Đánh giá tình trạng viêm phế nang dị ứng ngoại lai ở công nhân và đề xuất các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:48(GMT +7)

Bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai (VPNDUNL) là một loại bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với dị nguyên có trong các loại bụi hữu cơ đã được Tổ chức lao động thế giới (ILO) đã được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp từ năm 2010. Tuy nhiên tại Việt Nam, loại bệnh nghề nghiệp này vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu đặc biệt là ở ngành có tiếp xúc với bụi hữu cơ như chế biến thức ăn chăn nuôi (CBTACN) và sản xuất đồ gỗ. Vì vậy, nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện nhằm đánh giá tình trạng bệnh VPNDUNL ở người lao động ở hai ngành nghề này theo tiêu chuẩn ILO từ đó đề xuất các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh VPNDUNL nhằm bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam.

I. MỞ ĐẦU

Bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai (VPNDUNL) là một loại bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với dị nguyên có trong các loại bụi hữu cơ.Các thể viêm phế nang dị ứng ngoại lai nghề nghiệp điển hình như bệnh phổi nông dân (Farmer’s lung), Bagassosis,…Bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai bao gồm hai thể cấp tính và mãn tính có thể tiến triển đến giai đoạn xơ phổi mô kẽ mạn tính nếu không có sự can thiệp và điều trị tích cực.

Một nghiên cứu tại các đơn vị xay xát lúa gạo thuộc Malaysia về sức khỏe hô hấp ở những công nhân kết quả cho thấy các triệu chứng hô hấp như khó thở tức ngực và suy giảm chức năng hô hấp xuất hiện chiếm tỉ lệ là 34,9% và mức độ suy giảm chức năng hô hấp suy giảm có liên quan đến thời gian tiếp xúc. Điều này được dự báo là giai đoạn đầu của viêm phế nang dị ứng ngoại lai [4]. Một nghiên cứu khác tại Malaysia cũng được thực hiện trên công nhân tại các nhà máy sản xuất xay xát lúa gạo cũng cho thấy mối liên quan do tiếp xúc với bụi hữu cơ đến các bệnh viêm kích thích mãn tính trong đó có viêm phế nang dị ứng ngoại lai [3]. Ngoài ra, bệnh viêm phế nang dị ứng nghề nghiệp do phơi nhiễm với bụi gỗ được mô tả ở các công ty xưởng xẻ gỗ ở Thụy Điển, với tỉ lệ 5% -10% ở những người phơi nhiễm. Kết quả công bố cho thấy viêm phế quản dị ứng ngoài ngoại lai chủ yếu do hít phải các bào tử gây nhiễm nấm, nhưng bụi gỗ hít có thể có tác dụng đồng vận [2].

Cho đến nay, theo báo cáo về danh mục bệnh nghề nghiệp của Tổ chức lao động thế giới (ILO) 2010, VPNDUNL đã được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp. Đối với các nước đã và đang phát triển như Anh, Phần Lan, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines,… bệnh VPNDUNL cũng đã được đưa và danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm cho người lao động. Tuy nhiên, cho đến nay tại Việt Nam, bệnh VPNDUNL cả thể cấp tính và mãn tính ở người lao động vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu.

Mặc dù vai trò của hai ngành sản xuất đồ gỗ và sản xuất CBTACN là rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, với một lực lượng rất lớn người lao động đang tham gia lao động sản xuất, nhưng nhìn chung, cho đến nay, các nghiên cứu về VPNDUNL ở người lao động có liên quan đến công nghiệp CBTACN, đồ gỗ ở Việt Nam còn khá hạn chế.

Vì những lý do trên, nghiên cứu này rất cần thiết để có thể mô tả, đánh giá tình trạng bệnh VPNDUNL ở người lao động ngành CBTACN và sản xuất đồ gỗ. Đồng thời, kết quả nghiên cứu sẽ góp phần xây dựng các tiêu chuẩn chẩn đoán viêm phế nang dị ứng ngoại lai có liên quan đến nghề nghiệp để đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở nước ta.

