Kiến thức, thực hành sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật của người chuyên canh cà phê tại xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk năm 2016
Kết quả cho thấy: tỷ lệ đối tượng có kiến chung đạt là 64,7% và 40,8% thực hành đạt. Đặc biệt, kiến thức và thực hành về xử lý hóa chất thừa sau phun còn rất thấp (1,3%); 27,3% đối tượng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về mặc đồ bảo hộ lao động khi phun thuốc. Có mối liên quan giữa dân tộc, trình độ học vấn, thâm niên tiếp xúc, tiếp cận thông tin truyền thông về hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) với kiến thức và thực hành sử dụng HCBVTV (p<0,05). Từ đó chúng tôi đưa ra khuyến nghị tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao kiến thức sử dụng HCBVTV an toàn cho người dân và xử lý hành chính các trường hợp vi phạm.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) được sử dụng trong nông nghiệp nhằm mục tiêu bảo vệ mùa màng, cải thiện chất lượng nông sản, song việc sử dụng bừa bãi, khó kiểm soát dẫn đến số vụ ngộ độc cấp tính, mãn tính và dư lượng HCBVTV trong thực phẩm cao [1]. Đắk Lắk là một tỉnh giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, với tổng diện tích đất tự nhiên trên 1.312.500 ha, cây cà phê chiếm 57% diện tích đất nông nghiệp ở Đăk Lăk và 86% diện tích các cây công nghiệp lâu năm của tỉnh, đây là địa bàn trọng điểm và chiến lược về sản xuất nông nghiệp của khu vực Miền trung – Tây Nguyên. Theo thống kê chưa đầy đủ hiện nay trên địa bàn Đắk Lắk có mặt trên 100 chủng loại HCBVTV với nhu cầu tiêu thụ hàng năm từ 1.000 – 1.200 tấn HCBVTV các loại [5]. Pơng đrang là 1 xã trọng điểm kinh tế của huyện Krông Buk, với gần 80% hộ gia đình trồng cà phê. Đó là lý do chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài với 2 mục tiêu:
1. Mô tả kiến thức và thực hành về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong chuyên canh cà phê của người dân tại xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk năm 2016.
2. Xác định một số yếu tố liên quan đến kiến thức và thực hành về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật của người dân trồng cà phê tại xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng, địa điểm và thời gian nghiên cứu
– Đối tượng nghiên cứu: người chuyên canh cà phê sử dụng HCBVTV từ 18 tuổi trở lên và đồng ý tham gia nghiên cứu hiện đang sống tại xã Pơng Drang từ 1 năm trở lên.
– Địa điểm nghiên cứu: xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk
– Thời gian nghiên cứu: Tháng 11/2015 – tháng 9/2016
2.2. Phương pháp và thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang
2.3. Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu
2.3.1. Cỡ mẫu:
Áp dụng công thức tính cỡ mẫu cho ước lượng một tỷ lệ trong quần thể [4]:
Trong đó:
n: Cỡ mẫu nghiên cứu cần có;
Z1-α/2=1,96: là giá trị Z thu được tương ứng độ tin cậy 95%, α = 0,05;
p= 0,5, kết quả NC tại Lâm Đồng (cùng vùng Tây Nguyên) năm 2008 [7];
d = 0,05: Sai số cho phép
Vậy n = 385 người.
2.3.2. Quy trình chọn mẫu nghiên cứu
Chọn mẫu bằng phương pháp ngẫu nhiên hệ thống. Tính tại thời điểm nghiên cứu, toàn xã có 2.760 hộ trồng cà phê, vậy k= 2760/385 ≈ 7. Chọn hộ gia đình đầu tiên bằng cách bốc thăm ngẫu nhiên dãy số từ 1 đến 7. Chọn hộ thứ 2 = hộ đầu tiên + 7 và cứ như vậy cho đến khi đủ cỡ mẫu nghiên cứu là 385 hộ thì dừng (chọn một hộ khác thay thế theo phương pháp cổng liền cổng).
