Đánh giá ảnh hưởng của nhóm dung mỗi hữu cơ benzen, toluen, xylen ở nồng độ thấp đến một số chỉ số huyết học của NLĐ tại một số cơ sở sản xuất sơn

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:47(GMT +7)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Dung môi hữu cơ là hỗn hợp hóa học phức tạp có chứa nhiều loại hydrocarbon khác nhau như alkan, rượu, xeton, andehit, este và các phân tử thơm nhỏ, bay hơi và tích hợp vào môi trường không khí tạo thành các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs). Đối với ngành sản xuất sơn, da giày, in… sử dụng dung môi hữu cơ có chứa toluen với tỉ lệ cao, bên cạnh đó là xylen và benzen. Mặc dù benzen đã được hạn chế nhiều và thay thế bằng chất ít độc hơn là toluen nhưng trong toluen thường chứa một lượng benzen nhất định. Chính vì thế mà người lao động (NLĐ) phải tiếp xúc với nhiều chất khác nhau. Đối với công nhân sản xuất sơn phổ biến nhất là tiếp xúc với nhóm BTX.

Ở Việt Nam, ảnh hưởng của nhóm benzen, toluen, xylen (nhóm BTX) đến sức khỏe của NLĐ đã được nghiên cứu nhiều cho thấy dung môi hữu cơ ảnh hưởng đến sức nghe, chức năng hô hấp, gây thiếu máu ở người lao động[3,6].Tuy nhiên ảnh hưởng của nhóm BTX ngay ở tiêu chuẩn cho phép(TCCP) nhưng tiếp xúc trong thời gian dài thì chưa thật sự được quan tâm.Do vậy, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu “Đánh giá ảnh hưởng của  nhóm BTX ở nồng độ thấp đến một số chỉ số huyết học của NLĐ tại một số cơ sở sản xuất sơn”. Nghiên cứu thực hiện 2 mục tiêu:

1. Xác định mức nồng độ VOCs nhóm BTX trong môi trường lao động tại một số cơ sở sản xuất sơn.

 2. Đánh giá mức độ thiếu máu về 3 chỉ số huyết học (bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu) của NLĐ tiếp xúc với nhóm BTX tại một số cơ sở sản xuất sơn.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

– Người lao động: Trong đó có nhóm tiếp xúc và nhóm so sánh (nhóm không tiếp xúc).

– Quy trình công nghệ: Khảo sát toàn bộ quy trình công nghệ.

– Môi trường lao động: Lấy mẫu nhóm BT X trong môi trường sản xuất.

Tại một số cơ sở sản xuất sơn trên địa bàn Hà Nội

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Thiết kế nghiên cứu: Theo phương pháp mô tả cắt ngang có so sánh.

2.2.2. Cỡ mẫu và kỹ thuật chọn mẫu:

* Đối tượng lấy máu xét nghiệm

– Nhóm tiếp xúc: Cỡ mẫu được tính theo công thức ước lượng cho một tỷ lệ (cỡ quần thể không xác định) 

Trong đó n: cỡ mẫu; p: 10,9% là tỷ lệ thiếu máu của NLĐ có tiếp xúc với dung môi hữu cơ ở nồng độ thấp – dưới tiêu chuẩn cho phép theo nghiên cứu củaS. Wilbur[1]

               d: sai số mong uốn so với p, lấy theo giá trị0.05 (5%)

               Z: Là giá trị tương ứng với mức ý nghĩa thống kê mong muốn thường lấy Z =1,96

Để tăng độ chính xác chúng tôi lấy tăng cỡ mẫu thêm 10% n. Tổng số mẫu nhóm tiếp xúc khoảng 165 người.

– Nhóm không tiếp xúc: là công nhân công ty may có tuổi nghề từ 3 năm trở lên, làm việc trong môi trường không sử dụng dung mỗi hữu cơ. Số lượng xấp xỉ ½ nhóm tiếp xúc là 85 người.

