Đánh giá căng thẳng nghề nghiệp bằng các chỉ tiêu tâm sinh lý cho nhân viên y tế tại một trung tâm phòng chống HIV/AIDS

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:46(GMT +7)

TÓM TẮT

Nghiên cứu được tiến hành  tại một trung tâm phòng chống HIV/AIDS trên 45 nhân viên y tế với tuổi đời trung bình là 36,2±9,1và thâm niên nghề 11,7±8,9 năm,  nhằm đánh giá điều kiện lao động và tìm hiểu căng thẳng nghề nghiệp bằng một số chỉ số tâm sinh lý (tần số nhịp tim, thời gian phản xạ thị vận động đơn giản, tần số nhấp nháy ánh sáng tới hạn (CFF) và test trí nhớ ngắn hạn) trước và sau ca lao động.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Căng thẳng nghề nghiệp là một trong những vấn đề cần được quan tâm ở nhân viên y tế. Tỷ lệ nhân viên y tế  có điểm stress ở mức cao là 22,2%; mức trung bình là 66,7% và mức thấp là 11,1%. Sau ca lao động có sự tăng tần số nhịp tim (83,0±2,8 nhịp/phút so với 79,0±3,6 nhịp/phút) (p<0,001); kéo dài thời gian phản xạ thị vận động (377±89ms so với 308±59ms) (p<0,001); giảm tần số nhấp nháy ánh sáng tới hạn (36,7±1,7Hz so với 33,3±5,5Hz) (p<0,001) – chứng tỏ sự mệt mỏi, căng thẳng thần kinh tâm lý ở nhân viên y tế có liên quan tới lao động. Không thấy sự thay đổi trí nhớ ngắn hạn ở nhân viên y tế.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Môi trường và điều kiện lao động của ngành y tế rất đa dạng và phức tạp, có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và tính mạng của nhân viên y tế (NVYT). NVYT phải tiếp xúc với các yếu tố độc hại về hóa, lý (khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm) và chịu sức ép nặng nề về tâm lý (khi phẫu thuật những trường hợp phức tạp, xử trí cấp cứu…)… Trên thực tế, đã có nhiều NVYT mắc các bệnh truyền nhiễm do bị lây nhiễm từ bệnh nhân, môi trường làm việc như: Viêm gan B, Viêm gan C, HIV…

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các NVYT có nguy cơ bị stress cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác. Nghiên cứu của Linn LS et al (1985) [6] và Agius RM et all (1996) [5] cho thấy có tới 25% các bác sĩ lâm sàng bị stress, trầm cảm, lo âu và kiệt sức. Những phát hiện của nghiên cứu của d’Ettorr G cho thấy rằng NVYT dường như phải chịu một mức độ căng thẳng nghề nghiệp chủ yếu là do các yếu tố điều kiện làm việc [9]. Theo  Romano M et al (2015) [8] một trong những nguyên nhân gây căng thẳng cao nhất là “khối lượng công việc”.

Ở nước ta đã có một số nghiên cứu về điều kiện lao động và stress nghề nghiệp ở nhân viên y tế. Tạ Tuyết Bình (2003) đã mô tả một số nét về điều kiện lao động của nhân viên y tế khoa xạ trị. Nguyễn Thu Hà và cs (2000) [1] nghiên cứu ở 31 nhân viên y tế của một khoa Hồi sức cấp cứu thuộc tuyến trung ương cho thấy 22,6% đối tượng có điểm stress ở mức cao; 41,9% ở mức trung bình  và 35,5% ở mức thấp.

Mục tiêu nghiên cứu:

Đánh giá sự biến đổi một số chỉ tiêu tâm sinh lý sau ca lao động của nhân viên y tế tại một trung tâm phòng chống HIV/AIDS.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu:  Gồm 45 nhân viên y tế tại một trung tâm phòng chống HIV/AIDS.

2.2. Phương pháp nghiên cứu: thiết kế theo phương pháp mô tả cắt ngang

2.2.1. Đánh giá điều kiện lao động của nhân viên y tế:

+ Quan sát, phân tích các đặc điểm điều kiện lao động đặc thù và tính chất công việc

– Điều tra bằng phiếu điều tra cá nhân

– Bấm thời gian lao động

2.2.2. Đánh giá stress nghề nghiệp bằng bảng câu hỏi tự đánh giá stress dành cho người Châu Á

2.2.3. Đo một số chỉ tiêu tâm sinh lý

– Thời gian phản xạ thị vận động đơn giản trước và sau lao động

– Tần số nhấp nháy ánh sáng tới hạn (CFF) trước và sau lao động

– Trí nhớ hình trước và sau lao động

– Tần số nhịp tim trước, trong và sau lao động

2.2.4. Các số liệu nghiên cứu được xử lý theo phương pháp thống kê y học và bằng chương trình phần mềm SPSS 16.0

3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Tổng số 45 NVYT với tuổi đời trung bình là 36,2±9,1 (21-56 tuổi) và thâm niên nghề 11,7±8,9 (1-33) năm đã tham gia nghiên cứu. 62,2% trong số NVYT là nữ và số NVYT nam là 37,8%.