Mục tiêu nghiên cứu:

  1. Đánh giá tình trạng ô nhiễm bụi hữu cơ, vi sinh vật và bệnh VPNDUNL ở ngành CBTACN và sản xuất đồ gỗ.
  2. Đề xuất các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh VPNDUNL tai Việt Nam.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu: 525 đối tượng ngành sản xuất gỗ và 408 đối tượng ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (CBTACN) khu vực phía Nam.

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả.

Phương pháp nghiên cứu:

Đánh giá nồng độ bụi ngành gỗ và CBTACN (giới hạn đối với bụi toàn phần là 6mg/m3, bụi hô hấp là 3mg/m3 theo Thông tư 02/2019/TT-BYT), vi sinh vật và nấm mốc so sánh với Bộ tài nguyên và Môi trường Singapore năm 1996 (giới hạn vi sinh vật và nấm mốc <500CFU/1m3) trong môi trường làm việc.

Phỏng vấn bằng bộ câu hỏi soạn sẵn về một số thông tin cá nhân, đặc điểm nghề nghiệp và tình hình sức khỏe hô hấp của người lao động.

Thực hiện khám phát hiện tình trạng bệnh hô hấp của đối tượng tham gia nghiên cứu thông qua khám lâm sàng và đo chức năng hô hấp. Đồng thời thực hiện phản ứng miễn dịch IgG cho người lao động tham gia nghiên cứu.Đánh giá bệnh VPNDUNL dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán của ILO như sau:

– Yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp:

Khám lâm sàng: Các triệu chứng xuất hiện trong bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai như sự xuất hiện triệu chứng và trở nên trầm trọng hơn sau vài giờ tiếp xúc với kháng nguyên, và có thể xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như thở khò khè, ho, khó thở; nghe phổi có thể có rale nổ.

X-quang phổi: Có thể có biểu hiện hình ảnh bất thường, có sự thâm nhiễm phổi tương ứng với viêm phế nang dị ứng ngoại lai thể hiện trên phim X-quang phổi.

Đo chức năng hô hấp: Nghiệm pháp này để phát hiện các bất thường do viêm phế nang dị ứng ngoại lai và để loại trừ bệnh lý phổi tắc nghẽn. Tuy nhiên đo chức năng hô hấp không được sử dụng như một biện pháp chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân gây bệnh phổi khác. Kết quả đo chức năng hô hấp nhận định theo Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (2002) như sau:

Dạng rối loạn thông khí

%FEV1

%FVC

FEV1/FVC

Tắc nghẽn

< 80%

≥ 80%

< 70%

Hạn chế

≥ 80% hoặc < 80%

< 80%

≥ 70%

Hỗn hợp

≥ 80% hoặc < 80%

< 80%

< 70%

Bình thường

≥ 80%

≥ 80%

≥ 70%

Miễn dịch học: là phương pháp hữu hiệu trong chẩn đoán viêm phế nang dị ứng ngoại lai. Tiến hành xét nghiệm huyết thanh kết quả cho thấy hiện tượng kết tủa kháng nguyên ở phần lớn các trường hợp viêm phế nang dị ứng ngoại lai. Vi nấm nuôi cấy thu được khi quan trắc yếu tố vi sinh trong môi trường lao động trích xuất tạo dị nguyên sử dụng ở test miễn dịch.

III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

3.1. Môi trường lao động

– Môi trường lao động ngành sản xuất đồ gỗ

             Bảng 1. Nồng độ bụitại các công ty sản xuất đồ gỗ

Chỉ tiêu

Số mẫu

Min-Max

Giá trị trung bình

Tỉ lệ mẫu không đạt TCVS (%)

Bụi toàn phần (mg/m3)

Mùa khô

90

1,02 – 66,77

3,61

24,4

Mùa mưa

90

0,44 – 8,51

1,61

12,2

Bụi hô hấp (mg/m3)

Mùa khô

90

0,218 – 22,29

0,81

11,1

Mùa mưa

90

0,21 – 4,54

0,81

7,8

Kết quả quan trắc nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp cho thấy, vào mùa mưa, nồng độ bụi toàn phần và cả bụi hô hấp đều thấp hơn rõ rệt so với mùa khô. Tại thời điểm quan trắc nồng độ bụi cao nhất tập trung ở khu vực chà nhám, phun sơn- verni, gia công tạo dáng sản phẩm và lắp ráp các sản phẩm gỗ. Tại một số điểm đo nồng độ bụi toàn phần cho thấy có những điểm đo có nồng độ vượt TCVSP tới 9 lần (khu vực chà nhám, cưa cắt gỗ).

