Gánh nặng bệnh tật với các chi phí đền bù, chữa trị to lớn do amiang trên thế giới và việt nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:41(GMT +7)

1. Sự độc hại của amiang đối với sức khỏe con người

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và nhiều nước phát triển khuyến cáo về tác động của Amiăng đối với sức khỏe con người: tất cả các loại Amiăng, trong đó có Amiăng trắng, đều là chất gây ung thư cho con người.

Theo các đánh giá mới nhất của Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về ung thư nêu trong chuyên khảo 100C, có đủ bằng chứng cho thấy tất cả các dạng Amiăng (Amiăng trắng, Amiăng Secpentin, Amiăng xanh, Amiăng nâu, Amiăng Tremolite, Amiăng Actinolte, và  Amiăng Anthophylite) đều gây ra ung thư ở người, bao gồm ung trung biểu mô (Mesothelioma), ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng và bệnh bụi phổi  Amiăng (Asbestosis). 

Không có ngưỡng phơi nhiễm an toàn nào được xác định cho các hiệu ứng gây ung thư của  Amiăng trắng, tiếp xúc với Amiăng và thuốc lá đã được chứng minh là có tương tác làm tăng nguy cơ ung thư phổi [1].

Trong những năm 1960, một loạt các nghiên cứu dịch tễ học về tỷ lệ mắc ung thư phổi ở các công nhân nhà máy đóng tàu Mỹ do tiến sĩ Selikoff thực hiện đã xây dựng các liên hệ nhân quả giữa tiếp xúc với Amiăng và nguy cơ ung thư phổi. Năm 1972, ILO khẳng định rằng tiếp xúc với Amiăng và nguy cơ ung thư nghề nghiệp. WHO cũng xác định nguy cơ mắc ung thư phổi và u trung biểu mô có liên quan tiếp xúc với Amiăng.

Amiăng là nguyên nhân gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất, ước tính gây ra một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Antti Tossavainen (2004),  Viện sức khỏe nghề nghiệp Helsinki Phần Lan cho biết: “170 tấn Amiăng được sản xuất và tiêu thụ sẽ gây ra ít nhất một ca tử vong do u trung biểu mô, thường là hậu quả của việc phơi nhiễm nghề nghiệp”. Ở Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, và Úc, việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm Amiăng đạt đỉnh điểm vào những năm 1970. Tỷ lệ mắc u trung biểu mô hiện tại là từ 14 đến 35 trường hợp/triệu dân/năm ở 11 quốc gia công nghiệp phát triển đã sử dụng Amiăng ở mức 2,0 – 5,5 kg/người/năm khoảng 25 năm trước” [2]

2. Gánh nặng bệnh tật của việc sử dụng kéo dài sử dụng Amiăng trên thế giới

Theo ước tính của WHO năm 2004, gánh nặng bệnh tật toàn cầu do Amiăng được ước tính lên tới 107.000 trường hợp tử vong và 1.523.000 người phải sống với khuyết tật (DALYs) [3]

Amiăng là nguyên nhân gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất, ước tính gây ra một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp [3]. Năm 2004, tác giả Antti Tossavainen, cán bộ Cục Vệ sinh và Chất độc công nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp Helsinki Phần Lan cho biết: “170 tấn Amiăng được sản xuất và tiêu thụ sẽ gây ra ít nhất một ca tử vong do u trung biểu mô, thường là hậu quả của việc phơi nhiễm nghề nghiệp”. Ở Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, và Úc, việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm Amiăng đạt đỉnh điểm vào những năm 1970. Tỷ lệ mắc u trung biểu mô hiện tại là từ 14 đến 35 trường hợp/triệu dân/năm ở 11 quốc gia công nghiệp phát triển đã sử dụng Amiăng ở mức 2,0 – 5,5 kg/người/năm khoảng 25 năm trước” [2].

