Điều tra một số triệu chứng bệnh lý của dân cư sống trong một khu công nghiệp
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm gần đây vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người được rất nhiều các nghiên cứu đề cập tới [3], [5]. Theo thống kê từ Cục y tế dự phòng, tổng lượng hoá chất được sử dụng và sản xuất trong cả nước trong ngành công nghiệp năm 1996 là 18 triệu tấn [2]. Và có khoảng 500 loại hoá chất khác nhau đang được sử dụng [1]. Hiện nay việc quản lý, sử dụng hoá chất còn nhiều điểm bất hợp lý và thiếu quy chuẩn [4]. Tại các khu công nghiệp, sức khỏe cộng đồng dân cư xung quanh luôn phải chịu ảnh hưởng chính từ việc ô nhiễm từ môi trường sản xuất, đặc biệt là ở các công nhân sống tại khu vực này và lại làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp của khu công nghiệp. Để có biện pháp điều trị và dự phòng có hiệu quả sức khỏe cho người dân sống tại khu vực này thì việc có được các số liệu điều tra về biểu hiện bệnh lý trong cộng đồng dân cư là rất cần thiết
II. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
Điều tra một số triệu chứng bệnh lý của dân cư sống trong một khu công nghiệp thuộc tỉnh PT.
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
3428 đối tượng sống trong cùng một khu dân cư thuộc một khu công nghiệp tỉnh PT., trong đó gồm:
-192 đối tượng vừa sống tại khu dân cư này và là các công nhân làm việc trong khu công nghiệp, phải tiếp xúc với hoá chất trong khi làm việc (nhóm I)
-3236 đối tượng là ngưòi dân thông thường, không phải tiếp xúc với hoá chất khi làm việc (nhóm II)
2. Phương pháp nghiên cứu
– Đây là nghiên cứu mô tả cắt ngang.
– Lựa chọn chủ đích toàn bộ dân cư sống trong cùng một khu công nghiệp
– Kỹ thuật nghiên cứu: Điều tra các đối tượng theo mẫu phiếu có sẵn về:
+ Các biểu hiện kích thích các hệ cơ quan của cơ thể
+ Cảm nhận về ô nhiễm môi trường sống
IV. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN
Bảng 1. Đặc điểm đối tượng nghiên cứu
3428 đối tượng sống trong cùng một khu dân cư thuộc một khu công nghiệp thuộc tỉnh PT. với tuổi đời trung bình của nhóm tiếp xúc là 41±8 tuổi và ở nhóm không tiếp xúc là 49±12 tuổi đã được phỏng vấn . Kết quả điều tra cho thấy:
Nhìn chung ở nhóm cộng đồng dân cư khi làm việc phải tiếp xúc với hoá chất (nhóm I) có tỷ lệ các triệu chứng về hô hấp (ho, khạc đờm), các biểu hiện dị ứng (dị ứng, nổi mày đay), các bệnh ngoài da cao hơn so với nhóm cộng đồng dân cư khi làm việc không phải tiếp xúc với hoá chất (nhóm II).Cụ thể là: Ho, sổ mũi < 1 tuần (45,7% và 40,2%); ho kéo dài > 1 tuần (23,9% và 22,6%); dị ứng, nổi mày đay (6,5% và 2,1%); bệnh ngoài da (2,2% và 0,6%). Đối với các bệnh mãn tính: ở nhóm I có tỷ lệ một số bệnh cao hơn nhóm II như các bệnh về khối u (u lành tính và ác tính) (6,3% và 2,5%), các bệnh về sinh sản và phụ khoa (6,3% và 3,0%). Tuy vậy có thể do đối tượng nghiên cứu ở nhóm cộng đồng dân cư khi làm việc phải tiếp xúc với hoá chất không nhiều nên sự khác biệt này không thấy có ý nghĩa thống kê.
