Đánh giá một số chỉ tiêu thể lực trong quá trình lao động của công nhân cột cao thông tin

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:45(GMT +7)

Tóm tắt: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được tiến hành tại một số đơn vị viễn thông khu vực phía Bắc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam với 40 công nhân cột cao thông tin và 40 người đối chứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: tại thời điểm sau ca lao động, sức bóp tay phải đạt 43,19 ± 5,60 kg, sức bóp tay trái đạt 43,61 ± 5,77 kg và sức kéo thân đạt 116,34 ± 23,46 kg, giảm sút so với trước ca có ý nghĩa thống kê. Mức tiêu hao năng lượng cao nhất khi trèo cột lên đến độ cao 80 m là 6,90 Kcal/phút thuộc loại lao động đặc biệt nặng nhọc. Trong khi đó, các chỉ tiêu thể lực của nhóm đối chứng ở thời điểm sau ca cũng giảm sút hơn so với trước ca lao động, nhưng chưa có ý nghĩa thống kê.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong ngành Bưu Điện, công nhân cột cao thông tin làm các công việc chủ yếu như: xây lắp, sửa chữa, bảo dưỡng cột cao thông tin có độ cao trên 6,5m. Điều kiện làm việc của nghề này phức tạp và đa dạng trên nhiều loại địa hình khác nhau như đồi núi, đôi khi là vùng sâu, vùng xa. Công nhân cột cao thông tin phải làm việc trên cao, khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là tốc độ gió rất lớn, đòi hỏi người lao động phải có thể lực, sức bền, để làm việc trái tư thế (ở tư thế bất lợi). Vì vậy, nghề cột cao thông tin được Nhà nước xếp vào lao động loại V, loại lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Theo thống kê của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, tỷ lệ tai nạn lao động do làm việc trên cao chiếm từ 30 ÷ 40% trong tổng số các vụ tai nạn trong toàn ngành. Trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho công nhân cột cao thông tin, chúng tôi cũng đã phát hiện một số bệnh lý chiếm tỷ lệ cao hơn các nghề khác [5].

Trong điều kiện làm việc có nhiều yếu tố tác hại nghề nghiệp nói trên, một số yếu tố có thể khắc phục được phần nào bằng các biện pháp an toàn vệ sinh lao động, như thắt dây an toàn, kiểm tra sức khỏe trước khi trèo cao. Tuy nhiên cũng có những điều kiện bất khả kháng bắt buộc người lao động phải có đủ tố chất về thể lực, chức năng thần kinh tâm lý và khả năng nhất định khác để hoàn thành nhiệm vụ một cách có hiệu quả và bảo đảm an toàn như chức năng tiền đình tốt, chịu đựng được stress và đủ bản lĩnh để xử lý các tình huống bất ngờ.v.v.

Theo thống kê tại Mỹ năm 1994, trong 6.067 trường hợp tử vong ở nam, ngã cao chiếm 10,3%; tỷ lệ ngã bắt đầu tăng cao ở tuổi 45 – 54 và tăng cao hơn ở tuổi trên 55 [8,9]. Theo thống kê ở Thuỵ Điển năm 1982, có 52,9% bệnh nghề nghiệp gây nên do yếu tố Ecgonomi, làm việc trái tư thế lâu ngày có thể dẫn đến tăng nguy cơ tai nạn lao động và mắc bệnh nghề nghiệp [1].

Xuất phát từ những yêu cầu cấp bách trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu: đánh giá một số chỉ tiêu thể lực của công nhân cột cao thông tin T trong quá trình lao động. Trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp khắc phục.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

– Đối tượng nghiên cứu: công nhân cột cao thông tin và cán bộ công nhân viên hành chính đang làm việc trong các đơn vị nghiên cứu được chọn.

– Địa điểm nghiên cứu: các đơn vị viễn thông khu vực phía Bắc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

– Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu ngang có so sánh.

– Chọn mẫu nghiên cứu: chọn ngẫu nhiên tại các đơn vị nghiên cứu.

– Cỡ mẫu nghiên cứu:

+ Áp dụng công thức tính cỡ mẫu cho việc so sánh khác biệt giữa hai trị số trung bình như sau [2]:

+ s: độ lệch chuẩn; d: sự khác biệt giữa hai số trung bình trước và sau ca lao động; Z2(α, β): tra bảng có giá trị là 10,5.