3.1. Đặc điểm công việc, tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhân viên y tế chuyên ngành HIV tuyến tỉnh

Qua khảo sát đặc điểm công việc của các nhân viên y tế chuyên nghành HIV tuyến tỉnh có rất nhiều yếu tố không thuận lợi như: các yếu tố sinh học ( tiếp xúc với không khí, máu, chất thải và các chất tiết dịch cơ thể chứa virus HIV…), đặc biệt là các bệnh nhân nhiễm HIV kèm theo các bệnh truyền nhiễm (tỷ lệ lao trên bệnh nhân HIV khá cao có thời điểm 80%) … nên nguy cơ bị lây bệnh ở nhân viên y tế là rất cao. Trong khoảng 8 năm có 3 trường hợp mắc bệnh lao nghề nghiệp, 4 trường hợp phơi nhiễm HIV từ người bệnh.

Ngoài phơi nhiễm bệnh tật, nhân viên y tế còn phải chịu sức ép nặng nề về tâm lý. Áp lực tâm lý khi tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Căng thẳng thần kinh tâm lý do tiếp xúc các bệnh nhân nghiện ma túy, nguy cơ bị hành hung, lăng mạ….Các bệnh nhân tại đây đa số là nghiện ma túy nên khi tiếp xúc rất nguy hiểm. Nhân viên y tế còn chịu áp lực tâm lý rất lớn từ những người xung quanh vì làm việc có liên quan tới những bệnh nhân HIV. Ngoài ra, những bệnh nhân nằm tại đây đều là những bệnh nhân nặng, tâm lý đau khổ cũng ảnh hưởng đến các nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc. Yếu tố nghề nghiệp liên quan tới stress của nhân viên y tế: là các yếu tố không thuận lợi trong môi trường lao động, sự quá tải trong công việc, sự căng thẳng khi phải tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân theo Nguyễn Thu Hà [2].

Công việc vất vả, khó khăn không giống như bất kỳ một ngành nào khác nhưng chính sách lương và bồi dưỡng độc hại cho nhân viên y tế chưa thỏa đáng, đó cũng là một áp lực cho nhân viên y tế chuyên ngành HIV.

3.2. Điểm tự đánh giá stress

Kết quả nhân viên y tế có điểm stress ở mức trung bình  chiếm 66,7%, mức thấp chiếm 11,1% và mức cao chiếm 22,2%. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thu Hà [2] mức điểm stress ở nhân viên y tế: 8,4% có điểm ở mức cao; 33% có điểm mức trung bình, 58,6% có điểm mức thấp. Nghiên cứu của Pozos-Radillo [7] các bác sĩ nha khoa có stress mức cao chiếm 67,8%, mức trung bình chiếm 29,9% và mức thấp chiếm 2,3%.

3.3. Một số chỉ tiêu tâm sinh lý

Thời gian phản xạ thị vận động trung bình của nhân viên y tế sau ca làm việc tăng hơn so với trước làm việc có ý nghĩa thống kê (p<0,001).

Tần số nhấp nháy ánh sáng tới hạn trung bình của nhân viên y tế sau ca làm việc giảm hơn so với trước làm việc có ý nghĩa thống kê (p<0,001).

Kết quả nghiên cứu chưa thấy có sự khác biệt đáng kể về trí nhớ ngắn hạn sau ca làm việc so với trước làm việc của nhân viên y tế.

Tần số nhịp tim sau ca làm việc của nhân viên y tế cao hơn so với trước khi làm việc có ý nghĩa thống kê (p<0,001).