Hình 1. Hình ảnh tổn thương phổi do sợi Amiăng

Bệnh Số người chế DAILYs
Ung thư phổi liên quan đến  Amiăng 41.000 370.000 DAILYs
Bụi phổi 7.000 380.000 DAILYs
U trung biểu mô ác tính 59.000 773.000 DAILYs

Tháng 3 năm 2007, giáo sư Dịch tễ học môi trường Ken Takahashi, Giám đốc Trung tâm hợp tác về sức khỏe nghề nghiệp của WHO, Đại học Sức khỏe Lao động và Môi trường Nhật Bản khẳng định mối liên hệ “rõ ràng và hợp lý” giữa lượng Amiăng mà nước này đã sử dụng trong những năm 1960 – 1969 và tỷ lệ tử vong liên quan đến Amiăng trong năm 2000 – 2004; cứ trên 1kg Amiăng được sử dụng bình quân đầu người hàng năm sẽ tăng 2,4 lần tỷ lệ mắc bệnh u trung biểu mô [5]. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam phân tích gánh nặng bệnh tật liên quan đến Amiăng.

Hình 2. Ung thư trung biểu mô màng phổi

Gánh nặng tài chính và sức khỏe con người của  Amiăng

Tác động kinh tế

Chi phí dành cho bệnh ung thư liên quan đến Amiăng vượt quá giá trị của thương mại Amiăng quốc tế. Năm 2008, chi phí kinh tế trực tiếp dành cho bệnh ung thư liên quan đến Amiăng (gồm chi phí cho y tế, chi phí ngoài y tế, chi phí mất khả năng lao động) là a2,4 tỷ USD, bao gồm ung thư phổi (48.000 trường hợp) = 1,2 tỷ USD; U trung biểu mô (59.000 trường hợp), với chi phí nói trên. Trong khi đó giá trị kinh tế của thương mại Amiăng quốc tế trong năm 2008 chỉ đạt 802 triệu USD [6]

Ở Hoa Kỳ, một quỹ đặc biệt đã được thành lập để bồi thường các nạn nhân Amiăng, trong đó các hãng bảo hiểm và công ty đóng góp 114 tỷ USD [7]. Chi phí cho khoảng 400.000 trường hợp tử vong do ung thư Amiăng ở Châu Âu dự kiến trong vài thập kỷ tới sẽ tiêu tốn 528 tỷ USD [2]. Chi phí điều trị, bồi thường và giải quyết của Ủy ban Y tế và An toàn nghề nghiệp Quốc gia Úc (NIOHSC) ước tính: (i) “chi phí tử vong” là từ 1.500.000 đến 6.100.000 đô la Úc cho mỗi trường hợp; (ii) chi phí cho mỗi trường hợp mắc các bệnh liên quan đến Amiăng khác lần lượt là: cho bụi phổi: 182.200 đô la Úc; (iii) cho Ung thư phổi: 667.000 đô la Úc và cho U trung biểu mô: 667.000 đô la Úc. Chi phí trung bình ước tính của Cơ quan an toàn lao động Úc (SWA) mới nhất (2012): Đối với mỗi trường hợp tử vong là 1.076.920 đô la Úc [8].

Nguồn dữ liệu từ Vương Quốc Anh về các loại bệnh liên quan đến Amiăng được ghi nhận trong năm 2000 và chi phí điều trị các bệnh này cho thấy: Tại Scoland, 120 trường hợp được chuẩn đoán, ghi lại, và điều trị các bệnh liên quan đến Amiăng xảy ra vào năm 2000. Ước tính, u trung biểu mô chiếm 100 trường hợp và chi trả cho Dịch vụ Y tế Quốc gia Scotland khoảng 942.038 bảng.

WHO đã đánh giá các chi phí y tế, chăm sóc và hỗ trợ xã hội liên quan đến các ARD chính ở Châu Âu. Các chi phí điều trị y tế cấp cho 15 quốc gia châu Âu vào năm 2012 theo các trường hợp tử vong do u trung biểu mô được liệt kê trong bảng dưới đây.

Bảng 1: Chi phí bồi thường và điều trị các trường hợp tử vong và bị bệnh liên quan đến Amiăng

STT Nước Các trường hợp tử vong do u trung biểu mô

Chi phí điều trị y tế cấp tính bằng Euro 2012 (15.899,34)

1 Anh 1.891 30.065.651,94
2 Đức 1.063 16.900.998,42
3 Pháp 826 13.132.854,84
4 Italy 1.235 19.635.684,9
5 Bỉ 156 2.480.297,04
6 Tây Ban Nha 263 4.181.526,34
7 Ba Lan 96 1.526.336,64
8 Roman 58 922.161,72
9 Đan Mạch 71 1.128.853.
10 Thụy Điển 123 1.195.618,82
11 Hà Lan 395 6.280.239,3
12 Áo 80 1.271.947,2
13 Phần Lan 75 1.192.450,5
14 Na Uy 54 858.564,35
15 Bồ Đào Nha 19 302.087,46

Tác động của Amiăng đối với xã hội: hiện tại, tác động xã hội của việc sử dụng Amiăng và các nguyên, vật liệu có chứa Amiăng được lan truyền ở nhiều nước trên thế giới. Công bằng xã hội đạt một số cộng đồng sống với Amiăng ở vị trí bất lợi xã hội.