+ Tham khảo các nghiên cứu trước, chọn độ lệch chuẩn của sức bóp tay phải là 6 kg và sai khác nhau giữa hai trị số trung bình là 5 kg. Thay vào công thức tính được số đối tượng nghiên cứu tối thiểu là 29 đối tượng cho mỗi nhóm.

– Kỹ thuật thu thập thông tin:

+ Đo cân nặng, sức bóp tay, sức kéo thân theo thường qui kỹ thuật của viện Y học lao động & vệ sinh môi trường-2002.

+ Đánh giá mức tiêu hao năng lượng: tiêu hao năng lượng được ước tính theo công thức [7].

E = 0,0623 M – 2,609

Trong đó:  E – Tiêu hao năng lượng tính bằng KcaL/phút.

M – Mạch hồi phục phút thứ nhất (lần/phút).

– Phương pháp thống kê xử lý số liệu: tiến hành trên Epi info 6.4

– Đạo đức nghiên cứu: nghiên cứu tuân thủ theo quy định và được Hội đồng đạo đức của Bệnh viện Bưu điện thông qua trước khi tiến hành.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Sức bóp tay và sức kéo thân của công nhân cột cao thông tin (xem các Bảng 1,2,3):

Bảng 1: Sức bóp tay phải của công nhân cột cao thông tin và đối chứng trong ca lao động

Nhóm nghiên cứu Đơn vị tính Trước ca Sau ca P
Chủ cứu (n=40) Kg 46,41 5,56 43,19 5,60 <0,05
Đối chứng (n=40) Kg 36,57 7,37 39,07 7,84 >0,05
p <0,001 <0,001

Nhận xét:

– Tại thời điểm trước ca, sức bóp tay phải của công nhân cột cao thông tin lớn hơn nhóm chứng có ý nghĩa thống kê.

– Tại thời điểm sau ca sức bóp tay phải của công nhân cột cao thông tin  giảm thấp hơn so với trước ca có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, không thấy sự khác biệt này ở nhóm đối chứng.

Bảng 2: Sức bóp tay trái của công nhân cột cao thông tin và đối chứng trong ca lao động

Nhóm nghiên cứu Đơn vị tính Trước ca Sau ca P
Chủ cứu (n=40) Kg 47,10 6,69 43,61 5,77 <0,05
Đối chứng (n=40) Kg 37,12 5,89 36,57 7,13 >0,05
p <0,001 <0,001

Nhận xét:

– Tại thời điểm trước ca sức bóp tay trái của công nhân cột cao thông tin  lớn hơn nhóm chứng có ý nghĩa thống kê.

– Tại thời điểm sau ca sức bóp tay trái của công nhân cột cao thông tin  giảm thấp hơn so với trước ca có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, không thấy sự khác biệt này ở nhóm đối chứng.

Bảng 3: Sức kéo thân của công nhân cột cao thông tin và đối chứng trong ca lao động

Nhóm nghiên cứu Đơn vị tính Trước ca Sau ca P
Chủ cứu (n=40) Kg 128,72 24,15 116,34 23,46 <0,01
Đối chứng (n=40) Kg 94,57 23,95 99,57 24,37 >0,05
p <0,001 <0,001

Nhận xét:

– Tại thời điểm trước ca sức kéo thân của công nhân cột cao thông tin  lớn hơn nhóm chứng có ý nghĩa thống kê.

– Tại thời điểm sau ca sức kéo thân của công nhân cột cao thông tin giảm thấp hơn so với trước ca có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, không thấy sự khác biệt này ở nhóm đối chứng.

3.2. Kết quả đánh giá mức tiêu hao năng lượng của công nhân cột cao thông tin (xem Bảng 4):

Bảng 4: Kết quả mức tiêu hao năng lượng của công nhân cột cao thông tin trong lao động

Lên cột (n = 40) Xuống cột (n = 40)
Mức cột I II III IV I II III IV
2,45 4,45 6,44 6,90 3,05 4,13 4,76 4,67
0,65 0,79 1,04 1,05 0,43 0,78 0,38 0,34
Đơn vị tính Kcal/phút Kcal/phút

                                                         Ghi chú: I: Điểm đo ở chân cột; II: Điểm đo ở độ cao 15m; 

                                                                     III: Điểm đo ở độ cao 45m; IV: Điểm đo ở độ cao > 80m.