* Tiêu chuẩn chọn đối tượng nghiên cứu

Tiêu chí chọn mẫu nghiên cứu

* Mẫu môi trường: đánh giá được nồng độ toluen, benzen, xylen trong môi trường lao động nhóm nghiên cứu tiến hành đo tại cơ sở sản xuất.

– Xác định cỡ mẫu môi trường nhóm (BTX) theo thường quy kỹ thuật sức khỏe nghề nghiệp và môi trường 2015 (Tập 2).

–  Số lượng mẫu là 15 mẫu, mỗi mẫu gồm có 3 chỉ tiêu benzen, toluen, xylen.

2.2.3. Biến số/chỉ số nghiên cứu

2.3. Công cụ và kỹ thuật thu thập thông tin

Đo môi trường

Kỹ thuật lấy mẫu được thực hiện theo thường quy kỹ thuật sức khỏe nghề nghiệp và môi trường 2015 cụ thể như sau:

Nhóm BTX trong môi trường được hấp thu vào ống than bằng bơm bút mẫu Sibata của Nhật với tốc độ hút 0,2ml/phút.

Thời gian đo: Đo trong ca làm việc, thời gian lấy mẫu:1 tiếng.

Chỉ tiêu lấy mẫu: nồng độ toluen benzen, xylentrong môi trường lao động.

Thiết bị lấy mẫu trong không khí: Bơm lấy mẫu các nhân Sibata của Nhật 

Thiết bị phân tích: GC/MS ngưỡng phát hiện ppb, sai số ± 10%.

Phương pháp phân tích: Sắc ký khí – theo phương pháp 8015 NIOSH Mỹ.

Phân tích chỉ số huyết học

Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu bằng máy Sysmex 24 chỉ số.

Tiêu chuẩn đánh giá

Đánh giá nồng độ B,T,X trong môi trường theo tiêu chuẩn 3733/2002 Bộ y tế.

– Đánh giá thiếu máu theo tiêu chuẩn của OSHA: Số lượng tế bào hồng cầu; bạch cầu và tiểu cầu

– Tình trạng thiếu máu theo tiêu chuẩn Việt Nam (Thông tư số 15/2016/TT-BYT của Bộ Y tế: Quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội)

Giới hạn cho phép của các tế bào máu

GHCP-Giới hạn cho phép; Hồng cầu: Nam: 4-5,9T/, Nữ: 4-5,4T/L; Bạch cầu: 4-10G/L (cả Nam và Nữ); Tiểu cầu: 150-450G/L (cả Nam và Nữ); T/L: 1012 tế bào hồng cầu/Lít máu; G/L: 109 tế bào/Lít máu;

Lấy mẫu, bảo quản mẫu

Lấy mẫu máu: lấy 2ml máu tĩnh mạch cho vào ống đủ tiểu chuẩn có chứa chất chống đông EDTA. Mẫu được phân tích ngay sau khi đưa về phòng thí nghiệm. Theo hướng dẫn của cục an toàn vệ sinh lao động Mỹ – Mẫu máu xét nghiệm: lấy máu tĩnh mạch có sử dụng chất chống EDTA sau đó phân tích càng sớm càng tốt, ở nhiệt độ phòng không được để quá 12h. Bảo quản ngăn mát tủ lạnh không nên để quá 48h sẽ ảnh hưởng đến kết quả phân tích.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Quy trình công nghệ sản xuất sơn gây yếu tố phát thải benzen, toluen, xylen tại cơ sở sản xuất.

Hình 1: Sơ đồ tóm tắt các công đoạn tại các phân xưởng sơn

Nhận xét: Các phân xưởng đều có các công đoạn sản xuất như sơ đồ trên. Theo quan sát của đề tài, trong khi các máy khuấy đang hoạt động, đa số các thùng không được công nhân đậy nắp, làm cho bề mặt bốc hơi dung môi hữu cơ nhiều, các dung môi hữu cơ đã phát tán trong xưởng sản xuất.