“Cú sốc Kubota” tại Nhật Bản [9]: Ngày 29/6/2005, nhiều công nhân đã từng làm việc tại nhà máy ồng fibro xi măng kanzaki Kubota đã bị ung thư do tiếp xúc với Amiăng. Đến tháng 3/2006, đã có 105 nhân viên nhà máy này, chiếm 10% tổng lực lượng lao động, đã chết vì bệnh liên quan đến Amiăng. Thông báo về số người tử vong do Amiăng dường như “mở cửa xả lũ” cho các công ty khác, tạo ra một bão Amiăng trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản. Năm 2006, các quan chức Kubota đã xin lỗi và bồi thường cho các nhân viên và người dân địa phương tiếp xúc với Amiăng tạo ra bởi hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Kubota như các nhà máy ở Kanzaki và thành phố Amagasaki. Để đáp ứng với tình hình nói trên, chính phủ đã quyết định nên có biện pháp khẩn cấp cần thiết, bao gồm việc tổ chức cuộc họp Chính phủ về vấn đề liên quan đến Amiăng và sau đó ban hành lệnh cấm Amiăng.

Việc sử lý chất thải Amiăng là rất tốn kém và khó thực hiện một cách hoàn toàn an toàn: Việc loại bỏ Amiăng là nguy hiểm và tốn kém. Chi phí loại bỏ Amiăng bao gồm: (i) Loại bỏ tiếp xúc với Amiăng; (ii) Loại bỏ Amiăng và (iii) tăng cường giám sát y tế. Ở Anh, chi phí loại bỏ Amiăng phụ thuộc vào việc loại bỏ Amiăng quy mô và số lượng các nhà thầu chuyên nghiệp có sẵn. Chi phí cuối cùng là hơn 2.500 bảng cho một diện tích lớn, chẳng hạn như một nhà để xe. Nơi khu vực nhỏ hơn tổng chi phí loại bỏ Amiăng có thể dưới 1.000 bảng. WHO ước tính riêng chi phí ở Tây Âu và Hoa Kỳ là khoảng 280 tỷ USD.

3. Gánh nặng bệnh tật của việc sử dụng Amiăng ở Việt Nam

3.1 Tình hình sử dụng Amiăng ở Việt Nam

Với khối lượng tiêu thụ cỡ 60-70 ngàn tấn Amiăng mỗi năm, chỉ riêng trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng tấm lợp AC ở Việt Nam với lịch sử trên 50 năm (kể từ khi nhà máy tấm lợp AC Đồng Nai được xây dựng vào năm 1963) chúng ta đã sử dụng tới vài triệu tấn sợi Amiăng. Với kích thước sợi Amiăng vô cùng nhỏ bé, cỡ vài micron, các sợi này nếu không được bao gói. Bảo quản, vận chuyển, sử dụng đúng cách sẽ rất dễ phát tán vào không khí xung quanh, mà hậu quả là không chỉ người lao động trong các cơ sở sản xuất tấm lợp AC, mà cả cộng đồng dân cư phải gánh chịu.

Trong quá trình sản xuất tấm lợp AC, người ta phải dùng một lượng lớn nước đáng kể để tạo pha lỏng, rồi khuấy trộn hỗn hợp Amiăng, xi măng với các chất phụ gia khác. Không phải nhà máy tấm lợp AC nào cũng sử dụng nước tuần hoàn, mà ngay cả đối với các nhà máy sử dụng phương pháp tuần hoàn nước cũng không tránh khỏi việc nước, bùn thải có chứa Amiăng thải vào hệ thống kênh mương, vào môi trường. Bùn thải khi bị khô kiệt sẽ lại phát tán bụi, sợi Amiăng vào không khí, đầu độc người dân, ấy là chưa kể khả năng người dân uống phải nước nhiễm Amiăng sẽ bị các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.