Các biểu hiện triệu chứng bệnh lý mắc do kích thích của hai nhóm được trình bày theo bảng sau
Bảng 2. Biểu hiện triệu chứng bệnh lý mắc do kích thích của hai nhóm
Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ các đối tượng có biểu hiện kích thích các hệ cơ quan của cơ thể ở nhóm có tiếp xúc đều cao hơn nhóm không tiếp xúc có ý nghĩa thống kê (P<0,001). Các triệu chứng chính về mắt (cay mắt, chảy nước mắt 30,7% và 14,0%; ngứa mắt 47,0% và 26,4%; đỏ mắt 9,4% và 3,4%), về mũi (cay mũi, chảy nước mũi 30,2% và 15,8%; ngứa mũi, hắt hơi liên tục 26,6% và 16,1%), về họng (ngứa họng 52,6% và 35,7%; đau họng 55,2% và 34,1%); buồn nôn 4,2% và 1,7%; tức ngực 16,1% và 7,4%.
Bảng 3. Mối liên quan giữa cảm nhận ô nhiễm môi trường
và các biểu hiện triệu chứng bệnh lý mắc của cơ thể
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra: Có mối liên quan rõ rệt giữa cảm nhận về môi trường ở cộng đồng dân cư (không khí có mùi khó chịu, có nhiều bụi, bị ô nhiễm bởi chất thải) và các biều hiện kích thích các hệ cơ quan của cơ thể gây mắc các triệu chứng bệnh lý : kích thích mắt (cay mắt, chảy nước mắt); kích thích hệ hô hấp (cay mũi, chảy nứơc mũi, ho, hắt hơi…); kích thích hệ tiêu hoá (buồn nôn…); kích ứng da (ngứa, phát ban…) và một số các triệu chứng cụ thể khác.
V. KẾT LUẬN
Tỷ lệ các đối tượng có biểu hiện mắc triệu chứng bệnh lý do kích thích các hệ cơ quan của cơ thể ở nhóm có tiếp xúc với hoá chất khi làm việc đều cao hơn nhóm không tiếp xúc có ý nghĩa thống kê (p<0,001). Các triệu chứng chính về mắt (cay mắt, chảy nước mắt 30,7% và 14,0%; ngứa mắt 47,0% và 26,4%; đỏ mắt 9,4% và 3,4%), về mũi (cay mũi, chảy nước mũi 30,2% và 15,8%; ngứa mũi, hắt hơi liên tục 26,6% và 16,1%), về họng (ngứa họng 52,6% và 35,7%; đau họng 55,2% và 34,1%); buồn nôn 4,2% và 1,7%; tức ngực 16,1% và 7,4%. Tuy vậy, không thấy có sự khác biệt về tỷ lệ bệnh tật giữa hai nhóm đối tượng này (p>0,05).
Có mối liên quan giữa cảm nhận mức độ ô nhiễm môi trường sống với các biểu hiện mắc triệu chứng bệnh lý do kích thích các hệ cơ quan của cơ thể (p<0,001).
VI. KHUYẾN NGHỊ
Các cơ quan chức năng cần có các biện pháp xử lý thích hợp đối với các nguồn ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp đồng thời ngành y tế lao động cần có biện pháp bảo vệ và cải thiện sức khỏe cho cộng đồng dân cư xung quanh khu công nghiệp.
VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Bích Thắng, Lê Bích Thuỷ, 2002”Tình hình ô nhiễm môi trường do các hoá chất và các biện pháp xử lý ở Việt Nam”, Cục môi trường, Bộ khoa học công nghệ và môi trường
2. Nguyễn Thị Hồng Tú, 2001 ”Nghiên cứu tình hình quản lý, sử dụng hoá chất và sức khỏe người lao động”, Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế
3. Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Báo cáo “Chất lượng không khí hiện tại ở Hà Nội”, 1998
4. Chu Hồng Vân, 2005 ”Đánh giá tình hình sử dụng và ô nhiễm hoá chất tại một số nhà máy quốc phòng”, Báo cáo khoa học toàn văn hội nghị quốc tế Y học lao động và vệ sinh môi trường lần thứ 2, tháng 11 năm 2005, trang 169-175
5. The Department of Health of UK. Committee on the Medical Effects of Air Pollution. Quantification of the Effects of Airpollution on Health in the United Kingdom.,1998
Nguyễn Thu Hà, Tạ Tuyết Bình
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường
(Nguồn tin: Nilp.vn)