3.2. Kết quả khảo sát môi trường lao động

Kết quả khảo sát nhóm BTX tại cơ sở sản xuất thu được như sau:

TCCP-Tiêu chuẩn cho phép

Theo kết quả bảng trên cho thấy: nồng độ các dung môi nhóm BTX tại cơ sở sản xuất đều thấp hơn so với tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam (<300 mg/m3 đối với T, X và <15 mg/m3 đối với B)

3.3.  Đặc điểm tuổi đời, tuổi nghề của đối tượng nghiên cứu

Kết quả ở bảng 2 trên cho thấy nhìn chung, tuổi đời và tuổi nghề của nhóm tiếp xúc và nhóm không tiếp xúc là tương đương nhau với sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Nhóm tiếp xúc có tuổi đời trung bình là 39,02±8,69 gần tương đương với tuổi đời trung bình của nhóm không tiếp xúc 38,08±8,1. Tuổi nghề trung bình của cả 2 nhóm xấp xỉ 15 năm. Với đối tượng nhóm tiếp xúc và nhóm không tiếp xúc có tuổi đời và tuổi nghề tương đương nhau là đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu so sánh có tính chất mẫu đồng nhất.

3.4. Thực trạng thiếu máu về mức độ giảm tế bào máu của các đối tượng nghiên cứu

Qua bảng trên cho thấy sự giảm từng dòng tế bào trên tổng số đối tượng nghiên cứu cả nam và nữ giữa 2 nhóm nghiên cứu là có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê đối với tế bào bạch cầu (p < 0,05), nhóm tiếp xúc có nguy cơ suy giảm dòng tế bào bạch cầu cao gấp 6,18 lần so với nhóm không tiếp xúc.

Kết quả bảng trên cho thấy: Thời gian tiếp xúc của NLĐ có tuổi nghề dưới 10 năm phát hiện 3/65(4,61%)đối tượng nhóm tiếpxúcgiảm 1 trong 3 dòng tế bào máu; không có đối tượng nào ở nhóm không tiếp xúc, nhưng sự khác biệt này chưa có ý nghĩa thống kê. Nhóm có tuổi nghề từ 11-20 năm bị giảm 1 trong 3 dòng tế bào ở nhóm tiếp xúc cao hơn nhóm không tiếp xúc 4,15 lần. Nhóm có tuổi nghề từ 21- 30 năm bị giảm 1trong 3 dòng tế bào ở nhóm tiếp xúc cao hơn nhóm không tiếp xúc 1,8 lần nhưng sự khác biệt này chưa có ý nghĩa thống kê. Nhóm có tuổi nghề trên 30 năm ở nhóm tiếp xúc có tỷ lệ đối tượng suy giảm 1 trong ba dòng tế bào 5/22(22,72%) trong khi nhóm so sánh không có đối tượng nào.

Kết quả ở bảng trên cho thấy:Nhìn chung ở các nhóm tuổi đời khác nhau thì sự khác biệt về số lượng đối tượng bị giảm một trong 3 dòng tế bào máu chưa có ý nghĩa thống kê.Tuy nhiên, nhóm có tuổi đời từ 31- 40 tuổi có sự giảm một trong 3 dòng tế bào cao hơn nhóm không tiếp xúc 1,73 lần. Nhóm có tuổi đời từ 41 – 50 tuổi có nguy cơ suy giảm 1 trong ba dòng tế bào cao hơn nhóm không tiếp xúc 2,18 lần. Nhóm có tuổi đời trên 50 tuổi, ở nhóm không tiếp xúc không có trường hợp nào bị thiếu máu do suy giảm một trong ba dòng tế bào, tuy nhiên ở nhóm tiếp xúc có tới 5/31(16,12%) bị giảm một trong ba dòng tế bào máu.

Từ kết quả phân tích này cho thấy thời gian tiếp xúc với BTX lâu, tuổi đời cao thì có ảnh hưởng giảm số lượng tế bào máu rõ rệt hơn nhóm có tuổi nghề hoặc tuổi đời thấp hơn. 

