Hồ sơ dữ liệu về tiếng ồn, bệnh điếc nghề nghiệp, và các giải pháp kiểm soát tiếng ồn trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:45(GMT +7)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Mặc dù các nhà sản xuất luôn cố gắng nghiên cứu để giảm tới mức thấp nhất tiếng ồn do thiết bị, máy móc gây ra cho người lao động như: quy hoạch nguồn ồn, sử dụng các biện pháp giảm ồn tại nguồn phát sinh hay trên đường tiếng ồn lan truyền, thay thế các loại vật liệu mới có hiệu quả giảm ồn cũng như áp dụng các phương pháp kiểm soát tiếng ồn mới..v.v…. nhưng tiếng ồn vẫn luôn là vấn đề bức xúc trong môi trường lao động. Đặc biệt, tại các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như sản xuất xi măng, đá xây dựng, gạch ngói, gốm sứ xây dựng, có rất nhiều công đoạn phải sử dụng tới các loại máy móc gây tiếng ồn lớn: nghiền, đập, cán, mài… không những ảnh hưởng tới công nhân làm việc trực tiếp tại các vị trí này mà còn ảnh hưởng tới mức ồn chung của toàn phân xưởng.

Bất cứ đánh giá nào về tình hình sức khỏe người lao động cũng cần dựa trên cơ sở vững chắc là số liệu thực tế. Bên cạnh đó, để bắt đầu một công trình nghiên cứu, tác giả cần thu thập hồi cứu trên một khối lượng lớn dữ liệu sẵn có. Tuy nhiên hiện nay, khi thực hiện các nghiên cứu về tiếng ồn, việc thu thập dữ liệu còn tương đối khó khăn do: dữ liệu được lưu trữ phân tán tại nhiều cơ quan; kết quả đo đạc và khám sức khỏe bị đứt quãng qua các năm; phần lớn các nghiên cứu đã thực hiện là mô tả, cắt ngang; và việc công bố kết quả nghiên cứu còn hạn chế.

Đề tài “Bước đầu xây dựng bộ hồ sơ dữ liệu về tiếng ồn, bệnh điếc nghề nghiệp, và các giải pháp kiểm soát tiếng ồn trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng” được thực hiện với mục tiêu: số hóa được bộ hồ sơ dữ liệu về tiếng ồn, bệnh điếc nghề nghiệp và các giải pháp kiểm soát tiếng ồn trong ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam để xây dựng được phần mềm quản lý.

II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Nội dung

    Thu thập, hồi cứu số liệu, dữ liệu
    Xây dựng bộ hồ sơ dữ liệu về tiếng ồn, bệnh điếc nghề nghiệp và các giải pháp kiểm soát tiếng ồn trong ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam
    Xây dựng phần mềm lưu trữ hồ sơ dữ liệu

2. Phương pháp nghiên cứu

  • Điều tra bằng phiếu để thu thập thông tin về các đề tài có liên quan tới tiếng ồn và bệnh điếc nghề nghiệp đã thực hiện tại Việt Nam; số liệu đo đạc môi trường lao động và kết quả khám bệnh điếc nghề nghiệp tại Bệnh viện Xây Dựng.
  • Hồi cứu dữ liệu tại các cơ quan nghiên cứu, thư viện và các nguồn thông tin khác.
  • Xây dựng phần mềm trên cơ sở dữ liệu thu thập được, xử lý và nhập dữ liệu.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Xây dựng bộ hồ sơ dữ liệu

1.1. Nguồn cung cấp dữ liệu chính:

  • Bệnh viện Xây dựng
  • Cục Quản lý môi trường Y tế
  • Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng
  • Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường
  • Viện NC KHKT Bảo hộ lao động
  • Trường Đại học Y Hà Nội
  • Thư viện Quốc gia
  • Thư viện KHKT Trung Ương
  • Các cá nhân chủ nhệm đề tài

