Điều kiện làm việc và sức khỏe của người lao động trong sản xuất muối ở Ninh Thuận

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:45(GMT +7)

Trương Thị Yến Nhi
Liên đoàn lao động Ninh Thuận

Hiện Ninh Thuận là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích sản xuất muối công nghiệp với khoảng 3.700 héc ta, gồm 4 cánh đồng lớn (Quán Thẻ, Cà Ná, Tri Hải, Đầm Vua) theo quy trình sản xuất muối phân đoạn kết tinh quy mô tập trung. Sản lượng muối của Ninh Thuận hàng năm có thể đạt hơn 400 nghìn tấn muối công nghiệp, chiếm gần 50% sản lượng muối công nghiệp của cả nước. Định hướng của tỉnh là đầu tư cải tạo, nâng cấp các đồng muối công nghiệp hiện có và xây dựng các đồng muối mới để đến năm 2015, đưa tổng diện tích đồng muối toàn tỉnh lên gần 5.000 héc ta, trong đó, diện tích thực tế đưa vào sản xuất khoảng 4.000 héc ta. Mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn này là sản lượng muối trung bình hàng năm đạt hơn 600 nghìn tấn, bảo đảm yêu cầu nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng từ tám đến mười nghìn lao động ở địa phương.

Hiện nay ở nước ta quy trình sản xuất muối từ nước biển được thực hiện theo phương pháp phơi nước, là quá trình thực hiện sự phân ly natri clorua với nước và các muối khác có trong nước biển. Nước biển được phơi ở ngoài trời thu nhận trực tiếp nhiệt năng bức xạ mặt trời, tác động của gió… để bay hơi tự nhiên phần nước ngọt có trong nước biển bằng kiểu bay hơi bề mặt (có khi cho bay hơi kiểu tia nước) để thu lấy nước chạt có nồng độ xấp xỉ bão hòa natri clorua. Sau đó tiếp tục cô đặc nước chạt, giai đoạn kết tinh để thu lấy muối thô.

Để thu được muối chất lượng cao (chứa nhiều natri clorua ít tạp chất) người ta không phơi nước biển ở một ô cho đến khi thu được muối kết tinh, mà trong quá trình cô đặc, nước biển được chuyển liên tiếp qua một số ô phơi để lắng và loại bỏ tạp chất có độ hòa tan kém hơn natri clorua. ở ô cuối cùng (ô kết tinh) người ta cũng khống chế thời điểm bắt đầu và dừng thu muối từ nước chạt để tách bớt các tạp chất có thể lẫn vào muối.

Quy trình sản xuất muối sạch được làm toàn bộ ngoài trời nắng và được chia làm 5 công đoạn chính bao gồm: công đoạn cung cấp nước biển; cô đặc nước biển (gọi chung là chưng phát); làm sạch dung dịch nước muối bão hòa; kết tinh muối; bảo quản. Sau đó là công tác thu hoạch với các công đoạn: cày muối (bằng máy cày MTZ để phá vỡ lớp muối kết tinh); phay muối (đối với muối kết tinh phủ bạt); găng muối (đối với muối kết tinh trải bạt, dùng dụng cụ găng bằng tay để phá vỡ sự kết dính của muối); cào muối và cuối cùng là gom muối. Riêng muối đóng ở thành bờ được công nhân thực hiện sau khi thu hoạch (khoảng 12-15 người), lượng muối khoảng 16 tấn, được phân loại là muối phế phẩm do lẫn nhiều đất cát. Sau khi cào xong thành đống lớn, muối được để ráo tại ô kết tinh 1 ngày mới nhập kho.
          Qua thực tế khảo sát về điều kiện làm việc trên các cánh đồng muối ở Ninh Thuận cho thấy lao động chủ yếu là thủ công, ngoại trừ khâu đưa muối lên xe tải và chuyển tới kho muối trung chuyển ngoài trời là sử dụng xe xúc và xe tải. Hầu hết công việc sản xuất muối thô đều thực hiện ở ngoài trời, do đó yếu tố khí hậu, tự nhiên là một trong những tính đặc thù của nghề này: nắng, mưa, bức xạ nhiệt, gió (thông thường là gió mạnh), kể cả dông sét.

Trong quá trình làm việc, công đoạn sản xuất muối thô là công việc nặng nhọc, vất vả. Phương tiện bảo vệ cá nhân tuy có đủ, song vẫn chưa phù hợp như để bảo vệ đầu (chống nắng, mưa) chỉ có nón (mũ) và NLĐ phải tự trang bị thêm khăn che mặt, gáy; bảo vệ tay chủ yếu là găng tay vải với mục đích chính là tránh sự cọ xát muối thô (cạnh sắc) cứa vào tay mà không ngăn được sự cọ xát với muối tinh, nước ót (có nồng độ muối cao); bảo vệ chân chủ yếu là ủng cao su, phần lớn là bộ phận cào muối và chất đống muối; việc dùng ủng để bảo vệ sự tiếp xúc chân NLĐ với nước ót không chỉ có nồng độ muối cao mà còn rất nóng do ô kết tinh lấy từ năng lượng mặt trời, song không ít trường hợp nước ót, muối tinh, muối thô do nhiều nguyên nhân vẫn lọt vào trong ủng làm tổn thương da chân.