Kết quả nghiên cứu ở bảng trên cho thấy chưa có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về số lượng đối tượng suy giảm một trong 3 dòng tế bào máu ở nhóm tiếp xúc so với nhóm không tiếp xúc (p>0,05). Nhưng nhóm tiếp xúc bị giảm 1 trong ba dòng tế bào – thiếu máu cao hơn nhóm không tiếp xúc 2,76 lần. 

Qua bảng trên cho thấy: số trường hợp giảm 1 trong 3 dòng tế bào ở nhóm tiếp xúc cao hơn nhóm không tiếp xúc 3,69 lần, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

IV. BÀN LUẬN

Theo kết khảo sát môi trường tại các cơ sở sản xuất của đối tượng nghiên cứu cho thấy: Nồng độ các dung môi nhóm BTX tại cơ sở sản xuất đều thấp hơn so với tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam (<300 mg/m3 đối với T, X và <15 mg/m3 đối với B). Như vậy toàn bộ NLĐ có tiếp xúc với B, T, X tại 3 cơ sở sản xuất sơn có tuổi nghề từ 3 năm trở lên, khỏe mạnh, đồng ý tham gia nghiên cứu thì đều có thể chọn làm đối tượng nghiên cứu cho đề tài. Kết quả khảo sát này cho thấy trong các cơ sở, các vị trí được khảo sát thì kết quả thu được với các nồng độ khác nhau. Tuy nhiên, các giá trị thu được vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Việt Nam và có phần thấp hơn kết quả của một số nghiên cứu đi trước[3], nghiên cứu của Hoàng Minh Hiền (2003) vẫn tại cơ sở sản xuất sơn đó – nồng độ toluen có điểm vượt tiêu chuẩn cho phép gần gấp đôi. Qua kết quả cho thấy điều kiện làm việc của công nhân tại cơ sở sản xuất sơn đã được cải thiện hơn trước đây.

Nồng độ trung bình của B, T, X hoặc kết quả từng điểm đo đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam. Tuy nhiên nêu xét theo tiêu chuẩn của (ACGIH – Mỹ: nồng độ benzen cho phép < 8 mg/m3)[4] thì nồng độ benzen tại 2 điểm đã vượt tiêu chuẩn cho phép, khoảng gá trị thu được của benzen tại cơ sở sản xuất là (0,05-11,2)mg/m3. Điều này cho thấy nếu xét theo tiêu chuẩn của ACGIH – Mỹ thì người lao động tại một số vị trí đang phải tiếp xúc với nồng độ benzen vượt tiêu chuẩn cho phép.

Tình trạng thiếu máu – giảm một trong 3 dòng tế bào máu – một dấu hiệu đặc trưng về ảnh hưởng mạn tính của nhóm BTX đến NLĐ người có tiếp xúc nghề nghiệp.Theo cục An toàn vệ sinh lao động Hoa Kỳ (OSHA) thì một số bất thường có ý nghĩa rất lớn trong công nhân có tiếp xúc với dung môi hữu cơ là giảm số lượng tiểu cầu hoặc xu hướng giảm số lượng 2 trong 3 dòng hoặc giảm số lượng cả 3 dòng tế bào máu[5]. Tiếp xúc với dung môi hữu cơ gây hiện tượng thiếu máu, giảm số lượng các dòng tế bào máu. Ảnh hưởng này đã được chứng minh từ khá lâu và xuất hiện ở công nhân có tiếp xúc nghề nghiệp kể cả ở nồng độ thấp. Với đặc điểm giảm số lượng các dòng tế bào máu được giải thích do ức chế tủy xương, tủy xương không sản sinh tế bảo máu[6]. Đặc điểm này giúp phân biệt giảm số lượng tế bào máu với một số bệnh khác như giảm tiểu cầu vô căn, giảm hồng cầu trong thiếu máu, giảm bạch cầu riêng lẻ nhưng không do tiếp xúc với dung môi hữu cơ.

