Điều kiện làm việc của nhân viên y tế chuyên nghành giám định pháp y tâm thần

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:47(GMT +7)

Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá môi trường làm việc của nhân viên y tế (NVYT) tại một Viện chuyên ngành giám định pháp y tâm thần. Một số yếu tố trong môi trường lao động (yếu tố vật lý, bụi, hóa học, vi sinh vật) được đo đạc và phân tích đặc điểm yêu cầu công việc để đánh giá gánh nặng lao động ở nhân viên y tế.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Lao động nhân viên y tế (NVYT) là dạng lao động đặc thù, mỗi chuyên ngành có một đặc điểm riêng biệt về điều kiện lao động: nhân viên X-Quang thường xuyên phải tiếp xúc với tia X, nhân viên điều trị ung thư  phải tiếp xúc với các hóa chất, phóng xạ; nguy cơ lây nhiễm HIV nghề nghiệp rất cao ở các nhân viên điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV, AIDS… Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra có mối liên quan giữa các vấn đề về sức khỏe của NVYT có liên quan đến tính chất công việc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân có nguy cơ bị stress cao hơn nhiều  lần so với các ngành nghề khác. Nghiên cứu của Linn LS, et al. (1985) [5], Agius RM et al. (1996) [1] cho thấy có tới 25% các bác sĩ lâm sàng bị stress, trầm cảm, lo âu và kiệt sức. Ảnh hưởng của stress nghề nghiệp đến sức khoẻ là mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, không thoả mãn với công  việc, giảm chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân, nghiện rượu, số ngày nghỉ ốm cao, về hưu sớm, và mắc một số bệnh liên quan đến stress như loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp… vv.

II. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Đánh giá môi trường làm việc của nhân viên y tế tại một viện chuyên ngành giám định pháp y tâm thần.

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1. Đối tượng nghiên cứu

– Môi trường lao động của nhân viên y tế tại một viện chuyên ngành giám định pháp y tâm thần

– Đặc điểm điều kiện lao động của nhân viên y tế chuyên ngành giám định pháp y tâm thần

3.2. Phương pháp nghiên cứu

3.2.1. Nghiên cứu mô tả cắt ngang

3.2.2. Phương pháp thực hiện:

* Thiết bị (đo, lấy mẫu và phân tích mẫu) và phương pháp (lấy mẫu, xác định):

Đo các yếu tố vật lý

Đo vi khí hậu bằng máy: Kimo – Pháp;

Đo ánh sáng bằng máy: Testo 540- Đức;

Đo tiếng ồn bằng máy: Casella – Mỹ;

Đo các yếu tố bụi:

– Xác định nồng độ bụi toàn phần trong không khí bằng máy điện tử Micro Dust của Mỹ.

– Xác định nồng độ bụi hô hấp trong không khí bằng máy điện tử Micro Dust của Mỹ.

Đo, lấy mẫu và phân tích hơi khí độc bằng máy:

– Xác định nồng độ hơi khí độc trong không khí bằng máy Máy Quest (Mỹ).

– Máy lấy mẫu Kimoto – Nhật, Máy trắc quang (UV-VIS, Anh, Máy Quest (Mỹ).

Vi sinh vật trong không khí:

       Lấy mẫu không khí để xác định số lượng vi sinh vật chỉ điểm trong không khí theo Thường quy kỹ thuật Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Nhà xuất bản Y học năm 2015).

– Môi trường Nutrien agar: xác định tổng số vi khuẩn hiếu khí (TSVKHK) ở nhiệt độ nuôi cấy 37 oC/48 giờ.

– Môi trường Sabouraud agar: xác định tổng số nấm mốc (TSNM) ở nhiệt độ 28 oC/ 7-10 ngày.

– Môi trường thạch máu: xác định tổng số cầu khuẩn tan máu (TSCKTM) ở nhiệt độ nuôi cấy 37 o C/24 giờ.

Tiêu chuẩn tham chiếu: Quy chuẩn Việt Nam (QCVN), tiêu chuẩn ngành (TCN) và khuyến cáo của WHO (WHO suggestion).

