Đánh giá thực trạng mắc bệnh mắt ở công nhân sản xuất linh kiện điện tử

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:48(GMT +7)

Nghiên cứu cắt ngang được tiến hành nhằm phát hiện các triệu chứng và bệnh mắt của công nhân tại 2 nhà máy sản xuất linh kiện điện tử. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tỷ lệ công nhân phàn nàn về nhức mỏi mắt là 65,2%, khô môi là 45,1%, khô da là 36,3%, ngứa đỏ mắt là 34,7%, chảy nước mắt là 27%. Sử dụng phương pháp đo khúc xạ kế tự động thấy rằng tỷ lệ công nhân cận thị mắt phải là 90,0% và mắt trái là 87,4%, trong đó chủ yếu là cận thị nhẹ (87,8% mắt phải và 85,9% mắt trái). Tỷ lệ loạn cận là 47,1% mắt phải và 46,5% mắt trái.
Tỷ lệ công nhân bị bệnh mắt là 2,2%, bệnh gặp nhiều nhất là viêm kết mạc chiếm 1,7%.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử bán dẫn ở nước ta là ngành công nghiệp mới phát triển, song đây là ngành xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, năm 2017 đạt trên 71 tỷ USD [1]. Công nhân lao động trong ngành điện tử phần lớn là đội ngũ trẻ tuổi, có trình độ phổ thông đang làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này tạo nên những đặc trưng riêng về sức khỏe người lao động trong ngành điện tử. Điển hình là những công việc thuộc loại chính xác cao như khi làm việc với chi tiết, vật thể có kích thước là chữ in bình thường đến chi tiết có kích thước cỡ milimet. Trong các công việc đòi hỏi độ chính xác cao có công việc sản xuất linh kiện điện tử bán dẫn, công việc lắp ráp tinh, điều chỉnh và test thử nghiệm thiết bị điện tử, sản xuất đồng hồ và công việc cơ khí chính xác. Phân loại công việc theo yêu cầu độ chiếu sáng, công việc điều chỉnh và thử test các thiết bị điện tử, lắp ráp linh kiện điện tử nhỏ thuộc loại công việc đòi hỏi làm việc thị giác mức độ chính xác cao nhất với yêu cầu chiếu sáng 1000 – 2000 lux.

Ở Việt Nam, lao động liên quan đến căng thẳng thị giác được chú ý nghiên cứu khá nhiều là dạng lao động màn hình. Các dạng lao động liên quan đến sản xuất, lắp ráp các linh kiện, chi tiết có kích thước nhỏ chưa được nghiên cứu nhiều. Bước đầu đã có một vài khảo sát về môi trường lao động và một số bệnh tật thị giác ở một sô công ty lắp ráp điện tử liên doanh với nước ngoài. Các kết quả khảo sát đã cho thấy công nhân làm việc trong các công ty lắp ráp điện tử có giảm thị lực và một số biến đổi thị giác rõ rệt [1]. Vì vậy tiến hành nghiên cứu với mục tiêu: Đánh giá thực trạng mắc bệnh mắt ở công nhân sản xuất linh kiện điện tử.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng và địa điểm nghiên cứu

– Đối tượng nghiên cứu: Công nhân làm việc trong hai nhà máy sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử.

– Địa điểm nghiên cứu:

            + Nhà máy Micro Shine Vina

            + Nhà máy Jahwa Vina

Cỡ mẫu nghiên cứu để khám sức khoẻ, đánh giá tác hại đến thị lực của công nhân:

            Dựa theo công thức tính cỡ mẫu ước lượng từ một tỷ lệ nghiên cứu trước. Theo nghiên cứu của Hà Huy Kỳ và CS, 1998, tỷ lệ giảm thị lực của công nhân lắp ráp điện tử là 6,93 – 14,28%, tỷ lệ bệnh về mắt là 4,95 – 19,04%. Chúng tôi lấy p = 4,95 để tính cỡ mẫu theo công thức tính cỡ mẫu:

n = Z2 .p.q/(e)2

Trong đó:

– p là tỷ lệ ước lượng công nhân mắc bệnh mắt =  4,95%

– q = 1- p = 95,05%

 – Z2 là hệ số tin cậy 95% = 1,96 

 – e là độ chính xác tuyệt đối = 0,02

Tính được số n cần khám cho công nhân sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử là 451.

