Đánh giá và phân loại mức độc hại của gánh nặng lao động cho các đơn vị công việc tại một số cơ sở thoát nước và xử lý nước thải khu vực miền Trung

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:49(GMT +7)

Bài viết nghiên cứu đánh giá và phân loại mức độc hại của gánh nặng lao động cho các công việc tại một số cơ sở thoát nước và xử lý nước thải khảo sát ở khu vực miền Trung gồm: 40 đơn vị công việc và 107 người lao động theo phương pháp VNNIOSH của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngành thoát nước và xử lý nước thải hiện nay đang phát triển mạnh cả về quy mô, lao động và công nghệ theo xu hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng gia tăng ở nước ta. Khu vực miền Trung với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cùng với sự ra đời của nhiều cụm dân cư, nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp nên các hệ thống xử lý nước thải tập trung ngày càng phát triển. Bên cạnh công tác vận hành và xử lý hệ thống tập trung, một số doanh nghiệp trong mạng lưới này (chủ yếu là các công ty thoát nước và xử lý nước thải của tỉnh/thành phố) còn tham gia công tác xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước thải; duy tu bảo dưỡng, vệ sinh hệ thống thoát nước thải.

Theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm [5], nhiều công việc của các cơ sở thoát nước và xử lý nước thải được xếp loại điều kiện lao động loại IV, V và VI. Tại các hệ thống xử lý nước thải tập trung thường chia 3 ca làm việc/ngày, mỗi ca từ 4 – 6 lao động. Trong một số công việc, người lao động thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất như chlorine, xút, axit, chất oxy hóa (H2O2, O3..)…, các hơi khí độc (H2S, NH3…) và các vi sinh vật trong đó có cả các vi sinh vật gây bệnh thường xuyên tồn tại trong các hệ thống xử lý nước thải. Đối với các đơn vị thoát nước, vệ sinh môi trường (Vệ sinh cống, vệ sinh cơ cấu tách dòng, vệ sinh xử lý mùi và thoát nước) người lao động thực hiện các công việc thủ công, nặng nhọc, trong điều kiện làm việc ở các cống rãnh thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí, nhiều hơi khí độc, vi sinh vật gây hại và tư thế lao động gò bó. Chính những điều kiện làm việc như vậy sẽ gây ảnh hưởng rất lớn theo chiều hướng không tốt đến sức khỏe người lao động.

Để đáp ứng công tác quản lý, nghiên cứu và cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong các cơ sở thoát nước và xử lý nước thải của khu vực miền Trung; Phân viện KH An toàn Vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ thường xuyên: “Xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe nghề nghiệp của các đơn vị thoát nước và xử lý nước thải thuộc ngành vệ sinh môi trường – khu vực miền Trung” [4]. Ở phạm vi bài báo này, từ số liệu của Nhiệm vụ thường xuyên, chúng tôi tập trung nghiên cứu, đánh giá và phân loại mức độc hại của gánh nặng lao động cho các công việc tại một số cơ sở thoát nước và xử lý nước thải khảo sát. Trong đó, gánh nặng lao động được đánh giá thông qua hai nội dung cường độ lao động và mức nặng nhọc của quá trình lao động theo phương pháp VNNIOSH (Phương pháp mới đánh giá điều kiện lao động theo gánh nặng lao động tổng hợp) của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động [3].

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Người lao động làm việc tại các công đoạn của các cơ sở thoát nước và xử lý nước thải vào hai mùa mưa và nắng. Tổng số người lao động được khảo sát là 107 người thực hiện 40 đơn vị công việc.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

– Nghiên cứu được thiết kế theo phương pháp mô tả của nhiệm vụ.

– Phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng trong nhiệm vụ:

+ Phương pháp quan sát mô tả

+ Phương pháp điều tra, khảo sát, đo đạc thực tế

+ Phương pháp phỏng vấn người lao động qua phiếu: sử dụng mẫu phiếu phỏng vấn được soạn sẵn các chỉ tiêu cần khảo sát, đánh giá và phân loại.