Ghi chú: Hiện tại ở Việt Nam chưa có qui định tiêu chuẩn cho phép Vi sinh vật trong không khí.

* Tiêu chí đánh giá: Theo khuyến cáo của WHO (WHO suggestion) dành cho bệnh viện để đánh giá mức độ vi sinh vật trong môi trường không khí tại bệnh viện:

Romanovici: đối với nấm mốc:

Đánh giá gánh nặng lao động theo đặc điểm yêu cầu của công việc bằng phương pháp quan sát, phỏng vấn và bấm thời gian lao động

3.2.3 Xử lý số liệu theo phương pháp thống kê y học.

IV. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.1. Môi trường lao động của nhân viên y tế

4.1.1. Yếu tố vật lý

Nhận xét:

* Kết quả đo vi khí hậu cho thấy:

– Nhiệt độ không khí tại các vị trí đo được dao động từ 18,0 – 19,00C, so với quy chuẩn cho phép QCVN 26:2016/BYT, tất cả các vị trí nhiệt độ đều nằm ở mức giới hạn cho phép.

– Độ ẩm không khí tại các vị trí đo được dao động từ 63,3 –69,8%, so với quy chuẩn cho phép QCVN 26:2016/BYT, tất cả các vị trí độ ẩm không khí đều đáp ứng mức giới hạn cho phép.

– Tốc độ gió tại các vị trí đo được dao động từ 0,14-0,21m/s, so với quy chuẩn cho phép QCVN 26:2016/BYT, tất cả các vị trí tốc độ gió đều nằm ở mức quy định cho phép.

* Cường độ ánh sáng đo được ở các vị trí dao động từ: 70 Lux – 356 Lux. So với quy chuẩn cho phép QCVN 22:2016/BYT, có 15 vị trí cường độ ánh sáng đo được không đạt giới hạn cho phép, các vị trí còn lại cường độ ánh sáng nằm ở mức giới hạn cho phép.

* Cường độ tiếng ồn

– Tiếng ồn chung đo được ở các vị trí dao động từ dBA 52,2– 70,5 dBA. So với quy chuẩn cho phép (QCVN 24:2016/BYT), tất cả các vị trí tiếng ồn đều nằm ở mức giới hạn cho phép.

– Tiếng ồn phân tích ở các dải tần số dao động từ 25,5  – 66,5  dB. So với quy chuẩn cho phép (QCVN 24:2016/BYT), tất cả các vị trí tiếng ồn đều nằm ở mức giới hạn cho phép.

4.1.2. Bụi các loại

Nhận xét: Nồng độ bụi đo được ở các vị trí cho thấy:

– Nồng độ bụi toàn phần đo được dao động từ 0,068 – 0,090 mg/m3.

– Nồng độ bụi toàn phần đo được dao động từ 0,052 – 0,074 mg/m3.

So với tiêu chuẩn cho phép (theo Quyết định số: 3733/2002/QĐ-BYT). Nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp ở tất cả các vị trí đều nằm ở mức giới hạn cho phép.

4.1.3. Yếu tố hóa học, hơi khí độc

Nhận xét: Tại thời điểm đo, tất cả các vị trí nồng độ hơi khí CO2 và NH3 đều nằm ở mức giới hạn cho phép theo Quyết định số: 3733/2002/QĐ-BYT.

4.1.4. Yếu tố vi sinh vật

Nhận xét: Kết quả đo các chỉ tiêu vi sinh vật trong không khí bao gồm (Tổng vi khuẩn hiếu khí; Tổng vi khuẩn tan máu; Tổng nấm mốc) tại một số phòng trong Viện cho thấy tất cả các mẫu vi sinh vật trong không khí đều không đạt tiêu chuẩn theo khuyến cáo của WHO dành cho bệnh viện.