– Môi trường lao động ngành chế biến thức ăn chăn nuôi

            Bảng 2. Nồng độ bụi hô hấp tại các công ty CBTACN

Chỉ tiêu

Số mẫu

Min-Max

Giá trị trung bình

Tỉ lệ mẫu không đạt TCVS (%)

Bụi toàn phần (mg/m3)

Mùa khô

104

0,41 – 2,90

0,85

00

Mùa mưa

104

0,32 – 1,66

0,52

00

Bụi hô hấp (mg/m3)

Mùa khô

104

0,22 – 1,95

0,58

00

Mùa mưa

104

0,12 – 0,83

0,36

00

Kết quả quan trắc nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp cho thấy, tại thời điểm nghiên cứu nồng bộ bụi tại nơi làm việc đều đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép. Nồng độ bụi cao nhất tập trung ở khu vực xay nghiền, sàng nguyên liệu thô, ép viên. Qua quá trình khảo sát chúng tôi nhận thấy dây chuyền sản xuất là đồng bộ, khép kín, có trang bị các thiết bị lọc bụi nên việc phát tán bụi ra môi trường sản xuất phần lớn đã được kiểm soát. Mặc dù nồng độ bụi vẫn nằm trong tiêu chuẩn vệ sinh cho phép, nhưng tác hại của bụi thức ăn chăn nuôi vẫn hoàn toàn có thể tác động xấu tới sức khỏe hô hấp của người lao động vì trong bụi còn có thể chứa các vi sinh vật, ảnh hưởng đến một số người có cơ địa dị ứng với bụi ngũ cốc.

         Bảng 3. Vi sinh vật tại môi trường lao động

Vị trí đo

Mùa

Nấm mốc (CFU/1m3)
GTLN-GTNN

Vi sinh vật (CFU/1m3)

Công ty gỗ

Mùa khô

786 – 2359

1064-3407

Mùa mưa

786- 2512

1344 – 3407

Công ty CBTACN

Mùa khô

609-2768

2143-8435

Mùa mưa

708-2791

2768-13681

Tại Việt Nam không có tiêu chuẩn quy định về số lượng vi sinh vật trong không khí. Khi so sánh với Bộ tài nguyên và Môi trường Singapore năm 1996, kết quả nồng độ vi sinh vật đều vượt TCCP (giới hạn vi sinh vật và nấm mốc < 500CFU/1m3).

3.2. Bệnh lý hô hấp và mối liên quan đến nghề nghiệp của người lao động

– Ngành sản xuất đồ gỗ

Bảng 4. Mối liên quan giữa triệu chứng hô hấp và đặc điểm nghề nghiệp của người lao động ngành sản xuất đồ gỗ (n=525)

Đặc điểm nghề nghiệp

Triệu chứng hô hấp

Giá trị p

OR (KTC 95%)


(n=140)

Không
(n=378)

Tuổi nghề

1-<3 năm

29 (20,0)

97 (80,0)

1

3-5 năm

105 (72,4)

97 (25,5)

<0,05

3,67 (2,42 – 4,08)

>5 năm

11 (7,6)

47 (92,4)

<0,05

0,33 (0,26 – 0,75)

Bộ phận

Sơ chế

2 (1,4)

14 (3,7)

1

Sơn

54 (37,2)

124 (32,6)

<0,05

26,83 (21,26 – 29,75)

Mộc máy, Chà nhám

40 (26,8)

106 (27,9)

<0,05

20,36(15,26 – 22,75)

Lắp ráp

6 (4,1)

30 (7,9)

<0,05

2,33 (1,26 – 3,75)

Kho

3 (2,1)

21 (5,5)

>0,05

1,03 (0,76 – 1,15)

Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa triệu chứng hô hấp và tuổi nghề của người lao động và vị trí làm việc của người lao động. Những người có tuổi nghề từ 3 – 5 năm có biểu hiện triệu chứng bệnh lý đường hô hấp cao hơn nhóm có tuổi nghề 1-<3 năm 3,67 lần. Những người làm ở bộ phận chà nhám, mộc máy, sơn, lắp ráp có có biểu hiện triệu chứng bệnh lý đường hô hấp cao hơn nhóm sơ chế (p<0,05).