1.2. Nội dung bộ hồ sơ dữ liệu:

Bộ hồ sơ dữ liệu bao gồm các nội dung sau:

  • Văn bản pháp quy về kiểm soát tiếng ồn, điếc nghề nghiệp và các ảnh hưởng của tiếng ồn tới sức khỏe người lao động.
  • Tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiểm soát tiếng ồn.
  • Các biện pháp kỹ thuật kiểm soát tiếng ồn.
  • Các nghiên cứu về tiếng ồn, bệnh điếc nghề nghiệp cũng như các ảnh hưởng khác tới sức khỏe người lao động do tiếng ồn gây ra.
  • Dữ liệu đo tiếng ồn và khám bệnh điếc nghề nghiệp trong một số doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Trên nội dung đó, cụ thể, đề tài đã thu thập được:

  • Văn bản pháp quy: có 42 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát tiếng ồn với đầy đủ các thông tin chi tiết và nội dung toàn văn;
  • Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiểm soát tiếng ồn: có 01 quy chuẩn kỹ thuật và 35 tiêu chuẩn về kiểm soát tiếng ồn, trong đó có 30 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và 5 tiêu chuẩn ngành (tiêu chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn vệ sinh lao động, tiêu chuẩn ngành nông nghiệp);
  • Các biện pháp kỹ thuật kiểm soát tiếng ồn: các biện pháp chống ồn được lưu trữ trong hồ sơ dữ liệu bao gồm các biện pháp giảm tiếng ồn không khí bằng áp dụng màn chắn âm; giảm tiếng ồn không khí bằng nguyên lý hấp thụ âm; giảm tiếng ồn không khí bằng nguyên lý cách âm; biện pháp giảm tiếng ồn khí động và một số biện pháp bảo vệ thính lực khác.
  • Các nghiên cứu về tiếng ồn, bệnh điếc nghề nghiệp: có danh sách 36 đề tài nghiên cứu về tiếng ồn, bệnh điếc nghề nghiệp và các ảnh hưởng tới sức khỏe khác do tiếng ồn tại nơi làm việc, trong đó 11 đề tài có nội dung toàn văn; danh sách 44 bài báo, tạp chí và báo cáo trong các hội nghị, hội thảo khoa học về tiếng ồn lao động và các ảnh hưởng tới sức khỏe do ồn;
  • Dữ liệu đo tiếng ồn và khám bệnh điếc nghề nghiệp: có kết quả đo đạc môi trường lao động của 8 doanh nghiệp trong các năm 2009, 2010, 2011 và kết quả khám bệnh điếc nghề nghiệp của 5 doanh nghiệp cũng trong 3 năm kể trên (bao gồm cả danh sách người lao động mắc bệnh điếc nghề nghiệp).

Các nội dung trong 3 phần đầu tiên, đề tài đã kế thừa, bổ sung, sưu tầm …ở các đề tài trước đó. Và các nội dung này được đưa vào trong bộ hồ sơ dữ liệu của đề tài.  

Phần nội dung “Các nghiên cứu về tiếng ồn” bao gồm các đề tài, luận văn, bài báo… từ năm 1971 cho đến nay và thể hiện ở bảng 1, 2, 3.

Phần Dữ liệu đo tiếng ồn và khám bệnh điếc nghề nghiệp lưu trữ kết quả đo đạc tiếng ồn (mức âm tương đương và mức âm theo các dải tần số), kết quả khám bệnh điếc nghề nghiệp tại các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất vật liệu xây dựng, từ đó phần nào cho thấy được mối liên hệ giữa mức tiếng ồn với tình hình mắc bệnh điếc nghề nghiệp tại mỗi doanh nghiệp trong từng năm, nhằm phục vụ các đánh giá và nghiên cứu sâu hơn. Bởi vậy, trong quá trình thu thập dữ liệu, đề tài ưu tiên thu thập dữ liệu của các doanh nghiệp có đầy đủ kết quả đo môi trường và khám bệnh nghề nghiệp như kể trên. Các thông tin đưa vào phần mềm bao gồm:

  1. Đối với doanh nghiệp:
  • Ngành
  • Tên doanh nghiệp
  • Số lao động
  • Địa chỉ
  • Điện thoại
  1. Kết quả quan trắc tiếng ồn
  • Tên doanh nghiệp
  • Vị trí khảo sát
  • Đơn vị thực hiện
  • Mức âm tương đương (LAeq)
  • Mức âm lớn nhất (nếu có) (LMax)
  • Mức âm nhỏ nhất (nếu có) (LMin)
  • Mức âm theo các dải tần số từ 31,5 đến 16000 Hz (Leq)
  1. Bệnh điếc nghề nghiệp:
  • Tên doanh nghiệp
  • Năm khám bệnh nghề nghiệp
  • Đơn vị thực hiện
  • Số lao động được khám bệnh nghề nghiệp
  • Số người mắc bệnh điếc nghề nghiệp mới
  • Số người mắc bệnh điếc nghề nghiệp không tiến triển
  • Số người theo dõi mắc bệnh điếc nghề nghiệp
  1. Danh sách người lao động mắc bệnh điếc nghề nghiệp
  • Năm
  • Doanh nghiệp
  • Họ tên
  • Năm sinh
  • Nghề nghiệp/bộ phận công tác
  • Tuổi nghề (nếu có)
  • Năm phát hiện bệnh nghề nghiệp (nếu có)
  • Đơn vị thực hiện
  • Chuẩn đoán (điếc nghề nghiệp, điếc nghề nghiệp cũ không tiến triển, điếc nghề nghiệp cũ có tiến triển, theo dõi điếc nghề nghiệp…)
  • Tỷ lệ mất sức lao động (nếu có)

Nguồn thu thập dữ liệu tiếng ồn và khám bệnh đếc nghề nghiệp của đề tài là từ Khoa sức khỏe nghề nghiệp – Bệnh viện Xây dựng. Đây là đơn vị vừa thực hiện đo đạc môi trường, vừa thực hiện khám sức khỏe và khám bệnh nghề nghiệp cho nhiều doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Các dữ liệu thu thập được bao gồm:

  • Kết quả quan trắc tiếng ồn trong môi trường lao động của các doanh nghiệp:
  • Công ty Xi măng Hoàng Thạch (2009, 2010)
  • Công ty Xi măng Hải Phòng (2009, 2010)
  • Công ty CP Xi măng Vincem Bút Sơn (2009, 2010, 2011)
  • Công ty CP Xi măng Hà Tiên 2 (2009)
  • Nhà máy gạch ngói Việt Đức – Công ty CP gạch ngói Đồng Nai (2009, 2010)
  • Công ty CP Viglacera Hạ Long I (2009, 2010)
  • Nhà máy gạch Tân Xuyên – Công ty CP Tân Xuyên (2009)
  • Nhà máy gạch Bích Sơn – Công ty CP Tân Xuyên (2009, 2010)
  • Kết quả khám bệnh điếc nghề nghiệp của các doanh nghiệp:
  • Công ty Xi măng Hoàng Thạch (2009, 2010, 2011)
  • Công ty Xi măng Hải Phòng (2009, 2010, 2011)
  • Công ty CP Xi măng Vincem Bút Sơn (2009, 2010, 2011)
  • Công ty CP Xi măng Hà Tiên 2 (2009, 2010, 2011)
  • Công ty Cơ khí Đông Anh (2009, 2010, 2011)

2. Số hóa hồ sơ dữ liệu
2.1. Cơ sở xây dựng phần mềm
Phần mềm “Cơ sở dữ liệu tiếng ồn công nghiệp” được xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ lập trình C# (Csharp), sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu Microsoft SQL Server. Ngoài ra trong quá trình xây dựng phần mềm còn sử dụng công cụ hỗ trợ tạo giao diện DevExpress.
2.2. Giao diện và các chức năng của phần mềm
2.2.1. Giao diện phần mềm
Khi chạy phần mềm, sẽ hiện ra màn hình đăng nhập vào hệ thống như sau:

Trên cùng của giao diện là tên phần mềm “Cơ sở dữ liệu tiếng ồn công nghiệp”, tiếp theo là các trường và các nút chức năng. Dòng chữ “Trung tâm KH Môi trường và Phát triển bền vững – Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động” cùng với địa chỉ, số điện thoại, số fax được thiết kế chạy liên tục trên màn hình. Tiếp đó là phần lời chào và hình ảnh biểu đồ một số loại tiếng ồn thường gặp cùng mức ồn tương đương. Dưới cùng của giao diện là tên tài khoản đăng nhập (vd: CESSD) và ngày, giờ tại thời điểm chạy phần mềm.
Cấu trúc của phần mềm gồm 3 trường: Hệ thống, Quản lý và Danh mục.
► Trường Hệ thống cung cấp các chức năng: Thoát, khởi động lại, sao lưu dữ liệu, phục hồi dữ liệu, thêm người dùng, thay đổi màu giao diện và trợ giúp.

► Trường Quản lý gồm các thư mục: Văn bản quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đề tài nghiên cứu, báo tạp chí, dữ liệu tiếng ồn và bệnh nghề nghiệp, và biện pháp chống ồn.

Các chức năng chính của phần mềm bao gồm: Thêm bản ghi, cập nhật (sửa chữa) một bản ghi đã có sẵn, xóa bản ghi, tìm kiếm, in.

III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Do những khó khăn trong quá tình thu thập dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về các nghiên cứu, bài báo và kết quả quan trắc tiếng ồn, khám bệnh điếc nghề nghiệp nên dữ liệu thu thập được còn hạn chế. Tuy nhiên, hồ sơ dữ liệu cũng như phần mềm lưu trữ cơ sở dữ liệu có cấu trúc mở, có khả năng thêm mới, cập nhật, sửa chữa qua các năm, và mở rộng dữ liệu tới các ngành, lĩnh vực khác. Để có một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, đầy đủ, có ý nghĩa thực tế, cần có cơ chế tiếp tục mở rộng, cập nhật, hoàn thiện hồ sơ dữ liệu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo khoa học toàn văn, Hội nghị KH quốc tế Y học lao động và Vệ sinh môi trường lần thứ I, Hà Nội, 2003

2. Báo cáo khoa học toàn văn, Hội nghị KH quốc tế Y học lao động và Vệ sinh môi trường lần thứ II, Hà Nội, 2005

3. Báo cáo khoa học toàn văn, Hội nghị KH quốc tế Y học lao động và Vệ sinh môi trường lần thứ III, Hà Nội, 2008

4. Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, số 68/2006/QH11

5. Nguyễn Thị Quỳnh Hương, “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và chương trình phần mềm hệ thống các biện pháp kiểm soát tiếng ồn, phục vụ cho phân tích, đánh giá và tư vấn các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp và đô thị”, Báo cáo tổng kết nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp bộ, 2003

6. Atherley G, Noble W, “Occupational deafness: the continuing challenge of early German and Scottish research”, Am. J. Ind. Med., Vol. 8, Issue 2, pp. 101-117, 1985

7. B. Pathak, K. Marha and W. J. Louch, “An industrial noise levels data base”, Ann. occup. Hyg., Vol. 33, No. 2, pp. 269-274, 1989

8. BS 5228-1:2009 Code of practice for noise and vibration control on construction and open sites – Part 1: Noise

9. Noise at work, Magazine – Magazine of the European Agency for Safety and Health at Work, 8/EN, 2005

10. World Health Organization, Environmental Health Criteria 12, Noise, Geneva, 1980

KS. Nguyễn Hoàng Phương

Viện KHKT Bảo hộ lao động


(Nguồn tin: Nilp.vn)