4.2. Đặc điểm điều kiện lao động của nhân viên y tế chuyên ngành giám định pháp y tâm thần

Điều kiện lao động của các NVYT chuyên ngành giám định pháp y tâm thần khá đặc thù và có nhiều yếu tố công việc gây căng thẳng thần kinh tâm lý :

– Đối tượng điều trị, chăm sóc của các nhân viên y tế là những đối tượng vi phạm pháp luật bị bệnh tâm thần, các đối tượng phạm tội nghiêm trọng, không có khả năng kiểm soát năng lực, hành vi nên NVYT có thể bị tấn công, xâm hại bất cứ khi nào và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng → do vậy tính chất công việc rất đặc thù, luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ nguy hiểm cho cán bộ nhân viên nhất là khi không có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp cho các cán bộ nhân viên khi làm việc. Đồng thời đây là đối tượng phạm pháp, có tính chất xã hội rất phức tạp, nên nhân viên không chỉ có nguy cơ khi ở trong Viện mà khi ra ngoài xã hội cũng có thể có những nguy cơ nguy hiểm.

– Bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý tuy phải thực hiện các chức trách, nhiệm vụ khác nhau nhưng đều có chung một điểm là phải trực tiếp tiếp xúc với phân, mủ, nước tiểu của bệnh nhân tâm thần mang tính xã hội cao, có các nguồn bệnh lây nhiễm cao như: phong, lao, HIV/AIDS, viên gan B…

– Số lượng đối tượng bệnh nhân tương đối đông, việc điều trị cho bệnh nhân cũng có nhiều điểm đặc biệt. Hàng ngày các bệnh nhân được phát thuốc và phải được giám sát chặt chẽ cho từng bệnh nhân, đảm bảo uống hết thuốc ngay tại chỗ; đồng thời phải giám sát suất ăn của bệnh nhân, đảm bảo bệnh nhân không bỏ ăn. Một công việc đặc thù nữa của các nhân viên y tế chuyên ngành giám định pháp y tâm thần là kiểm tra loại trừ vật sắc nhọn trong phòng và trên người bệnh nhân, đây là công việc rất khó khăn và đòi hỏi khéo léo, tỉ mỉ.

– Yêu cầu mức độ trách nhiệm rất cao của NVYT trong công việc; đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối, không cho phép sai sót do gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng con người cũng như tính chất nghiêm trọng của xã hội

– Phải trực đêm: cũng như các NVYT nói chung, NVYT chuyên ngành giám định pháp y tâm thần cũng phải trực đêm với một tinh thần trách nhiệm rất cao đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân đặc biệt các đối tượng nguy hiểm, bệnh nhân đang trong giai đoạn giám định bệnh.

V. BÀN LUẬN

Môi trường làm việc của các NVYT có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe: phải tiếp xúc với các vi sinh vật, hóa chất độc hại, căng thẳng thần kinh tâm lý, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm cao (lao, viêm gan B, HIV…), Tiếp xúc với các vật sắc nhọn (kim tiêm…)…; đặc biệt đối với nhân viên y tế giám định pháp y tâm thần phải trực tiếp tiếp xúc bệnh nhân tâm thần có tính chất phạm tội, nguy hiểm, tiếp xúc với các thuốc/ dược liệu hướng tâm thần, gây độc (Aminazin, Amitriptylin…)…

 Demiral et al. (2002) [2] đã nghiên cứu trên 300 bác sĩ ở các chuyên khoa khác nhau và tìm thấy tỷ lệ chung về trầm cảm và lo âu là 18,9 % và 27,4% ở các bác sĩ. Một số lượng lớn các nghiên cứu đã chỉ ra 25-30% nhân viên y tế bị kiệt sức là hậu quả các công việc của họ trong ngành y tế (Grassi & Magnani, 2000). Các yếu tố nguy cơ là gánh nặng công việc, tổ chức lao động tồi, mâu thuẫn nhóm và phải chăm sóc các bệnh nhân nặng, tiếp xúc hàng ngày với người chết và các vấn đề tử vong, những phản ứng thái quá từ các gia đình bệnh nhân là những nguồn stress lớn. Estrin-Behar và CS. (1990) [3] đã nghiên cứu gánh nặng tâm lý  trên 1505 cán bộ y tế nữ tại Pháp trong năm 1990. Năm chỉ số y tế được nghiên cứu: sự mệt nhọc, suy  nhược, sử dụng thuốc chống trầm cảm, sử dụng thuốc ngủ, sử dụng thuốc an thần, và các rối loạn tâm lý. Kết quả cho thấy mất ngủ liên quan nhiều đến căng thẳng nghề nghiệp. Tất cả 5 chỉ số trên đều liên quan đến quá tải trong công việc. 