              Bảng 5. Mối liên quan giữa chức năng hô hấp và đặc điểm nghề nghiệp tại công ty sản xuất đồ gỗ (n=390)

Đặc điểm nghề nghiệp

Rối loạn

chức năng hô hấp

Giá trị p

OR (KTC 95%)


(n=80)

Không
(n=310)

Tuổi nghề

1-<3 năm

20 (25,0)

82 (26,4)

1

3-5 năm

48 (60,0)

203 (65,5)

<0,05

2,56(1,05 – 5,45)

>5 năm

12 (15,0)

25 (8,1)

>0,05

0,89(0,54 – 1,25)

Bộ phận

Sơ chế

5 (6,2)

11 (3,6)

1

Sơn

37 (46,2)

129 (41,6)

<0,05

7,12(4,92 – 9,56)

Mộc máy, chà nhám

31 (38,8)

114 (47,7)

<0,05

6,89(4,87 – 9,91)

Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa biểu hiện có rối loạn chức năng hô hấp và các đặc điểm nghề nghiệp như tuổi nghề của người lao động và vị trí làm việc tại các phân xưởng. Tỉ lệ công nhân nhóm có tuổi nghề 3 – 5 năm có rối loạn CNHH cao hơn 2,56 lần nhóm có tuổi nghề tứ 1-<3 năm, nhóm công nhân ở bộ phận mộc máy, chà nhám, sơn có tỉ lệ biểu hiện có rối loạn chức năng hô hấp cao hơn hẳn so với các bộ phận sơ chế.

– Ngành CBTACN:

Bảng 6.  Mối liên quan giữa triệu chứng hô hấp và đặc điểm nghề nghiệp của người lao động ngành chế biến TACN (n=408)

Đặc điểm

nghề nghiệp

Triệu chứng hô hấp

Giá trị

p

OR (sKTC 95%)


(n=115)

Không
(n=293)

Tuổi nghề

Dưới 3 năm

Từ 3-5 năm

Trên 5 năm

42 (36,5)

62 (53,9)

11 (9,6)

81 (27,7)

184 (62,8)

28 (9,6)

<0,05

>0,05

1

1,54 (0,96 – 2,46)

1,16 (0,54 – 2,48)

 Bộ phận

Tiếp liệu

18 (15,6)

68 (23,2)

1

Xay nghiền, sàng

39 (35,7)

64 (21,8)

<0,05

2,23 (1,62 – 4,94)

Cân định lượng

16 (13,9)

52 (17,7)

<0,05

0,77 (0,71 – 3,41)

Ép viên

27 (23,5)

78 (26,6)

<0,05

1,60 (1,27 – 5,04)

Đóng gói

13 (11,3)

31 (10,6)

>0,05

0,83 (0,65 – 1,86)

Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa triệu chứng hô hấp và tuổi nghề của người lao động làm việc tại công ty chế biến TACN. Những công nhân có tuổi nghề từ 3 – 5 năm có triệu chứng bệnh lý đường hố hấp cao hớn 1,54 lần so với nhóm có tuổi nghề dưới 3 năm (p<0,05).Đối tượng làm việc tại bộ phận xay nghiền, sàng nguyên liệu cótriệu chứng bệnh lý hô hấp cao hơn hẳn so với bộ phận tiếp liệu, có tỉ số số chênh mắc bệnh bằng 2,23 so với đối tượng làm việc tại bộ phận tiếp liệu với p <0,05 (KTC 95% 1,62 – 4,94). Đối tượng làm việc tại bộ phận ép viên có tỉ số số chênh mắc bệnh bằng 1,6 so với đối tượng làm việc tại bộ phận tiếp liệu với p <0,05 (KTC 95% 1,27 – 5,04).