Qua kết quả nghiên cứu đề tài của chúng tôi nhận thấy về tình trạng thiếu máu – giảm một trong 3 dòng tế bào máu của nhóm tiếp xúc với BTX như sau:

         – Tại bảng 7 kết quả xét nghiệm công thức máu trên tổng số đối tượng nghiên cứu cho thấy: nhóm tiếp xúc có tỷ lệ trường hợp thiếu máu (số lượt giảm 1 trong 3 dòng tế bào máu – có 21 đối tượng giảm thì có 27 lượt giảm tế dòng tế bào vì có 6 người đồng thời giảm cả bạch cầu và tiểu cầu) là 15,42% cao hơn nhóm không tiếp xúc (4,7%), có sự thiếu máu giảm 3 loại tế bào máu cao hơn nhóm không tiếp xúc 2,76 lần, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

Trong 21 đối tượng có 6 đối tượng vừa giảm bạch cầu, vừa giảm tiểu cầu. Kiểm tra lại một số kết quả liên quan đề tài thấy trong 6 đối tượng này có 3 đối tượng có tuổi nghề thuộc nhóm có tuổi nghề từ 3 đến 10 năm, tuổi đời từ nhóm 20-30 năm; 1 đối tượng có tuổi nghề thuộc nhóm từ 11 đến 20 năm, tuổi đời từ nhóm 31- 40 năm và có 2 đối tượng có tuổi nghề trên 20 năm, tuổi đời trên 40 năm. Tất cả các đối tượng này đều là công nhân nam, cóvị trí làm việc tản mát trong các công đoạn khác nhau của phân xưởng. Kết quả trên cho thấy chưa thấy mối liên quan của những đối tượng suy giảm đồng thời 2 dòng tế bào bạch cầu và tiểu cầu với tuổi đời hay tuổi nghề. Tuy nhiên, đề tài suy đoán rằng sự suy giảm đồng thời 2 dòng tế bào chỉ quan sát thấy ở công nhân nam, có thể do công nhân nam chủ yếu làm công việc nặng nhọc hơn, phần lớn là không sử dụng bảo hộ lao động, nhiều công nhân nam đã dùng tay trần tiếp xúc với dung môi có BTX trong quá trình làm việc nên có thể đã chịu ảnh hưởng nhiều hơn.

Từ kết quả thu được chúng tôi cho rằng sự khác biệt này có thể do nhóm TBX trong môi trường lao động của nhóm tiếp xúc gây nên. Mặc dù tiếp xúc ở nồng độ thấp, nằm trong tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam, nhưng khi tiếp xúc trong một thời gian dài, liên tục nó đã gây những ảnh hưởng đến sức khỏe cho NLĐ. Trong trường hợp này là ảnh hưởng mạn tính, biểu hiện qua sự suy giảm một trong 3 dòng tế bào máu. Bên cạnh đó đề tài cũng nhận định rằng: có thể giới hạn về nồng độ benzen trong mỗi trường của Việt Nam cao gần gấp 2 lần của Mỹ đã phần nào ảnh hưởng đến tình trạng thiếu máu của người lao động. Bộ y tế cần nghiên cứu,xem xét, để có giới hạn nồng độ benzen trong môi trường lao động phù hợp, có tác dụng bảo vệ người lao động tốt hơn.