Một nghiên cứu dọc trong vòng 2 năm về sức khoẻ, bệnh tật và nghỉ ốm của các bác sỹ làm việc tại bệnh viện Phần Lan đã được tiến hành lần đầu tiên vào năm 2001 (Kivimaki và cs.) [4]. Kết quả cho thấy việc vắng mặt của các bác sỹ ở bệnh viện liên quan rất mật thiết đến tình trạng sức khoẻ và bệnh tật của các bác sỹ. Shamian và cs. (2000) [6] đã nghiên cứu 6.609 y tá làm việc tại 160 bệnh viện tại Canada. Kết quả cho thấy tình trạng sức khoẻ của y tá tốt hơn trong các bệnh viện có điều kiện làm việc tốt hơn, những y tá làm việc ít thời gian/ trong 1 tuần có điều kiện sức khoẻ tốt hơn những y tá làm việc tất cả các ngày trong tuần.

VI. KẾT LUẬN

– Môi trường lao động của NVYT tại hầu hết các khoa đều nằm trong giới hạn cho phép ngoại trừ ánh sáng và yếu tố vi sinh vật tại một số vị trí vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TTCP).

– Điều kiện lao động của NVYT chuyên ngành giám định pháp y tâm thần có nhiều đặc điểm rất đặc biệt: Đối tượng điều trị, chăm sóc của các nhân viên y tế là những đối tượng vi phạm pháp luật bị bệnh tâm thần; các đối tượng phạm tội nghiêm trọng; không có khả năng kiểm soát năng lực, hành vi nên NVYT có thể bị tấn công, hành hung bất cứ khi nào và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.  NVYT chuyên ngành giám định pháp y tâm thần đòi hỏi phải có trách nhiệm rất cao trong công việc, đặc biệt các bệnh nhân đang trong giai đoạn giám định bệnh và có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao từ các bệnh nhân.

VII. KHUYẾN NGHỊ

Các tác giả khuyến nghị cần có biện pháp cải thiện môi trường làm việc, làm giảm gánh nặng lao động ở NVYT chuyên ngành giám định pháp y tâm thần

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Agius RM, Blerkin H, Deary IJ, et al (1996). Survey of perceived stress and work demands of consultant physicians. Occup Environ Med 1996; 53: 217–224. 

[2]. Demiral, Y, Akvardarr, Y., Ergor A., Ergor G. (2003). The impact of job satisfaction on anxiety and depression levels among physicians. Book Abstract of 27th ICOH in Brazil.  34.4. 

[3]. Estryn-Behar M, Kaminski M, Peigne E, et al (1990). Stress at work and mental health status among female hospital workers. Br J Ind Med. 1990 Jan;47(1):20-8. 

[4]. Kivimaki M, Sutinen R, Elovainio M, et al (2001) Sickness absence in hospital physicians: 2 year follow up study on determinants. Occup Environ Med. 2001 Jun;58(6):361-6

[5]. Linn LS, Yager J, Cope D, Leake B (1985). Health status, job satisfaction, job stress and life satisfaction among academic and clinical faculty. JAMA 1985; 254: 2775–2782.  

[6]. Shamian J, Kerr MS, Laschinger HK, Thomson D (2002). A hospital-level analysis of the work environment and workforce health indicators for registered nurses in Ontario’s acute-care hospitals. Can J Nurse Res. 2002 Mar;33(4):35-50.

                                    Nguyễn Thu Hà, Trần Văn Đại, Nguyễn Thị Bích Liên

Nguyễn Thị Son, Hồng Quang Thống, Trần Trọng Hiếu,

Trần Văn Toàn, Nguyễn Thị Thắm

                                      Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)