Nếu như ta làm một phép tính tương đối, với lượng tiêu thụ Amiăng trung bình ở Việt Nam trong những năm 1990 – 2014, kể từ khi các nhà máy sản xuất tấm lợp AC ồ ạt ra đời ở Việt Nam là 70 ngàn tấn/năm (có năm nhiều hơn, năm ít hơn), thì trong gần 25 năm qua chúng ta đã “mang về” Việt Nam tới 1.750.000 tấn khoáng chất độc hại này. Nếu gộp cả lượng Amiăng đã sử dụng ở Việt Nam từ khi nhà máy tấm lợp AC đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng ở Đồng Nai vào năm 1963 thì có lẽ lượng Amiăng đã được sử dụng và đang tồn tại ở nước ta ở các dạng khác nhau phải lên đến 2 triệu tấn!!!

Ngoài Amiăng Việt Nam còn nhập rất nhiều sản phẩm chứa Amiăng, ví dụ: vải, má phanh, vật liệu cách nhiệt, gioãng đệm, thừng, sợi, thảm; đặc biệt các tấm phẳng để trang trí hoặc ngăn che trong các tòa nhà chung cư cao tầng, nhà văn phòng… Các sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ… và cả từ các nước đã cấm sử dụng Amiăng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore

Cần nhấn mạnh rằng, ngay từ năm 2001 Chính phủ Việt Nam đã đưa ra lộ trình cấm sử dụng Amiăng ở tất cả các dạng và hướng người dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm không Amiăng. Tuy nhiên đến năm 2004 (là thời hạn chốt cấm hoàn toàn việc sử dụng tất cả các loại Amiăng), vì các lí do khác nhau, chính phủ đã cho phép kéo dài thêm thời hạn sử dụng Amiăng trắng. Tuy nhiên cấm xây dựng mới các nhà máy sử dụng Amiăng và khuyến khích việc nghiên cứu và sử dụng các loại sợi thay thế Amiăng. Một trong các loại sợi được dùng để sản xuất tấm lợp không Amiăng hiện nay là sợi PVA do nó có các đặc tính ưu việt như: Cường độ bền kéo cao, modun đàn hồi cao, đặc biệt là khả năng tạo liên kết vững chắc với phần tử xi măng trong quá trình thủy hóa, khả năng co giãn, kháng kiềm… Dây truyền công nghệ sản xuất tấm lợp không chứa Amiăng (thay thế bằng sợi PVA) đã được lắp đặt tại Việt Nam từ năm 2007, và từ năm 2008 đến nay các sản phẩm tấm lợp không Amiăng sử dụng PVA đã được sản xuất và chủ yếu cung ứng cho thị trường quốc tế với chất lượng cao. Tiếc rằng do giá thành còn khá cao nên các tấm lợp không Amiăng vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường trong nước.

3.2 Gắng nặng bệnh tật của việc sử dụng kéo dài sử dụng Amiăng

Việt Nam tiêu thụ cỡ 60 – 70 ngàn tấn Amiăng mỗi năm, chỉ riêng trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng tấm lợp AC ở Việt Nam với lịch sử trên 50 năm, chúng ta đã sử dụng tới hai triệu tấn sợi Amiăng. Dựa vào cơ sở khoa học của Antti Tossavainen (2004),  Viện sức khỏe nghề nghiệp Helsinki Phần Lan cho biết: “170 tấn Amiăng được sản xuất và tiêu thụ sẽ gây ra ít nhất một ca tử vong do u trung biểu mô, thường là hậu quả của việc phơi nhiễm nghề nghiệp”. Chúng tôi tính toán với khoảng hai triệu tấn đã sử dụng số lượng người đã mắc ung thư trung biểu mô là khoảng 11.764 người, chưa tính mắc ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng và bệnh bụi phổi Amiăng. Amiăng là chất có thời gian bán hủy rất dài hàng chục năm, đặc biệt với hàng triệu căn nhà sử dụng đang sử dụng tấm lợp rải khắp cả nước và như vậy có hàng triệu người sống trong đó, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng khó khăn, với hiểu biết về tác hại của Amiăng với sức khỏe còn rất hạn chế, do đó họ chưa biết dự phòng tác hại của Amiăng cho chính mình và cho cộng đồng. Nhiều hộ gia đình sau khi mái nhà xuống cấp đã dùng chính tấm lợp đập vỡ rải ra sân, ra đường hoặc làm hàng rào chính đây là nguyên nhân gây ra phát tán Amiăng mà nhiều người dân nhà không sử dụng cũng bị ảnh hưởng.