Thực tế nghiên cứu đã tiến hành:

Điều tra về các triệu chứng mắt, kích thích da và niêm mạc 602 đối tượng.

Đo khúc xạ kế tự động 658 đối tượng.

Khám bệnh mắt 860 đối tượng.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

– Đánh giá cảm nhận chủ quan của đối tượng về căng thẳng mệt mỏi thị giác, kích thích niêm mạc bằng phương pháp phỏng vấn.

– Đo khúc xạ kế tự động (Auto Refractometer Model AR – 600 của hãng NIDEX, Nhật): Công nhân ngồi tỳ cằm sát trán vào giá đỡ và mắt nhìn vào tiêu điểm trên màn hình ở vị trí giác mạc có hai vòng tròn đồng tâm và một điểm ngắm. Sau đó điều chỉnh điểm ngắm sao cho điểm này rõ nét nhất rồi bấm máy. Đo ít nhất ba lần mỗi lần không quá 3 giây, lấy kết quả trung bình của 3 lần đo.

– Khám mắt để phát hiện các bệnh mắt kèm theo.

III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

3.1. Điều tra về các triệu chứng mắt, kích thích da và niêm mạc

Bảng 1. Cảm nhận chủ quan của đối tương về các triệu chứng mắt, kích thích da và niêm mạc(n=602)

Các đặc điểm

SL

%

Các đặc điểm

SL

%

Nóng mắt

158

26,3

Hắt hơi ho khan

96

15,9

Ngứa đỏ mắt

209

34,7

Khô họng

85

14,1

Chảy nước mắt

163

27,0

Đau họng

114

18,9

Sưng mi mắt

46

7,6

Khó thở

67

11,1

Nhức mỏi mắt

393

65,2

Khô môi

272

45,1

Nhìn mờ

261

43,3

Khô da

219

36,3

Nhìn bất thường

73

12,2

Ngứa mặt

67

11,2

Ngứa mũi

80

13,3

Ngứa tay

41

6,8

Viêm chảy nước mũi

85

14,2

Sần da

23

3,8

Ngứa họng

60

10,0

Phát ban mặt

16

2,6

Khản họng

82

13,6

Phát ban tay

5

0,8

Các triệu chứng cảm nhận về mắt có tỷ lệ cao ở nhóm SXLKĐT là nóng mắt 26,3%, ngứa đỏ mắt 34,7%, nhức mỏi mắt 65,2% và nhìn mờ 43,3%. Ngoài các triệu chứng về mắt, các triệu chứng kích thích da và niêm mạc cũng chiếm tỷ lệ cao như viêm chảy nước mũi 14,2%, hắt hơi ho khan 15,9%, khô môi 45,1%, khô da 36,3% và ngứa vùng mặt 11,2 %… Các triệu chứng kích thích da và niêm mạc trên có thể do điều kiện nhà xưởng kín, không thông thoáng và có sử dụng điều hoà nhiệt độ.

3.2. Kết quả đo khúc xạ kế tự động

Bảng 2. Kết quả đo tật khúc xạ hình cầu bằng máy đo khúc xạ kế tự động (n=658)

Mức cận thị (Diop)

Thị lực mắt phải

Thị lực mắt trái

SL

%

n

%

Mức nhẹ: < – 3,0D

578

87,8

565

85,9

Mức TB: – 3,0 – 6,0D

12

1,8

9

1,4

Mức nặng: > – 6,0D

2

0,3

1

0,2

Tổng

592

90,0

575

87,4

Bảng 3. Kết quả đo tật khúc xạ loạn thị bằng máy đo khúc xạ kế tự động (n=658)

Mức loạn cận (Diop)