        – Kết quả của đề tài phát hiện có tỷ lệ giảm hồng cầu 2,29%; giảm huyết sắc tố là 6,29%; giảm bạch cầu 6,86%; có biến đổi bạch cầu là 15/175(8,57%). Kết quả này thấp hơn so với kết quả của TS. Hoàng Thị Minh Hiền[3] đã nghiên cứu trên đối tượng cũng tiếp xúc với dung môi hữu cơ với các tỷ lệ tương ứng là: 7% giảm hồng cầu; 17,7% giảm tiểu cầu; 15,8% có biến đổi bạch cầu. Tác giả Lê Trung cho thấy trong 37 đối tượng được nghiên cứu có 1/37(2,7%) đối tượng giảm hồng cầu, 1/37 đối tượng giảm bạch cầu và 2/37(5,87%) đối tưởng giảm huyết sắc tố[7]. Tỷ lệ trong nghiên cứu của tác giả Lê Trung thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của đề tài. Tuy nhiên số lượng đối tượng nghiên cứu của tác giả tương đối thấp (37 người). Từ việc so sánh với kết quả của một số nghiên cứu đi trước, chúng tôi cho rằng có sự khác biệt như vậy có thể do điều kiện môi trường của đề tài tại thời điểm nghiên cứu đã được cải thiện nhiều so với thời điểm một số tác giả trước nghiên cứu. Cụ thể như việc giảm nồng độ toluen trong môi trường như đã trình bày phần đánh giá kết quả khảo sát nhóm BTX. Nên tình hình sức khỏe có vẻ được cải thiện hơn cụ thể như ảnh hưởng đến sự biến đổi một số chỉ số của huyết học ở trên.

     – Kết quả nghiên cứu của đề tài phù hợp với kết quả nghiên cứu của một số nghiên cứu trên thế giới đã được công bố về tỷ lệ thiếu máu do giảm 1 trong 3 dòng tế bào của đề tài là tương đối cao. Theo thống kế của S. WilburNLĐ tiếp xúc với benzen ở nồng độ < 1ppm thì tỷ lệ thiếu máu trung bình là 10,9% và tiếp xúc với benzen ở nồng độ>10ppm tỷ lệ thiếu máu giao động ở các nhóm khảo sát từ 15-36%[1], trong khi tỷ lệ thiếu máu của đề tài là 15,43%. Như vậy, từ tỷ lệ thiếu máu của đề tài cho thấy rất có thể đối tượng nghiên cứu đang phải tiếp xúc với nồng độ của benzen trong môi trường làm việc tương đối cao ≈ 10ppm. Đây là mức tiếp xúc cao hơn tiêu chuẩn cho phép rất nhiều. Tuy nhiên, kết quả khảo sát môi trường cho thấy nồng độ nhóm BTX trong môi trường nằm trong tiêu chuẩn cho phép, điều này khiến chúng tôi đặt ra giả thiết: có thể đối tượng nghiên cứu của đề tài mặc dù tiếp xúc với nồng độ benzen trong môi trường lao động thấp hơn nhưng có tuổi nghề cao hơn, tiếp xúc lâu hơn, nên cũng dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng như tiếp xúc với dung môi ở nồng độ cao như nghiên cứu của tác giả S. Wilbur ở trên. Tương tự, kết quả nghiên cứu của C R Lee, C I Ryu và công sự cho thấy có hiện tượng thiếu máu nhẹ, hồng cầu to ở nhóm tiếp xúc trong khi nhóm đối chứng hoàn toàn bình thường[8]. Tác giả L H García và cộng sự cho biết khi đánh giá các tế bào máu ở nhóm công nhân thường xuyên tiếp xúc với hỗn hợp dung môi hữu cơ bao gồm benzen, toluen và xylen ở nhà máy sơn ở Mexico đã nhận thấy: tỉ lệ bất thường các hồng cầu lớn trong máu ngoại vi cao hơn so với nhóm không tiếp xúc, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê[9].Các nghiên cứu của Qu và cộng sự. (2002)[10] quan sát thấy giảm tế bào hồng cầu và bạch cầu, đặc biệt là bạch cầu trung tính ở công nhân Trung Quốc tiếp xúc với benzen. Lan và cộng sự (2004)[11]cũng tìm thấy giảm ở hầu hết các tế bào máu ở một số công nhân có tiếp xúc nghề nghiệp với dung môi hữu cơ, trong đó nổi bật là ảnh hưởng của benzen vào các phân nhóm tế bào máu. Kết quả thể hiện như một bằng chứng mạnh mẽ về đặc tính gây độc cho tế bào tiền thân của tế bào tủy xương[12].Trong nghiên cứu về tình trạng thiếu máu khi tiếp xúc với dung môi hữu cơ của Rothman và cộng sự ở Trung Quốc năm 1992. Kết quả cho thấy trung bình số lượng tế bào hồng cầu và MCV giảm so với nhóm so sánh có ý nghĩa thống kê với p<0,05; trung bình số lượng tế bào bạch cầu (6×103),số lượng tiểu cầu (127×103) giảm có ý nghĩa thống kê với p<0,01[13].Kết qủa nghiên cứu này tương đồng với kết quả nghiên cứu của đề tài, trung bình số lượng 3 dòng tế bào của nhóm tiếp xúc có giảm hơn so với nhóm không tiếp xúc. Điều này cho thấy có thể NLĐ đã chịu ảnh hưởng của dung môi hữu cơ trong môi trường lao động dẫn đến sự khác biệt về số lượng một trong 3 dòng tế bào máu ở 2 nhóm tiếp xúc và không tiếp xúc.

