cán bộ y tế cơ quan về cách phát hiện sớm, xử trí, điều trị kịp thời một số bệnh liên quan nghề nghiệp cũng như tư vấn dự phòng các bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.

2.2.5. Tổ chức giám sát, hỗ trợ và báo cáo hoạt động: Bao gồmtheo dõi, giám sát kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật định kỳ và giám sát không theo kế hoạch.

2.3. Phương pháp thu thập và xử lý số liệu

– Số liệu được thu thập qua khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, được nhập bằng phần mềm Epi – data và được xử lý thống kê bằng phần mềm vi tính SPSS 18.0.

– Hiệu quả can thiệp được đánh giá thông qua các chỉ số CSHQ, HQCT.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU (Xem các Bảng 1-6 và Hộp 1,2)

Bảng 3.1. Mối liên quan giữa thực hành dự phòng và tỷ lệ bệnh hô hấp

Trên Bảng 3.1 ta thấy, có mối liên quan giữa thực hành dự phòng bệnh hô hấp và tỷ lệ bệnh. Nhóm công nhân thực hành không đúng tỷ lệ mắc bệnh cao hơn (76,15%) và tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 1,01 – 1,4 lần so với nhóm công nhân có thực hành đúng, tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn (64,13%), giữa hai nhóm có sự khác biệt rõ với p < 0,05.

Bảng 3.2. Hiệu quả can thiệp sử dụng khẩu trang đạt chuẩn

Trên Bảng 3.2 ta thấy, can thiệp cải thiện thực hành sử dụng khẩu trang đúng quy chuẩn của công nhân sau lao động đạt hiệu quả cao với 168,03%.

Bảng 3.3. Hiệu quả can thiệp đối với tỷ lệ viêm mũi cấp tính

Trên Bảng 3.3 ta thấy, sau can thiệp, tỷ lệ mắc các bệnh viêm mũi cấp tính giảm xuống còn 8,11% (CSHQ = 59,99%). Các bệnh viêm mũi cấp tính ở nhóm chứng không những không giảm mà lại tăng (CSHQ = – 242,69%). Hiệu quả can thiệp đạt 302,68%.

Bảng 3.4. Hiệu quả can thiệp giảm thiểu đợt cấp của viêm mũi mạn

Trên Bảng 3.4 ta thấy, hiệu quả can thiệp giảm thiểu các đợt cấp của bệnh viêm mũi mạn tính khá rõ rệt với 170,30%. Sau can thiệp, tỷ lệ công nhân xuất hiện đợt cấp tính của bệnh viêm mũi mạn tính giảm từ 28,38% xuống còn 10,14% (CSHQ = 64,27%), ở nhóm chứng tỷ lệ không giảm, tăng từ 8,13% lên 35%.

Bảng 3.5. Hiệu quả can thiệp giảm bệnh viêm họng cấp tính

Trên Bảng 3.5 ta thấy, hiệu quả can thiệp giảm thiểu tỷ lệ bệnh viêm họng cấp tính là rõ rệt, đạt 110,34%. Tỷ lệ mắc bệnh viêm họng cấp tính ở nhóm can thiệp đã giảm từ 17,57% xuống còn 9,46%  (CSHQ = 46,16%). Trong khi ở nhóm đối chứng tỷ lệ bệnh tăng lên (CSHQ = – 64,18%).

Bảng 3.6. Hiệu quả can thiệp giảm xuất hiện đợt cấp bệnh viêm phế quản

Trên Bảng 3.6 ta thấy, hiệu quả can thiệp giảm tỷ lệ xuất hiện đợt cấp của bệnh viêm phế quản ở mức 13,38%. Nhóm can thiệp không có trường hợp nào xuất hiện đợt cấp, trong khi nhóm đối chứng tăng thêm 04 trường hợp.

Hộp 3.1. Đánh giá của công nhân về các giải pháp can thiệp

Hộp 3.2. Đánh giá của lãnh đạo về các giải pháp can thiệp

IV. BÀN LUẬN

Kiến thức dự phòng bệnh của công nhân luôn có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người lao động (Bảng 3.1).

Đeo khẩu trang thường xuyên khi làm việc là quy định bắt buộc đối với công nhân lao động trực tiếp trong điều kiện ô nhiễm bụi [1]. Bởi khẩu trang có ưu điểm ngăn được khá nhiều bụi, hơi khí độc sinh ra trong điều kiện lao động đặc thù. Kết quả nghiên cứu tại bảng 3.2 cho thấy can thiệp thực hành sử dụng khẩu trang đúng quy chuẩn của công nhân sau can thiệp đạt hiệu quả cao với 168,03%.