Công nghệ sản xuất muối tinh tại Xí nghiệp chế biến muối ở Ninh Thuận cũng mang một số đặc thù của ngành sản xuất muối nói chung. Nhiều công đoạn tư thế làm việc không thoải mái như khâu ly tâm, xúc muối vào bao, hàn bao; khâu đưa muối vào lò sấy, xay (nghiền) muối sau khi sấy…; phần lớn các công đoạn NLĐ tiếp xúc với muối tinh, riêng công đoạn ly tâm còn tiếp xúc với muối thô, đều dẫn đến bì da chân tay và bị rứa nhỏ. Tuy làm việc ở trong nhà, song do mái lợp bằng phibroximăng và làm việc tại các máy xay, sấy NLĐ phải chịu tiếng ồn và nhiệt bức xạ cao. Tại vị trí máy ly tâm môi trường làm việc ẩm ướt, do nhà xưởng trống nên không khí thông thoáng tốt, song tiếng ồn cũng rất lớn. Trừ một số thiết bị máy móc cần thiết cho công nghệ: như máy hút, máy rửa, máy nghiền, máy ly tâm, máy sấy, máy xay; còn lại công việc đều thực hiện bằng thủ công như khâu đưa muối vào máy ly tâm và vận chuyển đến vị trí đóng bao khoảng cách từ 3 – 6m (1 giỏ 35 – 40kg); khâu vào bao, đưa lên bàn cân, hàn bao, vận chuyển đến kho và chất đống (1 bao 50kg).

Đối với công nhân cào muối, tư thế lao động gò bó, luôn phải khom người, đi dưới nước (400C), dùng trang đẩy muối thành đống (1 trang đẩy muối nặng từ 150 – 200kg), trời nắng nóng nên mau mệt (có trường hợp ngất xỉu). Trong xưởng chế biến, ở khâu ly tâm chỗ đứng thao tác không hợp lý dễ gây TNLĐ, đặc biệt té ngã do trơn trượt.

Trong sản xuất muối, việc sử dụng các thiết bị điện là không nhiều như các ngành sản xuất khác, tuy nhiên do đặc điểm môi trường lao động thì rủi ro xảy ra tai nạn điện từ các thiết bị này lại cao hơn so với các ngành sản xuất khác. Tại khu vực phân xưởng chế biến, mạng điện, dây cáp điện đi trên tường, trên xà gỗ và cả trên mặt đất, dàn máy rửa nghiền muối bị rỉ sét hoàn toàn do làm việc trong môi trường ẩm ướt và ăn mòn; chỉ có các tủ điện được bọc bao nilon là còn trong tình trạng tốt, lớp bọc PVC của hệ thống điện dây diện đã bị lão hóa nên làm giảm độ cách điện. Hầu hết các thiết bị đều nối đất sơ sài không đúng phương pháp (dùng nối đất tự nhiên bằng các bulông đế chân máy). Một số vị trí làm việc luôn ẩm ướt như khu vực máy rửa muối thô, máy nghiền, máy ly tâm làm cho độ dẫn điện cao nên nếu có rò điện hoặc tai nạn điện thì dòng điện qua người sẽ lớn hơn nhiều so với dòng qua người tại nơi khô ráo. Qua khảo sát trên, nhận thấy còn nhiều nội dung an toàn điện trong các nhà xưởng sản xuất muối chưa đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn nhà nước (TCVN 4756-89 và 20 TCN 46-84). Riêng tại cánh đồng khai thác muối thường tập trung số lượng lớn NLĐ nhưng các ngôi nhà dùng cho  tạm nghỉ trong thời gian sản xuất cũng chưa có hệ thống chống sét đánh thẳng để làm nơi tạm trú an toàn cho công nhân khi có mưa dông xảy ra đột ngột.

