Hiệu quả của các giải pháp chăm sóc sức khỏe người lao động sản xuất gạch tuynel Bắc Ninh

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:46(GMT +7)

Tóm tắt: Các giải pháp can thiệp được áp dụng tại các Công ty CP gạch Tuynel ở Bắc Ninh nhằm giảm thiểu nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp đã mang lại hiệu quả tốt:

– Sau can thiệp hiệu quả cải thiện thực hành ATVSLĐ đạt 48,8%.

– Can thiệp làm giảm các bệnh cấp tính ở họng (Hiệu quả can thiệp đạt 18,7%). Các bệnh cấp tính ở mũi giảm (Hiệu quả can thiệp đạt 29,93%). Tỷ lệ xuất hiện đợt cấp của bệnh viêm phế quản mạn tính giảm rõ rệt, hiệu quả can thiệp đạt 48,54%. Hiệu quả can thiệp đã giảm tốc độ tiến triển của bệnh đục nhân mắt rõ rệt, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p< 0,05).

– Mô hình các giải pháp can thiệp “Người lao động là trung tâm” trong phòng chống bệnh tật và đảm bảo ATVSLĐ được cộng đồng chấp nhận và có khả năng duy trì, nhân rộng.

– Các tác giả cho rằng cần thiết tăng cường công tác truyền thông giáo dục an toàn vệ sinh lao đông, khám phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời các bệnh nghề nghiệp. Cần duy trì và nhân rộng mô hình các giải pháp “Người lao động là trung tâm trong sản xuất gạch Tuynel.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây ngành xây dựng đã và đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đang có xu hướng mở rộng và phát triển trên phạm vi cả nước, trong đó có các cơ sở sản xuất gạch Tuynel. Đây là một loại hình nghề nghiệp đặc thù với nhiều lao động thủ công, nặng nhọc, độc hại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác hại nghề nghiệp (THNN) hoặc mất an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ảnh hưởng tới sức khỏe [1], [5].

   Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 23 Doanh nghiệp sản xuất gạch Tuynel đang hoạt động, với hàng vạn  người lao động. Do cơ chế thị trường nên nhiều chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác an toàn và sức khỏe người lao động. Đề tài nghiên cứu nhằm áp dụng và đánh giá hiệu quả của một số giải pháp can thiệp giảm thiểu tác hại nghề nghiệp, dự phòng các bệnh liên quan nghề nghiệp trong công nhân sản xuất gạch Tuynel Bắc Ninh.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

– Các doanh nghiệp sản xuất gạch có dây chuyền công nghệ có thể đại diện cho sản xuất gạch Tuynel ở Bắc Ninh.

– Người lao động trực tiếp tại các công ty, nhà máy sản xuất gạch. Các đối tượng công nhân được chọn theo nhóm trên cơ sở công việc và đặc biệt là đặc thù về môi trường và các yếu tố ảnh hưởng của nghề sản xuất gạch.

2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu

2.2.1. Địa điểm

Hai Công ty sản xuất gạch Tuynel đã được chọn ngẫu nhiên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh: Công ty Viglacera Từ Sơn và Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Tân Sơn.

2.2.2. Thời gian nghiên cứu

Thời gian từ tháng 01/2013 đến tháng 2/2015(24 tháng).

2.3. Phương pháp nghiên cứu

2.3.1. Phương pháp và thiết kế nghiên cứu

Chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu (NC) can thiệp (CT), với thiết kế trước sau có đối chứng (ĐC)

Các giải pháp can thiệp theo phương châm lấy người lao động là trung tâm, bao gồm: hoạt động đảm bảo ATVSLĐ phòng chống các bệnh liên quan đến nghề nghiệp, truyền thông, hỗ trợ kết hợp với thanh kiểm tra nhằm phát hiện các sai sót và có kế hoạch khắc phục kịp thời. Trong nghiên cứu này các giải pháp tập trung vào ATVSLĐ và các bệnh thường gặp vì đây là hậu quả thường gặp nhất [3], [7].

2.3.2. Mô hình can thiệp

Mô hình Người lao động là trung tâm được thực hiện có sự tác động qua lại, hai chiều của tất cả các yếu tố cấu thành. Xuất phát điểm từ người lao động, đích đến cũng là đảm bảo ATVSLĐ phòng chống các bệnh liên quan đến nghề nghiệp ở công nhân. Mọi nguồn lực và phương pháp đều tập trung, xuay quanh chủ thể là Người lao động.

            Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả can thiệp bao gồm:

– Hiệu quả giảm thiểu tỷ lệ một số bệnh trong công nhân (Chỉ số hiệu quả/ CSHQ, hiệu quả can thiệp/ HQCT..) trước và sau can thiệp.

– Thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe của người lao động.