+ Phương pháp thống kê, sử dụng phần mềm Excel.

2.3. Nội dung khảo sát

Gánh nặng lao động được đánh giá thông qua hai nội dung cường độ lao động và mức nặng nhọc của quá trình lao động theo phương pháp VNNIOSH (Phương pháp mới đánh giá điều kiện lao động theo gánh nặng lao động tổng hợp) của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.

– Đánh giá mức nặng nhọc của quá trình lao động dựa trên các chỉ số tải trọng động; khối lượng tải trọng được nâng và di chuyển bằng tay; di chuyển định hình (rập khuân, lặp đi lặp lại); tải trọng tĩnh; tư thế làm việc; độ nghiêng cơ thể; di chuyển trong không gian.

– Đánh giá cường độ làm việc được thực hiện trên cơ sở những chỉ số sau: tải trọng đối với các giác quan  và sự đơn điệu của các tải trọng.

– Tiêu chuẩn đánh giá về gánh nặng lao động:

Theo nguyên lý tổ chức lao động sản xuất, mọi yếu tố của quá trình lao động không được gây tác hại trên mức trung bình, tức mức 5 trong thang đánh giá.

Kết quả xếp loại chung là mức độc hại cao nhất trong số các kết quả xếp loại đối với từng chỉ số riêng rẽ ở trên. Nếu có từ hai chỉ số cho ta xếp loại điều kiện làm việc là độc hại ở mức 3 hoặc 4 thì mức độ độc hại của gánh nặng lao động được tăng lên một mức.

Thang 7 mức đánh giá gồm:

  1. Mức 1 – Chất lượng rất tốt;
  2. Mức 2 – Chất lượng tốt;
  3. Mức 3 – Độc hại nhẹ;
  4. Mức 4 – Độc hại trung bình;
  5. Mức 5 – Độc hại nặng;
  6. Mức 6 – Độc hại rất nặng;
  7. Mức 7 – Nguy hiểm.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Kết quả đánh giá phân loại mức độc hại của gánh nặng lao động cho các công việc tại hệ thống xử lý nước thải [4]

Bảng 1. Kết quả phân loại mức độc hại của gánh nặng lao động (mức nặng nhọc và cường độ của quá trình lao động) cho các công việc tại hệ thống xử lý nước thải (HT XLNT)

Đơn vị

Công việc/Bộ phận

Mức nặng nhọc của Quá trình lao động

Cường độ của quá trình lao động

Mùa nắng

Mùa mưa

Mùa nắng

Mùa mưa

Urenco

Vận hành HT XLNT

3

3

3

3

Giám sát vận hành HT XLNT

3

3

4

4

Giám sát xả thải

2

2

3

4

Bảo trì cơ điện + nước

2

2

3

3

Văn phòng

3

3

3

2

Thoát nước và xử lý nước thải ĐN

Trạm trưởng

3

3

4

4

Quan sát

3

3

5

4

Vớt rác

2

2

4

4

Vệ sinh

2

2

2

2

Sữa chữa

2

2

3

3

Tam Quan

Vận hành HT XLNT

3

3

4

4

Văn phòng

3

3

2

Ghi chú các mức phân loại: Mức 1 – Chất lượng rất tốt; Mức 2 – Chất lượng tốt;

Mức 3 – Độc hại nhẹ; Mức 4 – Độc hại trung bình;Mức 5 – Độc hại nặng;

Kết quả khảo sát cho thấy xếp loại mức nặng nhọc của quá trình lao động của các nhóm công việc bộ phận Hệ thống xử lý nước thải (HT XLNT) giống nhau ở cả hai mùa mưa và nắng, do tính chất của các nhóm công việc này chủ yếu là di chuyển, thực hiện các công việc tại các bể chứa nước thải và ngồi trực ở phòng điều khiển. Có 7/12 công việc được xếp ở mức 3 (mức độc hại nhẹ) chiếm tỷ lệ 58,33%. Các nhóm công việc này chủ yếu có tư thế lao động đứng và ngồi từ 75-80% thời gian làm việc, một số công việc như vận hành và giám sát HT XLNT còn có tư thế không thuận lợi chiếm 5% thời gian làm việc. Các nhóm công việc còn lại đều được xếp loại ở mức 2 (mức chất lượng tốt).