Hiện nay, Việt nam chúng ta rất khó đánh giá gánh nặng bệnh tật do Amiăng gây ra một cách tổng thể là do các nghiên cứu đã được phê duyệt đều là ngắn hạn, chủ yếu nghiên cứu ngang, không có hệ thống.

Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về chi phí điều trị ung thư do Amiăng cũng như các chi phí cho vấn đề môi trường, tiêu hủy Amiăng. Tuy nhiên báo cáo của PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc viện Nghiên cứu Ung thư, Phó Viện trưởng Bệnh viện K cho thấy: Về chi phí cho điều trị căn bệnh ung thư chung ở Việt Nam có một số đặc điểm như sau: 70% bệnh nhân có bảo hiểm y tế; Gánh nặng kinh tế của thuốc điều trị ung thư trong năm 2010 lên tới 1.621 tỷ VNĐ; Gánh nặng ung thư riêng ở Bệnh viện K là 671,9 tỷ VNĐ (chiếm 26,6% chi phí chung của thuốc); Gánh nặng kinh tế của riêng điều trị ung thư vú lên đến 2088 tỷ VNĐ.

3.3. Phòng chống tác hại của Amiăng

3.3.1. Đối với người dân

– Nên sử dụng vật liệu an toàn;

– Tránh làm vỡ các vật liệu chứa Amiăng gây phát tán bụi Amiăng;

– Xếp gọn các vật liệu thải loại Amiăng vào nơi an toàn và thông báo với cơ quan môi trường để xử lý;

– Nếu sống gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa Amiăng và có nguy cơ tiếp xúc với Amiăng, khi có biểu hiện đường hô hấp cần đi khám phát hiện bệnh kịp thời.

3.3.2. Đối với người lao động

– Sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân đúng quy định (khẩu trang chuyên dụng);

– Không hút thuốc lá, ăn uống tại nơi làm việc;

– Tắm rửa trước khi về nhà, không mang quần áo bảo hộ lao động về nhà;

3.3.3. Đối với cơ quan quả lý nhà nước

– Tăng cường việc giám sát việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động đối với các cơ sở có sử dụng Amiăng;

​- Hạn chế việc sử dụng Amiăng, càng sớm càng tốt chấm dứt sử dụng Amiăng.

Tài liệu tham khảo

  1. Nghiên cứu chuyên khảo 100C của cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) (2012)
  2. Tosavainen A. Việc sử dụng Amiăng toàn cầu và tỷ lệ u trung biểu mô. Báo Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường quốc tế, tháng 1-3/2014, trang 22-25.
  3. Hội thảo của WHO về Cơ chế gây ung thư và đánh giá các sản phẩm thay thế Amiăng trắng, ngày 8-12 tháng 11 năm 2012 tại lyon
  4. Gánh nặng con người và tài chính của Amiăng trong Báo cáo hội nghị khu vực Châu Âu của WHO, ngày 05-06 tháng 11 năm 2012 tại Bonn, Đức.
  5. Ken Takahashi, phòng ngừa ARD trên thế giới và ở Nhật Bản, Hội thảo của Việt Nam về ARD, ngày 25 tháng 2 năm 2014 tại Hà Nội.
  6. WHO, 2013. Gánh nặng con người và tài chính của Amiăng trong Báo cáo Hội nghị khu vực Châu Âu của WHO, ngày 05-06 tháng 11 năm 2012 tại Bonn, Đức.
  7. Tạp chí The Lancet Oncology, Kỳ 10, số 5, trang 453-454, tháng 5 năm 2009
  8. Nico van Zandwijk (viện Nghiên cứu các bệnh liên quan đến Amiăng, Đại học Sydney, Úc). Làn sóng các bệnh liên quan đến Amiăng thứ 3 ở Úc: Hoạt động dự phòng Khẩn cấp cần thiết. Hội thảo quốc tế về các sáng kiến Amiăng châu Á lần thứ 5, tại Busan, Hàn Quốc, năm 2012;
  9. Tóm tắt các biện pháp đối phó với Amiăng tại Nhật Bản. Tháng 3/2011. Phòng Môi trường không khí, Cục Quản lý Môi trường, Bộ Môi trường Nhật Bản.

PGS.TS. Nguyễn Văn Sơn

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)