Thị lực mắt phải

Thị lực mắt trái

SL

%

n

%

Mức nhẹ: < – 3,0D

307

46,7

306

46,5

Mức TB: – 3,0 – 6,0D

3

0,5

0

0,0

Mức nặng: > – 6,0D

0

0,0

0

0,0

Tổng

310

47,1

306

46,5

Khi đo độ khúc xạ trên máy khúc xạ kế tự động thấy tỷ lệ bị tật khúc xạ hình cầu: cận thị chiếm phần lớn, tỷ lệ cận thị mắt phải 90,0%, mắt trái 87,4% trong đó phần lớn công nhân có tật khúc xạ cận thị ở mức nhẹ, còn mức trung bình, nặng chiếm tỷ lệ rất ít và mắt phải có xu hướng cận cao hơn mắt trái.

Tỷ lệ tật khúc xạ loạn cận thị mắt phải 47,1%, mắt trái 46,6% phần lớn công nhân có tật khúc xạ loạn cận ở mức nhẹ, mức trung bình, nặng chiếm tỷ lệ rất ít và mắt phải cũng có xu hướng loạn cận cao hơn mắt trái.

Phương pháp đo khúc xạ kế tự động cho kết quả cận thị rất cao, điều này cũng phù hợp với thực tế khi đo khúc xạ kế tự động và phù hợp với nhiều nghiên cứu khác khi cho rằng đây là một phương pháp sàng lọc ban đầu để kiểm tra xác định độ khúc xạ bằng những phương pháp khác.

Một nghiên cứu trên sinh viên hay sử dụng máy vi tính của Au Eong KG và CS, 1993 [2] trên 110236 nam thanh niên thấy tỷ lệ cận thị 48,5% ở người gốc Trung Quốc, 34,7% người gốc Châu Âu (Eurasian), 30,4% người gốc Ấn Độ và 24,5% người Malaysia. Tại Thụy Điển, nghiên cứu 2616 tân binh ở lứa tuổi 20 không sử dụng thuốc liệt điều tiết thấy tỷ lệ cận thị là 8,9% [3]. Như vậy, vấn đề cận thị ở các nhóm đối tượng khác nhau cũng khác nhau khá nhiều.

Một số tác giả nước ngoài sử dụng khúc xạ kế tự động để đánh giá tật khúc xạ. Kết quả nghiên cứu tật khúc xạ ở sinh viên y khoa Singapore [4] qua đo bằng máy khúc xạ kế tự động Topcon- Auto-Refractometer cho 128 sinh viên tuổi 20 – 22 (44% nữ và 56% nam) thấy 82% sinh viên mắc tật cận thị (myopic) và 72% là loạn thị (astigmatism).

Wu H.M. và cs [5] điều tra tại cộng đồng về tật khúc xạ trong nghiên cứu thuần tập trên 15.095 lính tân binh, sử dụng đo khúc xạ kế tự động có làm liệt cơ thể mi ở Singapore có tỷ lệ hiện mắc cận thị là 79,3%, và cận thị nặng là 13,1%, trong đó người gốc Trung Quốc có tỷ lệ cận thị cao nhất 82,2% với khoảng tin cậy 95% là 81,5 – 82,9%, và người gốc Ấn Độ 68,7%, gốc Mã Lai 65,0%. Như vậy, kết quả xác định tật cận thị được đo trên máy đo khúc xạ tự động của các tác giả nước ngoài nói trên khá gần và hơi thấp hơn so với kết quả nghiên cứu trên nhóm sản xuất linh kiện điện tử của chúng tôi.