Qua khảo sát có thể thấy yếu tố đáng quan tâm nhất là nhiệt độ: 85,42% ý kiến được hỏi cho rằng nóng và rất nóng do đặc thù của công việc; yếu tố đứng thứ 2 là tốc độ gió lớn và rất lớn chiếm 83,33%; yếu tố thứ 3 là tiếng ồn chiếm 100% (ý kiến của công nhân tại xưởng chế biến muối) do máy xay và máy ly tâm gây ra; yếu tố thứ 4 quá sáng và chói lóa chiếm 93,33% (ý kiến của công nhân làm việc ngoài đồng muối) do bức xạ của mặt trời chiếu xuống bề mặt tinh thể muối và phản xạ ngược lại vào mặt người lao động. Đây là 4 yếu tố quan trọng đáng quan tâm chính và cần có biện pháp cải thiện để giảm thiểu sự bất lợi và tác hại của chúng tới sức khỏe  NLĐ trong quá trình lao động.

 Ví dụ ở khâu sấy muối: Vào thời điểm đo, nhiệt độ ngoài trời là 30,60C (lúc 09h30 phút), nhiệt độ không khí tại khu vực sấy (vị trí công nhân thao tác) cao hơn nhiệt độ ngoài trời từ 2 – 30C và cao hơn tiêu chuẩn vệ sinh lao động (>320C), mặc dù gian xưởng đã được mở thông thoáng nhưng do nhiệt độ sấy cao (220 – 2400C) tỏa nhiệt tạo sức nóng khu vực xung quanh lò, bức xạ nhiệt đo tại khu vực lò sấy muối cao hơn tiêu chuẩn vệ sinh lao động 1,2 lần.

Trong khi đó ở khâu ly tâm: tiếng ồn cao (87 dBA>TCCP là 85 dBA). Tại khu vực này có độ ẩm không khí cao, nhiệt độ lại cao làm cản trở sự cân bằng thân nhiệt của người lao động nhờ quá trình bài tiết mồ hôi, vì thế dễ gây cảm giác mệt mỏi cho NLĐ; bức xạ nhiệt cao hơn TCCP 2,2 lần dễ gây sạm da. Do đặc thù công việc NLĐ phải thường xuyên làm việc ngoài trời trong nhiệt độ không khí ngoài đồng muối lúc cao điểm là 33,50C (lúc 11h05, chưa phải lúc trời nắng gắt), bức xạ nhiệt là 7,3 W/cm2 (cao hơn tiêu chuẩn 73 lần), đây là nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt, sạm da, ung thư da. Tốc độ gió lớn vượt tiêu chuẩn cho phép 1,7 lần, tốc độ gió lớn khiến cho NLĐ có cảm giác mệt mỏi.

Ngoài ra, do vấn đề vệ sinh các đường mương rãnh xung quanh,  NLĐ còn phải thường xuyên tiếp xúc với các loại hơi, khí H2S, NH3 phát sinh từ các nguồn này, điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe  trong quá trình lao động lâu dài…


Công nhân đang xúc muối vào giỏ để ly tâm và thao tác bên lò sấy muối

Qua khảo sát tại Ninh Thuận cho thấy, NLĐ ở đây phần lớn có tuổi đời và tuổi nghề ở độ tuổi 25 – 45 tuổi chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm 82,81%), cho nên sức chịu đựng và thích nghi với môi trường lao động thường xuyên có nhiều yếu tố khắc nghiệt do thời tiết và nặng nhọc do đặc thù của công việc rất tốt. Kết qua khám sức khỏe định kỳ cho thấy sức khỏe loại I, II chiếm 43,55% và sức khỏe loại III, IV, V chiếm 56,45%; điều này chứng tỏ sức khỏe của NLĐ bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh. Và với tình hình sức khỏe như trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động, cũng như đời sống.

Từ kết quả khám sức khỏe định kỳ của đơn vị cho thấy: NLĐ bị huyết áp cao chiếm tỷ lệ rất lớn (39,52%), do làm việc trong môi trường nắng, nóng nên sự bài tiết mồ hôi gia tăng, quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng được đẩy mạnh. Cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn sẽ khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng cao, dễ dẫn đến những bệnh lý có liên quan đến máu, làm tăng tỷ lệ nguy cơ cho tim và não. Ngoài ra, các bệnh về răng hàm mặt cũng chiếm tỷ lệ cao (29,84%). Bệnh này có liên quan đến thói quen vệ sinh răng miệng, kem đánh răng không đúng tiêu chuẩn (flour, chất sát trùng trong kem đánh răng, nguồn nước….) Đặc biệt các bệnh tim mạch do làm việc trong môi trường nóng, ồn, cường độ làm việc cao dẫn đến cơ thể mệt mỏi, ngủ không ngon giấc, và nguy cơ tăng huyết áp làm tổn hại tim mạch.

Thực tế hiện nay, việc làm của NLĐ nghề muối không ổn định do tính chất công việc theo thời vụ và phụ thuộc nhiều vào thời tiết (nắng, mưa). Thu nhập làm muối không cao, NLĐ được trả lương theo hình thức khoán việc và theo sản phẩm, những ngày làm việc thì có lương, còn những ngày nghỉ do không có việc thì không có lương. Điều kiện sống còn thiếu thốn, thu nhập thấp, khả năng làm thêm tăng nguồn thu nhập ít (khoảng 40% trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi, buôn bán,…). Hơn nữa, thu nhập thêm không nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của NLĐ.  