– Khả năng duy trì và nhân rộng mô hình

2.4. Phương pháp thu thập và xử lý số liệu

Số liệu được thu thập bằng bộ công cụ phiếu khám và điều tra. Ứng dụng chuơng trình Epi Data 3.1 để nhập số liệu. Phân tích số liệu được tiến hành bằng chương trình SPSS.11.1 theo phương pháp thống kê y học.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU (Xem các bảng 1- 5 và các hộp ý kiến)

Bảng 3.1. Hiệu quả cải thiện thực hành của người lao động về dự phòng tác hại nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp 

Kết quả trên bảng 3.1 cho thấy, sau can thiệp thực hành ở mức kém ở Công ty Viglacera Từ Sơn đã giảm đáng kể (CSHQ là 28,9%). Trong khi ở nhóm đối chứng thuộc Công ty Cổ phần xây dựng Tân Sơn không những không giảm mà lại tăng lên (CSHQ là – 19,9%). Hiệu quả can thiệp đạt 48,8%.

Bảng 3.2. Hiệu quả đối với các bệnh cấp tính ở họng

Kết quả trên bảng 3.2 cho thấy, các bệnh cấp tính ở họng ở nhóm can thiệp đã giảm (CSHQ = 13,6%), trong khi nhóm đối chứng vẫn tăng lên 01 trường hợp. Hiệu quả can thiệp giảm thiểu các bệnh cấp tính ở họng rõ rệt, đạt 18,7%.

Bảng 3.3. Hiệu quả đối với các bệnh cấp tính ở mũi

Trên bảng 3.3 cho thấy, các bệnh cấp tính ở mũi ở nhóm can thiệp đã giảm (CSHQ = 16,1%), trong khi nhóm đối chứng vẫn tăng lên 04 trường hợp. Hiệu quả can thiệp giảm thiểu các bệnh cấp tính ở mũi rõ rệt, đạt 29,93%.

Bảng 3.4. Hiệu quả giảm số đợt cấp bệnh viêm phế quản mạn tính

Kết quả trên bảng 3.4 cho thấy, hiệu quả can thiệp đối với tỷ lệ xuất hiện đợt cấp của bệnh viêm phế quản mạn tính tương đối rõ rệt. Nhóm can thiệp các đợt cấp giảm từ 9 xuống 6 trường hợp, nhóm đối chứng tăng thêm 01 trường hợp. Hiệu quả can thiệp tương đối rõ (48,54%).

Bảng 3.5. Hiệu quả làmchậm tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể (TTT)

Trên bảng 3.5 cho thấy hiệu quả can thiệp đối với bệnh đục TTT không rõ rệt. Tuy nhiên đối với tốc độ tiến triển của bệnh lại rõ rệt, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

IV. BÀN LUẬN

Hiệu quả cải thiện thực hành của người lao động về tác hại nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp và các biện pháp dự phòng tại Bảng 3.1 được cho là khá tốt. Sau can thiệp thực hành ở mức kém ở Công ty Viglacera Từ Sơn đã giảm đáng kể (CSHQ là 28,9%). Hiệu quả can thiệp đạt 48,8%. Kết quả nghiên cứu của Hoàng Thị Thúy Hà (2015) trên công nhân may kết quả thực hành đảm bảo ATVSLĐ sau can thiệp bằng truyền thông là khá tốt ( 76,69%). Kết quả của chúng tôi thấp hơn, cho thấy cần có sự can thiệp đầy đủ và toàn diện hơn ở các giai đoạn tiếp theo.

Hiệu quả đối với các bệnh cấp tính ở họng tại Bảng 3.2 là tương đối rõ. Các bệnh cấp tính ở họng ở nhóm can thiệp đã giảm (CSHQ = 13,6%), trong khi nhóm đối chứng vẫn tăng lên 01 trường hợp. Hiệu quả can thiệp giảm thiểu các bệnh cấp tính ở họng rõ rệt, đạt 18,7%. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Công Hoàng [2] trên công nhân sản xuất xi măng cũng cho hiệu quả đối với các bệnh cấp tính ở mũi, họng là rõ rệt và cao hơn của chúng tôi (HQCT đạt 25,36%. Chúng tôi cho rằng việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ trong sản xuất gạch là tương đối khó nên kết quả có thể chấp nhận được.

Hiệu quả đối với các bệnh cấp tính ở mũi tại Bảng 3.3 là tương đối tốt. Các bệnh cấp tính ở mũi ở nhóm can thiệp đã giảm (CSHQ = 16,1%), trong khi nhóm đối chứng vẫn tăng lên 04 trường hợp. Hiệu quả can thiệp giảm thiểu các bệnh cấp tính ở mũi rõ rệt, đạt 29,93%.

Hiệu quả can thiệp đối với tỷ lệ xuất hiện đợt cấp của bệnh viêm phế quản mạn tính tại Bảng 3.4 là tương đối rõ rệt. Nhóm can thiệp các đợt cấp giảm từ 9 xuống 6 trường hợp, nhóm đối chứng tăng thêm 01 trường hợp.

Hiệu quả can thiệp đối với bệnh đục TTT tại Bảng 3.5 là có cải thiện song không rõ rệt. Tuy nhiên đối với tốc độ tiến triển của bệnh lại rõ rệt, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Như vậy kết quả của can thiệp là có giá trị. Quan điểm về dự phòng tiến triển bệnh nhanh của bệnh đục TTT ở công nhân phơi nhiễm với bức xạ của chúng tôi đã được các nhà quản lý và công nhân ủng hộ. Chính vì vậy Công ty đã đồng ý chọn mua loại kính bảo vệ loại có thương hiệu, đạt chuẩn kỹ thuật cho công nhân phơi nhiễm sử dụng.