Trước đây công nhân không xúc họng, rửa mũi sau khi lao động, sau can thiệp tỷ lệ này là 100%. Như vậy kết quả dự phòng bệnh tật đã được cải thiện là hợp lý. Hiệu quả can thiệp đối với bệnh viêm mũi xoang cấp tính là rất rõ rệt. Bảng 3.3 cho thấy sau can thiệp, tỷ lệ mắc các bệnh viêm mũi cấp tính từ 20,27% giảm xuống còn 8,11% (CSHQ = 59,99%). Các bệnh viêm mũi cấp tính ở nhóm chứng không những không giảm mà lại tăng (CSHQ = – 242,69%). Hiệu quả can thiệp đạt 302,68%.

Hiệu quả can thiệp giảm đợt cấp của bệnh viêm mũi xoang rất rõ rệt với 170,3% (Bảng 3.4). Nhiều nhà nghiên cứu đã khuyến cáo: mũi xoang là phần trên của đường hô hấp, đảm nhận chức năng bảo vệ đường hô hấp dưới nên hiệu quả can thiệp tốt ở mũi xoang sẽ hạn chế được các bệnh lý liên quan.

Kết quả thu được tại Bảng 3.5 cho thấy hiệu quả can thiệp giảm tỷ lệ bệnh viêm họng cấp tính là rõ rệt với 110,34%. Như vậy với các giải pháp can thiệp của chúng tôi đạt hiệu quả cao ở nhóm các bệnh mũi họng cấp tính và giảm tỷ lệ xuất hiện các đợt cấp tính cũng như giảm được tỷ lệ mắc mới bệnh mũi họng cấp tính, hạn chế được tỷ lệ mắc bệnh mũi họng mạn tính mới.

Kết quả nghiên cứu tại bảng 3.6 cho thấy hiệu quả can thiệp đến tỷ lệ xuất hiện đợt cấp của bệnh viêm phế quản chưa cao (13,38%). Số xuất hiện đợt cấp ở nhóm can thiệp không thay đổi. Tuy nhiên ở nhóm đối chứng tỷ lệ đợt cấp không những không giảm mà tăng lên (CSHQ = – 13,38%).

V. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

5.1. Kết luận

– Hiệu quả can thiệp đã cải thiện kiến thức, thực hành về dự phòng bệnh nghề nghiệp của công nhân: HQCT kiến thức (118,82%), HQCT thực hành (381,40%).

– Hiệu quả can thiệp làm tăng tỷ lệ sử dụng khẩu trang đạt chuẩn của công nhân, đạt 168,03%.

– Tỷ lệ một số bệnh đã giảm thiểu, hiệu quả can thiệp đạt khá cao: viêm mũi cấp tính (302,68%); Viêm mũi mạn tính (14,94%); Tỷ lệ xuất hiện đợt cấp (170,3%);

– Khả năng duy trì và nhân rộng mô hình các giải pháp can thiệp được khẳng định, công nhân và lãnh đạo mỏ than Phấn Mễ tham gia, hưởng ứng nhiệt tình.

5.1. Khuyến nghị

 – Tiếp tục duy trì và nhân rộng các giải pháp can thiệp tại mỏ than Phấn Mễ và các mỏ than khác trên địa bàn.

– Khám phát hiện sớm và điều trị kịp thời đối với các trường hợp mắc bệnh kết hợp với công tác kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế (2016), Hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp, Thông tư Số 28/2016/TT-BYT, Hà Nội.
  2. Trần Danh Phượng (2016), Thực trạng an toàn vệ sinh lao động, bệnh liên quan, bệnh nghề nghiệp trong sản xuất gạch Tuynel tại Bắc Ninh và hiệu quả một số giải pháp can thiệp, Luận án Tiến sĩ Y học, Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên.
  3. Bhattacherjee A, Kunar B.M, and Baumann M (2013), “The role of occupational activities and work environment in occupational injury and interplay of personal factors in various age groups among Indian and French coal miners”, Int J Occup Med Environ Health, 26 (6), pp. 910 – 929.
  4. Eric Weston, Mahiyar F.N, and Jonisha P.P (2016), “Identification of Work-Related Musculoskeletal Disorders in Mining”, J Saf Health Environ Res, 12 (1), pp. 274 – 283.
  5. Shen F, Yuan J, Sun Z, et al. (2013), “Risk identification and prediction of coal workers’ pneumoconiosis in Kailuan Colliery Group in China: a historical cohort study”, PLoS One, 8 (12), pp. e82181.
  6. Wysokinski M, Fidecki W, Bernat-Kotowska S, et al (2015), “Health behaviour of miners”, Med Pr, 66 (6), pp. 753 – 761.
  7. Zosky G.R, Hoy R.F, Silverstone E.J, et al. (2016), “Coal workers’ pneumoconiosis: an Australian perspective”, Med J Aust, 204 (11), pp. 414 – 418.

TS Lê Thị Thanh Hoa, GS.TS Đỗ Hàm

Trường  Đại học Y Dược Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm: Lê Thị Thanh Hoa/ Email:linhtrang249@gmail.com


(Nguồn tin: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động, số 3/2018)