Nghiên cứu của Nguyễn Đức Anh [6] thực hiện đo mắt bằng máy đo khúc xạ tự động Inami GR-11 ở 640 mắt của 320 bệnh nhân tuổi từ 5 – 63 nhằm đánh giá hiệu quả lâm sàng của máy. Kết quả đo khúc xạ tự động (khúc xạ khách quan) cho thấy có 73,9% có loạn thị, 24,38% có tật khúc xạ cầu. Các kết quả trên cho thấy có sự chênh lệch đáng kể về công suất kính cầu, kính trụ và trục kính. Tác giả nhận định là đo khúc xạ tự động rất có giá trị định hướng sơ bộ về tật khúc xạ (cận, viễn), giúp phát hiện loạn thị nếu độ loạn thị rõ ràng và cho biết trục loạn thị tương đối chính xác. Nhận định này hoàn toàn phù hợp với các tác giả nước ngoài và với nghiên cứu của chúng tôi. Điều này cũng phù hợp với thực tế khi đo khúc xạ kế tự động và tương tự với nhiều nghiên cứu khác khi cho rằng đây là một phương pháp sàng lọc ban đầu để kiểm tra xác định độ khúc xạ bằng những phương pháp khác.

3.3. Kết quả khám mắt

Bảng 4. Kết quả khám bệnh mắt (n=860)

Một số bệnh mắt

SL mắc

%

Sẹo giác mạc

3

0,3

Viêm kết mạc

15

1,7

Mộng mắt

2

0,2

 Cộng/Trung bình

20

2,2

Bảng 4 cho thấy ngoài các bệnh về tật khúc xạ, qua khám mắt còn phát hiện thêm một tỷ lệ nhỏ các bệnh như sẹo giác mạc, viêm kết mạc, mộng mắt, tương ứng là 0,3%, 1,7% và 0,2%.

IV. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Thực trạng về triệu chứng và bệnh mắt ở công nhân sản xuất linh kiện điện tử cho thấy:

– Cảm nhận của đối tượng nghiên cứu về các triệu chứng mắt là: nóng mắt 26,3%, ngứa đỏ mắt 34,7%, nhức mỏi mắt 65,2% và nhìn mờ 43,3%.

– Bằng phương pháp đo khúc xạ kế tự động thấy rằng tỷ lệ công nhân cận thị mắt phải là 90,0% và mắt trái là 87,4%, trong đó chủ yếu là cận thị nhẹ (87,8% mắt phải và 85,9% mắt trái). Tỷ lệ loạn cận là 47,1% mắt phải và 46,5% mắt trái.

– Tỷ lệ công nhân bị một số bệnh mắt (sẹo kết mạc, viêm kết mạc và  mộng mắt) là 2,2%, nhiều nhất là viêm kết mạc chiếm 1,7%.

Đề xuất

– Đào tạo tập huấn cho người lao động về  biện pháp dự phòng bệnh mắt ở công nhân sản xuất linh kiện điện tử [7].

– Thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị các bệnh mắt dự phòng các biến chứng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Viện Khoa học Lao động và Xã hội (2018), Tọa đàm thúc đẩy việc làm bền vững tại các doanh nghiệp điện tử ở Việt Namhttp://www.ilssa.org.vn/vi/news/toa-dam-thuc-day-viec-lam-ben-vung-tai-cac-doanh-nghiep-dien-tu-o-viet-nam-229

[2]. Au Eong KG, Tay TK, Lim MK (1993) “Race, Culture and Myopia in young Singaporean Males”.  Singapore Medical Journal 1993; 34-29-32.

[3.]. Saw Seang-Mei, Katz Joanne, Schein Oliver .D, Chew Sek – Jein, and Chan Tat – Keong,(1996) “Epidemiology of Myopia” Epidemiol Rev Vol.18, No.2, pp 51-56.​

[4]. Y C Chow, B Dhillon, PTK Chew, SJ Chew (1990) “Refractive Error in Singapore Medical Students”. Singapore Medical Journal 1990. Vol 31: 472-473.

[5]. Wu Hui-Min, Seet Benjamin, Yap Eric et al (2001) “Does Education Explain Ethnic Differences in Myopia Prevalence? A population- based Study of Young Adult Males in Singapore”. Optom Vis Sci 2001; 78: 234-239.

PGS.TS. Tạ Tuyết Bình, ThS. Trần Thanh Hà, TS. Trần Văn Đại, TS.Đào Phú Cường

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)