   

Hiệu quả các giải pháp “Người lao động là trung tâm” đối với các cán bộ an toàn, y tế tại Hộp 3.1 và người lao động tại Hộp 3.2 trong chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật trong công nhân là tương đối rõ rệt. Nhìn chung các cán bộ an toàn và y tế của Công ty đã nhận thấy rõ hiệu quả thực tiễn của mô hình trong giải quyết những bất cập đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, dự phòng bệnh tật. Qua thảo luận các cán bộ đã thấy trách nhiệm của họ là phải từng bước trang bị các kiến thức cũng như kỹ năng thực hành chuyên môn theo đặc thù tác nghiệp sao cho phù hợp đối với thực tiễn của công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo ATVSLĐ cho các cán bộ an toàn và y tế tại Công ty. Các cán bộ an toàn và y tế đã nhận thấy là cần phải trao đổi trực tiếp, có phản hồi và tôn trọng người lao động thì hoạt động mới đúng đích và có hiệu quả tốt. Hiệu quả cải thiện được là nhờ có sự đồng thuận, hưởng ứng của người lao động. Nhiều tác giả trong và ngoài nước cũng có quan điểm như chúng tôi là mô hình các giải pháp can thiệp phải đồng bộ và có sự hưởng ứng của cả người sử dụng lao động và người lao động [4], [6].

V. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

5.1. Kết luận

            – Sau can thiệp các bệnh cấp tính ở họng đã giảm (CSHQ = 13,6%), hiệu quả can thiệp đạt 18,7%. Các bệnh cấp tính ở mũi giảm (CSHQ = 16,1%), hiệu quả can thiệp đạt 29,93%. Tỷ lệ xuất hiện đợt cấp của bệnh viêm phế quản mạn tính giảm rõ rệt, hiệu quả can thiệp đạt 48,54%. Hiệu quả can thiệp đối với tốc độ tiến triển của bệnh đục nhân mắt rõ rệt, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

  • Các cán bộ an toàn và y tế cũng như người lao động của Công ty đã nhận thấy rõ hiệu quả thực tiễn của các giải pháp đã thực hiện trong đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, dự phòng bệnh tật công nhân.

– Các giải pháp can thiệp lấy“Người lao động là trung tâm”trong phòng chống bệnh tật và đảm bảo ATVSLĐ được cộng đồng chấp nhận và có khả năng duy trì, nhân rộng.

5.2. Khuyến nghị

               Cần tiếp tục triển khai trên diện rộng các giải pháp đồng bộ, nhằm đảm bảo ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho công nhân, tiến tới giảm thiểu hơn nữa tỷ lệ các tai nạn và bệnh liên quan đến nghề nghiệp. Tiếp tục duy trì và nhân rộng kết quả nghiên cứu, áp dụng các giải pháp can thiệp lấy“Người lao động là trung tâm”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Bích Diệp, Nguyễn Thu Hà (2012), “Cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp tư nhân”, Báo cáo khoa học toàn văn. Hội nghị khoa học Quốc tế lần thứ IV về Y học lao động và vệ sinh môi trường, Tạp chí Y học thực hành, tr.104-108.

2. Nguyễn Công Hoàng (2014), Đánh giá thực trạng viêm đường hô hấp ở công nhân các nhà máy xi măng tại Thái Nguyên và đề xuất các giải pháp can thiệp. Đề tài NCKH cấp tỉnh, UBND tỉnh Thái Nguyên 2014.

3. Graber J. M., Stayner L.T. and Cohen R. A. (2014), “Respiratory disease mortality among US coal miners; results after 37 years of follow-up”, US Occup Environ Med,71 (1), pp. 30 – 39.

4. Hadi S, Topobroto (2012), “Education for OSH culture, When and Where to Start, for Whom and in What From?”, Proceedings of the 27 st anual conference of the Asia pacific occupational safety and health organization, Cebu – Philipine, pp. 21-28.

5. Sumanen H et al (2015), “Sikness absence among young employees: trends from 2002 to 2013″, Journal of occupational health, Japan Society for occupational health, V57-NO.5, pp.474-481.

6. Yoo M et al (2015),“Gender and educational level modify the relationship between worplace mistreatment and health problems: a coparison between South Korea and EU countries”, Journal of occupational health, Japan Society for occupational health, V57-NO.5, pp.427-438.

7. Zhang B., Liu B., Zhang H., Wang J. (2015), Respiratory diseases air pollution in QuangThien coal mining (China), University of Quantay, November 2014, Vol. 9, Issue 11, e112624.

TS Trần Danh Phượng – Sở Y tế Bắc Ninh

GS.TS Đỗ Hàm – Trường  Đại học Y Dược Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm: Trần Danh Phượng/ Email:phuongatvstp63@gmail.com


(Nguồn tin: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động, số 3/2018)