Qua điều tra, khảo sát và phân tích, ta có thể nhận thấy môi trường lao động của ngành muối thật sự khắc nghiệt, công nhân luôn làm việc trong điều kiện nắng, nóng, (bức xạ nhiệt và bức xạ mặt trời cao), tiếng ồn lớn, gió mạnh; cường độ lao động căng thẳng,… Công nhân làm việc chủ yếu bằng thủ công và do tính chất đặc thù của nghề muối phải làm việc trong điều kiện nắng, nóng, ẩm ướt nên các triệu chứng liên quan đến thể lực và thần kinh chiếm tỷ lệ cao. Do đó cần phải có biện pháp bồi dưỡng bằng hiện vật tại chỗ để tái tạo sức lao động và bố trí nghỉ ngơi hợp lý để ổn định sức khỏe cho công nhân.

Tại phân xưởng sản xuất muối tinh, các thiết bị hiện nay không đồng bộ,  mặt bằng nhà xưởng xấu và yêu cầu vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo. Bên cạnh đó vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của người lao động. Mặc dù xí nghiệp có quan tâm đến công tác ATVSLĐ nhưng chưa đạt hiệu quả cao.

Từng bước cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ ngành muối nói chung và ở Ninh Thuận nói riêng các doanh nghiệp sản xuất muối cần trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân như: áo mưa, kính chống chóa mắt, mũ (nón) rộng vành có khăn che được mặt và gáy hoặc mũ rộng vành và khăn trang che nắng, quần áo BHLĐ phù hợp …. Tăng số lượng ủng, mũ vải, nút tai chống ồn cho một số vị trí cần thiết và hay bị hư hỏng. Bên cạnh đó vấn đề vệ sinh và cải thiện nhà xưởng, bố trí mặt bằng sản xuất hợp lý (khu vực ly tâm muối sàn làm việc dễ trơn trượt và vệ sinh chưa tốt; khu vực lò sấy bố trí thêm hệ thống hút không khí hoặc quạt công nghiệp để làm giảm sức nóng do lò sấy tỏa ra, di chuyển bộ phận đóng bao cách xa khu vực ly tâm và khu vực máy xay muối sấy để không ảnh hưởng tiếng ồn do 2 bộ phận trên gây ra); Thiết kế hệ thống chống sét để bảo vệ công trình và NLĐ, nối đất an toàn các máy móc thiết bị có sử dụng điện; Tổ chức tuyên truyền các chế độ chính sách và tập huấn ATVSLĐ cho công nhân, để NLĐ có sự hiểu biết và yên tâm công tác, gắn bó với nghề; Xây dựng và bố trí nhà vệ sinh, nhà nghỉ giữa ca cho công nhân làm việc trên đồng muối, có sự tính toán về khoảng cách đi lại cho phù hợp…

Để ngành muối phát triển bền vững Nhà nước cần đầu tư, quy hoạch lại các cánh đồng muối đạt yêu cầu quy mô hơn tập trung hơn không để manh mún nhỏ lẻ như hiện nay, đồng thời cơ giới  hoá ngành muối từ phương pháp sản xuất như khâu cơ giới hoá các công đoạn trong quy trình sản xuất; Xây dựng các nhà máy, dây chuyền sản xuất ngay tại cánh đồng muối để giảm bớt tiêu hao, giá thành vận chuyển; Cho vay ưu đãi để đầu tư khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm muối công nghiệp; Hạn chế nhập khẩu để ngành muối trong nước phát triển; Thay đổi chế độ chính sách: Đề xuất nghiên cứu để bổ sung thêm vào danh mục nghề nặng nhọc độc hại nguy hiểm cho một số công đoạn trong nghề muối như: Sản xuất muối thủ công: lao động ngoài trời, thủ công, nặng nhọc (loại V); Sản xuất muối bán thủ công: lao động ngoài trời, thủ công, nặng nhọc (loại IV); Khâu ly tâm muối: môi trường làm việc ẩm ướt, thủ công, nặng nhọc, tiếng ồn lớn (loại V) và khâu muối xay – sấy: thủ công, nhiệt độ cao, tiếng ồn lớn (loại V). Có như vậy điều kiện làm việc của NLĐ nghề muối mới được cải thiện, sức khỏe của NLĐ mới được bảo đảm góp phần đóng góp phát triển nghề muối ở Việt Nam trong tương lai.

(Theo TC BHLĐ tháng 9/2013)


(Nguồn tin: )