2.4. Thu thập số liệu: Phỏng vấn trực tiếp người nông dân được chọn bằng Bộ câu hỏi và chụp lại những hình ảnh quan sát được tại hộ gia đình và trên rẫy về cách bảo quản và sử dụng HCBVTV của người dân. Bộ câu hỏi và thang điểm đánh giá kiến thức, thực hành được soạn dựa trên cơ sở tham khảo các đề tài đã được thực hiện nghiên cứu trước đây [1], [2], [7].
2.5. Xử lý số liệu: Nhập và làm sạch số liệu bằng phần mềm nhập liệu Epi Data 3.1 và phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 18.0.
III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN (Xem các Bảng 1-4)
Qua khảo sát các thông tin chung về 385 đối tượng nghiên cứu cho thấy đối tượng là nam chiếm 89,4%, có 33,0% đối tượng trong nhóm từ 40 – 49 tuổi, chiếm tỷ lệ cao nhất, và nhóm dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất 7,0% tuổi thấp nhất là 19 và cao nhất 69 tuổi. Người Kinh chiếm 84,7%, 15,3% dân tộc khác, trình độ trung học cơ sở chiếm tỷ lệ cao nhất (47,3%), trình độ trung học phổ thông chiếm 34,5%. Có đến 70,4% đối tượng phun trên 10 năm và 47,5% đối tượng đang có diện tích trồng cà phê trên 1ha, chỉ có 9,6% đối tượng có nhà ở tại rẫy. Có đến 89,4% đối tượng đã từng tìm hiểu hoặc tiếp cận các thông tin liên quan đến sử dụng HCBVTV.
Bảng 3.1. Kiến thức sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật
Đa số đối tượng biết nguyên tắc phun hóa chất an toàn chiếm 90,6%, có 71,7% đối tượng kể được các loại bảo hộ mang trong lúc phun hóa chất, chỉ có 58,2% tổng số đối tượng kể được ≥ 4 loại HCBVTV; 38,4% biết 3 đường xâm nhập vào của hóa chất. Có đến 85,6% đối tượng không biết ý nghĩa vạch cảnh báo độc hại; 48,1% đối tượng biết hòa tan hóa chất an toàn. Tỷ lệ đối tượng biết xử lý hóa chất thừa sau phun quá thấp (5,7%), 30,4% tổng số đối tượng kể được nơi cất hóa chất an toàn. 5,7% đối tượng kể được ≥ 4 triệu chứng ngộ độc và 26,2% đối tượng biết cách xử trí khi bị ngộ độc hóa chất. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu tại Thanh Hóa năm 2014 [3].
Kết quả nghiên cứu cho thấy có 64,7% đối tượng có kiến thức về sử dụng HCBVTV an toàn đạt và 35,3% đối tượng NC có kiến thức chưa đạt. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu tại huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa (2014), tỷ lệ đối tượng có kiến thức chung đạt chiếm 60% [3]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi lại cao hơn tại Đà Lạt, Lâm Đồng năm 2008 với 35% người dân trông rau có kiến thức chung đúng [7].
Bảng 3.2. Thực hành về sử dụng khóa chất bảo vệ thực vật
Trên Bảng 2 ta thấy, có 74,0% đối tượng bảo quản bình phun đúng cách; 63,6% đối tượng pha hóa chất đúng liều lượng, 63,4 % đối tượng phun hóa chất đúng thời điểm và 45,5% đối tượng pha hóa chất đúng cách. Tuy nhiên chỉ có 18,2% tổng số đối tượng đọc đầy đủ thông tin trên bao bì khi mua hóa chất; 18,7% quan sát vạch cảnh báo độc hại khi mua hóa chất. Tỷ lệ đối tượng xử lý hóa chất thừa sau phun đúng cách chỉ có 1,3% đối tượng xử lý đúng; 26,2% đối tượng ăn uống/ hút thuốc trong khi phun hóa chất, và chỉ có 27,3% đối tượng sử dụng ≥ 6 loại BHLĐ trong khi phun hóa chất. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu tại Hà Nam năm 2014 [2].