Nhận xét:

– Mức tiêu hao năng lượng tối đa đạt 6,90 ± 1,05 Kcal/phút khi leo lên đến độ cao trên 80 m.

– Mức tiêu hao năng lượng tối đa khi xuống cột đạt 4,67 ± 0,34 Kcal/phút khi xuống đến chân cột.

3.3. Kết quả đánh giá trọng lượng cơ thể của công nhân cột cao thông tin (xem Bảng 5):

Bảng 5: Trọng lượng cơ thể của công nhân cột cao thông tin trong lao động

Nhóm nghiên cứu Đơn vị tính Trước ca Sau ca P
Chủ cứu (n=40) Kg 64,72 8,16 63,11 8,43 >0,05
Đối chứng (n=40) Kg 56,14 8,04 56,98 8,19 >0,05

Nhận xét:

– Tại thời điểm sau ca lao động, cân nặng của công nhân cột cao thông tin  giảm hơn so với trước ca nhưng chưa có ý nghĩa thống kê.

IV. BÀN LUẬN

Công nhân cột cao thông tin  thường làm việc trên cột cao từ 6,5m trở lên, cột cao nhất trong ngành Bưu điện khoảng 120 m. Công việc chủ yếu là thi công lắp đặt cột mới, bao gồm: san nền, đổ các trụ móng bê tông, lắp đặt cột anten bằng thép hình chế tạo sẵn từ dưới bệ móng lên đến độ cao thiết kế; lắp đặt thiết bị thu phát lên các vị trí quy định, khoảng từ 1/3 độ cao phía trên của cột; đấu nối dây dẫn từ thiết bị trên cột xuống các phòng máy dưới mặt đất và căn chỉnh hướng của anten sao cho tín hiệu thu phát đạt yêu cầu kỹ thuật quy định. Công nhân cột cao thông tin  cũng làm các công tác bảo dưỡng, sửa chữa cột cao anten định kỳ, bao gồm: sửa chữa, vệ sinh và sơn bảo quản trong điều kiện các thiết bị vẫn hoạt động bình thường.

Trong cả hai quy trình này công nhân cột cao thông tin  đều phải làm việc ở tư thế không thuận lợi (trái tư thế) trên cao. Theo Trịnh Hoàng Hà 2013, khi làm việc trên cao người lao động phải làm việc trong tư thế gò bó chiếm từ 45,35% đến 65,27%. Trong đó, trái tư thế tập trung chủ yếu vào tay từ 45,15% ÷ 69,23%, thân từ 51,59% ÷ 64,32% và chân từ 45,19% ÷ 56,99% [6]. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có hơn 50% các bệnh nghề nghiệp do yếu tố Ecgonomi mà chủ là có liên quan đến việc tổ chức, tư thế lao động không hợp lý. Năm 1982, ở Thụy Điển có 52,9% bệnh nghề nghiệp gây nên do yếu tố Ecgonomi (trong khi đó bệnh do tiếng ồn chỉ chiếm 12,1%, các yếu tố hoá học 22,1%, yếu tố sinh vật 3,2% [1].

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại thời điểm sau ca làm việc một số chỉ số thể lực của công nhân cột cao thông tin như sức bóp tay, sức kéo thân giảm so với thời điểm trước ca có ý nghĩa thống kê. Trong khi đó, chúng ta không thấy sự khác biệt này ở nhóm đối chứng, thể hiện sự mệt mỏi và suy giảm thể lực của công nhân cột cao thông tin  trong ca lao động. Tuy nhiên, tại thời điểm đầu ca các chỉ số thể lực của công nhân cột cao thông tin  vẫn đạt ở mức khá và cao hơn nhóm đối chứng có ý nghĩa thống kê. Theo chúng tôi, công nhân cột cao thông tin  được rèn luyện thể lực do tính chất nghề nghiệp và sự mệt mỏi thể lực của họ cũng được hồi phục hoàn toàn sau khi nghỉ ngơi.

Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng, làm việc trái tư thế lâu ngày có thể gây tổn thương hệ cơ xương khớp, thần kinh và dẫn đến tiến triển thành bệnh nghề nghiệp. Mặt khác, làm việc trái tư thế thường gắn liền với vận cơ tĩnh và tiêu hao năng lượng gấp 1,5 lần vận cơ động [1]. Kết quả nghiên cứu nêu trên Bảng 4 cho thấy, mức tiêu hao năng lượng khi lên cột ở độ cao 80 m là 6,9 Kcal/phút, thuộc lao động loại V, loại đặc biệt nặng nhọc. Kết quả nghiên cứu nêu trên Bảng 5 cho thấy, trọng lượng cơ thể của công nhân cột cao thông tin  tại thời điểm sau ca giảm so với trước ca, tuy nhiên sự khác nhau này chưa có ý nghĩa thống kê. Kết qủa nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với tác giả Nguyễn Văn Oai 2002, khi nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn sức khỏe tuyển chọn công nhân cột cao thông tin  trong ngành Bưu Điện [4]. Như vậy, việc lao động trái tư thế trong trạng thái vận cơ tĩnh là hai yếu tố cộng hưởng dẫn đến mệt mỏi trong lao động nhanh hơn và đây cũng có thể là các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tăng tỷ lệ tai nạn lao động và phát sinh các loại bệnh khác có tính chất nghề nghiệp mà chúng ta cần nghiên cứu tiếp.

V. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Một số chỉ tiêu thể lực của công nhân cột cao thông tin  như sức bóp tay và sức kéo thân tại thời điểm sau ca lao động giảm sút so với trước ca có ý nghĩa thống kê, thể hiện sự mệt mỏi thể lực trong ca lao động. Mức tiêu hao năng lượng cao nhất của công nhân cột cao thông tin  đạt 6,90 Kcal/phút, thuộc lao động loại V, loại đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm. Trên cơ sở đó chúng tôi khuyến nghị, cần triển khai nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn tuyển chọn sức khoẻ phù hợp với nghề cột cao thông tin, nhưng trước mắt nên kiểm tra sức khỏe trước khi quyết định cho người công nhân làm việc trên cao, áp dụng các biện pháp nghỉ ngơi tích cực và khám sức khỏe định kỳ phát hiện sớm các bệnh lý có tính chất nghề nghiệp để điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ y tế – Viện Y học lao động và vệ sinh Môi trường (1998). Tâm lý lao động và Ecgônômi. NXB Y học, Hà Nội.

2. Đào Văn Dũng (2008), Thiết kế nghiên cứu hệ thống y tế. NXB Y học, Hà Nội, tr 59-65.

3. Nguyễn Văn Oai, Trịnh Hoàng Hà (2005), Nghiên cứu tính hệ thống của môi trường và sức khỏe người lao động Bưu Điện, đề tài cấp TCT Bưu chính Viễn thông VN, MS 031-2002-TCT-AP-YT-87. Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Thị Hiền (2002), Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn sức khỏe tuyển chọn công nhân cột cao thông tin. Đề tài nhánh thuộc đề tài cấp TCT Bưu chính Viễn thông VN, MS 059-2001-TCT-RDP-YT-91. Hà Nội.

5. Trịnh Hoàng Hà, Huỳnh Thị Nhung (2013), Nghiên cứu môi trường lao động và sức khỏe của công nhân cột cao thông tin trong ngành Bưu điện, Tạp chí Bảo hộ lao động, số tháng 6/2013, Hà Nội, tr 20-24.

6. Trịnh Hoàng Hà (2013), Đánh giá một số chỉ tiêu chức năng và thể lực trong quá trình lao động của công nhân cáp điện thoại ngành Bưu Điện, Tạp chí Y học thực hành (884) – số 10/2013, Hà Nội, tr 113-116. 

7. Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (2002), Thường quy kỹ thuật y học lao động – Vệ sinh môi trường – Sức khỏe trường học, NXB Y học, Hà Nội.

8. Charles N, Jeffress (1999)Fall protection. Occupational Safety and Health Aministration (OSHA). US. Derpartement of labor. Federal Register: 64, 38077-38086, 1999, Jyly, 12 pages.

9. Gray Davis (1995), Fall Protection. Departement of Industrial relation Division of Occupational Safety and Health, State of California.

TS. TRỊNH HOÀNG HÀ

Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội


(Nguồn tin: TC BHLĐ 5/2014)