       – Đánh giá theo tuổi đời, tuổi nghề: Kết quả phân tích sự giảm 1 trong 3 dòng tế bào máu theo tuổi nghề cũng cho kết quả phù hợp với nhận định rằng: Tuy tiếp xúc với nồng độ dung môi nhóm BTX ở nồng độ thấp hơn tiêu chuẩn cho phép nhưng tiếp xúc liên tục và lâu dài (tuổi nghề >10 năm) có nguy cơ thiếu máu cao hơn nhóm có tuổi nghề dưới 10 năm. Bên cạnh đó, đề tài cũng nhận thấy nhóm có tuổi đời trên 30 tuổi có nguy cơ thiếu máu cao hơn nhóm có tuổi đời dưới 30 tuổi.

Từ kết quả phân tích về sự suy giảm 1 trong ba dòng tế bào máu, đánh giá nguy cơ thiếu máu ở trên đề tài nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống giữa nhóm tiếp xúc và nhóm không tiếp xúc. Đối với nhómcó tuổi nghề cao (trên 10 năm) có nguy cơ thiếu máu cao hơn so với nhóm có tuổi nghề thấp hơn. Điều đó cho thấy có mối liên quan mật thiết giữa ảnh hưởng mạn tính của dung môi hữu cơ ở nồng độ thấp – dưới tiêu chuẩn cho phép đến sự suy giảm 1 trong 3 dòng tế bào máu – dấu hiệu đặc trưng của ảnh hưởng mạn tính đối với NLĐ có tiếp xúc nghề nghiệp trong thời gian dài.

KẾT LUẬN

1. Nồng độ VOCs nhóm benzen, toluen, xylen trong môi trường lao động của 3 đơn vị sản xuất sơnở Hà Nội đều ở mức dưới giới hạn tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam: nồng độ benzen là 3,23± 3,89(mg/m3); nồng độ toluen 37,67± 52,21(mg/m3); nồng độ xylen 62,96± 60,6(mg/m3);

2. Nhóm đối tượng nghiên cứu tiếp xúc với VOCs benzen, toluen, xylen ở nồng độ thấp dưới giới hạn TCCP có sự thiếu máu về giảm 3 loại tế bào máu như:giảm từng dòng tế bào trên tổng số đối tượng nghiên cứu, nhưng sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê so với nhóm đối tượng không tiếp xúc; giảm loại tế bào bạch cầu ở nhóm tiếp xúc cao hơn 6,18 lần so với nhóm không tiếp xúc, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05); Còn giảm 2 loại tế bào hồng cầu và tiểu cầu chưa phát hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