Đối với kết quả phân loại cường độc của quá trình lao động thì có sự khác nhau giữa hai mùa mưa và nắng. Vào mùa nắng: 1/12 (8,3%) công việc được phân loại ở mức độc hại nặng (mức 5), 4/12 (33,3%) công việc được phân loại ở mức độc hại trung bình (mức 4), 5/12 (41,7%) công việc được phân loại ở mức độc hại nhẹ (mức 3). Các đơn vị công việc còn lại đều được xếp ở mức chất lượng tốt. Công việc xếp ở mức độc hại nặng ở bộ phận quan sát các màn hình vi tính của hệ thống XLNT. Công việc này có thời gian quan sát màn hình vi tính và thời gian thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, thao tác  lặp lại được xếp ở mức nặng nhọc trung bình (mức 4).

Vào mùa mưa: chỉ có 6/12 (50%) công việc được phân loại ở mức độc hại trung bình (mức 4), 3/12 (25%) công việc được phân loại ở mức độc hại nhẹ (mức 3). Các đơn vị công việc còn lại đều được xếp ở mức chất lượng tốt.

3.2. Kết quả đánh giá phân loại mức độc hại của gánh nặng lao động cho các công việc tại bộ phận thoát nước [4]

Bảng 2. Kết quả phân loại mức độc hại của gánh nặng lao động (mức nặng nhọc và cường độ của quá trình lao động) cho các công việc tại bộ phận thoát nước

Đơn vị

Bộ phận

Công việc

Mức nặng nhọc của quá trình lao động

Cường độ của quá trình lao động

Mùa nắng

Mùa mưa

Mùa nắng

Mùa mưa

Thoát nước và xử lý nước thải ĐN

VS cống Trạm PL

Múc rác

4

4

5

5

Kéo xô bùn

5

5

4

4

Xách xô bùn

4

4

4

4

Đổ bùn vào thùng

5

5

3

3

Giám sát

2

2

4

4

Cơ cấu tách dòng

Cào rác 1

4

4

5

5

Cào rác 2

4

4

5

5

Quan sát

2

3

5

5

Xử lý mùi

Pha hóa chất

3

3

4

4

Phun hóa chất

4

4

4

4

Thoát nước

Múc rác 1

4

4

1

2

Múc rác 2

4

4

4

4

Múc rác 3

4

4

4

4

Cơ điện

Sữa chữa

2

2

3

3

Bảo dưỡng

4

4

3

3

Vệ sinh

4

4

5

5

VS nạo vét cống Trạm ST

Xúc rác

5

5

5

5

Xách rác 1

5

5

4

4

Kéo ròng rọc

4

5

4

4

Xách rác 2

4

5

4

4

Xách rác 3

4

5

4

4

Xách rác 4

4

5

4

4

Đổ rác

5

5

4

3

Thông cống

Nối ống

2

2

3

3

Kéo ống 1

4

4

4

4

Kéo ống 2

4

4

4

4

Vệ sinh

4

4

4

4

Văn phòng

Văn phòng

3

3

2

2

Ghi chú các mức phân loại: Mức 1 – Chất lượng rất tốt; Mức 2 – Chất lượng tốt;

Mức 3 – Độc hại nhẹ; Mức 4 – Độc hại trung bình; Mức 5 – Độc hại nặng;