Biến đổi một số chỉ tiêu tâm sinh lý của nhân viên y tế tại một trung tâm phòng chống HIV/AIDS sau ca làm việc so với trước khi làm việc: Chỉ số thời gian phản xạ thị vận động đơn giản tăng, tần số nhấp nháy ánh sáng tới hạn giảm, trí nhớ ngắn hạn giảm, tần số nhịp tim tăng. Theo nghiên cứu của Đàm Thương Thương [4]: qua nghiên cứu 213 nhân viên y tế cho thấy 63,9% có thời gian phản xạ thị vận động ở mức thấp; 85,5% có tần số nhấp nháy tới hạn của mắt ở mức trung bình và thấp; thể hiện sự mệt mỏi và giảm tính linh hoạt của hệ thần kinh trung ương và các phản xạ chức năng giác quan vận động ở nhân viên y tế. Trong nghiên cứu của Nguyễn Thu Hà [3]: đánh giá trạng thái chức năng hệ tim mạch bằng chỉ số toán học nhịp tim cho thấy nhân viên y tế có mức căng thẳng cao, khả năng thích nghi kém với độ lệch chuẩn thấp (0,037±0,014); nghiên cứu chức năng hệ thần kinh trung ương cho thấy thới gian phản xạ thính-thị vận động của nhân viên y tế kéo dài ở mức trên trung bình (mức 3/7), tần số nhấp nháy tới hạn của mắt là 37±3,5 (mức 3/7), điểm trí nhớ hình trung bình là 3,5±1.

4. KẾT LUẬN

Điều kiện lao động của các nhân viên chuyên ngành phòng chống HIV/AIDS ngoài những đặc điểm chung của công tác khám chữa bệnh trong ngành y tế còn có nhiều yếu tố đặc thù riêng biệt: thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với các bệnh nhân nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS; nguy cơ cao lây nhiễm nhiều bệnh đặc biệt là lao,HIV… và phải chịu áp lực lớn từ sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội.  Tỷ lệ nhân viên y tế  có điểm stress ở mức cao là 22,2%; mức trung bình là 66,7% và mức thấp là 11,1%.

– Sau ca lao động ở nhân viên y tế có sự tăng tần số nhịp tim (83,0±2,8 nhịp/phút so với 79,0±3,6 nhịp/phút) (p<0,001); kéo dài thời gian phản xạ thị vận động (377±89ms so với 308±59ms) (p<0,001); giảm tần số nhấp nháy ánh sáng tới hạn (36,7±1,7Hz so với 33,3±5,5Hz) (p<0,001).  Không thấy sự thay đổi trí nhớ ngắn hạn ở nhân viên y tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Ngọc Ngà, Nguyễn Bích Diệp, Đặng Viết Lương, Trần Thanh Hà, Đặng Ngọc Tuấn (2000). Bước đầu tìm hiểm stress của các nhân viên y tế hồi sức cấp cứu. Tập san Y học lao động và Vệ sinh môi trường, số 15, 6/2000, trang 67-75.

2. Nguyễn Thu Hà, Tạ Tuyết Bình, Nguyễn Khắc Hải (2005). Điều tra stress nghề nghiệp ở nhân viên y tế. Hội nghị khoa học quốc tế y học lao động và vệ sinh môi trường lần thứ II. Hà Nội, 16-18/11/2005:209-214.

3. Nguyễn Thu Hà, Tạ Tuyết Bình, Trần Thanh Hà và cs (2005). Gánh nặng lao động của nhân viên y tế bệnh viện Bạch Mai. Hội nghị khoa học quốc tế y học lao động và vệ sinh môi trường lần thứ II. Hà Nội, 16-18/11/2005:215-221.

 4. Đàm Thương Thương, Tạ Tuyết Bình, Nguyễn Bích Diệp và cs (2005). Nghiên cứu một số chỉ tiêu tâm sinh lý của nhân viên y tế bệnh viện Phụ sản trung ương. Hội nghị khoa học quốc tế y học lao động và vệ sinh môi trường lần thứ II. Hà Nội, 16-18/11/2005: 275-282.

5. Agius RM, Blerkin H, Deary IJ, Zealley HE, Wood RA (1996). Survey of perceived stress and work demands of consultant physicians. Occup Environ Med 1996; 53: 217-224.

 6. Linn LS, Yager J, Cope D, Leake B (1985). Health status job statisfaction, job stress and life satisfaction among academic and clinical faculty. JAMA 1985; 254: 2775-2782.

7. Pozos-Radillo BE1, Preciado-Serrano ML, Acosta-Fernandez M .et al (2016). Predictive psychophysiological stress symptoms in dentists. Rev Med Inst Mex Seguro Soc. 2016 Mar-Apr;54(2):151-8. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/26960041.

8. Romano M, Fetini F, Bronner L (2015). [Cross-sectional study on the determinants of work stress for nurses and intention of leaving the profession]. Prof Inferm 2015 Oct-Dec;68(4):203-10. doi: 10.7429/pi.2015.684203. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/26752311.

BS. Nguyễn Thị Bích Liên, TS. Nguyễn Thu Hà,

ThS. Trần Văn Đại, TS. Nguyễn Đức Sơn, KTV. Nguyễn Thị Thắm

Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường


(Nguồn tin: Nilp.vn)