               Bảng 7. Mối liên quan giữa chức năng hô hấp và đặc điểm nghề nghiệp tại công ty chế biến TACN (n=408)

Đặc điểm nghề nghiệp

Rối loạn

chức năng hô hấp

Giá trị p

OR (KTC 95%)


(n=52)

Không
(n=356)

Tuổi nghề

1-3 năm

18 (34,6)

105 (29,5)

1

>3 năm

34 (65,4)

251 (70,5)

<0,05

1,89 (1,33 – 4,63)

Bộ phận

Tiếp liệu

9(17,3)

51 (14,3)

1

Xay nghiền, sàng

17 (32,7)

118(33,1)

<0,05

2,37 (1,93 – 4,61)

Cân định lượng

7 (13,5)

54 (15,2)

>0,05

1,12 (0,86 – 2,24)

Ép viên

13(25,0)

96(27,0)

<0,05

1,84 (1,06 – 3,24)

Đóng gói

6 (11,6)

37 (10,4)

>0,05

0,75 (0,56 – 2,24)

Những công nhân có thâm niên nghề nghiệp trên 3 năm có biểu hiện rối loạn chức năng hô hấp cao hơn nhóm có tuổi nghề từ 1–3 năm 1,89 lần. Tỉ lệ rối loạn chức năng hô hấp ở người làm việc tại bộ phận xay nghiền, sàng, ép viên cao hơn hẳn so với bộ phận tiếp liệu (32,7% và 25% so với 17,3%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

3.3. Test miễn dịch IgG

Phản ứng test IgG được thực hiện trên 548 mẫu huyết thanh người lao động. Kết quả cho thấy chứng dương phản ứng với kháng nguyên của T. vulgaris tạo vạch tủa trong thạch. Trong đó có 7 ca có dương tính nhẹ (5 mẫu thuộc ngành sản xuất đồ gỗ và 2 mẫu thuộc ngành CBTACN), còn lại 541 huyết thanh người lao động cho kết quả âm tính nghĩa là không tạo đường tủa với kháng nguyên trong thạch.

3.4. Kết quả khám phát hiện bệnh Viêm phế nang dị ứng ngoại lai

  Bảng 8. Tỷ lệ hiện mắc bệnh Viêm phế nang dị ứng ngoại lai theo tiêu chuẩn ILO

STT

Tiêu chí

Ngành sản xuất đồ gỗ

Ngành CBTACN

1

Yếu tố tiếp xúc

Người lao động làm việc tại các cơ sở chế biến sản xuất đồ gỗ có tiếp xúc với các loại bụi hữu cơ, nấm mốc,vi sinh vật được phát hiện qua quan trắc môi trường

Người lao động làm việc tại các cơ sở CBTACN có tiếp xúc với các loại bụi hữu cơ, nấm mốc,vi sinh vật được phát hiện qua quan trắc môi trường

2

Khám lâm sàng

Đối tượng nghiên cứu được khám và phát hiện một số triệu chứng/ bệnh đường hô hấp (Viêm phế quản, viêm mũi, họng,…). Một số triệu chứng hô hấp được khai thác thông qua phỏng vấn đối tượng nghiên cứu như ho, ho khạc đàm, tức ngực, khó thở, thở khò khè)

Đối tượng nghiên cứu được khám và phát hiện một số triệu chứng/ bệnh đường hô hấp (Viêm phế quản, viêm mũi, họng,…). Một số triệu chứng hô hấp được khai thác thông qua phỏng vấn đối tượng nghiên cứu như ho, ho khạc đàm, tức ngực, khó thở, thở khò khè).

3

X quang phổi

Hiện tại chưa phát hiện các bất thường liên quan tương ứng với bệnh VPNDUNL trên các đối tượng nghiên cứu.

Hiện tại chưa phát hiện các bất thường liên quan tương ứng với bệnh VPNDUNL trên các đối tượng nghiên cứu.