Kết quả khảo sát, xếp loại mức nặng nhọc ở bộ phận thoát nước cho thấy xếp loại mức nặng nhọc của gánh nặng lao động của các nhóm công việc bộ phận thoát nước là không giống nhau ở hai mùa mưa và nắng:

Vào mùa nắng: Có 5/28 (17,9%) công việc được phân loại ở mức độc hại nặng (mức 5), 17/28 (60,7%) công việc được phân loại ở mức độc hại trung bình (mức 4), 2/28 (7,1%) công việc được phân loại ở mức độc hại nhẹ (mức 3). Các đơn vị công việc còn lại đều được xếp ở mức chất lượng tốt. Các công việc xếp ở mức độc hại nặng đều nằm ở bộ phận vệ sinh, nạo vét cống (công việc xúc rác, kéo bùn và đổ rác và bùn vào thùng chứa). Tất cả các đơn vị công việc này đều có Khối lượng tải trọng được nâng, dịch chuyển bằng tay và độ nghiêng người trong lao động được phân loại ở mức độc hại trung bình (mức 4).

Vào mùa mưa:  Có 9/28 (32,1%) công việc được phân loại ở mức độc hại nặng (mức 5), 13/28 (46,4%) công việc được phân loại ở mức độc hại trung bình (mức 4), 3/28 (10,7%) công việc được phân loại ở mức độc hại nhẹ (mức 3). Các đơn vị công việc còn lại đều được xếp ở mức chất lượng tốt. Đa số các công việc ở bộ phận nạo vét, vệ sinh cống vào mùa mưa đều được xếp loại ở mức độc hại nặng (mức 5). Chính mức nặng nhọc độc hại của quá trình lao động như vậy sẽ khiến cho người lao động dễ mắc các bệnh về cột sống thắt lưng do mang vác vật nặng.

Kết quả đánh giá còn cho thấy vào mùa mưa số lượng các công việc được phân loại ở mức độc hại nặng (mức 5) nhiều hơn mùa nắng là do vào mùa mưa do điều kiện thời tiết mưa nhiều, lượng nước chảy ở trong cống nhiều cuốn theo nhiều rác và bùn, chính vì vậy để thuận tiện cho việc thoát nước mưa và tránh gây ngập úng, công việc của tổ vệ sinh nạo vét cống thực hiện khối lượng công việc nhiều hơn so với mùa nắng.

Kết quả xếp loại mức cường độ quá trình lao động của nhóm các công việc bộ phận Thoát nước cho thấy: Kết quả xếp loại là tương tự nhau ở cả hai mùa mưa và nắng. Chỉ có khác nhau ở kết quả xếp loại ở công việc đổ rác của bộ phận vệ sinh nạo vét cống trạm Sơn Trà và công việc múc rác 1 ở bộ phận thoát nước. Có 6/28 (21,4%) vị trí được xếp loại ở mức độc hại nặng (mức 5), số lượng vị trí được xếp loại ở mức độc hại trung bình (mức 4) vào mùa nắng và mùa mưa lần lượt là 16/28 (57,1%) và 15/28 (53,6%). Số vị trí xếp loại ở mức độ hại nhẹ (mức 3) lần lượt là 4 và 5/28 (17,9%) vào 2/28 (7,1%) mùa nắng và mưa. Các công việc được xếp ở mức nặng nhọc độc hại (mức 5) chủ yếu là do người lao động phải chịu gánh nặng đơn điệu: có số lượng thao tác cần thiết để thực hiện 1 nhiệm vụ đơn giản hoặc thao tác lặp lại nhiều lần và thời gian thực hiện các nhiệm vụ đơn giản và thao tác lặp lại đều được xếp ở mức 4 (mức độc hại trung bình).