 Phân tích theo tuổi nghề ở nhóm tiếp xúc có tuổi nghề trên 10 năm có sự thiếu máu giảm một trong 3 loại tế bào máu cao hơn nhóm không tiếp xúc từ 1,83 – 4,15 lần; theo tuổi đời ở nhóm tiếp xúc có tuổi nghề trên 30 năm có sự thiếu máu giảm 3 loại tế bào máu cao hơn nhóm không tiếp xúc từ 1,73 – 2,18 lần. Tuy nhiên phân tích theo tuổi đời hoặc tuổi nghề sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Nhóm tiếp xúc có tỷ lệ trường hợp thiếu máulà 15,42% cao hơn nhóm không tiếp xúc (4,7%), có sự thiếu máu giảm 3 loại tế bào máu cao hơn nhóm không tiếp xúc 2,76 lần, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

KIẾN NGHỊ

– Các cơ sở sản xuất sơn ngoài việc giám sát môi trường theo định kỳ cần sử dụng các chỉ số giám sát sinh học khi khám bệnh nghề nghiệp để bảo vệ người lao động được tốt hơn.

– Bộ y tế cần nghiên cứu và xem xét để đưa ra giới hạn nồng độ benzentrong môi trường phù hợp hơn để đảm bảo sức khỏe cho người lao động có thể làm việc trong thời gian dài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]     Sharon B Wilbur, Sam Keith, Obaid Faroon et al. (2007), “Toxicological profile for benzene”.

[2]     Bộ y tế. (2002), “Quyết định của Bộ trưởng Bộ y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động”.

[3]     Hoàng Minh Hiền, “Thực trạng sức nghe của công nhân tiếp xúc với dung môi hữu cơ ở một số cơ sở sản xuất,” Báo cáo Hội nghị Y học lao động toàn quốc2003.

[4]     American Conference of Governmental Industrial hygienists (2018), “Guide to occupational exposure values,” ed.

[5]     W. J. Seow, A. C. Pesatori, E. Dimont et al. (2012), “Urinary benzene biomarkers and DNA methylation in Bulgarian petrochemical workers: study findings and comparison of linear and beta regression models”, PLoS One, vol. 7, no. 12, p. e50471.

[6]     Đinh Thị Phương Hoa, “Tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu và hiệu quả bổ sung sắt hàng tuần ở phụ nữ 20-35 tuổi tại huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang ” 2013.

[7]     Lê Trung và cộng sự. “Khả năng nhiễm độc benzene do sử dụng Môn-chlorobenzen ở nhà máy văn phongd phẩm Hồng Hà. Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học. Viện YHLĐ và VSMT (1984-1994)”.

[8]     Choong Ryeol Lee and Cheol In Ryu. (1998), “Type of Anemia Due to Organic Solvents”, Korean Journal of Occupational and Environmental Medicine, vol. 10, no. 2, pp. 180-188.

[9]     L Haro-García, N Vélez-Zamora, G Aguilar-Madrid et al. (2012), “Blood disorders among workers exposed to a mixture of benzene-toluene-xylene (BTX) in a paint factory”, Revista peruana de medicina experimental y salud publica, vol. 29, no. 2, pp. 181-187.

[10]   Qingshan Qu, Roy Shore, Guilan Li et al. (2002), “Hematological changes among Chinese workers with a broad range of benzene exposures”, American journal of industrial medicine, vol. 42, no. 4, pp. 275-285.

[11]   Qing Lan, Luoping Zhang, Guilan Li et al. (2004), “Hematotoxicity in workers exposed to low levels of benzene”, Science, vol. 306, no. 5702, pp. 1774-1776.

[12]   Simone Mitri, Antônio Sérgio Almeida Fonseca, Ubirani Barros Otero et al. (2015), “Metabolic polymorphisms and clinical findings related to benzene poisoning detected in exposed Brazilian gas-station workers”, International journal of environmental research and public health, vol. 12, no. 7, pp. 8434-8447.

[13]   Nathaniel Rothman, Gui-Lin Li, Mustafa Dosemeci et al. (1996), “Hematotoxocity among Chinese workers heavily exposed to benzene”, American journal of industrial medicine, vol. 29, no. 3, pp. 236-246.

Nguyễn Thị Hiền, Đỗ Thị Cẩm Nhung, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Lưu Phi Long, Long Thùy Dương

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)