Biểu đồ 2. Thực hành sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật an toàn
Thực hành đạt về sử dụng HCBVTV an toàn của người trồng cà phê còn thấp, kết quả NC cho thấy chỉ có 40,8% đối tượng nghiên cứu thực hành đạt việc sử dụng HCBVTV an toàn. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với nghiên cứu tại Hà Nam năm 2014 (38,1% đối tượng thực hành đạt [2], tuy nhiên lại cao hơn nghiên cứu tại Bắc Ninh năm 2011 (tỷ lệ đối tượng thực hành về sử dụng HCBVTV đạt thấp chiếm 22,8%) [6] và nghiên cứu tại Đà Lạt, Lâm Đồng năm 2008 (27% người dân thực hành đúng về thuốc bảo vệ thực vật) [7]. Như vậy thực hành sử dụng HCBVTV của người dân đã được cải thiện theo thời gian, tuy nhiên tỷ lệ thực hành đúng còn thấp đây là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng của hóa chất đến sức khỏe của con người (người phun hóa chất trực tiếp và người xung quanh) và môi trường.
Bảng 3.3. Một số yếu tố liên quan với kiến thức sử dụng HCBVTV
Trên Bảng 3 ta thấy, có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa dân tộc và kiến thức sử dụng HCBVTV an toàn (p<0,001, OR= 5,5), những người kinh có kiến thức đạt cao hơn dân tộc khác; Những người có trình đô học vấn từ trung học cơ sở trở lên có kiến thức đạt cao hơn những đối tượng có trình độ học vấn còn lại, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,001, OR=4,8. Những đối tượng có thời gian tiếp xúc với hóa chất trên 10 năm có kiến thức tốt hơn so với đối tượng có thời gian tiếp xúc với hóa chất từ 10 năm trở xuống, có ý nghĩa thống kê với p<0,01& OR=2,2. Tương tự cũng có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tiếp cận thông tin và kiến thức sử dụng HCBVTV an toàn, những người có tiếp cận thông tin có kiến kiến thức đạt cao hơn những người không tiếp cận với p<0,001&OR=5,4. Không tìm thấy mối liên quan giữa giới tính, nhóm tuổi, diện tích canh tác và vị trí nhà ở với kiến thức sử dụng HCBVTV an toàn của đối tượng NC (p>0,05).
Bảng 3.4. Một số yếu tố liên quan với thực hành sử dụng HCBVTV
Bảng 4 cho thấy có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa dân tộc với thực hành sử dụng HCBVTV an toàn, người kinh thực hành đạt cao hơn dân tộc (p<0,001, OR= 25,8), Tương tự có mối liên quan giữa trình độ học vấn với thực hành, những người có học vấn từ trung học cơ sở trở lên có thực hành đạt cao hơn những người có trình độ học vấn dưới trung học cơ sở (p<0,001, OR=4,7) và những người có tiếp cận thông tin thì có thực hành sử dụng HCBVTV an toàn đạt cao hơn những người không tiếp cận, các sự khác biệt này đều có ý nghĩa thống kê (p<0,05, OR = 2,3). Những đối tượng kiến thức đạt thì có thực hành đạt cao hơn so với những đối tượng có kiến thức không đạt, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,001&OR=4,7). Nghiên cứu của chúng tôi tương tự nghiên cứu tại thành phố Đà Lạt năm 2008[7].
IV. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
4.1. Kết luận
– Kiến thức về sử dụng HCBVTV an toàn của người trồng cà phê còn thấp: chỉ có 58,2% tổng số đối tượng kể được ≥ 4 loại HCBVTV; 38,4% biết 3 đường xâm nhập vào của hóa chất. 85,6% đối tượng không biết ý nghĩa vạch cảnh báo độc hại; 48,1% đối tượng biết hòa tan hóa chất an toàn. Tỷ lệ đối tượng biết xử lý hóa chất thừa sau phun quá thấp (5,7%), 30,4% tổng số đối tượng kể được nơi cất hóa chất an toàn. 5,7% đối tượng kể được ≥ 4 triệu chứng ngộ độc và 26,2% đối tượng biết cách xử trí khi bị ngộ độc hóa chất. Chỉ có 64,7% tổng số đối tượng có kiến thức sử dụng HCBVTV đạt yêu cầu.