So với nhóm công việc ở bộ phận vận hành hệ thống XLNT và văn phòng, nhóm các công việc ở bộ phận thoát nước, vệ sinh có mức xếp loại cường độ của quá trình lao động ở mức nặng nhọc độc hại cao hơn. Chính mức độc hại cao của cường độ lao động trong quá trình lao động của công nhân ở các cơ sở thoát nước và xử lý thải là nguyên nhân gây nên những mệt mỏi trong lao động và dễ gây tai nạn lao động.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

4.1. Kết luận

Phân loại mức độc hại của gánh nặng lao động cho các công việc tại hệ thống xử lý nước thải: vào mùa nắng, số lượng các công việc được phân loại ở mức độc hại lớn hơn so với mùa mưa. Tỷ lệ % các công việc được phân loại ở mức độc hại vào hai mùa nắng và mưa lần lượt là 70,8% và 66,7%. Chỉ có 1 công việc được xếp ở mức độc hại nặng (mức 5) là công việc quan sát ở cơ sở thoát nước và xử lý nước thải vào mùa nắng.

Phân loại mức độc hại của gánh nặng lao động cho các công việc tại bộ phận thoát nước cho thấy: 89,3% công việc được phân loại ở mức độc hại vào mùa nắng; 91,1% công việc được phân loại ở mức độc hại vào mùa mưa. 14/28 công việc được xếp ở mức độc hại nặng (mức 5) ở cả 2 mùa nắng và mưa.

Đa số các công việc tại một số cơ sở thoát nước và xử lý nước thải khảo sát đều được phân loại mức độc hại của gánh nặng lao động từ mức độc hại nhẹ (mức 3) trở lên. Số lượng các công việc ở bộ phận thoát nước có mức phân loại độc hại cao hơn so với các công việc ở hệ thống xử lý nước thải.

4.2. Kiến nghị

Đánh giá gánh nặng lao động thông qua mức nặng nhọc, cường độ của quá trình lao động cho các công việc nên được thực hiện định kỳ hàng năm tại các cơ sở thoát nước và xử lý nước thải.

Đối với các nhóm công việc có mức độ nặng nhọc của quá trình lao động ở mức nặng nhọc độc hại, cần có các giải pháp can thiệt sớm, kịp thời để cải thiện điều kiện làm việc, giảm bớt gánh nặng cho người lao động như sắp xếp, bố trí dụng cụ hợp lý, nghiên cứu áp dụng các quy trình thao tác chuẩn để hạn chế các tư thế làm việc sai, không thuận lợi…

Đối với các nhóm công việc có cường độ của quá trình lao động ở mức nặng nhọc độc hại cần sắp xếp thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tránh cho người lao động không bị mệt mỏi thần kinh tâm lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. PGS.TS. Nguyễn Việt Anh (2015), “Những thành tựu cơ bản và thách thức trong xử lý nước thải đô thị và công nghiệp ở Việt Nam”, Tạp chí Môi trường, Số 9-2015.

[2]. PGS.TS. Ứng Quốc Dũng, KS. Đỗ Tiến Thành (2016), Tổng hợp tình hình hoạt động xử lý nước thải đô thị và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam, lần cuối truy cập ngày 19/4/2021, < http://vwsa.org.vn/vn/article/266/tong-hop-tinh-hinh-hoat-dong-xu-ly-nuoc-thai-do-thi-va-nhu-cau-dao-tao-nguon-nhan-luc-tai-viet-nam.html>

[3]. Đỗ Trần Hải và cộng sự (2018), ‘Hồ sơ phương pháp mới đánh giá điều kiện lao động theo gánh nặng lao động tổng hợp’, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Hà Nội.

[4]. Nguyễn Thị Thùy Trang và cộng sự (2019), Xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe nghề nghiệp của các đơn vị thoát nước và xử lý nước thải thuộc ngành vệ sinh môi trường – khu vực miền Trung, NV4 – Nhiệm vụ thường xuyên năm 2019, Phân viện KH An toàn Vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung.

[5]. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2020), Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH Ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, Ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2020.

Nguyễn Thị Thùy Trang và cộng sự

Phân viện KH An toàn Vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)