4

Đo chức năng hô hấp

Phát hiện tình trạng rối loạn thông khí hạn chế trên 12,8% đối tượng ngành sản xuất đồ gỗ, rối loạn thông khí tắc nghẽn 1,8%, rối loạn thông khí hỗn hợp là 5,9%. 

Phát hiện tình trạng rối loạn thông khí hạn chế trên 12,8% đối tượng ngành CBTACN.

5

Miễn dịch học

Xét nghiệm miễn dịch học trên các đối tượng có các dấu hiệu lâm sàng của tổn thương đường hô hấp (274 mẫu) phát hiện có 5 mẫu dương tính nhẹ.

Xét nghiệm miễn dịch học trên các đối tượng có các dấu hiệu lâm sàng của tổn thương đường hô hấp (274 mẫu) phát hiện có 2 mẫu dương tính nhẹ.

Kết quả khảo sát cho thấy có 1,3 % người lao động trong ngành sản xuất đồ gỗ và chế biến TACN (Những ngành mà có công nhân tiếp xúc nhiều với bụi hữu cơ)  mắc bệnh VPNDUNL. Trong đó ngành sản xuất đồ gỗ có tỉ lệ 0,9%, cao hơn ngành sản xuất TACN( chỉ có 0,4%). Tỉ lệ này tương đương với bệnh VPNDUNL ở người nông dân qua một số nghiện cứu trên thế giới (khoảng trên dưới 0,5%) [1].

3.5. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh VPNDUNL

Dựa vào kết quả nghiên cứu cùng với tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh VPNDUNL của ILO, chúng tôi đề xuất tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh VPNDUNL như sau:

STT

Tiêu chuẩn chẩn đoán

1

Tiền sử tiếp xúc với các loại bụi hữu cơ, vi sinh vật trong môi trường lao động

2

Quan trắc môi trường lao động có nồng độ vi sinh vật/nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép

3

Khám lâm sàng có triệu chứng như thở khò khè, ho, khó thở; nghe phổi có thể có rale nổ

4

Có thể có hình ảnh bất thường trên phim X-quang

5

Có suy giảm chức năng hô hấp (rối loạn thông khí hạn chế, rối loạn thông khí tắc nghẽn, rối loạn thông khí hỗn hợp

6

Dương tính khi thực hiện xét nghiệm miễn dịch học IgG

IV. KẾT LUẬN

Người lao động làm việc tại các cơ sở CBTACN và sản xuất đồ gỗ đồ có tiếp xúc nghề nghiệp với bụi hữu cơ và vi sinh vật tại nơi làm việc.Các triệu chứng hô hấp và biểu hiện rối loạn chức năng hô hấp được phát hiện đều có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với tuổi nghề và vị trí việc làm (p<0,05). Thực hiện phản ứng miễn dịch IgG phát hiện có 7 ca có dương tính ở cả hai ngành nghề, tương ứng tỉ lệ mắc bệnh VPNDUNL là 1,3%. Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh VPNDUNL theo ILO cần được áp dụng, đưa bệnh VPNDUNL vào danh sách bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Arya A., Roychoudhury K., Bredin CP. (2006) “Farmer’s lung is now in decline”, Irish medical journal, 99 (7), pp. 203-5.

[2]. Belin L. ” Sawmill alveolitis in Sweden”, International archives of allergy and applied immunology, 82 (3-4), pp.440-3.

[3]. Lim HH., Domala Z., Joginder S., Lee SH., Lim CS., Abu Bakar CM. (1984) “Rice millers’ syndrome: a preliminary report”, British journal of industrial medicine, 41 (4), pp. 445-9.

[4]. Musa R., Naing L., Ahmad Z., Kamarul Y. (2000) “Respiratory health of rice millers in Kelantan, Malaysia”, The Southeast Asian journal of tropical medicine and public health, 31 (3), pp.575-8.

TS.BS. Trịnh Hồng Lân, CN. Phan Thị Trúc Thủy, ThS. Vũ Thụy Bảo Kim

Phân Viện Khoa học An toàn Vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)