– Nhìn chung thực hành về sử dụng HCBVTV của người trồng cà phê chưa cao: chỉ có 18,2% tổng số đối tượng đọc đầy đủ thông tin trên bao bì khi mua hóa chất; 18,7% quan sát vạch cảnh báo độc hại khi mua hóa chất. 63,4 % đối tượng phun hóa chất đúng thời điểm; 45,5% đối tượng pha hóa chất đúng cách; 74,0% đối tượng bảo quản bình phun đúng cách. Tỷ lệ đối tượng xử lý hóa chất thừa sau phun đúng cách chỉ có 1,3% đối tượng xử lý đúng; 26,2% đối tượng ăn uống/ hút thuốc trong khi phun hóa chất, và chỉ có 27,3% đối tượng sử dụng ≥ 6 loại BHLĐ trong khi phun hóa chất. Tỷ lệ thực hành sử dụng và bảo quản HCBVTV đạt của người trồng cà phê thấp, chỉ có 40,8% đối tượng thực hành đạt.
– Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa dân tộc, trình độ học vấn, thời gian tiếp xúc, tiếp cận thông tin với kiến thức sử dụng HCBVTV an toàn (p<0,05). Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa dân tộc, trình độ học vấn, tiếp cận thông tin và kiến thức với thực hành sử dụng HCBVTV an toàn (p<0,05). Nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giới tính, nhóm tuổi, diện tích canh tác và vị trí nhà ở với kiến thức và thực hành sử dụng HCBVTV an toàn của đối tượng nghiên cứu (p>0,05).
4.2. Khuyến nghị
– Cần thiết phải tổ chức tập huấn cho người chuyên canh cà phê với các nội dung đảm bảo an toàn vệ sinh lao động phù hợp với thực tiễn địa phương.
– Tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu ra toàn huyện và tỉnh, đặc biệt là các giải pháp can thiệp nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành về sử dụng HCBVTV an toàn cho người dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Văn Hai (2015), Thuốc bảo vệ thực vật, Bộ môn Bảo vệ thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, truy cập ngày 20/11/2015 tại trang web http://caab. ctu.edu.vn/gtrinh/bvtv/ rau%20sach/source/nongDuoc.
2. Đinh Thị Phương Hoa (2014), Kiến thức, thực hành về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và 1 số yếu tố liên quan tại huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam, năm 2014, Luận văn thạc sỹ Y tế công cộng, Trường đại học y tế công cộng.
3. Quách Thị Hoa (2014), Thực trạng kiến thức, thực hành và 1 số yếu tố liên quan đến sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật tại xã Thành Vân, huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa, năm 2014, Luận văn thạc sỹ Y tế công cộng, Trường đại học Y tế Công cộng.
4. Lưu Ngọc Hoạt (2015), Nghiên cứu khoa học trong y học, NXB Y học Hà Nội.
5. Trần Quang Trung (2012), Nghiên cứu tăng cường quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn Đắk Lắk, Luận văn thạc sỹ kinh tế, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Hà Nội.
6. Nguyễn Thị Vân (2011), Kiến thức, thực hành và một số yếu tố liên quan đến sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật của người dân xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, năm 2011, Luận văn thạc sỹ Y tế công cộng, Trường Đại học y tế công cộng.
7. K’ Vởi và Đỗ Văn Dũng (2008), “Kiến thức, thái độ, thực hành về hóa chất bảo vệ thực vật của người dân trồng rau tại thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng năm 2008“, Tạp chí Y học Thành Phố Hồ Chí Minh. 14(1).
BS.Phạm Thị Thúy Hoa, BS. Trần Tô Châu, BS.Phạm Thị Liên,
BS. Lương Thị Hoài Lê, BS.Võ Thị Thu Ngân
Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên
(Nguồn tin: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động, số 3/2018)